Nhất trí hoán đổi ngày làm việc dịp 30/4, 1/5 để nghỉ 5 ngày | Hà Nội tin mỗi chiều

Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay, người lao động cả nước có thể sẽ được nghỉ dài 5 ngày liên tiếp; Dự báo thiếu hơn 55.000 biên chế giáo viên mầm non; Trung bình một người Việt tiêu thụ 1 lít nước ngọt mỗi tuần… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Nhất trí hoán đổi ngày làm việc dịp 30/4, 1/5 để nghỉ 5 ngày liên tiếp

Ngày 5/4, Bộ Nội vụ đã gửi công văn góp ý về đề xuất hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra. Bộ Nội vụ nhất trí với đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để người lao động được nghỉ 5 ngày liên tiếp. Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện văn bản, sớm trình Thủ tướng xem xét quyết định, bảo đảm sự chủ động trong tổ chức, sắp xếp công việc của các cơ quan, tổ chức liên quan và của người dân.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2024 dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 có ngày 29/4 (thứ Hai) nằm giữa ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ hàng tuần. Vì vậy, cơ quan này đề xuất hoán đổi ngày làm việc bình thường (ngày 29/4), làm bù sang ngày khác để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục. Kỳ nghỉ dài giúp kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc hoán đổi này không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Ngoài lấy ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng xin ý kiến 14 bộ, ngành khác về việc hoán đổi ngày làm việc.

Ảnh minh họa: Afamily

Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua cơ quan chuyên môn đề xuất hoán đổi ngày nghỉ dịp 30/4-1/5. Tuy nhiên, việc đề xuất cách kỳ nghỉ chỉ hơn 20 ngày, sau đó còn chờ cơ quan thẩm quyền phê duyệt, có thể khiến kế hoạch làm việc của nhiều cơ quan, doanh nghiệp ít nhiều bị xáo trộn, nhất là đơn vị dịch vụ vận chuyển.

Lý giải việc đề xuất hoán đổi chậm, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động - cơ quan soạn dự thảo cho biết, gần dịp lễ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mới nhận được nhiều đề xuất hoán đổi, kéo dài kỳ nghỉ. Trường hợp hoán đổi ngày làm việc để nghỉ kéo dài dịp 30/4 - 1/5 năm nay không có trong quy định của Bộ luật Lao động, nên phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền. Việc lấy ý kiến 15 cơ quan, bộ, ngành sẽ phải xong trước ngày 8/4.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên minh Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một trong những đơn vị được lấy ý kiến đồng tình với việc hoán đổi để kỳ nghỉ lễ kéo dài. Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng ủng hộ chủ trương hoán đổi để nghỉ liền 5 ngày. Kỳ nghỉ dài tạo nhiều lợi ích với người lao động lẫn nền kinh tế.  Kéo dài ngày nghỉ, người dân được thoải mái lựa chọn thời gian lưu thông, mật độ phương tiện trên đường được kéo giãn, nhất là trước và sau dịp nghỉ lễ, giúp giảm ùn tắc và tai nạn. Tuy nhiên, nếu thông báo hoán đổi ngày làm việc từ đầu năm, sẽ giúp người dân chủ động lên kế hoạch cho kỳ nghỉ từ sớm

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho biết, khi người lao động được nghỉ liên tục sẽ có lợi hơn là nghỉ sau đó đi làm một ngày rồi lại nghỉ. Hoán đổi ngày làm việc dịp lễ là chuyện bình thường, chỉ có điều Bộ LĐTB&XH nên sớm trình Chính phủ quyết định để doanh nghiệp và người lao động có sự chủ động trong sắp xếp, tổ chức công việc

Dự báo thiếu hơn 55.000 biên chế giáo viên mầm non

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự báo, đến năm 2030 cả nước có thể thiếu hơn 55.000 giáo viên mầm non. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện nay tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi trên toàn quốc đạt 93,1%; riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi huy động đạt tỷ lệ 99,8%

Theo dự báo dân số độ tuổi của Tổng cục Thống kê, đến năm 2030 có 7/63 tỉnh, thành phố tăng dân số trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi (trên 176.000 trẻ). Tại một số tỉnh, dân số tăng nên sẽ tăng lớp mẫu giáo. Dự báo tăng hơn 1.800 lớp. Bộ GD&ĐT dự báo số lượng biên chế còn thiếu đến năm 2030 là hơn 55.000 biên chế. Bộ GD&ĐT nhận định khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc. Trong khi đó, nhiều địa phương không tuyển dụng đủ giáo viên mầm non do áp lực công việc, thời gian làm việc dài, thu nhập thấp.

