Nhiệm vụ sống còn liên kết đại học - doanh nghiệp

Liên kết đại học - doanh nghiệp trong bối cảnh đòi hỏi về chất lượng nhân lực ngày càng cao là nhiệm vụ sống còn của các trường.
Ảnh minh họa

Công tác này có tác động rất lớn đến năng suất lao động của Việt Nam và là chìa khóa giúp các trường đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ.

Có lợi cho sinh viên

Bối cảnh quốc tế hóa giáo dục và xu hướng luân chuyển, giao thoa nguồn nhân lực chất lượng trong các nước thuộc khối ASEAN đã đặt ra cho các trường nhiệm vụ sống còn là “giáo trình hóa học phần thực hành từ doanh nghiệp”.

Tại hội thảo quốc tế đẩy mạnh liên kết đại học - công nghiệp năm 2022 mới đây với chủ đề “Quốc tế hóa giáo dục đại học”, PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TPHCM cho biết: Nhà trường coi mối liên kết đại học - doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng trong sự phát triển của trường, góp phần vào sự thành công trong tự chủ đại học. Trường hiện đã thiết lập hợp tác chính thức với hơn 80 doanh nghiệp trong và ngoài nước trên các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi, chuyển giao công nghệ.

Từ việc liên kết, khảo sát ý kiến doanh nghiệp hàng năm về nhu cầu nhân lực, yêu cầu kiến thức chuyên môn, Trường Đại học Bách khoa đã chủ động xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo, đáp ứng được các nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

“Việc hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo thông qua nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, tạo môi trường thực tập chuyên nghiệp, mở rộng hoạt động trao đổi giảng viên, chuyên viên nghiên cứu với các doanh nghiệp quốc tế - hướng tới quốc tế hóa giáo dục đại học một cách thực tế”, PGS.TS Mai Thanh Phong chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thành An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Luật TPHCM, việc liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp giúp sinh viên có thêm địa điểm thực tập, thực hành, được tiếp xúc với thực tế, nâng cao kỹ năng, cập nhật những công nghệ, xu hướng mới… Qua đó gián tiếp giúp sinh viên tích lũy thêm kiến thức thực tế, kỹ năng mềm cần thiết làm hành trang cho con đường sự nghiệp tương lai.

“Các kết quả này đã được ghi nhận thông qua ý kiến đánh giá từ các doanh nghiệp đối với sinh viên đã tốt nghiệp của nhà trường, cũng như đánh giá độc lập từ trang tuyển dụng Vietnamwork”, ông An cho biết.

Tại trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TPHCM, hoạt động hợp tác và kết nối doanh nghiệp cũng được coi là nhiệm vụ trọng tâm và luôn đặt hàng đầu. Trường luôn duy trì thực hiện liên kết và hợp tác với hơn 700 đối tác doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có nhiều đối tác lớn. Từ sự hợp tác này, nhà trường cùng doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động tuyển dụng, tham quan nhà máy – Company Tour, tham quan văn phòng – Office Tour, tài trợ học bổng và chuỗi chương trình chia sẻ workshop, talkshow... về các chủ đề cần thiết cho sinh viên trước khi tốt nghiệp.

PGS.TS Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế nhìn nhận, việc đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp đã mở thêm nhiều cơ hội trải nghiệm cho sinh viên với doanh nghiệp. Sinh viên của trường được trang bị và định hướng cơ hội nghề nghiệp, lộ trình và trải nghiệm quá trình thực tập – làm việc tại doanh nghiệp từ sớm. Qua đó, doanh nghiệp có cơ hội xây dựng lộ trình đào tạo, tìm kiếm và thấu hiểu nhiều hơn đối tượng sinh viên, nguồn nhân lực chất lượng cao của nhà trường.

Sinh viên Trường ĐH Mở TPHCM tìm kiếm việc làm tại ngày hội việc làm và doanh nghiệp.

Nhiệm vụ sống còn

Liên kết đại học - doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ then chốt trong xu thế mà các trường đại học đang hướng đến hiện nay. Mối liên kết chặt chẽ này còn góp phần rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế trong quá trình học tập của sinh viên, giúp doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí trong công tác đào tạo lại.

