Nhiều thách thức mới với an toàn hàng không thế giới

Từ đầu năm 2024, ngành hàng không thế giới liên tục ghi nhận những sự cố nghiêm trọng từ vụ va chạm giữa hai máy bay ở Nhật Bản cho đến việc bung tấm bịt cửa ở thân máy bay của hãng hàng không Alaska Airlines. Không chỉ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, các sự cố này còn cho thấy nhiều bài học đáng suy ngẫm về an toàn hàng không, cùng những vấn đề còn tồn tại trong thập niên qua.

Boeing 737 Max 9 – Bài học về chất lượng và an toàn

Ngày 5/1, chiếc Boeing 737 MAX 9 của hãng hàng không Alaska Airlines cất cánh từ sân bay quốc tế Portland, bang Oregon để tới California, Mỹ. Tuy nhiên, 10 phút sau, máy bay chở 177 người này phải hạ cánh khẩn cấp khi tấm bịt cửa ở thân máy bay bung ra, tạo thành lỗ hổng lớn tương đương cửa thoát hiểm. May mắn, không có hành khách nào bị thương nghiêm trọng.

Boeing 737 MAX 9 gặp sự cố bung cửa khi đang bay.

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đã mở cuộc điều tra về sự cố mà chiếc Boeing 737 MAX 9 gặp phải khi đang ở độ cao hơn 4.800m. Ủy ban này cho biết sự việc có thể tồi tệ hơn rất nhiều nếu xảy ra ở độ cao lớn hơn. Nếu sự cố bung thân xảy ra ở độ cao hành trình khoảng 10.000m, khoang máy bay sẽ lập tức mất khả năng điều áp, toàn bộ dưỡng khí thoát ra ngoài, hành khách bên trong sẽ nhanh chóng bất tỉnh và lạnh cóng. Những người tháo dây an toàn để đi lại trên khoang cũng có thể bị hút ra ngoài qua lỗ thủng.

Bà Jennifer Homendy, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ chia sẻ: “Chúng ta rất may mắn vì sự cố đã không dẫn đến điều gì bi thảm hơn. Không có ai ngồi ở ghế 26A và B bên cạnh tấm bịt cửa. May mắn nữa là máy bay không ở độ cao quá lớn”.

Bà Jennifer Homendy, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ.

Vụ tai nạn làm phát sinh nhiều câu hỏi. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là tại sao sự cố bung thân như vậy có thể xảy ra trên một chiếc máy bay thương mại. Được biết, tấm bịt cửa là bộ phận không chỉ có riêng trên các máy bay Boeing. Các hãng hàng không thường sử dụng tấm bịt cửa để bịt những lối thoát hiểm không cần thiết, biến nó thành một cửa sổ bình thường. Đặc điểm thiết kế nói trên được sử dụng rộng rãi từ giữa những năm 2000. Do đó, theo các chuyên gia, các nhà điều tra nên tập trung vào các vấn đề trong quy trình sản xuất hơn là lỗi thiết kế.

"Có dấu hiệu của sự thiếu sót trong sản xuất, sự bỏ qua về chất lượng từ Boeing. Chúng ta không thể không xem xét sự cố mới đây trong bối cảnh Boeing từng gặp nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng sản xuất”, ông Jeff Duzzetti, Chuyên gia an toàn hàng không cho hay.

Một khả năng khác là do lỗi ở các bu lông dùng để gắn tấm bịt cửa vào phần còn lại của khung máy bay. Hôm 8/1, United Airlines - một trong hai hãng hàng không Mỹ đang sử dụng nhiều mẫu Boeing này, thông báo phát hiện các bu lông bị lỏng và một số vấn đề lắp đặt khác trên các tấm bịt cửa của máy bay Boeing 737 MAX 9.

