Nhật Bản chấm dứt lãi suất âm, ai hưởng lợi?
Các tác động đáng kể đến thị trường tài chính
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tăng lãi suất ngắn hạn từ - 0,1% lên khoảng 0% - 0,1%, với kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ hai châu Á sẽ tăng trưởng trở lại sau thời kỳ giảm phát kéo dài. Đây là lần đầu tiên sau 17 năm cơ quan này nâng lãi suất, và cũng là lần đầu tiên từ năm 2016 họ chấm dứt chính sách lãi suất âm. Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng, mức lãi suất vẫn duy trì quanh 0%, do đà phục hồi kinh tế mong manh, buộc BOJ phải cực kỳ thận trọng trong bất kỳ quyết định tăng chi phí cho vay.
Chuyên gia kinh tế Frederic Neumann, Ngân hàng HSBC: “Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã thực hiện bước đi thăm dò đầu tiên hướng tới chính sách bình thường hóa. Việc loại bỏ lãi suất âm báo hiệu sự tin tưởng đặc biệt của BOJ rằng Nhật Bản đã thoát khỏi vòng xoáy giảm phát.”
Bên cạnh quyết định tăng lãi suất, BOJ cũng tuyên bố chấm dứt chính sách kiểm soát đường cong lợi suất đối với trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm. Đây là chính sách mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản áp dụng để nhắm đến mục tiêu lãi suất dài hạn, bằng cách mua và bán trái phiếu khi cần thiết.
Quyết định hôm nay chỉ khiến lãi suất ngắn hạn tăng 0,1%. Như tôi đã đề cập trước đó, chúng tôi sẽ tiếp tục mua trái phiếu Chính phủ Nhật Bản ở mức tương tự như trước đây. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường mua trái phiếu nếu lãi suất dài hạn tăng.
Ông Kazuo Ueda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
Cũng theo BOJ, cơ quan này sẽ dừng mua các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và quỹ tín thác đầu tư bất động sản Nhật Bản (J-REITS). Họ đã mua tổng cộng 37 nghìn tỷ Yên (248 tỷ USD) quỹ ETF và 650 tỷ Yên J-REIT kể từ năm 2010. Họ cũng sẽ giảm dần việc mua trái phiếu doanh nghiệp và đặt mục tiêu dừng hoạt động này trong vòng một năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, sau những thay đổi về chính sách lãi suất, thì chính Ngân hàng Trung ương và Chính phủ Nhật Bản là hai trong số các đối tượng bị thiệt hại tài chính nhiều nhất. Với Chính phủ Nhật Bản, lãi suất cho vay tăng sẽ ảnh hưởng tới bảng cân đối tài chính khi đất nước Mặt Trời mọc có nợ công cao nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển, với quy mô gấp hơn hai lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Còn với BOJ, khi lãi suất tăng lên, ngân hàng này sẽ phải trả lãi cho khoản tiền dự trữ của các ngân hàng thương mại. Không chỉ vậy, lãi suất ngắn hạn tăng lên cũng gây áp lực tăng lợi suất trái phiếu chính phủ, từ đó khiến kho trái phiếu chính phủ khổng lồ mà BOJ đang nắm giữ chịu lỗ trên sổ sách. Hiện tại, ngân hàng này đang nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ lớn hơn sản lượng của nền kinh tế trong một năm. Ở chiều ngược lại, các tổ chức tài chính được hưởng lợi lớn khi lãi suất tăng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại trong dài hạn.
Việc tăng lãi suất sẽ khiến nhu cầu mua nhà giảm và tác động tới thị trường bất động sản Nhật Bản. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định tác động thực tế với các khoản vay mua nhà và lĩnh vực bất động sản sẽ không lớn, bởi lãi suất cơ bản của BOJ nhìn chung vẫn rất thấp.
Trong khu vực doanh nghiệp, với những công ty làm ăn kém, lãi suất tăng sẽ là một thách thức lớn. Các nhà phân tích dự báo số lượng doanh nghiệp phá sản ở Nhật Bản sẽ tăng lên khi lãi suất tăng, đặc biệt là những công ty vốn chỉ đang tồn tại nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng suốt nhiều năm.
Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, việc này giúp thanh lọc những công ty vay nợ nhiều nhưng làm ăn kém hiệu quả, từ đó giúp nền kinh tế Nhật tăng trưởng khỏe mạnh hơn trong dài hạn.
Lãi suất tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến giá đồng Yên. Sau khi BOJ công bố quyết định lãi suất, giá trị đồng Yên giảm nhẹ 1%, xuống 150,69 Yên đổi 1 USD. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản ban đầu chao đảo, nhưng đóng cửa tăng hơn 0,66%, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ giảm. Các nhà kinh tế nhận định, lãi suất của Nhật Bản, dù đã trở lại mức dương, nhưng sẽ vẫn duy trì ở mức rất thấp trong thời gian tới.
