Nhiều trường đại học công bố điểm chuẩn năm 2022

(HanoiTV) -Nhiều trường đại học trên cả nước bắt đầu công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp hoặc có sử dụng kết quả thi này trong xét tuyển.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH) chiều nay công bố điểm chuẩn 31 ngành, trong đó có ba ngành lấy 29,95.

Ba ngành của trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội này có điểm chuẩn cao nhất gồm Hàn Quốc học, Đông phương học và Quan hệ công chúng - 29,95 điểm. Mức này được chốt sau khi trường cân đối lại điểm trúng tuyển ở lần lọc ảo cuối cùng vào sáng nay. 

Ngành có điểm chuẩn cao tiếp theo là Báo chí với 29,9 điểm khối C00. Đầu vào các ngành còn lại xét tuyển bằng tổ hợp này đều cao, dao động 25,5-29 điểm.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, lý giải kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ở môn Lịch sử, Ngữ văn tăng nên điểm chuẩn tổ hợp C00 ở các trường có xu hướng tăng, không chỉ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Cụ thể, môn Ngữ văn có 42% thí sinh đạt điểm giỏi. Tỷ lệ này ở môn Lịch sử là 18,3%, tăng mạnh so với năm 2021.

Các ngành khối C vốn ít hấp dẫn nhưng điểm chuẩn khá cao như Tôn giáo 25,5 điểm, Nhân học 26,75 điểm. Ngành Hán Nôm 27,5 điểm. Các ngành khối D có mức điểm chuẩn dao động từ 24 đến 27,5 điểm. Một số ngành của trường này tuyển tổ hợp khối A có mức điểm chuẩn dao động trên dưới 23 điểm.

So với điểm chuẩn năm 2021, năm nay điểm chuẩn của trường Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội cao hơn khoảng 0,5 - 1 điểm ở nhiều ngành có sức hấp dẫn.

Theo công bố của Học viện Ngân hàng chiều 15/9, ngành Luật kinh tế có điểm chuẩn cao nhất - 28,05, cao hơn năm ngoái 0,5 điểm; kế đến là ngành Kinh doanh quốc tế với 26,5.

Hai ngành có điểm chuẩn thấp nhất là Quản trị kinh doanh chương trình liên kết với Đại học CityU (Mỹ) và Kế toán chương trình liên kết với Đại học Sunderland (Vương quốc Anh). Tuy nhiên, thí sinh cũng cần đạt trung bình 8 điểm mỗi môn mới trúng tuyển các ngành này.

Năm 2022, Học viện Ngân hàng tuyển 3.200 chỉ tiêu theo năm phương thức gồm xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, dựa vào kết quả học tập THPT, xét dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và điểm thi tốt nghiệp THPT.

Học phí dự kiến cho năm học 2022-2023 với các chương trình đại trà dao động 12 đến 14,5 triệu đồng một năm tuỳ từng khối ngành; chương trình chất lượng cao là 32,5 triệu và chương trình cử nhân định hướng Nhật Bản là 27 triệu. 

Hình minh họa

Trường Đại học Thủy lợi công bố điểm chuẩn 2022 theo phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin tiếp tục dẫn đầu, kế đó là điểm chuẩn ngành Luật với 26,25. Các ngành lấy điểm chuẩn trên 25 gồm Kinh tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kinh tế số, Hệ thống thông tin, Kỹ thuật phần mềm...

Ngưỡng trúng tuyển thấp nhất là 17 tại ngành Kỹ thuật cấp thoát nước. Các ngành khác cũng lấy điểm chuẩn mức này là Kỹ thuật xây dựng công trình thủy (17,05), Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (17,35)...

Trường sẽ công bố danh sách thí sinh trúng tuyển ngay trong tối nay. Thí sinh lưu ý xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước 17h ngày 30/9. Ngoài ra, thí sinh sẽ làm thủ tục nhập học trực tiếp tại trường Đại học Thủy lợi từ 26/9 đến 1/10. Theo thông báo của trường, năm học mới bắt đầu từ 10/10.

