Nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU đầy sóng gió của Hungary

Hungary mở màn cương vị Chủ tịch luân phiên EU với một nhiệm vụ gai góc, đó là sứ mệnh hòa bình cho Ukraine. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) cáo buộc Hungary có hành vi lạm quyền, đi ngược lại các chủ trương của EU, đồng thời phát động việc tẩy chay một phần hoạt động trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của nước này.

Tham vọng “đưa châu Âu vĩ đại trở lại”

Kể từ đầu tháng 7 này, Hungary đã chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) với nhiệm kỳ kéo dài đến hết ngày 31/12 năm nay.

Tiếp quản cương vị trên từ Bỉ, Chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban đảm nhiệm việc thiết lập chương trình nghị sự hàng tuần và chủ trì các cuộc họp cấp bộ trưởng tại Brussels.

Trong bối cảnh kinh tế, chính trị châu Âu đang có nhiều biến động như sự hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và những căng thẳng địa chính trị, Hungary đã đặt ra mục tiêu trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của mình là “đưa châu Âu vĩ đại trở lại”, thể hiện rõ quyết tâm mang tới những thay đổi lớn cho toàn bộ khu vực.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Reuters.

Chính phủ Hungary đã công bố 7 ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình đối với EU, bao gồm: tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế khu vực; phát triển ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu và hợp tác mua sắm quốc phòng giữa các thành viên EU; gắn kết EU; hạn chế dòng người di cư bất hợp pháp và bảo vệ biên giới; ủng hộ chính sách nông nghiệp châu Âu lấy nông dân làm trung tâm; giải quyết vấn đề mở rộng khối trong tương lai và tìm lời giải cho bài toán nhân khẩu học.

Đại diện thường trực của Hungary tại EU Balint Odor nhận định rằng, so với nhiệm kỳ mà nước này đảm nhiệm cách đây hơn 10 năm, thì “bối cảnh địa chính trị ở châu Âu đã có nhiều thay đổi và liên minh đang đứng trước bộn bề thách thức”.

Những ưu tiên này là sự bao trùm hàng loạt vấn đề của EU đang phải đối mặt. Điều này cho thấy sự tham vọng, cũng như cả thách thức mà EU nói chung và nước chủ tịch nói riêng phải giải quyết trong thời gian tới.

Một trong những thay đổi lớn nhất có thể đến trong nhiệm kỳ chủ tịch của Hungary là cải cách cơ chế ra quyết định của EU.

Trước đây, các quyết định quan trọng thường được đưa ra dựa trên sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Hungary đã đề xuất một hệ thống bỏ phiếu mới, trong đó các quyết định có thể được thông qua dựa trên đa số phiếu. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng bế tắc và tăng cường hiệu quả hoạt động của EU.

Hungary đã đề xuất một hệ thống bỏ phiếu mới, trong đó các quyết định có thể được thông qua dựa trên đa số phiếu. Ảnh: AFP.

Tiến sĩ Eva Smith, chuyên gia về chính trị châu Âu tại Đại học Oxford cho hay: “Việc thay đổi cơ chế ra quyết định này có thể giúp EU hoạt động hiệu quả hơn trong bối cảnh cần phải nhanh chóng và quyết đoán. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến sự bất bình từ các quốc gia nhỏ hơn, khi họ cảm thấy lợi ích của mình không được bảo vệ đúng mức”.

Về đề xuất thúc đẩy tạo ra một thị trường chung châu Âu mạnh mẽ hơn, Hungary đã nhận được nhiều sự ủng hộ của các quốc gia thành viên. Theo đó, bằng cách loại bỏ các rào cản thương mại và tăng cường sự liên kết giữa các nền kinh tế quốc gia, bao gồm việc thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do và cải thiện các quy định về thuế quan, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.

Hungary cũng đặc biệt quan tâm tới việc tăng cường an ninh và quốc phòng, khi đề xuất việc thiết lập một cơ chế phản ứng nhanh trong trường hợp có các mối đe dọa an ninh, cùng với việc tăng cường chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia thành viên.

