Nguy cơ leo thang đối đầu chiến lược giữa Nga và NATO

Kể từ khi xung đột nổ ra, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây luôn trong tình trạng căng thẳng. Khi xung đột diễn ra khốc liệt và kéo dài, nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO luôn treo lơ lửng. Đặc biệt, hàng loạt những diễn biến gần đây, với hàng loạt phát biểu của các nhà lãnh đạo phương Tây đề cập khả năng triển khai lực lượng tới Ukraine, nỗ lực gia nhập NATO của Thuỵ Điển gần tới đích, hay cuộc tập trận quy mô lớn của NATO ngay gần biên giới Nga, đang làm tăng nguy cơ leo thang đối đầu chiến lược giữa Nga - NATO hay Nga và phương Tây.

Vụ rò rỉ chấn động 

Đài truyền hình RT của nhà nước Nga ngày 1/3 đã công bố đoạn ghi âm dài 38 phút về cuộc trò chuyện giữa bốn sĩ quan quân đội Đức về cách quân đội Ukraine có thể sử dụng tên lửa hành trình Taurus nếu Đức cung cấp vũ khí.

Theo Tổng biên tập RT Margarita Simonyan, giọng nói trong đoạn ghi âm là của người đứng đầu lực lượng không quân Đức, Tướng Ingo Gerhartz; Phó Tham mưu trưởng, Chuẩn tướng Frank Graefe; và hai nhân viên từ Trung tâm điều hành không quân của Bộ chỉ huy vũ trụ Đức.

Thủ tướng Đức Scholz.

Trong đoạn ghi âm, các sỹ quan Đức tranh luận về việc có nên gửi loại vũ khí này tới Ukraine hay không, cũng như các kịch bản có thể trong trường hợp Kiev sử dụng vũ khí này để tấn công cầu Crimea có tầm quan trọng chiến lược. Ngoài việc sử dụng tên lửa Taurus, các quan chức Đức được cho là còn đề cập đến sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài ở Ukrane để giúp Kiev vận hành vũ khí do phương Tây cung cấp.

Cuộc trò chuyện diễn ra trên nền tảng trực tuyến không được mã hoá WebEx, và Bộ Quốc phòng Đức xác nhận các tướng không quân đã bị nghe lén. Nội dung đoạn băng bị rò rỉ khiến Đức phải ngay lập tức xem lại hệ thống tình báo và phản gián. Thế nhưng, Berlin cũng đang phải đối diện với những vấn đề rất lớn.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius cho rằng vụ rò rỉ là "một phần của cuộc chiến thông tin mà Nga đang thực hiện".

Nga ngay lập tức đã triệu đại sứ Đức sau khi đoạn băng ghi âm được công bố. Điện Kremlin khẳng định đoạn ghi âm bị rò rỉ cho thấy sự tham gia trực tiếp của tập thể phương Tây vào cuộc xung đột tại Ukraine.

Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin phát biểu: “Đoạn ghi âm cho biết trong quân đội Đức, các kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga đang được thảo luận một cách thực chất và cụ thể”.

Ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, viết trên một bài đăng trên Telegram rằng “Đức đang chuẩn bị cho chiến tranh với Nga”.

Với các đồng minh, Đức đang bị coi là không trung thực. Trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz từ trước đến nay đều miễn cưỡng với khả năng cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine, bất chấp sức ép từ các đồng minh thì việc đoạn băng được công khai, việc quân đội Đức công khai thảo luận về việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine phản ánh thực tế rằng quan chức Đức hành động khác với tuyên bố của Thủ tướng.

NATO sẽ triển khai quân tới Ukraine?

Quan hệ Nga - NATO đã đi xuống nghiêm trọng sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022. Căng thẳng giữa hai bên gần đây leo thang sau khi tại cuộc họp gồm 20 nhà lãnh đạo, chủ yếu là châu Âu ở Paris hôm 26/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông từ chối loại trừ khả năng gửi bộ binh tới Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chia sẻ: “Không có sự đồng thuận nào về việc chính thức hỗ trợ bất kỳ lực lượng bộ binh nào. Nhưng về mặt động lực, không có gì nên bị loại trừ. Chúng tôi sẽ làm mọi cách để Nga không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này".

