Nhà báo Trần Mai Hạnh - những ký ức còn mãi
Trong mắt những đồng nghiệp nhiều thế hệ, nhà báo Trần Mai Hạnh là nhà báo xuất sắc, nhà quản lý báo chí có tầm và có tâm. Ông là “người đi qua số phận”, chứng nhân được lựa chọn trong mỗi khoảnh khắc của lịch sử; vinh quang tột đỉnh cay đắng tột cùng. Ông thật sự là nhà báo sống chết với nghề, sống chết vì nghề…
Là một nhà báo trẻ, tôi chưa từng một lần có may mắn gặp mặt ông - nhà văn, nhà báo lão thành Trần Mai Hạnh. Một lần tình cờ, tôi biết tới cuốn sách “Lời tựa một tình yêu” – một Bản tình ca Cách mạng chân thật mà hào hùng của tác giả Trần Mai Hạnh. Trong cuốn sách đó, tôi bắt gặp tình yêu của hai người chiến sĩ cách mạng kiên trung Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu. Họ đã vượt qua những tháng năm tù đầy đòn roi tra tấn của kẻ thù, vượt qua hiểm nguy và cả cái chết để đến với nhau. Mối tình của họ thủy chung, trong sáng, đẹp như một huyền thoại. Tôi biết đến ông từ đó.
Trong suốt 20 năm làm báo của mình, chưa gặp ông dù chỉ một lần nhưng tôi lại biết về ông qua rất nhiều câu chuyện của bạn bè, đồng nghiệp. Trong ký ức của họ, nhà báo Trần Mai Hạnh là một nhà báo xuất sắc, có mặt ở những giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước; một nhà lãnh đạo báo chí có tầm và có tâm.
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, hiện là Phó TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam kể, anh vẫn còn nhớ lần đầu tiên nhìn thấy nhà báo Trần Mai Hạnh ở Đài Tiếng nói Việt Nam là cuối năm 1996, khi anh được dự một lớp học tiền công vụ. Với anh đó là lớp nhập môn nghề báo, cũng là vào nghiệp phát thanh. Nhà báo Trần Mai Hạnh được nhà báo Phan Quang đưa đi tham quan cơ ngơi của VOV trước khi chính thức tiếp quản chức vụ Tổng giám đốc. Qua lớp học, nhà báo Phan Quang giới thiệu đây là lớp phóng viên trẻ Đài mới tuyển rất bài bản, cũng là lần đầu sau nhiều năm Đài tuyển nhiều phóng viên mới. Sau đó, nhà báo Phan Quang hỏi nhà báo Trần Mai Hạnh: "Anh thấy các bạn phóng viên mới thế nào?". Ông Hạnh nói một câu: "Giỏi giang hay không còn phải chờ thời gian trả lời, nhưng rõ ràng là tất cả đều rất trẻ!".
Nhà báo Trần Mai Hạnh về làm Tổng giám đốc Đài TNVN giữa lúc chuyển giao thế hệ bắt đầu diễn ra mạnh mẽ nhất. Một lứa phóng viên biên tập, kỹ thuật viên vàng son của thời kỳ chống Mỹ bắt đầu đứng bóng, nối tiếp nhau nghỉ hưu. Sức đổi mới, cập nhật có phần chậm hơn tốc độ vũ bão của xã hội, đặc biệt là kỹ thuật- công nghệ. Anh Phạm Mạnh Hùng vẫn còn nhớ như in cảm giác hẫng hụt, thất vọng khi lên cơ quan nhận việc được giao một cái bàn gỗ cũ kỹ, một cái máy đánh chữ cổ lỗ sĩ. Trong khi ở trường đại học, ở văn phòng trước khi anh vào Đài đã trang bị máy tính hiện đại kết nối internet. Việc đầu tiên của nghề báo là học đánh máy chữ theo kiểu mổ cò, đánh sai thì lại dùng bút xoá xoá đi, đợi khô để đánh lại đè lên. Sau một ngày làm việc, mấy đầu ngón tay tê cứng, nhem nhuốc, nhoè nhoẹt mực bút xoá.
