Nhật Bản trong quá trình chuyển giao quyền lực lãnh đạo
Di sản của Thủ tướng Fumio Kishida
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa từ chức vào ngày 1/10, trao lại quyền lãnh đạo cho người kế nhiệm Shigeru Ishiba. Trong thời gian nắm quyền, Thủ tướng Fumio Kishida đã đạt được thành tựu đáng chú ý, đặc biệt là trong lĩnh vực đối ngoại. Uy tín của ông với các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, tăng cao vì ông đã thúc đẩy những thay đổi táo bạo trong chính sách quốc phòng và an ninh của Nhật Bản. Tuy nhiên, trong nước, nhiều người Nhật Bản không hài lòng. Người dân Nhật Bản cho rằng ông Kishida là một nhà lãnh đạo không có tầm nhìn, thỏa hiệp với những người theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền để duy trì quyền lực.
Sau khi nhậm chức vào tháng 10 năm 2021, ông Kishida đã đưa ra một số quyết định quan trọng, chẳng hạn như dừng việc loại bỏ năng lượng hạt nhân của Nhật Bản và tăng cường quân sự nhanh chóng. Nhưng ông đã tránh các vấn đề xã hội gây tranh cãi liên quan đến giới tính và sự đa dạng tình dục. Là người đứng đầu một phe phái nhỏ hơn trong đảng cầm quyền, ưu tiên hàng đầu của ông dường như là giữ vững quyền lực bằng cách tránh xung đột với các thành viên của nhóm bảo thủ hùng mạnh của đảng Dân chủ Tự do, do cố Thủ tướng Shinzo Abe lãnh đạo.
Vụ ám sát ông Abe vào tháng 7 năm 2022 và các vụ bê bối tham nhũng lớn sau đó khiến tỷ lệ ủng hộ của ông giảm mạnh. Bản thân ông Kishida đã thoát chết trong gang tấc sau một vụ tấn công bằng chất nổ khi đang phát biểu tại một cảng cá ở Wakayama, miền Tây Nhật Bản vào tháng 4 năm 2023.
Ông Kishida đã chỉ đạo các cuộc điều tra nội bộ và tiến hành cải cách, thắt chặt luật tài trợ chính trị, nhưng các nhà lập pháp và cử tri đối lập coi các biện pháp này là không đủ. Sự phẫn nộ của công chúng về vụ bê bối quỹ đen đã khiến LDP thua tại một vài cuộc bầu cử địa phương trong năm nay và các nhà lập pháp trong đảng đã kêu gọi tiến cử gương mặt mới nhằm giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia tiếp theo. Ông Kishida kết thúc nhiệm kỳ nhưng có thể vẫn có ảnh hưởng ở hậu trường sau khi ông giúp ông Ishiba giành chiến thắng ngược dòng trong cuộc bỏ phiếu của đảng vào thứ Sáu trước ứng cử viên bảo thủ trung thành Sanae Takaichi.
Ông Kishida ủng hộ chiến lược kinh tế “chủ nghĩa tư bản mới” kêu gọi phân phối công bằng hơn của cải quốc gia, thay thế cho chính sách chi tiêu lớn của chính phủ và chính sách tiền tệ siêu dễ dãi của cố Thủ tướng Abe. Tuy nhiên, không chính sách nào có thể giải quyết được tình trạng tăng trưởng chậm chạp. Các chính sách quốc phòng và chăm sóc trẻ em của ông Kishida đòi hỏi chi tiêu lớn và mức tăng lương mà ông ủng hộ đã không theo kịp tốc độ tăng giá.
Các động thái của chính phủ nhằm cố gắng đảo ngược tỷ lệ sinh giảm của Nhật Bản, chủ yếu liên quan đến trợ cấp chăm sóc trẻ em cho các cặp vợ chồng, không giải quyết được vấn đề ngày càng có nhiều người Nhật trẻ tuổi không muốn kết hôn và lập gia đình do triển vọng công việc ảm đạm, chi phí sinh hoạt cao và văn hóa doanh nghiệp không hỗ trợ những người phụ nữ vừa nuôi con vừa đi làm.
Ông Kishida, người từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Abe, đã củng cố uy tín nhờ chính sách an ninh quốc gia và đối ngoại, giúp làm sâu sắc thêm đáng kể mối quan hệ với Mỹ và các đối tác khác như Australia, Vương quốc Anh, Hàn Quốc và Philippines, đồng thời nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.
