Nhếch nhác cảnh ăn nhậu ở vỉa hè hồ Tây | Hà Nội tin mỗi chiều
Các tờ báo vừa đồng loạt lên tiếng về tình trạng chiếm dụng vỉa hè ở Hà Nội. Lần này, điểm được gọi tên không đâu xa lại chính là Hồ Tây - nơi nhiều người gọi vui là nàng thơ của Hà Nội. Trên mặt báo, cảnh vỉa hè bị “xẻ thịt” bởi những chồng ghế lổn nhổn, xe cộ thì bày bừa khiến người yêu Hà Nội, yêu Hồ Tây thoáng buồn.
Đáng nói, vỉa hè không chỉ bị chiếm dụng ban ngày mà ngay cả ban đêm cũng không được yên. Các quán ăn còn mang chiếu ra vỉa hè, bày hiên ngang như nhà có cỗ để đón khách. Cảnh người dân ngồi ăn uống, nhậu nhẹt lếch thếch bên vệ hồ bình yên khiến không khí ở đây chẳng còn thanh bình chút nào. Điều này khiến những người yêu hồ Tây nhiều khi cũng phải giật mình rằng nàng thơ giờ khang khác thì phải…
“Ngày xưa tôi thích chạy bộ quanh hồ Tây vì rất thoáng và mát mẻ. Nhưng thời gian gần đây không gian quanh hồ ngày càng tệ đi. Xe cộ, bàn ghế xếp kín vỉa hè khiến tôi không có lối để chạy bộ, nhiều khi phải chạy xuống lòng đường đông đúc, rất nguy hiểm" - Anh Tú, 32 tuổi, một người dân ở ngay phố Nguyễn Đình Thi đã chia sẻ về thực trạng này.
Chắc nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: Chính quyền nói gì, ở đâu trước những sai phạm này. Và đây là câu trả lời:
"Hiện chúng tôi đang rà soát bãi để xe cho người dân ở hai phường Thụy Khuê và phường Bưởi. Chúng tôi cứ ra quân xong, các hàng quán lại tràn vào lấn chiếm vỉa hè. Cũng khó, vỉa hè bé nhưng nhu cầu lớn, lại phải ra quân xử lý thường xuyên thôi" - Ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết thời gian qua, quận vẫn ra quân liên tục để xử phạt, lập lại trật tự vỉa hè nhưng vẫn có tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, kinh doanh.
Thế là đã rõ. Điệp khúc “Chính quyền tới thì dẹp, chính quyền đi thì bày” hình như không có hồi kết. Chính vị lãnh đạo quận Tây Hồ còn phải chia sẻ thêm trên báo chí rằng: “Việc để tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, quận cũng đã họp kiểm điểm Ban Chỉ đạo 197 tại các phường để xảy ra tình trạng trên. Đồng thời, thời gian tới, quận sẽ xem xét bố trí thêm kinh phí để ban chỉ đạo hoạt động hiệu quả hơn”.
Xử lý rồi lại tái diễn là câu chuyện lặp lại trong nhiều năm qua. Điều này đã cho thấy cần có sự quyết liệt trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ cho người dân để thay đổi thói quen buôn bán trên vỉa hè. Trên thực tế, vỉa hè đang là nơi mưu sinh của rất nhiều người. Nghiên cứu của Tổng cục Thống kê cho thấy khu vực kinh tế phi chính thức (bao gồm cả kinh tế vỉa hè) thu hút 11 triệu lao động, trong đó có những người yếu thế. Vài tiếng bán hàng ở vỉa hè cũng nuôi sống không chỉ bản thân họ mà cả gia đình. Vậy nên thay vì cứ diễn mãi điệp khúc kia mà không có tiến triển, chúng ta nên tính toán tới việc hợp tác thì hơn.
Việc thuê mặt bằng cửa hàng ở hồ Tây là khá đắt, vị thế thuộc hàng đẹp nhất nhì Thủ đô, lượng khách và nhu cầu tham quan, chụp hình luôn cao. Do đó, sự cạnh tranh của các tiểu thương ở khu vực này là không hề nhỏ. Thế nên chuyện phải tràn ra vỉa hè để phục vụ các thượng đế có lẽ cũng xuất phát từ nguyên nhân này.
