Nhà ga Trung tâm đâu chỉ có đường sắt

Với người dân Hà Nội , cái tên Ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội) đã ăn sâu vào tiềm thức. Ga Hà Nội đã chứng kiến những thăng trầm lịch sử của mảnh đất Hà Thành trong phong trào đấu tranh Cách mạng, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Là nơi tiễn những chàng trai, cô gái lên đường ra trận, chúng kiến biết bao những giọt nước mắt chia tay và cũng là nơi đón chào những đoàn quân chiến thắng trở về. Bối cảnh ga Hà Nội đi vào phim ảnh, thơ ca, là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ tạo ra những tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh….

Lịch sử tên ‘Hàng Cỏ’

Ở đất Hà Thành này, thì chẳng có cái tên nào mà không có gốc tích của nó. Hàng Cỏ là tên của một ngõ phố nằm trên đường Trần Hưng Đạo ngày nay. Đây nguyên là mảnh đất dùng để làm chợ cỏ. Cỏ từ các nơi tập kết về thành những đụn, những đống thơm ngan ngát. Cỏ tràn ngập phố. Cỏ chạy từ những triền đê sông Hồng vào cấp cho lính ngự vệ trong kinh thành về nuôi ngựa, nuôi voi.

Ga Hàng Cỏ thời kỳ mới xây dựng (Tư liệu)

Cái tên ga Hàng Cỏ cũng được hình thành từ lẽ đó. Cách gọi vừa dân dã, vừa như một cách cố thoát khỏi cái vỏ thực dân thời đó của người Tràng An. Dù người Pháp gọi là ga Trung tâm, nhưng người dân xứ An Nam cứ gọi dân dã là ga Hàng Cỏ… mãi rồi cũng thành quen và thành tên.

Vào thời Pháp thuộc, khi người Hà Nội biết đến cầu Long Biên vào năm 1902, cũng là thời điểm, ga Hàng Cỏ chính thức đi vào hoạt động với vai trò là một ga Trung tâm lúc bấy giờ.

Trên cơ sở được phê duyệt của Hội đồng Tối cao Đông Dương, tháng 6/1898, vị trí xây dựng nhà ga được ấn định là khu vực cuối phố Gambetta (phố Trần Hưng Đạo ngày nay) và đường Mandarine (đường Lê Duẩn hiện tại). 

Đường Mandarine (đường Lê Duẩn hiện tại) chạy ngay mặt tiền ga Hàng Cỏ

Ga Hàng Cỏ ban đầu nằm trong diện tích 216.000 m2, tức hơn 21 ha, trong đó diện tích xây dựng là 105.000 m2 nhà cửa, còn lại là sân ga, đường sắt. Với quy mô này, ga Hàng cỏ được coi là nhà ga lớn nhất Đông Dương.

Bên trong ga Hàng Cỏ với những đầu máy hơi nước của Pháp

Ga Hàng Cỏ được xây dựng qua nhiều giai đoạn khác nhau. Đợt đầu xây tòa nhà chính của nhà ga, gồm 3 tầng, nhìn thẳng ra con đường Gambetta, tức đường Trần Hưng Đạo ngày nay. Tầng dưới là đại sảnh, dành cho việc bán vé, đón khách ra vào, đi thông vào sân ga phía trong. Tầng hai là nơi làm việc của các nhân viên và bộ phận kỹ thuật, nghiệp vụ. Tầng ba là bộ phận hành chính. Điểm nhấn của nhà ga lớn vào bậc nhất xứ Đông Dương ngày đó là chiếc đồng hồ lớn, mặt tròn với hàng số La Mã to.

Ga Hàng Cỏ và tuyến  đường sắt xuyên Việt có ý nghĩa quan trọng phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp tại Việt Nam và Đông Dương.

Trong sảnh lớn của ga Hàng Cỏ sau khi đi vào hoạt động

Những bức ảnh tư liệu quý còn được lưu trữ cho thấy vị trí cũng như quy mô xây dựng của ga Hàng Cỏ vốn đã được định danh ngay từ ban đầu là một nhà ga Trung tâm, là đầu mối của nhiều tuyến đường sắt quan trọng, phục vụ khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, cũng như phù hợp với quy hoạch đô thị của người Pháp thời điểm đó, biến Hà Nội trở thành điểm giao thương trù phú với đủ mọi hàng hóa từ khắp nơi đổ về bằng đường thủy và đường sắt, phục vụ chế độ thực dân phong kiến.

Một phần lịch sử Cách mạng của Thủ đô và cả nước

Ở thời điểm những năm đầu thế kỷ 20, Ga Hàng Cỏ được coi là ga xe lửa lớn nhất Đông Nam Á giai đoạn đó. Cũng chính tại đây, nhiều hoạt động của phong trào Cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc đã diễn ra, góp phần vào thành công của Cách mạng Tháng 8/1945.

