Nhập lậu lợn ồ ạt vào Việt Nam, người chăn nuôi kêu cứu | Hà Nội tin mỗi chiều
Lợn nhập lậu ồ ạt vào Việt Nam, người chăn nuôi kêu cứu
Những ngày cận Tết cũng là dịp mà những người nuôi lợn xuất bán lứa cuối cùng của năm. Thế nhưng, mất mấy tháng trời chăm bẵm mà giờ đây thương lái đến mua lại chỉ trả giá thấp hơn so với chi phí đầu vào bởi có nguồn cung mới rẻ đến ngỡ ngàng là lợn nhập lậu từ các nước lân cận. Trong khi giá lợn hơi Việt Nam bán mức 55.000-56.000 đồng/kg thì lợn hơi Campuchia chỉ có giá 42.000-45.000 đồng/kg, dẫn đến tình trạng nhập lậu lợn vào nước ta. Chỉ cần nhập lậu trót lọt về bán rẻ hơn chút là dễ dàng cạnh tranh trên thị trường, khiến ngành chăn nuôi lợn trong nước đã khó thêm khó.
Hiện nay, có đến 30 % lượng thịt lợn tiêu thụ tại Việt Nam là nhập lậu. Người chăn nuôi thua lỗ, bán nhà, bán đất, có người phải bỏ cả nghề vì không cạnh tranh nổi với thịt nhập khẩu. 6000 đến 7000 con lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ được buôn bán trái phép vào Việt Nam mỗi ngày, mang theo những dịch bệnh tiềm ẩn như dịch tả lợn châu Phi và lở mồm long móng, không được giết mổ tập trung, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến ngành chăn nuôi gặp khó, tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe người dân.
Tình trạng nhập lậu lợn diễn ra nhiều năm qua, cao điểm là gần Tết. Việc vận chuyển, buôn bán trái phép lợn nhập lậu vào Việt Nam trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở tăng mạnh vào thời gian này. Theo Hiệp hội Chăn nuôi, số lợn nhập lậu đa phần là từ Campuchia về, chủ yếu qua cửa khẩu Hoa Lư, tỉnh Bình Phước. Số lợn này sau đó được đưa đến các trại trung chuyển ở sát biên giới, chờ đến chiều mát rồi mới vận chuyển cùng lợn ở các trang trại trong nước, nhằm qua mắt các cơ quan chức năng. Theo các chuyên gia, tình trạng lợn nhập lậu gia tăng đã khiến cho cung cầu trong nước mất cân đối.
Hiện nay, quy mô đàn lợn nước ta là hơn 28 triệu con, một năm giết mổ khoảng 49 - 51 triệu con. Nếu không ngăn chặn được nhập lậu thì mối lo trước hết là dịch bệnh. Thời điểm dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, nước ta phải tiêu hủy hơn 6 triệu con. Việt Nam đang xây dựng những vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn để xuất khẩu, nên nếu không kiểm soát được việc nhậu lậu lợn thì tiêu chuẩn chúng ta dày công xây dựng có nguy cơ bị phá vỡ.
Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thịt và thực phẩm của người dân nói chung sẽ tăng khoảng 10 đến 15%. Hiện nay, cả nước chỉ có hơn 400 cơ sở giết mổ tập trung, từ 2000 đến 3000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Việc kiểm soát các khu vực giết mổ, đặc biệt là giết mổ nhỏ lẻ gặp khá nhiều khó khăn dù đã có những văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giết mổ. Nguyên nhân là nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực, chưa bố trí đủ kinh phí để giám sát; những người quản lý chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của an toàn thực phẩm quyết định đến sức khỏe, trí tuệ con người Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có hàng loạt văn bản gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công An, Bộ Tài chính và nhiều tỉnh phía Nam như Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Kiên Giang... về việc phối hợp, tập trung chỉ đạo tổ chức ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng đã có nhiều văn bản chỉ đạo rất cụ thể, gần nhất là chỉ thị số 29 ngày 26/12/2023 về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam. Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc quyết liệt, mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm với các chế tài đủ sức răn đe. Tuy nhiên, ngăn chặn nhập lậu là một vấn đề cần giải quyết ngay nhưng vẫn chỉ là vấn đề bề mặt của ngành chăn nuôi. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chăn nuôi vào năm 2023 là khoảng 515 triệu đô la Mỹ, vẫn còn thấp hơn nhiều so với các mặt hàng nông sản khác. Cách hiệu quả nhất để ngăn đàn lợn vượt biên từ nước ngoài là cần tăng giá trị sản xuất theo quy mô lớn hơn, tạo năng lực cạnh tranh tốt hơn để có thể giành lại sự tin tưởng của người tiêu dùng.