Vào tháng 12 năm 2022, chính phủ của ông Kishida đã thông qua chiến lược an ninh và quốc phòng bao gồm việc tăng cường nhanh chóng sức mạnh quân sự của Nhật Bản để có được khả năng phản công bằng tên lửa hành trình tầm xa, một sự thay đổi lớn so với nguyên tắc chỉ tự vệ sau Thế chiến II của Nhật Bản.
Chính phủ của ông Kishida đặt mục tiêu trong năm năm là tăng gấp đôi chi tiêu quân sự của Nhật Bản lên gần 2% GDP, với mục tiêu cuối cùng là đạt khoảng 10 nghìn tỷ yên (70 tỷ USD), trở thành nước chi tiêu lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Nhưng không rõ Nhật Bản sẽ lấy tiền ở đâu để chi cho khoản chi tiêu đó và làm thế nào cân bằng với các nhu cầu cấp thiết khác như đối phó với tình trạng dân số đang giảm sút của đất nước.
Vào tháng 12, ông Kishida đã nới lỏng đáng kể các quy định xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản, cho phép cấp phép bán tên lửa đánh chặn PAC-3 do Nhật Bản sản xuất cho Mỹ và bán máy bay chiến đấu mà Nhật Bản đang phát triển với Anh và Italy ra nước ngoài trong tương lai. Ông Kishida nhanh chóng tham gia cùng các nước G7 khác trong việc trừng phạt Nga và ủng hộ Ukraine.
Một trong những thành công ngoại giao của ông Kishida là cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc, đặc biệt là về an ninh khu vực và trong quan hệ với Mỹ, đồng minh chung của họ. Ông Kishida, dưới áp lực từ Washington và với sự ủng hộ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, đã giúp hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước láng giềng châu Á. Mối quan hệ ổn định là chìa khóa của mặt trận thống nhất do Mỹ lãnh đạo ở Thái Bình Dương.
Trong môi trường chiến lược hiện nay, sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước là điều cần thiết cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Hơn nữa, hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên là vấn đề quan trọng đối với toàn thể cộng đồng quốc tế. Có nhiều mối quan hệ lịch sử và tình cảm giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục những nỗ lực của những người tiền nhiệm, những người đã vượt qua thời kỳ khó khăn và cùng nhau hợp tác hướng tới tương lai.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.
Vào tháng 4, ông Kishida đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Washington và phát biểu trước Quốc hội, nhấn mạnh quyết tâm của Nhật Bản trong việc sát cánh cùng Mỹ với tư cách là đối tác toàn cầu. Vào năm 2023, Tổng thống Joe Biden đã mời ông đến dự Hội nghị Thượng đỉnh ba bên tại Trại David với Tổng thống Hàn Quốc. Tại đây, các nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường khuôn khổ an ninh ba bên. Khi ông Kishida công bố kế hoạch từ chức vào tháng 8, Tổng thống Mỹ Biden đã ca ngợi sự lãnh đạo của ông Kishida, nói rằng ông đã đưa liên minh Mỹ - Nhật Bản "lên tầm cao mới".
Ông Kishida gần đây cũng đã giúp đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh về việc dỡ bỏ lệnh của Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản mà Bắc Kinh áp đặt do Nhật Bản thải nước thải phóng xạ đã qua xử lý vào Thái Bình Dương từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi. Ông cũng tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, các quốc đảo Thái Bình Dương, các nước đang phát triển Nam bán cầu.
Chính sách đối ngoại của tân thủ tướng
Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shigeru Ishiba làm Thủ tướng thứ 102 của nước này. Trở thành Thủ tướng mới của Nhật Bản, ông Shigeru Ishiba sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc kiềm chế căng thẳng leo thang trong khu vực. Là người am hiểu quốc phòng, ông Ishiba khẳng định rằng ông sẽ tiếp tục nhiều chính sách của người tiền nhiệm, Thủ tướng Fumio Kishida. Nhưng ông cũng được kỳ vọng sẽ vừa thừa nhận giá trị của liên minh với Mỹ, lại vừa tăng cường nền độc lập của Nhật Bản, đồng thời theo đuổi các thỏa thuận an ninh tập thể với các đối tác có cùng chí hướng ở châu Á.
