Nhà sách Mão, nhà sách lâu đời bậc nhất Hà Nội

Khu tập thể số 5 Đinh Lễ từ lâu đã là điểm đến thân thuộc của bao người yêu sách. Nằm trên tầng 2 của một khu tập thể ẩn sâu trong ngõ số 5 phố Đinh Lễ, ít ai biết nhà sách Mão lại là nơi khởi phát đầu tiên để hình thành phố sách Đinh Lễ như ngày nay.

Những ngày đầu thu, khi nắng vẫn chưa hết phần oi ả, bỏ lại đằng sau sự ồn ào nơi phố thị, chỉ cần bước vào con ngõ nhỏ số 5 Đinh Lễ sẽ cho ta một cảm giác trái ngược hoàn toàn.

Đường đến với nhà sách Mão rất thú vị, phía bên trong con ngõ nhỏ hẹp là không gian vô cùng rộng và thoáng, tán cây cổ thụ ôm lấy căn gác 2 của khu nhà, nơi có nhà sách Mão tọa lạc. Không biển quảng cáo hút mắt, không chương trình ưu đãi, nhưng thứ thu hút bạn đọc đến với nhà sách Mão là mùi thơm của giấy cũ và giá trị văn hóa lịch sử trong những cuốn sách hiếm thấy.

Một lối cầu thang hẹp dẫn lên tầng 2 của khu tập thể, hiện ra trước mắt là một ngôi nhà nhỏ cấp bốn, mái được lợp bằng gạch ngói đỏ, tường được phủ sơn xanh tươi mát. Cái mùi ẩm ẩm, nồng nồng của sách cũ đã lôi cuốn chúng ta tiến vào sâu hơn bên trong không gian tĩnh lặng này. Đó chính là nhà sách Mão - nhà sách đầu tiên được mở ra trên phố sách Đinh Lễ nổi tiếng nhất Hà Thành.

Lối nhỏ vào nhà sách Mão. (Ảnh: Vietnamnet)

Năm 1990, ông Lê Luy về hưu, đồng lương ít ỏi cùng gánh nặng chăm sóc con nhỏ khiến ông trăn trở làm sao để thoát nghèo. Khi ấy, ông đạp xe khắp nơi để bán bánh kẹo. Nhiều người là học trò cũ thấy thầy giáo đạp xe đi bán hàng mà không cầm được nước mắt. Ngay sau đó, vợ ông - bà Phạm Thị Mão cũng rời Tổng Công ty Phát hành sách về nghỉ hưu. Có sẵn kinh nghiệm chọn sách và các mối quan hệ trong nghề, ông bà quyết định mượn hàng xóm chiếc xe nôi để bày vài chục cuốn sách bán dạo bên tháp Hoà Phong, gần bưu điện Bờ Hồ.

Qua vài năm bươn chải, vợ chồng ông bà góp nhặt, cộng với vay mượn ngân hàng đủ 1.000 đô la Mỹ ngày đó để mua một căn nhà nhỏ trên gác 2 khu tập thể số 5 Đinh Lễ vừa để ở và vừa mở rộng việc kinh doanh sách. Tầm nhìn và tài năng của bà Mão được minh chứng rõ nét bởi quyết định mua và in độc quyền cuốn sách mang tên "Almanach - Những nền văn mình thế giới".

Ông Lê Luy, chủ tiệm sách. (Ảnh: Kenh14)

Sự thành công nhanh chóng của cuốn sách đầu tiên khiến ông bà có thêm động lực để để đầu tư thời gian, tâm huyết xuất bản những tác phẩm có giá trị khác. Ông Luy luôn tâm niệm, mỗi cuốn được xuất bản đều chứa đựng niềm đam mê và tri thức mà ông bà muốn truyền đi qua từng trang viết. Với ông, mỗi tác phẩm được ra đời còn gắn với hình ảnh của người vợ tần tảo.

Những ngày đầu tiên vất vả với sự nghiệp làm sách, về tình yêu và lòng quyết tâm nuôi dưỡng văn hóa đọc. Để rồi từ đó, mở ra một cái nhìn mới. Nó không chỉ là tình yêu với sách, tình yêu với một nơi cũ kỹ thơm mùi giấy mà hơn cả là sự trân trọng và biết ơn đối với những con người đã dành cả đời mình để nâng niu từng con chữ. Tình yêu với người vợ của mình, chính là động lực để ông Luy tiếp tục phát triển và xây dựng nhà sách.

"Vợ tôi từ năm 2003 bị tiểu đường và cao huyết áp. Mặc dù đi không vững, cơm chưa ăn được nhưng chỗ nào có sách hay bà vẫn đi. Sự cố gắng của vợ tôi giúp tôi có thể duy trì nhà sách này. Hiện nay, cũng có nhiều người rất yêu sách. Không chỉ có 2 thế hệ đâu, mà có những gia đình cả 3 thế hệ đều đến đây để đọc sách, có người đi du học Mỹ về giáo sư tiến sĩ rồi vẫn nhớ vẫn đến đây bảo rằng bao năm thời sinh viên gắn bó với nhà sách nhà tôi." ông Luy chia sẻ.

Giữa chốn phố thị đông người và sự ồn ào của nhịp sống nhanh, nhà sách Mão là nơi dừng chân yên bình, nhuốm màu thời gian của người yêu sách.

Nhà sách Mão sau khi được sửa sang lại đã trở thành một địa điểm yêu thích của rất nhiều độc giả ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là các bạn trẻ. Mỗi vị khách bước chân vào không gian của nhà sách Mão sẽ thực sự bị bất ngờ, vì nhìn từ bên ngoài vào nhà sách trông có vẻ nhỏ hẹp, nhưng bên trong lại thoáng và nhiều sách vô cùng.