Ngay những ngày đầu nhậm chức, nhà báo Trần Mai Hạnh làm việc với các Ban biên tập. Anh Phạm Mạnh Hùng kể, anh vẫn nhớ như in không khí cuộc gặp ở Ban Kinh tế, Khoa học và Công nghệ tại 37 Bà Triệu. Phòng làm việc của Trưởng ban Hoàng Hàm không đủ rộng, mọi người phải kê ghế ra ngoài hành lang ngồi hóng vào. Ai đứng lên phát biểu cũng hăng hái, bức xúc về lối làm phát thanh xơ cứng đơn điệu, thiếu hơi thở cuộc sống, cách thức tổ chức chương trình bất cập, cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu, lương bổng hạn chế…
Khi mọi người nói hết, ông Hạnh đứng lên tiếp thu đầy đủ, kiến giải hợp lý, đến phần chuyên môn báo chí thì ông càng nói càng hăng. Ông bảo: “Từ nãy đến giờ các anh chị phê phán, công kích rất nhiều. Tôi thấy đều đúng cả, nhưng xin lỗi tất cả các anh các chị ngồi đây, đó chính là sản phẩm của chính các anh các chị để lại. Tôi mới về Đài một tháng chưa kịp đụng chạm gì.”
Một việc mà ông Hạnh làm gây sốc lúc đó giờ thì là chuyện rất bình thường, là quyết định để khoảng 20 cán bộ đã quá tuổi nghỉ hưu vài năm nhưng vẫn làm việc và hưởng lương bình thường về nghỉ hưu thật, trong số đó có cả người quen của ông.
Hai tháng sau, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 1996, ông Trần Mai Hạnh đã có bài phát biểu chỉ rõ những thách thức lớn mà Đài TNVN phải đối diện. Đặc biệt ông đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập về nội dung cần phải khắc phục. Đó là tin ít, chậm, thiếu tin hay tin độc; thiếu quan điểm, chính kiến của Đài trước những vấn đề, vụ việc nóng bỏng của đời sống xã hội; bỏ trống, né tránh nhiều mảng đề tài gai góc; chưa tạo ra sự hấp dẫn và nuôi dưỡng sự hấp dẫn qua các sự kiện quan trọng, các vụ việc lớn để thu hút thính giả; thông tin thiếu tính tổ chức và chủ động. Đặc biệt là tình trạng cát cứ, độc quyền làn sóng diễn ra ở từng chương trình, từng Ban biên tập. Dẫn ví dụ về sự sụp đổ của hãng thông tấn UPI (Mỹ), ông nhấn mạnh, một cơ quan báo chí mà thiếu chính kiến thì dù có nhiều tiền và kỹ thuật tân tiến đến mấy cũng không cứu được.
Trần Mai Hạnh xác định Đài TNVN phải đổi mới cả hai khâu có quan hệ mật thiết, cốt tử với nhau đó là nội dung và công nghệ - kỹ thuật. Riêng ở khâu nội dung cần phải chọn điểm đột phá là các chương trình thời sự, tập trung xây dựng chương trình thời sự trực tiếp thật mạnh, thật hay để người ta không thể không nghe Đài TNVN.
Ngoài việc trực tiếp tham gia chỉ đạo nhiều chiến dịch thông tin trên sóng phát thanh, mở ra nhiều chương trình phát thanh trực tiếp, nhà báo Trần Mai Hạnh đã để lại nhiều dấu ấn ở VOV. Không chỉ qua việc mở ra thêm các loại hình báo chí, các cơ quan thường trú trong và ngoài nước mà còn xúc tiến cải thiện cơ bản chế độ định mức, thù lao cho các khu vực. Nhờ đó, mức thu nhập của nhân viên nhà Đài đã tăng 2-3 lần.
Nhà báo Trần Mai Hạnh luôn nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo. Sản phẩm của lãnh đạo là quyết định. Không ra nổi quyết định thì không thể làm lãnh đạo được và cũng không nên làm lãnh đạo nữa. Không quyết định cũng chết và quyết định sai thì càng chết và chết sớm. Sau này, anh em nhà Đài vẫn nhắc lại câu cửa miệng đã thành thương hiệu của Trần Mai Hạnh: "Không khéo thì chết cả nút”.
Từ công việc làm báo, trải qua bao chức vụ quan trọng, có cả vinh quang và cay đắng, nhà báo Trần Mai Hạnh lại trở về với nghề báo theo đúng nghĩa của nó. Bạn bè đồng nghiệp nói về ông có thể có những cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, nhưng tư chất của một nhà báo lão luyện, một nhà quản lý báo chí bản lĩnh, có tầm chiến lược thì không ai có thể phủ nhận.
Không chỉ vậy, những bạn đồng nghiệp trẻ cùng lứa với tôi, trong những câu chuyện không đầu không cuối mỗi lần gặp nhau, khi có một điều gì nhắc nhớ về nhà báo Trần Mai Hạnh, họ đều dành cho ông rất nhiều tình cảm yêu quý, trân trọng.