Sự chủ động của doanh nghiệp trong việc kết nối với nhà trường nhằm tìm kiếm nhân sự giỏi sẽ tạo ra hệ sinh thái công việc, khởi nghiệp tốt sinh viên và nhà trường. ThS Hồ Đức Sinh, Giám đốc Trung tâm Quan hệ và Doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho biết, khi doanh nghiệp xác định được nhân sự chất lượng qua các hoạt động học thuật, đào tạo và săn tìm ứng viên tiềm năng, họ ngay lập tức đặt hàng với các khoa. Nếu sinh viên mới chỉ năm 2, 3, doanh nghiệp tài trợ học bổng toàn phần hỗ trợ nhóm sinh viên tiềm năng đó hoặc trang bị thiết bị thực hành.

“Với sinh viên năm cuối, khi tham gia hướng dẫn làm luận văn, chấm khóa luận tốt nghiệp họ sẽ tuyển dụng ngay khi các em chưa tốt nghiệp. Thực tế, chiến lược săn nhân tài của doanh nghiệp hiện thay đổi và chủ động hơn trước rất nhiều thông qua việc tương tác, kết nối với các đơn vị đào tạo, để từ đó chủ động bổ khuyết những thứ còn yếu kém trong nghiệp vụ cho sinh viên từ ngay ghế giảng đường cho đến khi ra trường. Quá trình tham gia sâu vào hoạt động đào tạo giúp cho nhà trường và doanh nghiệp có được nguồn nhân lực chất lượng cao theo đúng mong muốn của mình mà không phải đào tạo lại”, ThS Hồ Đức Sinh chia sẻ.

ThS Phạm Hữu Thái - Trưởng phòng Quan hệ Doanh nghiệp, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng cho biết: Do trường có thế mạnh về khối ngành kỹ thuật nên ngay từ năm nhất sinh viên đã được cho tiếp cận với môi trường doanh nghiệp. Bình quân một năm trường tổ chức khoảng 200 chuyến tham quan doanh nghiệp, kết nối sinh viên với doanh nghiệp thông qua các chương trình như “thực tập sinh”, “tuần lễ vàng tuyển dụng”, ngày hội việc làm… với bình quân 3.500 - 4000 hồ sơ thực tập được tiếp nhận. Nhờ vậy mà doanh nghiệp khá chủ động trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng.

Đánh giá về sự chủ động các trường đại học trong việc bắt tay với doanh nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích cho sinh viên, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho rằng đó là một tín hiệu tốt, đặc biệt trong bối cảnh xã hội đang rất cần nguồn lao động chất lượng cao như hiện nay.

“Chúng tôi luôn chủ động bắt tay và tạo mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Ngoài chương trình thực tập viên tiềm năng do doanh nghiệp tổ chức, chương trình thực tập sinh có lương để tuyển dụng sinh viên năm cuối, nhà trường còn có hội nghị hợp tác tuyển dụng sinh viên của các doanh nghiệp cùng ngày hội việc làm tổ chức hàng năm. Chính hệ sinh thái tương tác trên đã mang đến cho nhà trường và doanh nghiệp sự thấu hiểu, đồng cảm để từ đó có chương trình đào tạo chung tốt nhất”, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh cho biết.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Vượt lên những khó khăn trong cuộc sống, thủ khoa ngành Công nghệ nông nghiệp, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội Hoàng Thị Hồng Nga đã trở thành niềm tự hào của gia đình, thầy cô và bạn bè.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, chuyển đổi số, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI,… sinh viên cần được lĩnh hội những kiến thức mới nhất, đảm bảo thực tế nghề nghiệp để tự tin làm việc trong môi trường quốc tế.

Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" vừa được phê duyệt. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam cần đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực đại học trở lên phục vụ ngành này.

Đi học có lương, ra trường có việc là chuyện không còn mới lạ với nhiều sinh viên trường nghề. Bởi vậy, ở mùa tuyển sinh những năm gần đây, học nghề đang được khá nhiều bạn trẻ lựa chọn.

Chương trình “Hướng nghiệp và tư vấn lựa chọn Tổ hợp môn lớp 10" dành riêng cho học sinh 2k9 do Đài PT-TH Hà Nội và Hệ thống Giáo dục HOCMAI phối hợp với tổ chức, nhằm hỗ trợ học sinh và phụ huynh trong việc định hướng và chuẩn bị tốt nhất cho năm học lớp 10. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia giáo dục uy tín.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn và đã thể hiện rõ khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.