Cho tới nay, NATO mới chỉ giới hạn ở việc huấn luyện các lực lượng quân sự của Ukraine và cung cấp vũ khí cho Kiev. Các nước thành viên NATO lo ngại rằng việc trực tiếp đối đầu với quân đội Nga ở Ukraine sẽ khiến xung đột leo thang trong bối cảnh Tổng thống Nga Putin và các cộng sự thường xuyên cảnh báo rằng Nga có thể dùng tới vũ khí hạt nhân nếu nổ ra xung đột lớn hơn.

Binh sĩ NATO tham gia cuộc tập trận Mũi tên Pha lê ở Adazi, Latvia. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Chúng tôi có vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ. Và họ nên hiểu rằng những gì họ đang làm hiện nay nhằm đe dọa cả thế giới - có nguy cơ dẫn tới xung đột với vũ khí hạt nhân. Điều đó có nghĩa là nền văn minh sẽ bị hủy diệt.”

Ý tưởng về việc gửi quân chiến đấu tới Ukraine đã bị các đồng minh NATO của Pháp gồm Mỹ, Anh và hầu hết các nước EU ngay lập tức bác bỏ. Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne sau đó đã tìm cách giải thích những bình luận của ông Macron rằng Paris có thể gửi quân đến Ukraine vì những nhu cầu cụ thể, nhưng không phải để tham gia cuộc chiến chống lại Nga.

Nấc thang mới trong cuộc đối đầu Nga - NATO

Đối đầu Nga - NATO không chỉ diễn ra tại chiến trường Ukraine. Nga đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc NATO mở rộng quy mô, cho rằng đó là mối đe dọa an ninh quốc gia và lý do khiến nước này phải tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Việc Phần Lan và Thuỵ Điển đồng thời nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022, với Phần Lan đã trở thành quốc gia thành viên của NATO vào tháng 4/2023 còn nỗ lực gia nhập NATO của Thuỵ Điển vừa tới đích cũng đang đẩy cuộc đối đầu giữa Nga và NATO lên một nấc thang mới.

Thụy Điển đã chính thức trở thành thành viên thứ 32 của NATO sau khi văn kiện chính thức hóa việc Stockholm gia nhập khối quân sự do Mỹ dẫn đầu có hiệu lực. Một tài liệu do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố khẳng định rằng tất cả các điều kiện để Thụy Điển gia nhập NATO đã được đáp ứng và nghị định thư xác nhận tư cách thành viên của Stockholm có hiệu lực vào ngày 7 tháng 3 năm 2024. Lễ kết nạp Thụy Điển vào NATO được tổ chức tại Washington, Mỹ với sự tham dự của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson.

Trải qua hơn 70 năm, NATO đã mở rộng với hơn 30 quốc gia. Theo giới phân tích quân sự quốc tế, những gì đang diễn ra tại châu Âu là khởi đầu của thời kỳ biến động mới. Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập NATO sau nhiều thập kỷ duy trì chính sách không liên kết quân sự, làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và NATO, khiến cuộc chạy đua vũ trang tại châu Âu tăng tốc, "bóng ma" Chiến tranh Lạnh có nguy cơ quay trở lại và thế giới sẽ phân cực sâu sắc hơn giữa một bên là Nga cùng một số nước khác và bên còn lại là NATO.

7 thập kỷ đông tiến của NATO. Đồ họa: Statista.

Với tiềm lực quân sự của mình, Thuỵ Điển và Phần Lan sẽ bổ sung cho sức mạnh trên biển và trên không của NATO ở Biển Baltic và cực Bắc. NATO lúc này có thể tập trận và thiết lập các cơ sở quân sự sát biên giới với Nga và vùng Kaliningrad cùng cảng biển Saint-Petersbourg của Nga sẽ bị cô lập hơn.