Ông Ishiba, 67 tuổi, từ lâu đã thấy được giá trị của hiệp ước an ninh giữa nước này với Mỹ, gọi đó là "xương sống của lịch sử chính trị hậu chiến của Nhật Bản". Nhưng ông cũng nói rằng liên minh cần phải được thiết lập trên một nền tảng bình đẳng hơn và "phải phát triển theo thời đại".
Được coi là một nhân vật đột phá trong đảng Dân chủ Tự do của mình, ông Ishiba đã viết trong một bài báo gần đây phác thảo các kế hoạch chính sách đối ngoại của mình rằng hình thái hiện tại của liên minh đòi hỏi Mỹ phải bảo vệ Nhật Bản. Đổi lại, Tokyo phải cung cấp căn cứ, đó là một "hiệp ước song phương không đối xứng".
Trong bài báo được Viện nghiên cứu Hudson công bố tuần trước, ông viết: “Nhiệm vụ của tôi là nâng liên minh Nhật Bản - Mỹ lên ngang bằng với liên minh Mỹ - Anh Quốc”. “Để đạt được điều này, Nhật Bản phải có chiến lược quân sự riêng và trở nên độc lập về mặt an ninh”.
Các nhà quan sát cho rằng cách tiếp cận này, nếu xử lý không đúng cách, có thể tạo ra sự căng thẳng trong liên minh. Tuy nhiên, ông Ishiba đã nhấn mạnh lại những lập trường này trên truyền hình hôm Chủ nhật. Ông nói: “Nếu chúng ta không chủ động, liên minh Nhật - Mỹ sẽ không trở nên mạnh mẽ hơn”.
Khi nói đến mối quan hệ căng thẳng trong lịch sử của Nhật Bản với Hàn Quốc, ông Ishiba cũng đã ám chỉ rằng ông sẽ tiếp tục những thành quả của người tiền nhiệm Kishida nhằm khôi phục quan hệ song phương và ba bên với Seoul — đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh. Trong các cuộc phỏng vấn trước đây, ông Ishiba đã ủng hộ cách tiếp cận ôn hòa hơn trong mối quan hệ với các nước láng giềng, nhấn mạnh sự cần thiết phải hiểu rõ lập trường của Seoul và nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh với Washington cũng như củng cố quan hệ an ninh ba bên với hai nước. Về phần mình, Seoul đã hoan nghênh việc ông Ishiba làm thủ tướng, cam kết tiếp tục hợp tác với chính phủ mới của Nhật Bản để duy trì "động lực tích cực".
Ông cũng đánh giá cao cấu trúc an ninh khu vực đã được thiết lập của châu Á. Phát biểu trên chương trình NHK vào Chủ nhật, ông hy vọng sẽ tham dự các cuộc họp thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Lào vào đầu tháng 10 — cho dù sự kiện đó trùng với thới gian bầu cử ở Nhật Bản.
Kỳ vọng của người dân Nhật Bản
Dư luận tại Nhật Bản cũng như trên thế giới đã đặt nhiều kỳ vọng với nhà lãnh đạo mới. Trong các cuộc thăm dò dư luận diễn ra ngay trước cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP), ông Ishiba luôn nhận được sự ủng hộ cao nhất từ cử tri cho vị trí Thủ tướng Nhật Bản. Người dân đặt nhiều kỳ vọng vào một nhà lập pháp kỳ cựu và có kinh nghiệm như ông.
Thủ tướng Ishiba đã công bố nội các mới và một số ưu tiên trong đường lối chính sách của chính phủ trong thời gian tới. Chính phủ mới của Nhật Bản sẽ tiếp tục đường lối của người tiền nhiệm Fumio Kishida, nhằm đưa kinh tế Nhật Bản ra khỏi tình trạng giảm phát, thúc đẩy kiến tạo và phát triển mô hình kinh tế tăng trưởng mới.
Về ngoại giao, ông Ishiba cho biết sẽ duy trì và làm sâu sắc thêm quan hệ đồng minh với Mỹ, song song với việc thắt chặt hợp tác với các nước có quan hệ đối tác chiến lược, hướng tới hòa bình, an ninh, thịnh vượng cho khu vực và thế giới dựa trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Liên quan tới nội các mới, tân Thủ tướng Nhật Bản Ishiba đã chọn cả đồng minh và đối thủ vào nội các gồm 20 bộ trưởng, trong đó có hai phụ nữ.