Về phần mình, các quan chức BOJ khẳng định, lần tăng lãi suất đầu tiên không phải là tín hiệu mở đường cho nhiều đợt tăng lãi suất khác trong ngắn hạn. Nếu những biến động tiền tệ có tác động lớn đến dự báo kinh tế và giá cả, cơ quan này sẵn sàng thực hiện phản ứng thích hợp.
Động lực thúc đẩy Nhật Bản dừng chính sách lãi suất âm
Việc kết thúc kỷ nguyên lãi suất âm ở Nhật Bản đã được giới chuyên gia dự báo từ trước, dựa trên các dấu hiệu tích cực của nền kinh tế nước này. Trong những tháng gần đây, lạm phát ở Nhật Bản đang có xu hướng dịu lại, hướng tới mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Hồi tháng 2, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản lần đầu tiên vượt qua mức đỉnh được thiết lập cách đây 34 năm. Cùng với đó, cuộc đàm phán tăng lương diễn ra vào tuần trước thành công hơn mong đợi là một trong những yếu tố tạo động lực để BOJ quay trở lại chính sách tiền tệ thông thường giống như các ngân hàng trung ương khác.
Các cuộc đàm phán tăng lương hàng năm (còn gọi là shunto) giữa các tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động tại Nhật Bản diễn ra vào tuần trước đã ghi nhận những kết quả không thể tốt hơn. Tổ chức công đoàn lớn nhất Nhật Bản - Rengo cho biết, khoảng 7 triệu người lao động tại các công ty lớn nhất nước này sẽ được hưởng mức tăng lương 5,28% trong năm 2024. Đây là mức tăng mạnh nhất trong 33 năm qua. Thắng lợi của mùa “shunto” năm 2024 đánh dấu một bước đột phá lớn ở Nhật Bản, nơi tiền lương thực tế đã trì trệ kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng những năm 1990. Theo các nhà phân tích, mức tăng lương mạnh mẽ không chỉ kích thích chi tiêu hộ gia đình và tăng trưởng kinh tế bền vững, mà còn tác động phần nào đến các công ty vừa và nhỏ, vốn chiếm 99,7% tổng số công ty và khoảng 70% lực lượng lao động. Đa số các công ty nhỏ hơn dự kiến kết thúc các cuộc đàm phán về lương vào cuối tháng 3 này.
Trong các cuộc đàm phán tăng lương mùa xuân năm nay, chúng tôi nhận thấy động lực tăng lương mạnh mẽ ở một số công ty trong ngành ô tô và bán lẻ. Các cuộc đàm phán đạt kết quả tốt hơn năm ngoái. Tôi tin rằng động lực tăng lương mạnh mẽ sẽ lan sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Yoshimasa Hayashi, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản.
Vì tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - ông Kazuo Ueda cũng khẳng định, kết quả “shunto” năm nay ảnh hưởng đến quyết định chấm dứt chính sách lãi suất âm. Bên cạnh đó, nền kinh tế Nhật Bản được đánh giá đang phục hồi với tốc độ vừa phải, khi tăng trưởng 0,4% trong quý IV/2023, đảo chiều mức tăng trưởng âm của hai quý trước đó, góp phần tránh được suy thoái kỹ thuật.
Theo các chuyên gia, các điều kiện kinh tế và tài chính hiện nay là hoàn toàn phù hợp để BOJ điều chỉnh chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đã duy trì nhiều năm. Tuy nhiên, BOJ được cho là sẽ không bắt tay vào chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ và nhanh chóng giống các ngân hàng trung ương lớn khác như Mỹ và châu Âu đã thực hiện trong những năm gần đây để kiểm soát lạm phát.
Hiện dự báo của các bên tham gia thị trường về tốc độ tăng lãi suất của BOJ sau quyết định chấm dứt chính sách lãi suất âm vẫn đang “vênh” nhau. Trong khi Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) kỳ vọng lãi suất chính sách của BOJ sẽ ở mức 0 hoặc 0,1% cho đến năm 2025, thì Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) dự báo, tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 0,25% vào tháng 7 tới. Ông Atsushi Takeda, nhà kinh tế trưởng của Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Itochu (Nhật Bản) thì cho rằng, BOJ sẽ chỉ tăng lãi suất một lần trong năm nay thêm 25 điểm cơ bản và hai lần nữa vào năm tới. Điều này cho thấy, dù nhiều quan điểm khác nhau, nhưng rõ ràng là BOJ sẽ tiếp tục chính sách chậm mà chắc, và tốc độ tăng lãi suất sẽ diễn ra từ từ và có phần thận trọng, để hỗ trợ tốt nhất cho tăng trưởng kinh tế.