Nga luôn tuyên bố mọi hành động mở rộng NATO về phía Đông là mối đe dọa với sự sống còn của nước này. Nga có thể tính đến việc triển khai vũ khí hạt nhân sát biên giới Phần Lan và vùng biển Baltic nếu NATO điều lực lượng đến Phần Lan. Trong trường hợp NATO thiết lập các khí tài quân sự quan trọng hoặc đồn trú một lượng lớn quân tại Phần Lan thì sự đáp trả của Nga có thể quyết liệt hơn.

“Bóng ma” Chiến tranh Lạnh quay trở lại?

Căng thẳng Nga - NATO tiếp tục bị đẩy lên cao khi ngày 4/3, NATO đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trên lãnh thổ Bắc Âu, ngay sát biên giới Nga. Cuộc tập trận có tên gọi “Phản ứng Bắc Âu 2024” do Na Uy dẫn đầu, dự kiến kéo dài gần hai tuần tại các khu vực phía Bắc Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển với sự tham gia của hơn 20.000 binh sĩ từ 13 quốc gia. Đây chỉ là một phần của cuộc tập trận “Người bảo vệ kiên định 2024”, cuộc tập trận quy mô nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, mà NATO đang tiến hành kể từ tháng 1. Những diễn biến này khiến giới quan sát không khỏi quan ngại bóng dáng của Chiến tranh Lạnh đang trở lại.

Các binh sĩ Nga tham gia tập trận tại Crimea. Ảnh: Tass.

Theo quân đội Phần Lan, với sự tham gia của hơn 4.000 binh sĩ, “Phản ứng Bắc Âu 2024” là cuộc tập trận đầu tiên mà Phần Lan tham dự với tư cách một quốc gia thành viên NATO, cũng là cuộc tập trận đa quốc gia lớn nhất từ trước đến nay mà nước này từng tham gia.

Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga, đã gia nhập NATO vào tháng 4 năm 2023, chấm dứt nhiều thập kỷ duy trì chính sách không liên kết quân sự. Trong khi đó, sau khi đã được tất cả các thành viên NATO phê chuẩn, nước láng giềng Thụy Điển cũng đang hoàn tất các thủ tục để gia nhập liên minh quân sự này và sẽ sớm trở thành thành viên thứ 32 của NATO ngay trong tháng 3.

Một cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ hôm 18/1/2024. Ảnh: AP.

Cuộc tập trận trên toàn Bắc Âu là một phần của “Người bảo vệ kiên định 2024”, cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong 35 năm qua, huy động 90.000 quân nhân từ 31 thành viên NATO và Thụy Điển, với hơn 50 tàu - từ tàu sân bay đến tàu khu trục, cùng với hơn 80 máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái cùng ít nhất 1.100 phương tiện chiến đấu tham gia. Cuộc tập trận nhằm kiểm tra khả năng triển khai lực lượng của liên minh này và huấn luyện kế hoạch phòng thủ mới của NATO.

Ông Christopher Cavoli - Tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu cho biết: “Liên minh sẽ thể hiện năng lực củng cố khu vực châu Âu - Đại Tây Dương thông qua việc di chuyển lực lượng xuyên Đại Tây Dương từ Bắc Mỹ. Việc tăng cường này sẽ diễn ra dựa trên kịch bản xung đột giả định chống lại một đối thủ ngang tầm.”

Quan hệ Nga - NATO hiện đang được cho là ở mức xấu nhất từ trước đến nay. Moscow gọi cuộc tập trận của NATO ngay trên lãnh thổ các quốc gia sát biên giới với Nga là một sự khiêu khích tập thể, có thể kích động một cuộc chiến tranh thế giới mới. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ ra đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy chính sách chống Nga của phương Tây hiện đã lên đến đỉnh điểm.

Rủi ro tăng cao từ đối đầu Nga – NATO

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko, quy mô của cuộc tập trận đánh dấu sự trở lại không thể thay đổi của NATO đối với các kế hoạch Chiến tranh Lạnh. Ba từ “Chiến tranh Lạnh” đã một lần nữa được phía Nga nhắc lại sau lần đầu tiên đề cập vào tháng 7/2023, khi Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo nhấn mạnh NATO đã quay trở lại với các kế hoạch của thời Chiến tranh Lạnh. Động thái và phát ngôn từ cả hai phía suốt thời gian qua đẩy cao những lo ngại về nguy cơ căng thẳng Nga - phương Tây, Nga - NATO leo thang sang một giai đoạn mới.

