Nhật ký Trường Sa: Tổ Quốc nhìn từ biển
Lần thứ ba trong cuộc đời làm báo, tôi vô cùng vinh dự và tự hào được đến với Trường Sa thân yêu.
Đó là ngày 19/4/2024, tàu Trường Sa 571 chào đón và đưa hơn 250 thành viên Đoàn công tác số 10, trong đó có 120 thành viên là lãnh đạo, cán bộ cùng các nhà báo thành phố Hà Nội đến thăm quân, dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà) và Nhà giàn DK1. Đoàn công tác do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến làm trưởng đoàn.
Với tâm thế “Mang ra tình cảm, mang về niềm tin”, trước giờ xuất phát, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhắn nhủ với từng thành viên: “Các đồng chí vinh dự thay mặt cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô mang theo tình cảm ấm áp của hơn 10 triệu dân Thủ đô và hơn 40 vạn đảng viên của Đảng bộ thành phố gửi tới quân, dân huyện đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ của Nhà giàn DK1/8 - những người đang ngày đêm nắm chắc tay súng canh giữ biển, trời của Tổ quốc. Hà Nội mang theo những tình cảm trân trọng, tin yêu, đồng thời truyền tỏa hơi ấm đất liền, tiếp thêm sức mạnh cho quân dân Trường Sa giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc”.
Sau hơn một ngày dời Cảng Quốc tế Cam Ranh, điểm đảo đầu tiên mà đoàn công tác đến thăm đó là đảo nổi Song Tử Tây.
Đảo Song Tử Tây (xã đảo Song Tử) là một trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa và cũng là xã đảo xa nhất của nước ta, cách đất liền khoảng 600 km nằm ở phía Bắc Biển Đông.
Vừa quen thuộc, vừa bồi hồi, với tôi từ xa, đảo Song Tử Tây hiện lên như một khu rừng xanh giữa đại đương bao la với những hàng cây chạy dài chở che đảo. Màu xanh của cây hòa quyện với màu xanh của trời, biển tạo nên một màu xanh thanh bình đến lạ. Đặt chân lên đảo tôi như vỡ òa cảm xúc khi được chào đón bởi những tiếng cười, những cái bắt tay thật chặt, cái ôm đầm ấm của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây.
Trung tá Đào Xuân Nam - Trưởng đảo Song Tử Tây với nước da cháy nắng của biển đảo, chia sẻ với chúng tôi: "Dù còn gặp không ít khó khăn do điều kiện khí hậu mang lại, cộng với vị trí xa đất liền nhưng các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân chủng Hải quân. Đặc biệt là tình cảm, sự ủng hộ rất lớn cả về vật chất, tinh thần nơi đất liền, trong đó có đoàn công tác của thành phố Hà Nội, năm nào cũng ra thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Sự thăm hỏi động viên kịp thời đã giúp cho cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây kiên định, vững vàng với một quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc".
Trong hải trình của đoàn công tác thành phố Hà Nội đến với Trường Sa lần này, đoàn đến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở 7 đảo, điểm đảo trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 đó là: đảo Song Tử Tây; đảo Sinh Tồn, Núi Le B, Tốc Tan B, Đá Tây A, Đá Tây C, Trường Sa lớn và Nhà giàn DK1/8 Quế Đường.
Ấn tượng đặc biệt với tôi lần này khi trở lại Trường Sa đó là cơ sở hạ tầng khang trang hiện đại, nhiều công trình nhà ở, trường học, trung tâm y tế, bệnh xá, các thiết chế văn hóa…đã được đầu tư xây dựng. Đời sống của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ngày càng được cải thiện. Để có được điều này, có sự đóng góp mồ hôi, công sức, sự hy sinh thầm lặng của quân và dân Trường Sa những người coi “đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Đồng thời đây cũng là thành quả to lớn của các phong trào mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước đã hướng về biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.
Tại mỗi đảo chúng tôi đến trong hành trình thăm Trường Sa đều có trường học dành cho các em. Trong mỗi lớp học, học sinh được học ghép với đủ lứa tuổi từ mẫu giáo đến lớp 5 và mỗi đảo có từ một đến hai thầy giáo phụ trách dạy học. Dù xa đất liền, đời sống trên các đảo còn khó khăn nhưng điều kiện học tập của học sinh nơi đây vẫn được đáp ứng đầy đủ. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng trường học ở các đảo giữa muôn trùng nắng, gió ấy vẫn luôn là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ và chắp cánh ước mơ cho những “mầm xanh tương lai” của đất nước theo cha mẹ bám biển. Hằng ngày, tiếng trống trường vẫn rộn rã vang lên cùng tiếng trẻ thơ học bài và nô đùa hòa trong tiếng sóng vỗ bờ.
