Nhiều kẽ hở khiến đấu giá đất bị trục lợi, thao túng

Mức cọc thấp chưa từng có do thay đổi cách tính khởi điểm, mức phạt thiếu răn đe khiến hành vi lũng đoạn, thông đồng lợi dụng đấu giá đất phổ biến.

Như Đài Hà Nội đã từng phân tích, những dấu hiệu bất thường trong đấu giá đất đã được chỉ ra từ lâu. Và sự việc phá đấu giá đất ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, chỉ như giọt nước tràn ly. Trong suốt thời gian dài vừa qua, việc tổ chức đấu giá đất còn khá nhiều tồn tại. Quy định của pháp luật vẫn còn nhiều kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lũng đoạn, thông đồng đấu giá đất.

Trước tháng 6 năm 2024, mức giá khởi điểm thường được địa phương thuê tư vấn định giá. Thành phố sẽ ủy quyền cho các quận, huyện chủ động xác định hệ số điều chỉnh (K). Mức giá khởi điểm được xác định bằng đơn giá tại bảng giá đất (x) hệ số điều chỉnh nên tương đối sát với giá thị trường.

Toàn cảnh khu đấu giá 58 thửa đất ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn) gây xôn xao dư luận những ngày qua. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Nhưng thời điểm 1/8/2024, Nghị định 71 hướng dẫn Luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Thành phố đã dừng việc ủy quyền đồng thời bỏ quy định cho thuê tư vấn. Trong thời gian chờ ban hành bảng giá đất mới, việc tính mức khởi điểm dựa theo bảng giá đất được ban hành từ năm 2013 nên mức khởi điểm ở mức rất thấp. Cụ thể, huyện Mỹ Đức, giá khởi điểm chỉ từ 1,1 - 1,7 triệu đồng/m²; Sóc Sơn: từ 2 - 3 triệu đồng/m²; Quốc Oai: 4,7 triệu đồng/m²; Thạch Thất: 5,7 triệu đồng/m²; Hoài Đức: 7,3 triệu đồng/m²; Thanh Oai: 8,6 triệu đồng/m²; Hà Đông - quận trung tâm đang phát triển mà giá khởi điểm cũng chỉ dao động từ 22,8 - 32,2 triệu đồng/m².

Để tránh hiện tượng làm giá thổi giá, theo tôi, chính quyền các địa phương phải đặt ra giá khởi điểm sát với giá thị trường để từ đó giá được trả sẽ không cao. Thứ hai, giá đặt cọc phải cao hơn, người tham gia ít đi thì việc bỏ cọc khó khăn hơn.

Ông Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế.

Tổ chức đấu giá nhiều vòng được các quận, huyện áp dụng nhằm ngăn chặn thông đồng, trúng với giá thấp. Tuy nhiên điều này lại tạo cơ hội cho người tham gia đấu giá gặp nhau, trao đổi, bàn bạc. Việc thổi giá, tạo sốt ảo, kích sóng để đẩy hàng tồn xung quanh đã xuất hiện.

Bắt đầu từ ngày 10/8/2024, phiên đấu giá 68 thửa đất ở thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai với nhiều kỷ lục được thiết lập. 1.500 người tham dự với 4.200 hồ sơ. Giá trúng cao nhất được đẩy lên mức 103,3 triệu đồng/m². Tiếp đến ngày 19/8, cuộc đấu giá 19 thửa đất ở xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức cũng gây sốc dư luận khi đấu xuyên đêm ròng rã 18 tiếng. Hơn chục thửa đất đã trúng với mức trên 100 triệu đồng/m², trong đó lô cao nhất là 133,3 triệu đồng/m².

Phiên đấu giá 68 thửa đất ở thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, đã thu hút số lượng kỷ lục hơn 1.500 người tham gia với trên 4.200 hồ sơ.