Dù nguyên nhân vẫn đang được điều tra, nhưng các hoài nghi về kỹ thuật và chất lượng máy bay đang gây khó khăn cho Boeing, trong bối cảnh dòng máy bay 737 MAX – một sản phẩm chủ lực của hãng những năm gần đây liên tục gặp vấn đề hoặc tai nạn. Sự cố đáng chú ý nhất là vào năm 2019, khi tất cả dòng 737 MAX phải dừng bay ở hàng chục quốc gia sau hai vụ tai nạn ở Ethiopia và Indonesia, khiến hơn 340 người thiệt mạng. Điều tra sau đó xác định lỗi thiết kế của máy bay chính là nguyên nhân của thảm kịch. Hồi tháng 2 năm ngoái, Boeing cũng phải dừng giao máy bay thân rộng 787 Dreamliner để kiểm soát chất lượng.

Nhiều nước đã yêu cầu các hãng hàng không dừng khai thác dòng máy bay Boeing 737 MAX 9.

Theo các chuyên gia, vụ bung tấm bịt cửa của chiếc 737 Max vừa qua dù không ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng về người, nhưng cũng đủ gây rắc rối cho Boeing. Sau sự cố hôm 5/1, nhiều nước đã yêu cầu các hãng hàng không dừng khai thác dòng máy bay Boeing 737 MAX 9. Tại Mỹ, Cục Hàng không liên bang Mỹ đã đình chỉ bay đối với toàn bộ 171 máy bay Boeing 737 MAX 9 trên cả nước để chờ kiểm tra. Theo nhà cung cấp dữ liệu hàng không Cirium, Alaska Airlines và United Airlines là hai hãng hàng không Mỹ sử dụng nhiều máy bay Boeing 737 MAX 9 nhất. Hai hãng này ước tính phải hủy từ 100-160 chuyến bay mỗi ngày, ảnh hưởng hàng chục nghìn hành khách và gây thiệt hại hàng tỷ USD.

Tại châu Âu, cơ quan An toàn hàng không Liên minh châu Âu đã thông qua chỉ thị về việc kiểm tra máy bay Boeing 737 MAX 9. Trong khi đó, giới chức quản lý an toàn hàng không Vương quốc Anh khẳng định sẽ yêu cầu các hãng bay khai thác Boeing 737 MAX 9 tuân thủ hướng dẫn của Cục hàng không Liên bang Mỹ khi tiến vào không phận nước này.

Các hãng hàng không ở các nước như Mexico, Panama, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tạm dừng khai thác dòng máy bay Boeing MAX 9 để kiểm tra an toàn. Trước các diễn biến tiêu cực này, cổ phiếu Boeing đã giảm hơn 9%, dự báo một năm đầy thách thức với gã khổng lồ sản xuất máy bay của Mỹ.

Lịch sử nhiều rắc rối của dòng Boeing 737 MAX từng dẫn đến những cải cách sâu rộng về quy định máy bay của Mỹ vào năm 2020, do đó các chuyên gia cho rằng sự cố ở Alaska Airlines chắc chắn sẽ khiến các cơ quan quản lý có đường lối cứng rắn hơn, trước mắt là sự giám sát chặt chẽ từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ về tính năng, đặc điểm thiết kế và công nghệ sản xuất của các dòng máy bay Boeing sắp ra khỏi dây chuyền sản xuất. Về phía Boeing, hãng đã thừa nhận sai lầm của mình, đồng thời ban hành hướng dẫn cho các hãng hàng không về cách kiểm tra các tấm bịt cửa trên những chiếc Max 9 khác của họ. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là sự an toàn của công chúng, chứ không phải tốc độ, mới là yếu tố quyết định thời điểm đưa Boeing 737 Max hoạt động trở lại.