Trước thực trạng như thế ở Hồ Tây, các chuyên gia giao thông, đô thị vô cùng trăn trở bởi lẽ, nơi đây là địa điểm yêu thích của rất nhiều người. Cảm giác đi dạo trên vỉa hè ở hồ Tây cách đây độ chục năm, dòng người thong dong tập thể dục, không khí trong lành mới tuyệt vời làm sao. Chốc lát, những cánh chim chao liệng trên nền trời đỏ au càng làm cho người ta thêm yêu sự bình yên quý giá giữa phố thị tấp nập này. Người dân Thủ đô rất mong vỉa hè hồ Tây sớm được quy hoạch bài bản, thoát khỏi tình cảnh nhếch nhạc như hiện tại.
Thực ra chuyện ở hồ Tây cũng là chuyện của nhiều nơi, nhiều đất nước. Vài người từng du lịch Hong Kong nói rằng, để tránh tình trạng nhếch nhác cho đô thị, chính quyền bố trí quy hoạch riêng biệt khu hành chính và khu du lịch. Tại khu hành chính, chủ yếu là các nhà hàng được xem là "hạng sang trọng." Còn tại các khu du lịch thì nét văn hóa đường phố đa dạng từ sang trọng đến bình dân. Trong khi đó, Thái Lan thì cho phép kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè nhưng được quy hoạch từng khu vực, tổ chức không gian hài hòa vừa khai thác hiệu quả vừa phục vụ du lịch.
Vỉa hè ở đây không chỉ dành cho người đi bộ một cách thuận lợi, mà còn giúp phát triển kinh tế với các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, thưởng lãm nghệ thuật đường phố, nhưng không cản trở giao thông, vẫn dành lối cho người đi bộ. Với các nước có nhiều nét văn minh về giao thông tương đồng với châu Âu như Hàn Quốc, Nhật Bản, các tiệm kinh doanh có sử dụng vỉa hè làm nơi bày biện, trang trí nhưng cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến lối đi bộ.
Như vậy, vỉa hè suy cho cùng vẫn phải có ưu tiên cho người đi bộ theo đúng công năng và định nghĩa của nó ở nhiều nơi trên thế giới. Có thể thấy, dù có nhiều điểm rất khác biệt trong cách thức các quốc gia phát triển giải quyết các vấn đề liên quan đến trật tự đô thị nhưng khi họ đã xác định được vấn nạn, họ sẽ giải quyết bằng được, thông qua các chiến dịch quyết liệt, triệt để.
Giá gạo Việt Nam và gạo Ấn Độ giảm trên thị trường châu Á trong tuần qua; Hà Nội: Xử lý nghiêm cán bộ đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông; Căng thẳng tại Trung Đông: Israel bị cáo buộc tấn công bệnh viện ở Bắc Gaza; Lật phà ở Congo, khoảng 140 người thiệt mạng và mất tích;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin ngày hôm nay.
Bảo tàng ở mỗi quốc gia không chỉ giúp lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc, nét tinh túy của nhân loại, mà còn tạo ra những giá trị vật chất cho nền kinh tế. Đồng thời, Bảo tàng còn có giá trị giáo dục lịch sử dân tộc, truyền thống, thẩm mỹ, nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển trí tuệ. Vì vậy cần có những cách để mọi người khi đến Hà Nội là nghĩ cần phải đi bảo tàng.
Từ những phiến đá thô sơ cho đến những công trình vững chãi, không chỉ là câu chuyện về một vật liệu thiên nhiên mà còn là hành trình tìm lại những ký ức, những dấu ấn của quá khứ còn vương vấn trên từng viên đá lỗ chỗ, từng ngôi nhà mang dấu tích của thời gian. Đó là đá ong, lặng thầm gắn bó với con người Hà Nội suốt hàng trăm năm qua.
Khi bước sang tuổi già, người cao tuổi không thể lao động và mọi khoản chi tiêu đều phụ thuộc vào lương hưu.
Nem lụi hay còn gọi là nem nướng, là một đặc sản quen thuộc của ẩm thực Việt. Thế nhưng nhà máy sản xuất nem nướng lớn nhất thế giới lại được đặt ở Udon Thani – một tỉnh phía Đông Bắc Thái Lan có đông người Việt Nam sinh sống, do một doanh nhân gốc Việt làm chủ.
Quân đội nhân dân Việt Nam - Điểm tựa vững chắc của nhân dân; Nhiều loại khí tài hiện đại tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế; Phát huy tiềm năng dược liệu Việt Nam; Tổng thống Mỹ ký luật tránh đóng cửa chính phủ;... là một số thông tin đáng chú ý trong Chương trình Thời sự 9h00 hôm nay.
0