Bên cạnh đó, Hungary cũng thúc đẩy việc tăng cường đầu tư vào công nghệ quốc phòng và đào tạo quân sự, nhằm bảo đảm EU có thể đối phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh hiện nay.

Hungary đặc biệt quan tâm tới việc tăng cường an ninh và quốc phòng. Ảnh: Army.

Về đối ngoại, Hungary chủ trương tăng cường quan hệ với các quốc gia ngoài EU, đặc biệt là với các nước láng giềng và đối tác thương mại quan trọng, bằng cách tổ chức nhiều hội nghị và cuộc gặp gỡ cấp cao nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, chính trị và văn hóa. Điều này không chỉ giúp tăng cường vị thế của EU trên trường quốc tế, mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp châu Âu.

Các chuyên gia đánh giá cao bước đi này của Hungary trong bối cảnh các quốc gia thành viên đang tìm cách mở rộng thị trường, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế; song việc cân bằng lợi ích quốc gia và lợi ích chung của EU cần được đặt lên hàng đầu.

Sứ mệnh hòa bình của Hungary

Những năm gần đây, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nổi lên như một nhân vật theo đuổi các chính sách đi ngược với EU, cũng như phải đối mặt với nhiều chỉ trích của các đồng nghiệp châu Âu.

Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm 2022, Budapest không ủng hộ chính sách viện trợ vũ khí cho Kiev, thay vào đó kêu gọi giải pháp ngoại giao và duy trì quan hệ kinh tế với Nga.

Ngay trong những ngày đầu tiên Hungary đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, Thủ tướng Orban đã thực hiện chuyến công du mà ông gọi là “sứ mệnh hòa bình” tại Ukraine, Nga, Trung Quốc, và kết thúc chuyến đi bằng cuộc gặp với ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump.

Dựa trên các nỗ lực ngoại giao này, Thủ tướng Hungary Viktor Orban mới đây đã gửi một lá thư đặc biệt đến các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, trong đó vạch ra một kế hoạch hòa bình nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 8/7.
Ảnh: AFP.

Tờ Bild của Đức đưa tin Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã viết thư cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel, hối thúc ông nối lại đối thoại với Nga và đưa Trung Quốc vào nỗ lực giải quyết xung đột Ukraine.

Theo nguồn tin trên, Thủ tướng Hungary đã cung cấp cho ông Michel bản tóm tắt về các cuộc đàm phán của ông với các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Mỹ - ông Donald Trump. Bức thư cũng được cho là có một số đề xuất để ông Michel xem xét.

Trên cương vị Chủ tịch EU, Hungary sẽ được thực hiện công việc của mình - một sứ mệnh hòa bình. Tôi muốn tìm ra con đường ngắn nhất dẫn đến hòa bình là gì? Liệu có thể ngừng bắn trước khi đàm phán hòa bình không? Cần nhiều bước để kết thúc xung đột, nhưng chúng tôi đã thực hiện được bước quan trọng đầu tiên để khôi phục đối thoại và tôi sẽ tiếp tục thực hiện công việc này.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Nhà lãnh đạo Hungary cảnh báo “mức độ xung đột quân sự ở Ukraine sẽ gia tăng mạnh mẽ trong tương lai gần”, đồng thời kêu gọi Chủ tịch EC sớm tổ chức các cuộc đàm phán với Trung Quốc về một “hội nghị hòa bình” cũng như tái lập quan hệ ngoại giao với Nga.

Trước màn khởi động nhiệm kỳ với sứ mệnh hòa bình của Hungary, nhiều nhà lãnh đạo EU cho biết họ không được thông báo trước về cuộc họp bất thường giữa Thủ tướng Orban với các nhà lãnh đạo nước ngoài.

EU cũng khẳng định hành động của Thủ tướng Orban không thay mặt khối dưới bất kỳ hình thức nào, đặc biệt vai trò trung gian hòa bình cho Ukraine. EC đã cáo buộc Thủ tướng Victor Orban có hành vi lạm quyền và hình ảnh của EU, đi ngược lại các chủ trương của EU là cô lập Nga và duy trì sự ủng hộ cho Ukraine.