Người dân không chỉ kỳ vọng ông Ishiba phục hồi kinh tế các địa phương. Chủ tịch Liên đoàn Kinh tế Chubu kỳ vọng ông Ishiba tập trung vào khôi phục niềm tin chính trị một cách nhanh chóng bằng cách hiện thực hóa một nền kinh tế mạnh mẽ thông qua tăng trưởng kinh tế và đầu tư tăng trưởng. Đồng thời, các chính sách năng lượng đạt được mức độ trung hòa carbon, những biện pháp đối phó với tỷ lệ sinh giảm và khắc phục tình trạng tập trung dân quá mức ở thủ đô Tokyo, các chính sách tăng lương và trao quyền cho phụ nữ cũng được người dân đặt nhiều kỳ vọng.
Ông ấy cũng có lập trường tích cực về việc tăng cường việc làm cho phụ nữ ở các vùng nông thôn. Tôi cho rằng việc nghĩ theo cách đó là khá bình thường, nhưng trong cuộc tranh luận bầu cử của LDP, ông ấy đã đi sâu vào chi tiết, vì vậy tôi có kỳ vọng cao vào ông ấy trong lĩnh vực đó. Tôi cũng hy vọng rằng ông ấy sẽ hạ độ tuổi đủ điều kiện tham gia bầu cử.
Bà Momoko Nojo - nhà hoạt động và đại diện của nhóm No Youth No Japan.
Báo Bloomberg phiên bản tiếng Nhật kỳ vọng ông Ishiba sẽ tăng tốc "chủ nghĩa tư bản mới" với tư cách là người kế thừa chính sách của Thủ tướng Kishida. Ngoài ra, tờ báo này nhấn mạnh về quản lý kinh tế và tài chính, kỳ vọng ông Ishiba sẽ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm, hướng tới vào một chu kỳ tăng trưởng và phân phối có đạo đức.
Tờ Mainichi dẫn phát biểu của Chủ tịch Bưu điện Nhật Bản kỳ vọng nhà lãnh đạo mới Ishiba sẽ vẽ nên một bức tranh lớn và lãnh đạo đất nước bằng khả năng mạnh mẽ.
Ông Ishiba đảm nhiệm vị trí tân Chủ tịch đảng cầm quyền LDP trong bối cảnh có nhiều thách thức. Cử tri rất kỳ vọng về những cải cách trong đảng, kỳ vọng vào các biện pháp giúp kinh tế Nhật Bản bứt phát, có sức cạnh tranh dẫn đầu thế giới và chấm dứt 30 năm thời kỳ giảm sút của nước này, từ đó, Nhật Bản có vai trò lớn hơn trong việc đóng góp cho nền hòa bình và phát triển trong khu vực và thế giới.
Việc kiểm soát biên giới và xử lý người nhập cư bất hợp pháp đã trở thành trọng tâm trong suốt chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ngay sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, ông đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch. Bước đầu tiên là ông đề cử những nhân vật có quan điểm cứng rắn về nhập cư vào các vị trí chủ chốt trong nội các mới của mình.
Ngay khi Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) thông báo lệnh bắt giữ Thủ tướng và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel cùng một thủ lĩnh của lực lượng Hamas, cộng đồng quốc tế đã đưa ra những phản ứng trái chiều.
Theo hãng thông tấn TASS, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga luôn ưu tiên và hiện đã sẵn sàng giải quyết mọi tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tuy nhiên cũng nhấn mạnh nước này đã sẵn sàng cho mọi kịch bản.
Người phát ngôn Nhà Trắng, bà Karine Jean-Pierre cho biết Mỹ không có ý định sửa đổi học thuyết hạt nhân sau khi Nga đưa ra học thuyết hạt nhân sửa đổi.
Dữ liệu mới nhất từ Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 10 tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua, củng cố kỳ vọng của thị trường rằng sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào khác trong năm nay.
Giá dầu thế giới tăng khoảng 1% vào ngày 21/11, sau khi Nga và Ukraine gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ căng thẳng nguồn cung dầu thô nếu xung đột lan rộng.
0