Kỷ luật và bình tĩnh - Văn hóa an toàn bay hiện đại

An toàn hàng không đã được cải thiện đáng kể trong những năm trở lại đây. Văn phòng hồ sơ tai nạn máy bay có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ vừa cho biết, trong thập kỷ qua, mỗi năm thế giới ghi nhận khoảng 150 vụ tai nạn, giảm mạnh so với con số hơn 200 vụ trong những thập kỷ trước. Cùng với đó, tỷ lệ sống sót trong các vụ tai nạn máy bay cũng cao hơn. Có thể kể đến gần đây nhất là vụ va chạm giữa hai máy bay tại sân bay quốc tế Haneda ở Thủ đô Tokyo. Dù vụ việc đã làm cả hai chiếc máy bay bị phá hủy gần như hoàn toàn, nhưng điều may mắn là tất cả 379 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc Airbus A350 đều sống sót nhờ sơ tán khỏi máy bay kịp thời. Theo các chuyên gia, kỳ tích này đạt được là nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ sự bình tĩnh và kỷ luật của phi hành đoàn và hành khách, cho đến các tiêu chuẩn vận hành bay và các trang thiết chống cháy ngày càng hiện đại đã giúp ngăn một vụ tai nạn trở thành một thảm kịch lớn.

Chiếc máy bay của Japan Airlines hạ cánh trong tình trạng đang bốc cháy dữ dội. Nguồn: Kyodo

Theo hình ảnh ghi lại từ sân bay Haneda, chiếc máy bay của Japan Airlines hạ cánh trong tình trạng đang bốc cháy dữ dội, khói tràn ngập trong khoang hành khách. Ngay sau đó, các hành khách được sơ tán khỏi máy bay bằng cầu trượt bơm hơi một cách an toàn. Hành khách trên chuyến bay của Japan Airlines nhận định, việc toàn bộ 379 hành khách thoát nạn trong “gang tấc” là nhờ phản ứng nhanh chóng, chuyên nghiệp của đội ngũ tiếp viên hàng không.

Được biết, các tiếp viên của Japan Airlines đều được đào tạo bài bản về các quy tắc an toàn bay. Đây là một phần trong văn hóa và kỷ luật hàng không nghiêm ngặt ở Nhật Bản. Ngoài ra, thái độ ứng xử của hành khách trong tình huống nguy hiểm cũng đã góp phần giúp việc sơ tán diễn ra nhanh chóng. Hầu hết hành khách trên máy bay là người dân Nhật Bản. Văn hóa tôn trọng tập thể, cùng các kinh nghiệm ứng phó với các thảm họa đã giúp họ bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của phi hành đoàn như kiên nhẫn chờ máy bay dừng hẳn, bỏ hết hành lý xách tay, sơ tán có trật tự. Theo các chuyên gia, đây là các yếu tố rất quan trọng vì việc cố gắng mang theo hành lý xách tay có thể tăng nguy cơ thiệt hại về người trong quá trình sơ tán.

Máy bay Airbus A350 của Japan Airlines rất hiện đại và được trang bị vật liệu chống cháy.

Mặt khác, về mặt kỹ thuật, máy bay Airbus A350 của Japan Airlines rất hiện đại và được trang bị vật liệu chống cháy, ngăn khói hiệu quả. Hơn nữa các cầu trượt thoát hiểm của máy bay rất dễ tiếp cận và được thiết kế đủ rộng để sơ tán hết hành khách nhanh chóng.  Vụ tai nạn vừa xảy ra ở Haneda là một tổn thất lớn, nhưng cũng đã chứng minh được rằng các tiêu chuẩn vận hành và văn hóa an toàn bay đã phát huy hiệu quả, cứu sống tất cả hành khách.

Tuy nhiên, để phòng tránh các vụ tai nạn tương tự tái diễn, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục bổ sung các biện pháp an toàn để cải thiện chức năng kiểm soát không lưu và vận hành máy bay. Tất cả các đơn vị kiểm soát không lưu ở Nhật Bản sẽ có thêm nhân viên để liên tục theo dõi các hệ thống giám sát cảnh báo về việc đi nhầm vào đường băng.