EU tìm cách hạn chế quyền lực của Hungary

Hungary có kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh về đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) tại Thủ đô Budapest vào ngày 28 - 29/8. Đây là một cơ hội để Thủ tướng Viktor Orban nỗ lực định hình chương trình nghị sự và chính sách đối ngoại của khối. Tuy nhiên, các ngoại trưởng EU dự kiến sẽ tẩy chay hội nghị này, khi tổ chức một hội nghị ngoại giao riêng.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von de Leyen cũng cho biết cơ quan này sẽ không tham gia ở cấp cao nhất trong các sự kiện không chính thức mà Hungary tổ chức trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình.

Những diễn biến này cho thấy châu Âu đã bắt đầu hành động nhằm hạn chế quyền lực của Hungary trên cương vị chủ tịch luân phiên do cách tiếp cận khác biệt của Budapest về chính sách đối ngoại so với định hướng chung của khối, báo hiệu về một nhiệm kỳ nhiều sóng gió – với cả Hungary cũng như toàn EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von de Leyen. Ảnh: Shutterstock.

Ủy ban châu Âu (EC) cáo buộc Thủ tướng Viktor Orban có hành vi lạm quyền và hình ảnh của EU, đi ngược lại các chủ trương của EU. Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell thông báo sẽ triệu tập các bộ trưởng dự một cuộc họp về đối ngoại “chính thức” cùng thời điểm với hội nghị mà Hungary lên kế hoạch.

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Eric Mamer ngày 15/7 cho biết Chủ tịch EC – bà Ursula Von der Leyen đã quyết định các nhà lãnh đạo cấp cao của EU sẽ không tham gia các cuộc họp cấp cao do Hungary tổ chức với vai trò chủ tịch luân phiên trong 6 tháng cuối năm 2024. Các chuyến đi theo thông lệ của các quan chức cấp cao EU đến Hungary mở đầu cho nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên cũng sẽ bị huỷ bỏ.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu, ông Eric Mamer. Ảnh: Getty Images.

Quyết định tẩy chay một phần hoạt động ngoại giao trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Hungary được coi là đòn trừng phạt của EU sau sứ mệnh hòa bình gây tranh cãi và không có sự phối hợp với 26 nhà lãnh đạo thành viên khác của khối.

Thủ tướng Orban đã gặp nhà lãnh đạo Nga để tuyên bố rằng ông ấy có một kế hoạch hòa bình mà không ai biết đến. Tôi kêu gọi EU cần duy trì hỗ trợ Ukraine cho tới khi cuộc xung đổ ở Ukraine kết thúc. Chúng ta cũng cần hỗ trợ Ukraine cho đến khi nguyện vọng tự quyết định vận mệnh của Kiev với tư cách là thành viên của Liên minh châu Âu được hiện thực hóa.

Bà Iratxe Garcia Perez, Chủ tịch Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ.

Tuy nhiên, hành động giảm cấp độ tham gia các cuộc họp do Hungary làm chủ tịch chỉ là một trong số những biện pháp mà các lãnh đạo EU đang nhắm đến. Trước đó, tại cuộc họp diễn ra ở Brussels, đại sứ của các quốc gia thành viên EU, trong đó có Đức và các nước vùng Baltic đã đề xuất ý tưởng tước quyền Chủ tịch luân phiên EU của Hungary và chuyển giao cho Ba Lan.

Theo các chuyên gia, nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Hungary hoàn toàn có thể được rút ngắn và bàn giao cho Ba Lan kể từ ngày 1/9 hoặc sớm hơn thay vì đợi tới ngày 1/1/2025. Ngoài ra, thông qua việc không cử đại điện cấp cao, châu Âu còn muốn cho Nga nói riêng và thế giới nói chung thấy sự đồng lòng nhất quán trong công tác đối ngoại cũng như đối nội của mình. Bất kể hành động nào làm tổn hại đến các giá trị của EU đều sẽ phải trả giá, cho dù là bất cứ thành viên hay quốc gia đang giữ vị trí nào.