Phần Lan chính thức được kết nạp vào NATO. Ảnh: CBS.

Căng thẳng Nga - NATO hiện nay theo sau một loạt các diễn biến đáng chú ý trong nhiều tháng qua. Tháng 11/2023, Nga rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu, đây là cơ chế quan trọng để thiết lập thế cân bằng quân sự, giới hạn số lượng phương tiện chiến đấu trên khu vực, tránh các bên tập trung lực lượng quy mô lớn để tấn công chớp nhoáng. Trong khi đó, NATO đạt được nhiều bước tiến trong mở rộng khối, với Phần Lan gia nhập và Thụy Điển đã trở thành thành viên chính thức của liên minh.

Từ khi  xung đột Nga - Ukraine nổ ra tháng 2/2022, NATO đẩy mạnh các hoạt động củng cố lực lượng, tăng cường năng lực quốc phòng. Chi tiêu quốc phòng các nước thành viên NATO liên tục tăng. Ba Lan tăng chi tiêu quân sự ở mức 4% GDP vào năm 2023. Đức cải tổ học thuyết quốc phòng, lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Một số nước hồi đầu tháng này cũng đã thống nhất mua tới 1.000 tên lửa Patriot nhằm tăng cường hệ thống phòng không của châu Âu.

Rủi ro tăng cao từ đối đầu Nga – NATO. Ảnh: Tass.

Về phần mình, chỉ trích việc NATO điều quân và khí tài quân sự áp sát biên giới Nga gây ra mối đe doạ rõ ràng đối với nước này. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định tuyên bố của phương Tây rằng quân đội Nga sau chiến thắng ở Ukraine sẽ đến các nước Baltic, Phần Lan và các nước NATO khác là nhằm mục đích đạt được sự phân bổ hỗ trợ mới cho Kiev, còn bản thân Nga không có mong muốn, về quân sự, về chính trị hay kinh tế cần phải tấn công bất kỳ ai.

Để phản ứng, Nga đã thành lập hai quân khu chiến lược Leningrad và Moscow giáp biên giới NATO ở phía Tây và Tây Bắc của Nga để đối phó với mối đe dọa từ NATO.

Các chuyên gia cho rằng những nguy cơ ngày càng tăng từ đối đầu Nga - NATO đang khiến châu Âu có thể bước vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Một cuộc chạy đua vũ trang có thể sẽ diễn ra. Viễn cảnh mà không quốc gia nào mong muốn có thể khiến quan hệ Nga - NATO đi vào ngõ cụt; đồng thời, tạo những kịch bản nguy hiểm cho an ninh toàn cầu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Quân đội Israel thừa nhận đã không thể đánh chặn một "vật thể bay" được phóng từ Yemen tới Tel Aviv, làm ít nhất 16 người bị thương.

Phe đối lập Syria tuyên bố muốn đóng góp vào hòa bình khu vực sau cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Ahmed al-Sharaa và phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Damascus.

Một đoàn gồm 120 binh sĩ Pháp đã rời Chad vào ngày 20/12, đánh dấu sự khởi đầu cho cuộc rút quân của Pháp khỏi một trong những thuộc địa cuối cùng mà Pháp vẫn duy trì sự hiện diện quân sự.

Theo một tuyên bố từ quân đội Iraq, nước này đã gửi gần 2.000 binh lính Syria trở về quê hương vào ngày 19/12, sau khi họ tìm kiếm nơi trú ẩn tại Iraq trong cuộc tấn công của các lực lượng đối lập nhằm lật đổ cựu Tổng thống Bashar al-Assad vào đầu tháng này.

Ngày 19/12, phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn của Houthi, ông Yahya Sarea tuyên bố, lực lượng này đã sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài với Israel.

Washington đã cung cấp khoảng 100 tỷ USD viện trợ tài chính và hỗ trợ quân sự cho Kiev kể từ khi xung đột Nga - Ukraine leo thang vào năm 2022 và phần lớn số tiền này được chi bên trong nước Mỹ cho sản xuất quốc phòng.