Nữ phi công 10 tuổi lái máy bay điện 

Phi công là một trong những nhân tố đảm bảo an toàn hàng không cho mỗi chuyến bay. Là một trong những nước luôn được đánh giá cao trong các bảng xếp hạng an toàn hàng không, Australia thường xuyên đi đầu trong các chương trình đào tạo phi công chất lượng cao.

Amy Spicer có niềm yêu thích bay lượn trên bầu trời từ khi còn là rất nhỏ. Ở tuổi lên 10, cô bé đã có trong tay bằng phi công máy bay điện.

Nữ phi công 10 tuổi lái máy bay điện.

Cô bé hồi tháng 12 vừa qua đã hoàn thành chuyến bay của mình trên bầu trời thành phố Perth, Tây Australia, sử dụng Pipistrel Alpha, một chiếc máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi chạy hoàn toàn bằng điện, do FlyOne- Công ty đào tạo phi công của Australia vận hành.

Theo Hiệp hội nữ phi công hàng không quốc tế, hiện nay chỉ có khoảng 6% phi công trên toàn cầu là phụ nữ. Theo quy định, Amy sẽ được phép bay một mình khi em đủ 15 tuổi, sau đó, em có thể lấy bằng lái máy bay riêng ở tuổi 16, bằng phi công thương mại ở tuổi 18 và bằng phi công vận tải ở tuổi 21. Với một cô bé lớp 4 như Amy, giấc mơ đã phần nào trở thành hiện thực khi cô bé có bằng lái máy bay trước khi biết lái ô tô, mở ra một hy vọng về thế hệ phi công trẻ cho ngành hàng không Australia. Câu chuyện của Amy Spicer là đại diện cho những xu hướng`mới của ngành hàng không đó là trẻ trung, nhận thức về môi trường và vượt qua các rào cản.

Cùng với các thách thức về an toàn bay, ngành hàng không toàn cầu còn phải đối mặt với nhiều áp lực khác bao gồm các vấn đề địa chính trị, chuỗi cung ứng, thiếu nhân sự cũng như chi phí nhiên liệu và lao động tăng cao. Bất chấp các khó khăn này, năm 2024, ngành hàng không được dự đoán sẽ chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng về công suất bay, phục vụ tới 4,7 tỷ hành khách trên toàn cầu. Điều này đòi hỏi các công tác bảo đảm an toàn hàng không càng cần được siết chặt và chú trọng hơn nữa, giảm thiểu các rủi ro không đáng có.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Những ưu tiên chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiệm kỳ mới gồm tiếp tục thúc đẩy kinh tế Nga phát triển vượt bậc trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cải thiện đời sống của người dân, hoàn thành các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt và thắt chặt hơn nữa quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã có cuộc trao đổi với Đài Hà Nội về ý nghĩa của thắng lợi vĩ đại này. Một thắng lợi mà ông cho rằng có thể xem như hình mẫu của chiến tranh nhân dân, hình mẫu của việc huy động sức mạnh toàn dân tộc.

Trong cuộc họp đầu tháng 5, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện nay ở mức từ 5,25 đến 5,5% để kiềm chế lạm phát. Việc FED duy trì mức lãi suất cao khiến đồng USD tăng giá và gây ra nhiều tác động đến nền kinh tế của Mỹ cũng như toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhưng năm 2024 được đánh giá là năm hứa hẹn mở ra một loạt tiến bộ đột phá trong phát minh robot AI thế hệ mới.

Châu Á đã trở thành điểm nóng cho các nhà đầu tư quốc tế nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và thị trường tiêu dùng khổng lồ. Trong đó, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và Singapore được coi là những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

Các cuộc biểu tình diễn ra tại hàng chục trường đại học từ bờ Đông đến bờ Tây của nước Mỹ. Làn sóng biểu tình của sinh viên trên khắp nước Mỹ đã làm nổ ra các cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận, chủ nghĩa bài Do Thái và xung đột Israel - Palestine.