Cả gian nhà được sơn bằng một màu xanh dịu mắt, sàn nhà và các giá sách đều được làm bằng gỗ, trông rất hài hòa. Còn một điều ấn tượng nữa của không gian sách nhỏ xinh này, đó chính là căn nhà được chia làm hai tầng, nhưng giữa chúng không có trần ngăn cách, mà để thoáng ở giữa. Sách được bày lên giá kê sát tường, cao và kín cả bốn phía xung quanh, giữa nhà là một cầu thang xoắn ốc dẫn lên tầng 2.

Cầu thang xoắn ốc dẫn lên tầng 2 của nhà sách. (Ảnh: Hoa Quỳnh)

Thiết kế này làm cho không gian mở và để được nhiều sách hơn. Nhà sách sau khi được làm lại vẫn giữ được nét cổ điển của một ngôi nhà thời Pháp thuộc, khiến cho khách hàng có cảm giác mình như đang quay lại cuộc sống của những năm 70 - 80, không đầy đủ tiện nghi nhưng ấm áp và quen thuộc.

Có lẽ, chính tình yêu và sự trân trọng dành cho những cuốn sách là sợi dây vô hình gắn kết mọi người với nhà sách. Sau này, nhiều người dù có thành công hay có đi xa đến đâu, vẫn không quên quay lại với nhà sách Mão.

Giờ đây đến với nhà sách Mão, mọi người không chỉ được đọc sách mà còn được thưởng thức các loại đồ uống giải khát. Trà bạc hà, sấu đá hay cacao được gọi với những cái tên vô cùng đáng yêu: Trà bạc bẽo như anh Hà, sấu bồ đá, cacao chủ tịch Mao…

Với hơn 1.000 đầu sách ở tất cả các thể loại: Tiểu thuyết, văn học kinh điển, văn học phương Đông, văn học Trung Quốc, sách khoa học, truyện tranh… và độ tuổi khác nhau, bạn sẽ dễ dàng tìm lại tuổi thơ của mình với những quyển tạp chí Thiên Thần Nhỏ, truyện tranh Tí Quậy… Sau lưng là sách, trước mặt là sách, xoay mọi góc vẫn thấy được hàng ngàn sách bao bọc lấy mình. Không gian này cứ luôn có một sức hút đặc biệt như thế, đủ để níu chân bất kể độc giả yêu sách nào, dù đó là người thường xuyên ghé qua hay là lần đầu lui tới.

Có một điều kỳ lạ là dù nhiều người liên tục ra vào ngõ, lên nhà sách Mão nhưng họ đều im lặng đến và im lặng ra về với những cuốn sách mới trên tay. Bao nhiêu năm qua, đều đặn hàng tháng.

Ông Kiều Tràng Mão đi xe buýt từ thị xã Sơn Tây vào phố, ghé vào Nhà sách Mão tìm mua những cuốn sách như một thói quen: "Có nhiều sách hay tìm được ở đây nơi khác không có. Mục đích xa mình đọc sách làm gương cho con cháu. Mỗi năm đến hè tôi lại dẫn tụi trẻ con đến đây sau khi đi Quốc Tử Giám để cho con cháu đi chơi, đến đây vì thích sách. Các bạn sinh viên đến đây rất nhiều".

Vào một ngày cuối tuần nếu mọi người chưa có kế hoạch gì, thì hãy thử tìm đến nhà sách Mão - một địa điểm không đông vui tấp nập nhưng chắc chắn là điểm dừng chân lý tưởng giúp thư giãn tinh thần sau chuỗi ngày làm việc vất vả.

Không gian ở khu tập thể cũ trao cho mỗi một vị khách ngang qua nơi này khoảng tĩnh lặng để suy ngẫm, để thỏa sức tưởng tượng đến bất kỳ thế giới nào qua từng trang sách. Nơi này cũng thỏa mãn những người đi tìm cảm giác được chạm, được hít vào thở ra không khí hoàn toàn khác, thứ đã lắng đọng lại nhiều năm gắn với việc đọc và mua bán sách. Có lẽ vì thế mà qua bao biến đổi, thăng trầm thì những tiệm sách cũ như nhà sách Mão vẫn sống ẩn mình giữa bao náo nhiệt của thủ đô, lưu giữ lại những giá trị văn hóa lịch sử qua những cuốn sách nhuốm màu thời gian.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Với mong muốn bảo tồn di sản và phát huy, ứng dụng các giá trị văn hóa Việt vào đời sống hiện đại, cuộc Triển lãm với tên gọi “Tôn cựu, nghênh tân” đang diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cũ, 46 Hàng Bài.

Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 với chủ đề "Gastronomy of Unity - Ẩm thực kết nối" sẽ diễn ra trong hai ngày 7 và 8/12, tại khu Ngoại giao Đoàn - 298 Kim Mã, Hà Nội.

Làng cổ Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, vẫn còn lưu giữ được những truyền thống và nét dấu xưa đặc trưng của người Hà Nội.

Nghề giày da ra đời không chỉ là để đáp ứng nhu cầu thiết thực, mà còn mang đậm dấu ấn của từng nền văn hóa. Từ những chiếc dép lá đơn sơ của người Việt, đến những đôi giày da tinh xảo của người Ý, mỗi đôi giày đều là một câu chuyện lịch sử.

Làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề lụa nổi tiếng với hơn 1000 năm tuổi, lưu giữ tinh hoa văn hóa qua từng sợi tơ, là biểu tượng của sự khéo léo, sáng tạo và tình yêu bất tận với nghề truyền thống.

Chùa Vạn Niên, ngôi chùa cổ hơn 1.000 năm tuổi nằm yên bình bên bờ hồ Tây đang là một điểm đến hấp dẫn tại Hà Nội.