Phản ứng trước động thái tẩy chay từ EU, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto nhấn mạnh những lời chỉ trích và đe doạ của EU chỉ càng khuyến khích Budapest nỗ lực nhiều hơn cho sứ mệnh hoà bình.

Trong khi đó, Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Hungary Janos Boka cho rằng, EU không thể tự chọn các tổ chức và quốc gia thành viên mà họ muốn hợp tác, đồng thời cho biết Tổng thống Viktor Orban vẫn “cam kết hợp tác” để giải quyết “những thách thức chung”.

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: Tass.

Theo các nhà quan sát, dựa trên những gì đang diễn ra ở lục địa già, những bất đồng giữa EU và Hungary sẽ có thể kéo theo nhiều hệ lụy. Đầu tiên là việc xem xét rút tư cách Chủ tịch luân phiên của Hungary. Vấn đề này, mặc dù tồn tại trên lý thuyết nhưng khó có thể xảy ra trên thực tế bởi cho đến nay, châu Âu không có bất kỳ cơ chế pháp lý nào để giải quyết tình huống tương tự.

Trong trường hợp Hungary đồng ý tự nguyện rút lui thì cũng sẽ rất khó để Ba Lan có thể ngay lập tức đảm đương cương vị, vì việc đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên của EU yêu cầu rất nhiều công tác hậu cần. Mặt khác, một số lãnh đạo châu Âu lo ngại việc này sẽ có thể trở thành tiền lệ và sẽ được sử dụng như một biện pháp để tranh giành quyền lợi hoặc gây sức ép trong tương lai.

Hungary đang nỗ lực ghi dấu ấn trên cương vị Chủ tịch luân phiên EU với một hồ sơ gai góc và nhiều tham vọng. Vậy nên, việc tiếp tục đặt nặng vấn đề trừng phạt hay răn đe chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa Hungary và EU.

Hungary, với tư cách là chủ tịch luân phiên hoàn toàn có thể từ chối hợp tác hoặc phản đối các quyết định của EU trong thời gian tới. Giới phân tích cho rằng các lãnh đạo EU nên có cách tiếp cận với Hungary mềm mỏng hơn, cân bằng hơn thay vì các biện pháp cứng rắn, từ đó làm giảm mâu thuẫn và tăng lòng tin của người dân châu Âu nói riêng cũng như của thế giới nói chung vào mái nhà EU.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Theo WHO, lô vaccine đậu mùa khỉ đầu tiên được gửi tới Cộng hòa Dân chủ Congo là một nỗ lực kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 4/9 đã bắt đầu chuyến công du Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng khu vực tiếp tục gia tăng do cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza.

Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 9 là sự kiện tạo nền tảng quan trọng để Nga thúc đẩy chính sách hướng Đông được Nga đề ra từ hơn một thập kỷ trước, trên cơ sở xác định thế kỷ XXI là “thế kỷ của châu Á”.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn nhất kể từ đầu cuộc xung đột đã bùng phát tại nhiều thành phố ở Israel, nhằm gây sức ép yêu cầu Thủ tướng Benjamin Netanyahu hành động để đạt được thỏa thuận ngừng bắn, giải cứu các con tin còn lại.

Hãng thông tấn Nga TASS trích dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nga đưa tin: Lực lượng vũ trang Ukraine đã mất tới 400 người và 12 xe bọc thép trong ngày qua tại Khu vực Kursk. Tổng số quân Ukraine thiệt mạng kể từ khi giao tranh bắt đầu ở khu vực này là hơn 9.300. Không quân Nga đã tấn công lực lượng dự bị của Ukraine tại 15 địa phương ở Khu vực Sumy trong ngày.

Chiến sự leo thang ở Trung Đông đã kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng với nền kinh tế của tất cả quốc gia trong khu vực.