Nhìn lại xung đột Nga - Ukraine trong năm 2024
Cuộc đột kích của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga
Đầu tháng 8, lực lượng Ukraine đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào tỉnh Kursk của Nga gần biên giới, kiểm soát hơn 20 khu định cư tại đây, trong đó có thị trấn Sudzha, một trung tâm trung chuyển khí đốt tự nhiên quan trọng giữa Nga và châu Âu. Đây được cho là cuộc tấn công lớn nhất của quân đội nước ngoài vào lãnh thổ Nga kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Việc Ukraine kiểm soát một số khu vực tại biên giới Nga đã giúp củng cố lại nhuệ khí chiến đấu của quân đội Ukraine. Mặc dù vậy, chiến dịch này đã không thành công trong việc kéo giãn lực lượng Nga khỏi miền Đông Ukraine. Nga tiếp tục giành những bước tiến chậm nhưng chắc ở vùng Donetsk.
Đến tháng 9, Nga đã phát động cuộc phản công quy mô lớn ở Kursk, nhanh chóng tuyên bố chiếm lại khoảng 63 km² lãnh thổ. Một nguồn tin quân sự cấp cao của Ukraine cho biết, đến cuối tháng 11, Kiev đã mất hơn 40% diện tích lãnh thổ mà họ chiếm được tại Kursk.
Nga giành thế chủ động, Ukraine mất thêm lãnh thổ
Tại chiến trường Ukraine, giai đoạn đầu năm, Nga tiếp tục duy trì chiến lược tiêu hao dài hạn, kết hợp tăng cường binh lực và sản xuất vũ khí để củng cố các vị trí tại miền Đông và Nam Ukraine. Các khu vực giao tranh chủ yếu vẫn tập trung tại Donbass và các thành phố chiến lược gần Biển Đen.
Vào tháng 2, Nga kiểm soát “chảo lửa” Avdiivka - một thành phố công nghiệp ở tỉnh Donetsk, khởi động các cuộc tấn công trên khắp khu vực này. Sau đó, tận dụng lợi thế từ việc luân chuyển kém của các đơn vị Ukraine, quân đội Nga đã mở một đợt tấn công về phía Toretsk và Niu-York, những thị trấn nằm ở khu trung tâm tỉnh Donetsk vốn ít khi có giao tranh.
Trong suốt mùa hè, Nga tiếp tục giành được nhiều đất ở phía Đông của khu vực này, dần dần tiến đến các thành phố Pokrovsk, Kurakhove và Vuhledar. Vào tháng 10, Nga đã giành được quyền kiểm soát Vuhledar và hiện đang áp sát thành phố chiến lược Pokrovsk. Tính đến giữa tháng 12, lực lượng Nga chỉ cách Pokrovsk ở vùng Donetsk vài km, nơi họ đã tiếp cận từ phía nam và phía đông trong nhiều tháng.
Theo tờ The Guardian, trong tháng 11/2024, Ukraine đã để mất 1.202 km km² lãnh thổ, tương đương diện tích của Thành phố New York vào tay lực lượng Nga. Đây là con số tồi tệ nhất trong một tháng đối với Ukraine kể từ tháng 9/2022.
Trước đó, phân tích của AFP về dữ liệu từ Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ cho thấy, Nga đã đạt được những bước tiến trong năm, đặc biệt là ở Donetsk. Moscow đã kiểm soát phần lớn diện tích bốn khu vực đã sáp nhập vào Nga năm 2022 gồm Luhansk, Kherson, Zaporizhzhia và Donetsk.
Trong số bốn khu vực này, Donetsk vẫn là nơi lực lượng Nga kiểm soát được ít lãnh thổ nhất, nhưng lại là khu vực đạt được những bước tiến đáng kể nhất trong những tuần gần đây.