Trong chuyến công tác lần này, ấn tượng với những người làm báo Thủ đô là được gặp gỡ, trò chuyện với rất nhiều cán bộ, chiến sĩ là những người con ưu tú của Thủ đô đang làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nơi đảo xa.
Trung tá Cấn Ngọc Sơn (quê huyện Phúc Thọ, Hà Nội) – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa lớn cho biết, bản thân anh luôn cảm thấy tự hào khi được phân công công tác trên đảo Trường Sa lớn.
“Tôi thấy đây là một trách nhiệm của cá nhân đối với Tổ quốc cũng như tiếp nối niềm tự hào về truyền thống anh hùng của người Hà Nội. Chúng tôi sẽ luôn đoàn kết một lòng nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc”.
Có đến Trường Sa, chứng kiến cái khắc nghiệt của thời tiết, mới thấy hết sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của người lính ở đảo trong việc gia tăng rau xanh, cải thiện bữa ăn hằng ngày cho bộ đội. Hơn 200 ngày không có mưa, nước ngọt còn không đủ cho cả sinh hoạt hàng ngày, vậy nhưng những đảo, điểm đảo mà chúng tôi đặt chân đến luôn hiện hữu một màu xanh tươi tốt của rau muống, mồng tơi, bí xanh… hiện hữu. Trong vườn, những giàn bầu, bí trĩu quả và luống rau mồng tơi, muống, cải các loại đang lên tươi tốt. Hình ảnh đó không chỉ gợi lên sức sống mạnh mẽ giữa muôn trùng biển khơi sóng gió mà còn là biểu tượng của ý trí, nỗ lực vượt khó của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.
Không chỉ hỗ trợ về hậu cần, huyện đảo Trường Sa còn là điểm tựa về sức khỏe cho ngư dân. Những trung tâm y tế, bệnh xá tại đây có đủ trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh cho ngư dân mỗi khi cần cứu chữa và luôn sẵn sàng vận chuyển cấp cứu bệnh nhân bằng tàu biển hay máy bay trực thăng về đất liền khi cần thiết. Trong cả ba lần công tác ở Trường Sa, thì cả ba lần tôi có cơ hội được ghi lại những hình ảnh thực tế việc y bác sĩ tại Trung tâm y tế đảo Trường Sa Lớn mổ cấp cứu bệnh nhân.
Đó là vào chiều ngày 23/4, khi Đoàn công tác thành phố Hà Nội vừa thực hiện xong Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn, một bác sĩ đi làm nhiệm vụ trong đoàn công tác chạy đến trao đổi với tôi: "Anh có phải là nhà báo của Đài Hà Nội không? Chúng tôi vừa nhận thông tin trung tâm y tế trên đảo vừa tiếp nhận một ngư dân chuyển đến cấp cứu. Qua thăm khám lâm sàng xác định bệnh nhân có thể bị viêm ruột thừa, có thể phải mổ cấp cứu ngay trong chiều nay, rất muốn các anh nhà báo ghi lại được những thước phim đặc biệt này".
Không chần chừ, tôi xin phép trưởng đoàn công tác và cùng kíp phóng viên khẩn trương có mặt tại Trung tâm y tế đảo Trường Sa Lớn, lúc đó khoảng hơn 3 giờ chiều.
Tại Trung tâm y tế đảo Trường Sa Lớn, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ ở đây, đặc biệt là vai trò rất lớn của Trung tá Nông Hữu Thọ - Tiến sĩ, Bác sĩ, Bệnh xá trưởng Trung tâm y tế đảo Trường Sa Lớn đã tiến hành làm các xét nghiệm thường quy, cấp cứu; sau đó, tiến hành hội chẩn với Bệnh viện Quân y 175 qua hệ thống Telemedicine và kết quả chuẩn đoán bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp. Khi hội chẩn xong, các bác sĩ tại đây đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật. Với các trang thiết bị hiện có tại trung tâm y tế trên đảo, bệnh nhân đã được phẫu thuật kịp thời và thành công chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ.
Bác sĩ Nông Hữu Thọ cho biết, chiều ngày 23/4, Trung tâm y tế đảo Trường Sa Lớn tiếp nhận một bệnh nhân nam 36 tuổi. Bệnh nhân này trước đó trong quá trình hoạt động canh tác trên ngư trường xuất hiện triệu chứng đau âm ỉ vùng thượng vị và được đưa vào bệnh xá đảo Thuyền Chài cấp cứu. Sau 4 ngày chưa đỡ đau, các bác sĩ ở đây tiến hành hội chẩn và được chuyển tới Trung tâm y tế đảo Trường Sa Lớn.