Công việc của giáo viên mầm non phải chịu nhiều khó khăn, áp lực. Ảnh: Phong Linh

Nhiều người vẫn ví nghề giáo viên mầm non như làm “dâu trăm họ” khi phải “vừa dạy, vừa dỗ” trẻ nhỏ từ sáng sớm đến chiều muộn, vừa phải chịu nhiều áp lực, đặc biệt là từ phía phụ huynh. Nhưng chỉ tiêu biên chế cho giáo viên mầm non lại rất ít ỏi, trong khi công việc hợp đồng tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập khá bấp bênh, thu nhập thấp, chế độ đãi ngộ không hấp dẫn nên không nhiều người muốn gắn bó lâu dài với nghề, sẵn sàng bỏ nghề nếu tìm được công việc tốt hơn. Những lí do này, các nhà quản lý, chính quyền các địa phương đều đã tỏ tường. Nhưng những giải pháp nhằm khắc phục lại vẫn chưa đủ quyết liệt, bởi thế mà điệp khúc “thiếu giáo viên mầm non” vẫn réo rắt trong nhiều năm qua. Nếu không sớm giải quyết bài toán này, hàng trăm cơ sở mầm non có nguy cơ không thể hoạt động và hàng triệu trẻ em sẽ không thể đến trường.

Theo các chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt ngay từ công tác tuyển dụng ngành sư phạm mầm non để thu hút nhân lực. Bên cạnh đó, cần có sự đãi ngộ phù hợp để giáo viên yên tâm công tác với mức lương tương xứng hơn.

Giáo dục mầm non cần được chú trọng hơn nữa bởi đây là giai đoạn phát triển nhanh nhất về trí óc, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ. Vì lẽ đó, quan tâm đến đội ngũ giáo viên mầm non là thể hiện tầm nhìn của ngành giáo dục đối với những bước đầu tiên của việc trồng người.

Trung bình một người Việt tiêu thụ 1 lít nước ngọt mỗi tuần

Trung bình một người Việt tiêu thụ 1 lít nước ngọt mỗi tuần. Tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh, nhất là ở những người trẻ tuổi. Đây là thông tin được các chuyên gia cho biết tại hội thảo về tác hại của đồ uống có đường với sức khỏe, và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng, được tổ chức ngày 5/4.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người sử dụng đồ uống có đường tăng nhanh trong 10 năm qua. Năm 2002, trung bình một người Việt tiêu thụ 6,04 lít đồ uống có đường mỗi năm. Năm 2021, con số này là 55,78 lít tức tăng gấp 10 lần, theo khảo sát của WHO. Ước tính trung bình một người Việt tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần. Lạm dụng đồ uống có đường dẫn đến các vấn đề sức khỏe như béo phì, đái tháo đường type 2, sâu răng, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư. Tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh đặc biệt là ở người trẻ tuổi. Ở thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 thì hơn một người bị thừa cân hoặc béo phì.

PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, béo phì trở thành vấn đề của thế giới. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tăng nhanh, cứ 5 trẻ có một trẻ bị thừa cân béo phì. Tại Việt Nam, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ có thể lên tới 40%, người trưởng thành là 20%, có địa phương lên tới gần 30%. Sử dụng đồ uống có đường không hợp lý là nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì.

Trung bình một người Việt tiêu thụ 1 lít nước ngọt mỗi tuần, tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh, nhất là ở những người trẻ tuổi. Ảnh minh hoạ

Để hạn chế tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe cộng đồng, nhiều chuyên gia đã đề xuất đánh thuế đồ uống có đường để giảm lượng tiêu thụ. Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện của WHO tại Việt Nam đề xuất Chính phủ xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ. Giải pháp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường được đa số các nước phát triển áp dụng thời gian qua cho thấy đây là giải pháp hữu hiệu nhằm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, từ đó giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai. Ngoài thuế, WHO cũng khuyến nghị đưa ra các biện pháp như: ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống, hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học và giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức chủ động của người tiêu dùng. Người dân cần thay đổi nhận thức, hành vi, tăng cường sử dụng nước không đường, thực phẩm tự nhiên; tránh sử dụng sản phẩm bổ sung thêm đường, hạn chế đường làm gia vị nấu ăn; hạn chế thêm đường vào trà, cà phê khi uống. Đặc biệt, nên có thói quen đọc nhãn thực phẩm trước khi dùng, chú trọng thông tin ghi nhãn dinh dưỡng trên bao bì.

Truyền thông đại chúng cũng có thể làm tăng kiến thức về sức khỏe của mọi người, giúp họ suy nghĩ và nhận thức đúng đắn hơn về những gì họ đang uống để có thể đưa ra lựa chọn tốt hơn về đồ uống để có cuộc sống khỏe mạnh hơn./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.

Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.

Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.

Khoảng 40 nghìn khách tham quan trong một ngày - gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. Đó là con số ấn tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cũng là lượng khách cao kỷ lục mà một bảo tàng có thể thu hút được.

Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.