Tại mặt trận phía bắc, quân đội Nga cũng đang giành ưu thế trước các lực lượng Ukraine, sau khi kiểm soát được hơn 40 km² lãnh thổ gần thành phố Kupiansk của vùng Kharkov vào tháng trước.
Theo ông Ivan Stupak, chuyên gia quân sự và cựu sĩ quan của Cơ quan An ninh SBU của Ukraine, chiến thuật của quân đội Nga là bao vây các khu định cư từ mọi phía thay vì mở các cuộc tấn công trực diện tốn kém và mất thời gian.
“Chiến thuật này hiệu quả, nhưng chi phí lại là vấn đề khác. Nga đã phải chịu tổn thất đáng kể, nhưng Ukraine cũng đang chịu tổn thất”, ông nói.
Theo The Moscow Times, nếu trong suốt năm 2023, lực lượng Nga chỉ kiểm soát được 584 km² lãnh thổ Ukraine thì kể từ đầu năm 2024, họ đã giành được được hơn 2.660 km², một khu vực có diện tích lớn hơn Moscow.
Tính chung kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra vào tháng 2/2022 cho đến 27/10/2024, Nga đã giành được 67.192 km² lãnh thổ của Ukraine. Cùng với bán đảo Crimea đã sáp nhập và các khu vực ở miền Đông do phe ly khai kiểm soát trước xung đột, Nga hiện kiểm soát 18,2% lãnh thổ của Ukraine.
Về phía Ukraine, giới quan sát cho biết, Kiev đã đạt được một số bước tiến nhỏ vào đầu năm, sau khi đẩy lùi các cuộc tấn công lớn của Nga ở phía bắc Kharkov và Luhansk, nhưng nhìn chung xu hướng mất lãnh thổ vẫn tiếp tục.
Kết thúc năm 2024, Ukraine hiện đang phải đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng vẫn chưa được giải quyết, viễn cảnh thất bại trong một số trận chiến quan trọng và ít có triển vọng thay đổi tình hình trên chiến trường.
Các cuộc tấn công bằng tên lửa xuyên biên giới
Trong năm 2024, Nga và Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công tầm xa, sử dụng vũ khí ngày càng tiên tiến và làm dấy lên lo ngại rằng xung đột có thể leo thang hơn nữa. Trong khi Ukraine thực hiện hàng loạt cuộc tấn công bằng UAV vào kho dầu và đạn dược của Nga, thì Nga cũng tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào hạ tầng năng lượng của Ukraine, làm 80% cơ sở năng lượng, bao gồm các nhà máy điện chạy bằng than và thủy điện, bị hư hại hoặc bị phá hủy, đồng thời đặt Kiev vào tình cảnh phải trải qua một mùa đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử hiện đại.
Cuộc xung đột leo thang lên mức nguy hiểm khi vào trung tuần tháng 11, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất - bao gồm cả Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội tầm xa (ATACMS), để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, một động thái mà Moscow từ lâu đã cảnh báo sẽ gây ra phản ứng tàn khốc.
Để đáp trả, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh hành pháp sửa đổi học thuyết hạt nhân của Nga, hạ thấp ngưỡng triển khai vũ khí hạt nhân một cách hiệu quả để đối phó với một loạt mối đe dọa thông thường. Đồng thời, Nga cũng lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik để tấn công vào thành phố Dnipro ở miền Đông Ukraine. Các chuyên gia tin rằng, tên lửa mới này bay với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh và có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 5.500 km.
Việc phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, thậm chí Mỹ, Anh và Pháp “bật đèn xanh” cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, được nhiều chuyên gia quân sự cảnh báo là không đủ để thay đổi tình hình xung đột, nhưng sẽ khiến cuộc chiến càng thêm phức tạp và rủi ro cao.
“Về mặt quân sự, rõ ràng là việc sử dụng một số lượng nhỏ tên lửa vào các mục tiêu cụ thể quan trọng sẽ không làm thay đổi đáng kể tình hình ở tiền tuyến”, chuyên gia quân sự Israel David Sharp nói với tờ The Moscow Times.