Liên tục các huyện ngoại thành đấu giá đều ghi nhận mức cao phi lý. Cuộc đấu giá 13 thửa đất tại khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, được tổ chức vào ngày 16/9, thửa đất cao nhất được trả lên tới 75 triệu đồng/m². Phiên đấu giá đất ngày 19/10/2024 tại quận Hà Đông kết thúc sau 15 tiếng với lô đất trúng cao nhất lên tới 262 triệu đồng/m². Điều phi lý là hầu hết các thửa đất dù được trả giá rất cao đều được rao bán chênh cả trăm triệu đồng. Đất nền xung quanh khu vực đấu giá cũng được kích nóng, tăng phi mã, tiệm cận với mức đấu giá.

Tôi không ngờ khi đấu giá, giá lại cao như thế. Giá cao như thế sẽ ảnh hưởng tới giá đất xung quanh và ảnh hưởng đến những hộ nghèo mà muốn mua đất thì cũng rất khó mua. Theo tôi phải xây dựng đúng với giá thị trường và người đi đấu giá phải yêu cầu đóng tiền cọc cao thì mới tránh được việc bỏ cọc về sau này.

Ông Trình Hùng – xã Vân Canh, huyện Hoài Đức.

Một bất cập lớn trong cuộc đấu giá là khách hàng không bị mất tiền cọc dù có hành vi trả giá cao ở vòng đấu trước rồi bỏ ngang hoặc điền phiếu trả giá không hợp lệ ở vòng đấu sau. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá đấu giá đất như ở Sóc Sơn và Thanh Oai.

Ông Ngô Xuân Ảnh, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn cho rằng: “Phạt vi cảnh vài trăm triệu họ có ngay, phải xử lý nghiêm còn làm gương, làm gì phải theo pháp luật, không thì làm loạn Nhà nước à”.

Từ cơ quan quản lý Nhà nước chúng ta phải làm chặt. Chúng ta phải đưa mức ra khi đấu giá phải phù hợp với thực tiễn. Từ giá cao như thế thì những ai muốn thổi giá cũng sẽ rất khó. Hiện nay data mức giá của chúng ta đang rất thấp, chúng ta không thể lấy cái data trước đây để làm giá khởi điểm được mà phải lấy mức giá bây giờ mà do nhiều cơ quan tổ chức xây dựng và trên nền tảng luật có sẵn.

Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng thành phố Hà Nội cần khẩn trương xây dựng bảng giá đất mới. Đồng thời nghiên cứu ban hành những quy định chặt chẽ như: phải cam kết về thời gian xây dựng nhà ở trên đất; từ 1-2 năm sau khi trúng đấu giá mới được phép chuyển nhượng... Quan trọng hơn phải tăng cường chế tài, xử lý nghiêm minh những đối tượng có hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Công điện số 130/CĐ-TTg về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội (NƠXH).

Tình trạng đất đấu giá bị đẩy lên cao một cách phi lý không chỉ làm méo mó thị trường mà còn gây thiệt hại trực tiếp đến người dân. Ban Dân nguyện đã đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành có giải pháp kiểm soát chặt việc đấu giá đất.

Năm 2025, Hà Nội sẽ có thêm hơn 15.000 căn hộ nhà ở xã hội - một nguồn cung lớn nhà giá rẻ sẽ được đưa ra thị trường. Để tránh rủi ro bị lừa đảo, người mua cần phải nắm vững một số điều kiện khi mua nhà ở xã hội hình thành trong tương lai như sau.

Sắp tới sẽ có thêm 100.000 tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp vay ưu đãi mua nhà trong giai đoạn 2025 - 2030. Như vậy, cơ hội tiếp cận vốn vay tiếp tục được mở ra, nhưng cần tăng nguồn cung để người dân có nhà để mua.

Ngày 11/12, HĐND Thành phố Hà Nội đã tiến hành chất vấn nhiều vấn đề được cử tri quan tâm. Nổi bật trong lĩnh vực nhà đất là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án chậm triển khai và công tác quản lý tài sản công.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng của năm 2024, lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đăng ký thành lập là hơn 4.240 doanh nghiệp, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.