Nhật Bản khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động
Nhật Bản hiện có dân số hơn 126 triệu người, nhưng số người trên 80 tuổi chiếm hơn 10% tổng dân số, đe dọa phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế, khi tình trạng thiếu lao động đã và đang ảnh hưởng ngày càng sâu sắc đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, ngoài việc điều chỉnh chính sách lãi suất và tăng lương cho người lao động, Chính phủ Nhật Bản cũng vừa cải cách chương trình tuyển dụng thực tập sinh nước ngoài để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân công. Giới chức Nhật Bản tin rằng chương trình mới này sẽ trang bị các kỹ năng cần thiết và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, qua đó bổ sung nguồn nhân lực, bảo đảm quỹ đạo tăng trưởng bền vững và lâu dài cho nền kinh tế lớn thứ hai châu Á.
Chính phủ Nhật Bản hôm 15/3 đã nhất trí về dự luật cải cách chương trình thực tập sinh nước ngoài nhằm giữ chân lao động nhập cư lâu hơn. Chương trình mới cho phép các thực tập sinh thay đổi chỗ làm trong cùng một lĩnh vực với một số điều kiện và được bồi dưỡng những kỹ năng cần thiết để chuyển đổi sang một hệ thống thuận tiện hơn cho việc đăng ký cư trú lâu dài. Thời gian đào tạo theo dự luật mới là 3 năm. Những người vượt qua bài kiểm tra kỹ năng và bài kiểm tra trình độ tiếng Nhật sẽ có thể đạt tư cách lưu trú loại 1 theo chương trình kỹ năng được chỉ định. Điều này cho phép họ có thị thực làm việc tại Nhật Bản trong tối đa 5 năm.
Những người lao động nước ngoài có tay nghề cao, đạt được tư cách lưu trú loại 2, sẽ được phép sống ở Nhật Bản vĩnh viễn và đón gia đình sang đoàn tụ.
Chúng tôi muốn người lao động nước ngoài ở lại Nhật Bản lâu hơn và sử dụng kỹ năng tay nghề cao để đóng góp cho đất nước.
Ông Ryuji Koizumi, Bộ trưởng tư pháp Nhật Bản.
Ngoài ra, để bảo vệ người lao động nước ngoài, dự luật mới còn yêu cầu tăng cường hình phạt đối với hành vi khuyến khích người nước ngoài làm việc bất hợp pháp. Cụ thể, người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc phạt tiền lên tới 5 triệu Yên. Chính phủ sẽ trình dự thảo trong phiên họp quốc hội để sửa đổi các luật liên quan. Dự luật mới dự kiến sẽ được thực hiện sớm nhất vào năm 2027.
Nhật Bản đang ở giai đoạn quan trọng để hồi sinh kinh tế, sau khi để mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào tay Đức trong năm 2023. Với hàng loạt cải cách và chính sách mạnh tay, Tokyo dường như đã tỏ rõ quyết tâm lấy lại vị thế của mình. Dù còn nhiều thách thức ở phía trước, nhưng nền kinh tế của đất nước Mặt Trời mọc đang đón nhận những tín hiệu khả quan, thị trường việc cũng xuất hiện nhiều điểm sáng. Đây được xem là tiền đề thuận lợi để đưa kinh tế Nhật Bản hùng cường trở lại.
Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ, kinh tế trì trệ, cùng với căng thẳng địa chính trị và áp lực bên ngoài có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào giai đoạn bất ổn. Nước Đức đang ở thời điểm bước ngoặt cho những cải cách và đổi mới để mạnh mẽ vươn lên.
Trong gần ba năm diễn ra xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine và luôn khẳng định rằng sẽ sát cánh cùng Kiev cho đến chừng nào có thể. Tuy nhiên, sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi ông sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine như thế nào?
Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên ở nước ngoài của Tổng thống Indonesia kể từ khi nhậm chức cách đây ba tuần. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào thứ Bảy, ông cam kết duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.
Du lịch được xác định là ngành mũi nhọn, đóng góp lớn cho nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển du lịch mà không làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và cuộc sống của người dân địa phương là điều cần được chú trọng. Nhiều quốc gia đã nhận thấy rằng, gắn phát triển du lịch với bảo tồn và hài hòa lợi ích của người dân là yêu cầu cấp thiết hiện nay để có thể phát triển một nền du lịch bền vững.
Thủ tướng Israel Netanyahu mới đây đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, cho thấy mức độ chia rẽ nghiêm trọng trong nội các Israel. Động thái này cũng khiến cho những hy vọng về việc đạt được một lệnh ngừng bắn với Hamas và đưa các con tin trở về nhà ngày càng xa vời.
Chỉ một ngày sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 5/11, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhóm họp tại Budapest, Hungary, để bàn về đối sách với nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump.
0