Tour Tết nội địa 'thất thế' trước tour nước ngoài
Lượng người Việt Nam du lịch nước ngoài dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong đợt nghỉ lễ Tết Giáp Thìn và cả năm 2024. Đây là xu hướng tất yếu của thị trường do các điểm đến quốc tế có chính sách mở cửa, khuyến khích du khách sau thời kỳ COVID-19. Năm nay, người dân được nghỉ 7 ngày Tết nên nhu cầu du lịch dài ngày tăng cao. Do đó, các sản phẩm đa dạng, mới mẻ giúp du lịch nước ngoài (tour outbound) được đông người quan tâm.
Theo ông Bùi Thanh Tú - đại diện của đơn vị lữ hành Best Price, lượng người Việt Nam xuất ngoại dịp Tết Nguyên đán năm nay tăng vượt bậc so với năm ngoái ở các điểm đến Nhật Bản, châu Âu, Đài Loan do thủ tục nhập cảnh dễ hơn thời kỳ COVID-19. Tour Nhật Bản khởi hành liên tục trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 của đơn vị này tăng gấp 4 lần năm 2023. Các chuyến đi Trung Quốc cũng đang dần kín chỗ. Những điểm đến như Đài Loan, Hồng Kông gần đây được nhiều du khách Việt Nam quan tâm bởi điều kiện xin visa đơn giản, giá tour phải chăng và phong cảnh đẹp không kém các nước Nhật Bản hay châu Âu. Tương tự, một doanh nghiệp lữ hành khác ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) báo các tour nước ngoài dài ngày như đi châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đã "cháy hàng". Việc du khách chú ý tới các tour du lịch nước ngoài cho thấy người Việt Nam sẵn sàng chi tiêu ở mức trung bình trở lên cho các kỳ nghỉ, coi du lịch là hoạt động thiết yếu.
Thời gian gần đây, các đơn vị lữ hành kinh doanh sản phẩm du lịch nội địa “đau đầu” với tình trạng giá vé máy bay tăng cao, làm đội giá tour. Thống kê cho thấy, giá vé từ Hà Nội, TPHCM tới các điểm du lịch tăng trong khoảng 112-184% trong giai đoạn 24/1 đến 12/2. Vào ngày 8/2 (29 tháng Chạp), vé máy bay khứ hồi tuyến Hà Nội - Phú Quốc, TPHCM - Phú Quốc lần lượt ở mức 8,4 triệu đồng và 3,7 triệu đồng. Vé khứ hồi tuyến Hà Nội - Nha Trang, TPHCM - Đà nẵng cũng dao động trong khoảng 5-6 triệu đồng. Để so sánh, giá vé khứ hồi TPHCM - Seoul (Hàn Quốc) ở thời điểm ngày 8/2 chỉ ở mức hơn 8 triệu đồng, ngang với tuyến Hà Nội - Phú Quốc.
Do đó, dự báo lượng khách du lịch nội địa giảm nhẹ vào dịp Tết Âm lịch sắp tới, tương ứng 80% so với năm ngoái. Khảo sát ngày 16/1 cho thấy các tour và combo du lịch trong nước vẫn còn nhiều do tâm lý đặt phòng, đặt vé máy bay sát ngày. Với biến động giá vé máy bay thất thường, người Việt có xu hướng lựa chọn các địa điểm đến gần, di chuyển bằng đường bộ.