Cuối năm 1945 đầu 1946, từ Ga Hà Nội, ngày đêm các đoàn tàu hối hả đưa các đoàn quân Nam tiến từ các địa phương vào Nam chống quân xâm lược Pháp, mang trên mình những lá cờ đỏ sao vàng, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, những biểu ngữ, khẩu hiệu hào hùng.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ga Hàng Cỏ mang đầy vết đạn, nhiều đoạn đường ray bị bóc, sau đó được phục hồi dần từ tháng 3/1947. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát khu vực ga Hàng Cỏ bị bom Mỹ tàn phá

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, ga Hàng Cỏ trở thành mục tiêu  ném bom của máy bay Mỹ cùng với các cơ sở lân cận như Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên… Trong những ngày tháng khốc liệt đó của chiến tranh, ‘Ga Hàng Cỏ thời chúng tôi sống’ tác phẩm của nữ nhà thơ Lê Khánh Mai đã mô tả lại không khí và hình ảnh của ga Hàng Cỏ giai đoạn lịch sử đó

“Thời chúng tôi sống

Ga Hàng Cỏ, không còn ai bán cỏ

Tràn ngập sân ga quân phục mày xanh

Xanh thắm những chuyến tàu chở đoàn quân ra trận

Xanh thắm sức vóc tuổi thanh xuân lồng lộng

Vươn những cánh tay vẫy chào như sóng cỏ giữa trời xanh...

Chúng tôi đã đi qua một thời gian khổ

Đã có một ngày sân ga Hàng Cỏ

Tràn ngập màu xanh, những người lính trở về

Với nhiều thế hệ người dân Thủ đô, dấu mốc năm 1976 đáng nhớ hơn. Sau khi ga Hàng Cỏ được chính thức đổi tên thành ga Hà Nội, Chính phủ đã quyết định tổ chức 2 đoàn tàu Thống Nhất khai thông tuyến đường sắt Bắc Nam.

Đoàn quân Nam tiến xuất phát từ ga Hàng Cỏ

Trải qua nhiều biến động thăng trầm, cái tên ga Hàng Cỏ vẫn gợi nhớ nhất về “một thời đạn bom, một thời hoà bình".

Hoà bình lập lại, ga Hà Nội lại tiếp tục chứng kiến những bước chuyển mình của Thủ đô với những đường phố khang trang, những toà nhà mới hiện đại. Cùng với sự phát triển KT-XH của Thủ đô và cả nước, ngành đường sắt cũng có những bước chuyển mình phù hợp với cơ chế thị trường, cũng như nâng tầm vị thế của ngành trong hệ thống giao thông vận tải cả nước.

'Ga Hà Nội đã có hàng trăm năm, đó là ký ức của đô thị Pháp cổ, một đô thị phát triển. Đời người phải có ký ức, có quê quán để nhớ. Khi người ta nhìn ga Hàng Cỏ sẽ thấy được ký ức 100 năm của Hà Nội như thế nào. Thế nên, nó không chỉ là công trình mà còn là di sản, là ký ức, là nơi chốn, lịch sử. Đô thị là phải có lịch sử, không có đô thị nào không có lịch sử cả. Cho nên vấn đề bảo tồn nằm ở tư duy văn hoá của các nhà quản lý...' ,  KTS Phạm Thanh Tùng - Hội kiến trúc sư Việt Nam nói.

Nhà ga Trung tâm Hà nội không chỉ có đường sắt

Trong tiến trình phát triển của Thủ đô và hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu phát triển của hệ thống đường sắt nói chung, nhà ga nói riêng, trong đó có ga Hà Nội là một điều tất yếu. Tuy nhiên, phát triển ga Hà Nội theo hướng nào, thu hẹp quy mô hay trở thành một nhà ga Trung tâm là một câu hỏi đang được các chuyên gia bàn luận.

‘Ga Hà Nội có một vị trí đắc địa, đã tồn tại hơn 100 năm qua. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang khai thác một cách kém hiệu quả, làm mất đi giá trị của một nhà ga cũng như giá trị lịch sử của nó. Nhiều quốc gia trên thế giới rất chú trọng vào nhà ga Trung tâm, khi nơi đây không chỉ là đầu mối giao thông đa phương tiện, mà còn là một bảo tàng mở, nơi triển lãm những tác phẩm nghệ thuật, là trung tâm thương mại….’ KTS Thế Trung chia sẻ trên sóng của Đài PT-TH Hà Nội.