Theo công bố của trường Đại học Cảnh sát nhân dân trưa 15/9, điểm chuẩn có sự chênh lệch giữa các thí sinh nam và nữ của từng địa bàn. Ngưỡng trúng tuyển áp dụng với thí sinh nữ, địa bàn 5 cao nhất - 24,43 điểm tại tổ hợp C03, kế đó là D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh) 24,23 điểm cũng vẫn tại nhóm thí sinh này.

Theo số liệu của Cục Đào tạo, Bộ Công an, năm 2022, tám trường công an tuyển 2.050 chỉ tiêu bằng ba phương thức gồm: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định của Bộ Công an; Xét kết hợp chứng chỉ quốc tế và Xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT kết hợp với bài thi tuyển sinh riêng.

Đây là năm đầu tiên tám trường khối công an tổ chức kỳ thi đánh giá tuyển sinh Công an nhân dân. Các bài thi gồm hai phần: trắc nghiệm (25 câu Khoa học tự nhiên gồm Lý, Hóa, Sinh; 25 câu Khoa học xã hội gồm Sử, Địa, Văn hóa kinh tế xã hội; 20 câu ngoại ngữ tiếng Anh hoặc Trung) và tự luận (Toán hoặc Văn). Thí sinh làm bài trong 180 phút, trong đó mỗi phần 90 phút, điểm tối đa là 100.

Ảnh minh họa

Trường Đại học Thương mại công bố điểm trúng tuyển theo phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT 2022. Trong 22 ngành và chuyên ngành mà trường đào tạo, tất cả đều lấy điểm chuẩn từ 25,8 trở lên. Nếu không có điểm cộng, thí sinh phải đạt trung bình 8,6 điểm mỗi môn mới có thể trúng tuyển. Những ngành lấy 25,8 là Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Luật Kinh tế...

Ba ngành lấy 27 điểm - ngưỡng cao nhất của năm nay - gồm Marketing, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử, còn lại phổ biến mức 26. 

Trường Đại học Kinh tế quốc dân thông báo ngưỡng trúng tuyển theo hai phương thức: điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 và kết quả thi đánh giá tư duy của trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Xét thang điểm 30 của phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp, điểm chuẩn ngành Quan hệ công chúng cao nhất với 28,6 điểm. Các ngành có điểm chuẩn từ 28 trở lên còn có Marketing, Kinh doanh quốc tế (cùng 28), Thương mại điện tử (28,1), Kiểm toán (28,15), Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (28,2).

Tại thang điểm 40 (tiếng Anh nhân hệ số hai), ngành Truyền thông Marketing lấy điểm chuẩn 38,15 (trung bình 9,6 điểm mỗi môn). Điểm chuẩn các ngành còn lại phổ biến ở mức 34-35 điểm, thấp nhất là điểm chuẩn ngành Quản trị khách sạn quốc tế 34,6.

Học viện Ngoại giao vừa công bố điểm chuẩn xét tuyển hệ chính quy năm 2022, trong đó ngành Trung Quốc học lấy điểm chuẩn cao nhất với 29,25 điểm.

Ngành Ngôn ngữ Anh tính theo thang 40, điểm chuẩn là 35,7. Đối với ngành Quan hệ quốc tế, Kinh tế quốc tế, Luật quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Truyền thông quốc tế, Châu Á - Thái Bình Dương học và Luật thương mại quốc tế: Điểm xét tuyển tính trên thang điểm 30, gồm tổng điểm của 3 môn thi, cộng với điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nếu có). Mức điểm được làm tròn đến hai chữ số thập phân.

Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố điểm trúng tuyển vào trường năm 2022, dao động từ 30,49 đến 38,46 điểm.