“Qua đây có thể thấy, người dân cũng như ngư dân khi gặp tình huống cần cứu hộ, cứu nạn, có thể hoàn toàn yên tâm khi có chỗ dựa về y tế là các bệnh xá tại các đảo để vươn khơi, bám biển”.
Xúc động và thiêng liêng với tôi cùng tất cả các thành viên trong Đoàn công tác thành phố Hà Nội chính là được tham dự Lễ chào cờ đặc biệt tại cột mốc chủ quyền quốc gia cùng quân và dân trên đảo Trường Sa Lớn.
Giữa bốn bề sóng vỗ, trong cái nắng chói chang trên đảo Trường Sa Lớn, trước cột mốc chủ quyền và lá cờ Tổ quốc, từng lời bài hát Quốc ca của các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo Trường Sa Lớn trong Lễ chào cờ vang lên với khí thế hào hùng, thiêng liêng đầy kiêu hãnh, tự hào. Sau tiếng hô dõng dạc, dưới lá cờ Tổ quốc đang tung bay đầy kiêu hãnh giữa nền trời xanh thẳm, từng lời bài hát “Tiến quân ca” vang lên hùng tráng át tiếng sóng biển ngoài khơi.
Với mỗi thành viên tham gia Lễ chào cờ tưởng chừng như từng lời bài hát đã thuộc nằm lòng từ tấm bé nhưng nay khi được hát vang những ca từ hào hùng ấy giữa quần đảo anh hùng trong trái tim mỗi người đều cảm thấy thổn thức, tự hào, xúc động khó tả. Cảm xúc đó không thể gọi tên, đơn giản vì đó chỉ có thể là tình yêu Tổ quốc.
Dưới lá cờ, 10 lời thề danh dự của quân nhân vang lên hòa trong tiếng sóng, giữa biển trời của Tổ quốc. Đó cũng là lời khẳng định đanh thép của quân và dân trên đảo quyết tâm vượt qua mọi thử thách, bảo vệ chủ quyền biển đảo - một phần lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.
Giữa trùng khơi, Lễ chào cờ đặc biệt ấy như lời khẳng định đanh thép về chủ quyền thiêng liêng của đất nước Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Ở cột mốc chủ quyền nơi biển đảo xa xôi, trên mảnh đất thấm máu của cha ông, mỗi người con đất Việt càng thấm thía hai tiếng thiêng liêng - Tổ Quốc.
Khép lại một hải trình với rất nhiều hoạt động ý nghĩa. 10 ngày ở Trường Sa là những khoảnh khắc, những kỷ niệm không thể nào quên. Điều lắng lại trong tôi trong chuyến công tác Trường Sa lần này không chỉ là sự trải nghiệm được ngắm nhìn Tổ quốc từ biển mà chúng tôi thấu hiểu hơn bao công sức, nước mắt, mồ hôi và cả máu xương của cha anh đã đổ xuống cho sự trường tồn mãi mãi của Trường Sa. Đến Trường Sa, chúng tôi cũng nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền đất nước, thực hiện và hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Tôi mong một ngày lại được đến với Trường Sa thân yêu…
Tưởng Quang Hưng
Phóng viên Trung tâm Tin tức, Đài Hà Nội
Hồ Gươm vào cuối thu mang một vẻ đẹp dịu dàng và lãng mạn, tiết trời se lạnh, làn gió nhẹ thoảng qua mặt hồ phẳng lặng, lác đác những chiếc lá vàng rơi.
Chụp ảnh đường phố Hà Nội là cách để những người vừa có đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh, vừa có tình cảm với mảnh đất Thủ đô ghi lại những khoảng khắc đời thường nhất của cuộc sống hàng ngày.
Cùng với áo dài và nón lá, guốc mộc từ thời xa xưa đã tạo nên một vẻ đẹp rất Việt. Theo thời gian, guốc mốc dần bị lãng quên. Thế nhưng nhà thiết kế Hoàng Huệ đã đưa guốc mộc từ ký ức trở về cuộc sống ngày nay, với những họa tiết hiện đại, có tính ứng dụng cao.
Không cần phải đợi đến Tết, món bánh chưng rán mâm mang hương vị tuổi thơ của nhiều người giờ đây có thể được thưởng thức mọi lúc, nhưng ngon nhất là trong thời tiết se lạnh của Hà Nội dịp này.
Khác biệt với những môn thể thao phải vận động mạnh, yoga nhìn nhẹ nhàng nhưng lại giúp cho người tập rèn luyện cả về "tâm-thân-trí". Điều này cũng đòi hỏi những huấn luyện viên yoga phải có kinh nghiệm nhất định.
Bãi sông Hồng dưới chân cầu Long Biên gần đây đã đổi thay. Rác thải ô nhiễm tồn đọng lâu ngày được thu dọn để cải tạo, trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách.
0