Ga Hà Nội (ga Hàng Cỏ trước đây) được đầu tư đẹp hơn

Với mảnh đất Nghìn năm văn hiến, Hà Nội có rất nhiều biểu tượng, mà khi nhìn vào đó, sẽ thấy được một giai đoạn lịch sử, một nét văn hóa riêng có của Thủ đô. Ga Hà Nội cũng vậy, không chỉ là đầu mối của các tuyến đường sắt, mà còn cần phải trở thành một công trình kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô, khi nhìn vào nó, chúng ta sẽ thấy được một câu chuyện lịch sử văn hóa của Hà Nội, KTS Thế Trung nhấn mạnh.

Ga Hà Nội hôm nay đã khang trang, sạch đẹp hơn. Công tác phục vụ hành khách đi tàu cũng ngày càng được đổi mới, ứng dụng số hóa vào nhiều công việc như bán vé tàu, lên lịch chạy tàu, cải thiện và nâng cao hệ thống tín hiệu đường sắt... đặc biệt, chất lượng các đoàn tàu khách được cải thiện rõ nét, nhiều toa tàu tiêu chuẩn 5 sao đã đi vào hoạt động từ nhiều năm qua phục vụ các tuyến đường sắt đến với những điểm du lịch nổi tiếng .

Dùng tàu hỏa đi du lịch vẫn là lựa chọn của nhiều người

Tuy nhiên, công tác quản lý và khai thác ga Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập. Vị trí, vai trò của nhà ga có bề dày lịch sử truyền thống này, cũng như giá trị kinh tế không được khai thác hiệu quả.

Ga Hà Nội vẫn chỉ được biết tới là một nhà ga cũ, là một ‘bến’ tạm của ngành đường sắt, chứ không phải là một biểu tưởng lịch sử hay văn hóa của một Thủ đô nghìn năm văn hiến.

'Ý nghĩa lịch sử của các công trình Ga Hà Nội cần được bảo tồn để giữ lại ký ức lịch sử của thủ đô và đất nước. Con người sống không thể thiếu ký ức cũng như dân tộc cũng không thể thiếu đi được lịch sử hình thành và phát triển' , Giáo sư sử học Nguyễn Văn Khánh chia sẻ.

Bởi lẽ đó, việc biến ga Hà Nội thành một nhà ga Trung tâm của Thủ đô là việc cấp thiết, khi không chỉ góp phần phát triển KT-XH nói chung, mà còn trở thành một biểu tượng của lịch sử, văn hóa Hà Nội.

Sân ga và các đoàn tàu đã được đầu tư nhiều hơn

 ‘Trong quá trình phát triển đô thị hiện đại, xét ở mọi góc độ và so sánh với thế giới, ga Hà Nội có đầy đủ tiêu chí, thậm chí có những tiêu chí vượt trội để trở thành một nhà ga Trung tâm, một biểu tượng của Hà Nội, mà ở đó, mỗi người có thể tìm thấy một phần lịch sử, văn hóa của Hà Nội, của con người Hà Nội, cũng như là đầu mối đường sắt đi khắp nơi trên đất nước và vượt ngoài biên giới’, KTS Thế Trung nhấn mạnh.

Với xu thế hội nhập quốc tế, nhà ga Trung tâm không chỉ đóng vai trò là nhà ga dành cho đường sắt, mà là đầu mối của tổ hợp giao thông. Ga Trung tâm còn là một biểu tượng của thành phố, thậm chí của quốc gia, trở thành một địa điểm mà những người không có nhu cầu đi lại bằng tàu hỏa, cũng có thể đến để tận hưởng những giá trị khác như thăm quan nghệ thuật, mua bán hàng hóa…thậm chí nơi đây còn là địa điểm lý tưởng để tổ chức những sự kiện văn hóa nghệ thuật.

Hôm qua là ga Hàng Cỏ, hôm nay là Ga Hà Nội và có thể ít lâu nữa, nhà ga này sẽ mang một cái tên mới. Mỗi cái tên đều gắn liền với một giai đoạn lịch sử, giai đoạn phát triển của Hà Nội và cũng trở thành niềm tự hào một thời hào hùng của người Hà Nội… và những chuyến tàu hỏa từ đây đang tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp phát triển KT-XH chung của đất nước./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc đang chuẩn bị bước vào cao điểm mùa mưa bão. UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch bảo đảm công tác thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành trong mùa mưa năm 2024.

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được tổ chức long trọng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đọc Diễn văn kỷ niệm. Tham dự sự kiện có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đoàn khách các nước bạn Lào, Campuchia, Trung Quốc, Pháp.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: 'Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước'. Chân lý đó được thể hiện sinh động trong chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.

Ngày 7/5, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Triển khai ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư được xem là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của năm 2024 - đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải tại hội nghị trực tuyến quán triệt và tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến quy trình tạo lập thông tin, dữ liệu về PCCC diễn ra vào chiều 7/5.

Sáng 7/5, Đoàn Kiểm tra số 2 của Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của Thành uỷ Hà Nội, do Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc tại quận Long Biên.