Tôi có một cô bạn đồng nghiệp năng động, cá tính, có may mắn được làm việc cùng ông tại báo điện tử Tổ Quốc, nơi ông làm cố vấn. Cô bạn tôi chia sẻ lớp trẻ học được biết bao điều từ chú qua những lần lên ý tưởng, biên tập bài vở, thông tin những vụ việc nhạy cảm... Căn phòng cố vấn của chú luôn sáng đèn dù khi ấy chú đã chạm tuổi 80. Hầu như ngày nào tới cơ quan làm việc, cô ấy đều thấy căn phòng của ông đã sáng đèn và thoang thoảng mùi hương cà phê buổi sớm. Chú không một chút nào làm phiền và can thiệp vào công việc của các phóng viên. Chỉ có các phóng viên trẻ suốt ngày đêm làm khổ chú.
Cô bạn tôi kể, có hôm cơ quan có công việc quan trọng đột xuất, 1-2 giờ đêm chú vẫn nghe máy giúp cô và đồng nghiệp chỉnh sửa những bản thảo quan trọng, cùng những lời khuyên hữu ích cho bài ngày mai nên đăng hay không. Cô hay mắc những lỗi trời ơi, mỗi lần như vậy chú đều nhắc nhở và bảo, một chi tiết nhỏ cũng có thể khiến một tờ báo đóng cửa.
Trong trí nhớ của cô bạn, nhà báo Trần Mai Hạnh dù tuổi đã cao nhưng lại cực kỳ am tường công nghệ. Chú làm việc trên những chiếc máy tính với các lệnh có đôi khi cô còn không biết, các phần mềm, các loại điện thoại chú sử dụng vô cùng linh hoạt, cẩn trọng.
Những chuyện về ông từ nhiều thế hệ đồng nghiệp khiến tôi thêm yêu mến và kính trọng ông- một nhà báo lão thành có nghiệp vụ xuất sắc và một trái tim ấm áp…
Đến sáng nay, tôi vô cùng bất ngờ khi đọc được dòng cảm xúc của rất nhiều đồng nghiệp hay tin nhà báo Trần Mai Hạnh đã rời cõi tạm.
Nhà báo Trần Mai Hạnh ra đi, để lại một khoảng trống lớn đối với đội ngũ những người làm báo, chắc không chỉ riêng báo điện tử Tổ Quốc.
Riêng tôi, một nhà báo trẻ của Đài Thủ đô, người chưa một lần được gặp ông, xin được đưa tiễn ông một chặng đường cuối, bằng ca khúc “Hát cho một người nằm xuống”, một sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Xin bái biệt ông - Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh!
Nghề giáo vẫn được gọi là nghề cao quý. Nghề nào cũng có những nỗi niềm riêng. Và nghề giáo cũng có những câu chuyện cuộc sống đằng sau ánh hào quang cao quý.
Có một người đã dạy cô những con chữ đầu tiên, người dạy cô bao bài học thật thà; dạy cô phải biết nỗ lực vượt qua nghịch cảnh… Với cô, ba là người thầy vĩ đại nhất.
Cô bạn thuở hoa niên vừa gửi qua Zalo khoe rổ hoa dầu sớm nay mới nhặt trên đường tập thể dục về. Ôi những cánh hoa vươn dài, vừa mỏng manh vừa cứng cỏi. Một cái gì đó như bung vỡ. Một cảm giác thật khó định hình. Bồi hồi. Thảng thốt. Trái tim ai đó bỗng lỗi mấy nhịp. Điều gì vừa gần gụi vừa xa xăm. Sài Gòn và anh!
Cuối năm thiệp mời cưới bay tá lả, đó là lúc chị em cố gắng giảm cân để mặc đồ cho đẹp. Hôm nào cũng hỏi thăm nhau giảm được bao kg rồi, để còn tụ tập đi ăn cưới.
Sau những chuyến muộn phiền, có người lại về ngồi với khu vườn, lặng yên nghe tiếng chim hót. Đôi khi ngửa mặt lên trời nhìn mây trôi về muôn nẻo. Mây trôi nhẹ tênh, trong thoáng chốc cô ước gì hồn mình cũng nhẹ như mây. Để tự do bay bổng, để đi về hướng nào mình muốn và để tan ra hay làm mưa xuống. Không như mình vẫn ngồi đây để tự hỏi, rồi cuộc đời mình sẽ đi về đâu?
Trong ký ức của một người con, có một căn nhà xưa sơ sài tới mức không có cổng, nhưng trong căn nhà nhỏ ấy, lại đầy ắp tình yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau…
0