Xu hướng đi nước ngoài du lịch của người Việt Nam cho thấy khách hàng hiện nay có tâm lý sẵn sàng chi trả cho những chuyến đi, sản phẩm độc đáo. Theo dữ liệu nghiên cứu, người Việt thực hiện kỳ nghỉ ở nước ngoài sẽ tập trung chi phí vào việc khám phá ẩm thực, các hoạt động giải trí, trong khi ở Việt Nam khách bỏ ra số tiền nhiều nhất vào chi phí lưu trú. Vì vậy, cách làm du lịch nội địa cần thay đổi để giữ chân khách hàng. Các sản phẩm du lịch trong nước cần tạo nên nhiều sản phẩm bao gồm cơ hội trải nghiệm văn hoá, khám phá những điểm đến độc đáo, làm quen với những bộ môn thể thao đặc trưng gắn với địa hình như đi bộ xuyên rừng, leo núi, lặn biển. Nếu các tour du lịch nội địa chỉ dừng ở việc nghỉ dưỡng, mua sắm thì rất nhàm chán, du khách sẽ có tâm lý tự sắp xếp một chuyến đi cho riêng mình thay vì thông qua các đơn vị lữ hành, khiến việc kinh doanh sẽ tiếp tục gặp khó khăn./.
- Tạo động lực cho phát triển du lịch Thủ đô | Hà Nội tin mỗi chiều
- Thu phí vỉa hè thế nào để đạt hiệu quả? | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hơn 14 triệu bản sách đến với các xã, phường, thị trấn | Hà Nội tin mỗi chiều
- Giá vé máy bay Tết Nguyên đán đắt và hiếm | Hà Nội tin mỗi chiều
- Tiền mất tật mang vì sập bẫy quảng cáo làm đẹp dịp Tết | Hà Nội tin mỗi chiều
Phố lên đèn cũng là lúc bữa tiệc của những tay chơi bắt đầu. Những âm thanh chát chúa vang lên. Tất nhiên không thể thiếu đồ uống có cồn và cả bóng cười. Thoạt nhìn, những quả bóng được thổi lên chẳng khác nào chiếc bóng bay thông thường. Nhưng bên trong nó lại không hề đơn giản.
Theo quy định hiện hành, đổ rác sai quy định có thể bị phạt đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, tại nhiều tuyến phố, ngõ trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại khá nhiều “điểm đen” rác thải. Ngoài lý do một số người dân có ý thức kém, việc khó xử lý người vi phạm là nguyên nhân khiến tình trạng đổ rác bừa bãi còn phổ biến và ảnh hưởng đến môi trường sống, mỹ quan đô thị.
Bán hàng trực tuyến của những người nổi tiếng đã không còn quá xa lạ nhưng đây cũng là cách quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ hàng hoá qua kênh online của những người dân ở Bát Tràng. Từ vùng an toàn của những người nghệ nhân cần mẫn với văn hoá làng nghề, giờ đây họ đã tìm được làn gió mới, gia tăng thu nhập cho chính mình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Hà Nội vừa có đề xuất giá thuê nhà ở xã hội từ 48.000 đồng/m²/tháng và cao nhất 198.000 đồng/m²/tháng. Hiện đề xuất này đang trong thời gian lấy ý kiến rộng rãi.
Xe buýt có lẽ là phương tiện vận tải công cộng phổ biến không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các tỉnh thành. 10 năm qua, một chiếc vé xe buýt ở Thủ đô chỉ với giá chưa tới 10.000 đồng. Nhưng kể từ 1/11 tới đây, Hà Nội sẽ tăng giá vé xe buýt, liệu có tác động gì đến người dân?
Nếu một ngày, tắc đường không còn nữa, thay vào đó là những dòng xe di chuyển êm đềm, nhịp nhàng, không có khói bụi ô nhiễm thì quả là “đáng mơ ước”.
0