Điểm trúng tuyển là tổng điểm của 3 bài thi trong tổ hợp thí sinh dùng để xét tuyển (điểm môn Ngoại ngữ tính hệ số 2) và điểm ưu tiên khu vực, đối tượng (nếu có). Mỗi ngành học chỉ có một điểm trúng tuyển, không phân biệt điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp.

Đối với các chương trình đào tạo trình độ đại học theo đề án của trường bao gồm các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Đức, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc, điểm bài thi môn Ngoại ngữ phải đạt từ 6 điểm trở lên.

Đại học Ngoại thương công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, hầu hết các ngành đều giảm so với năm ngoái.

Năm nay, nhóm ngành Kinh tế, Kinh tế quốc tế cao điểm nhất với 28,40 điểm (giảm 0,4 điểm so với năm ngoái), kế đến là nhóm ngành Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Quản trị khách sạn, Marketing lấy 28,20 điểm (giảm 0,25 điểm so với năm ngoái). Ngành Ngôn ngữ tiếng Trung - 26,60 (giảm nhiều nhất trong tất cả các ngành - 2,75 điểm so với năm ngoái).

Tuy điểm chuẩn các ngành của Đại học Ngoại thương năm nay đều giảm nhưng so sánh với mặt bằng chung các trường khối ngành kinh tế thì vẫn trong nhóm cao nhất cả nước.

Thí sinh trúng tuyển theo tất cả các phương thức của trường sẽ nhập học và đăng ký ngành/chương trình trong ba ngày 26-28/9.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội công bố điểm trúng tuyển xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, có 3 ngành lấy tới 28,5 điểm. Đó là Giáo dục chính trị tại tổ hợp C19 (Văn, Sử và Giáo dục công dân) và C20 (Văn, Địa và Giáo dục công dân), Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử tại tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa).

Ngành lấy điểm chuẩn thấp nhất là Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật với 16,75 điểm.

Năm 2022, Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển 7.000 chỉ tiêu bằng các phương thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu và dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức.

Trường Đại học Tài chính - Marketing thông báo ngành có điểm chuẩn cao nhất là Marketing với 26,7 điểm, tiếp theo là Kinh doanh quốc tế với 25,7 điểm. Ngành có điểm chuẩn thấp nhất là các ngành thuộc Chương trình đặc thù: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. 

Đại học Giao thông vận tải công bố điểm chuẩn hệ chính quy năm 2022, ngành cao nhất - Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng với 26,25 điểm ở khu vực phía Bắc và phía Nam là 25,10 điểm (điều kiện điểm môn Toán từ 8,6 điểm trở lên). Kế đến là ngành Công nghệ thông tin, điểm chuẩn 25,90 điểm.

Năm 2022, Đại học Giao thông vận tải tuyển sinh và đào tạo 31 ngành, trong đó có 10 chương trình tiên tiến, chất lượng cao và 2 chương trình liên kết quốc tế. Số chỉ tiêu tuyển sinh là 4.210 cho các chương trình tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội và 1.470 chỉ tiêu cho các chương trình tại Phân hiệu tại TP.HCM.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Học sinh hoàn thành chương trình trung học cơ sở có thể học tiếp văn hóa lớp 10 kết hợp học nghề tại các trường trung cấp hoặc cao đẳng.

Hầu hết các trường tư thục ở Hà Nội đều áp dụng phương thức xét tuyển học bạ cấp trung học cơ sở để tuyển học sinh vào lớp 10.

Nếu có nguyện vọng sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào lớp 10 trường công lập năm học 2024-2025, học sinh phải dự thi đủ ba bài thi gồm Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán.

Có ba trường hợp được cộng điểm ưu tiên và học sinh lưu ý chuẩn bị hồ sơ minh chứng và nộp kèm phiếu đăng ký nguyện vọng dự tuyển nhằm bảo đảm quyền lợi.

Nếu đoạt giải cấp thành phố trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa và khoa học lớp 9, học sinh được cộng điểm ở vòng sơ tuyển khi dự tuyển vào lớp 10 chuyên.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 của 115 trường Trung học phổ thông công lập.