“Mặc dù việc sử dụng ATACMS đi kèm với một số tổn thất nhất định đối với Moscow, nhưng nó giống như một thông điệp chính trị gửi đến Nga hơn”, ông nói.
Về phía Nga, Điện Kremlin khẳng định các quyết định gửi thêm vũ khí sẽ chỉ kéo dài cuộc đối đầu quân sự, gây ra nhiều thương vong và tàn phá hơn.
Cảnh báo nguy cơ Chiến tranh Thế giới thứ ba
Năm 2024 chứng kiến chiến thuật “miệng hố chiến tranh” của cả Nga và phương Tây khi cảnh báo nguy cơ Chiến tranh Thế giới thứ ba, thậm chí là chiến tranh hạt nhân. Mục đích của Tổng thống Volodymyr Zelensky là lôi kéo NATO và phương Tây can dự sâu hơn, viện trợ nhiều hơn, với lý do ngăn chặn mối đe dọa từ Nga đối với an ninh châu Âu và Mỹ. Đồng thời, ông cũng muốn chứng tỏ việc NATO kết nạp Kiev là nhu cầu cấp thiết.
Về phần mình, Nga đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ chiến tranh để răn đe NATO chớ can dự trực tiếp, sâu hơn vào xung đột ở Ukraine. Thực tế, tình thế “bên miệng hố chiến tranh”, nguy cơ cuộc chiến hạt nhân là yếu tố buộc “những cái đầu nóng” phải cân nhắc thận trọng, tìm kiếm giải pháp dự phòng, trong đó có phương án đàm phán.
Triển vọng chấm dứt xung đột trong năm 2025
2025 có thể trở thành năm quyết định với Ukraine. Hiện cả Nga và Ukraine đều đã ít nhiều cạn kiệt binh sĩ. Việc gọi thêm lính nghĩa vụ ra tiền tuyến không phải là điều dễ dàng với cả hai bên tham chiến. Trong bối cảnh ấy, cả Nga và Ukraine sẽ có xu hướng đi tới bàn đàm phán hòa bình.
Đặc biệt, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ 2024 được dự đoán sẽ đẩy nhanh tiến trình hòa đàm này. Trong quá trình tranh cử, ông Trump từng hứa hẹn chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ đồng hồ. Nhiều người tin rằng đây là một cách nói cường điệu, nhưng rõ ràng ông Trump đang muốn khởi động sớm các cuộc đàm phán hòa bình. Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây tại câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, ông Trump cho biết ông nói sẽ nói chuyện với cả Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky về việc chấm dứt xung đột.
Trong khi đó, cả Nga và Ukraine mới đây đều đưa ra quan điểm về cách thức chấm dứt xung đột. Đây được xem là kim chỉ nam để hai bên tiến tới đàm phán một khi cơ hội chín muồi.
Trả lời phỏng vấn của truyền thông hôm qua, sau cuộc họp Hội đồng Kinh tế Á - Âu (SEEC), Tổng thống Nga Putin đã bình luận về triển vọng chấm dứt xung đột Ukraine trong năm tới, trong đó khẳng định, Nga sẽ tập trung vào việc giành chiến thắng trong cuộc xung đột Ukraine vào năm 2025 nhằm đạt được tất cả mục tiêu đã đề ra.
“Chúng tôi cũng đang nỗ lực chấm dứt xung đột. Chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ thành công trên tiền tuyến và hoàn thành các mục tiêu của mình trong lĩnh vực kinh tế, cũng như giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề an ninh quân sự và an ninh theo nghĩa rộng nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra”.
Tổng thống Nga Putin cũng cho biết, Slovakia - quốc gia thành viên Liên minh châu Âu nằm giáp với Ukraine có thể là địa điểm thích hợp cho các cuộc đàm phán trong tương lai về giải quyết xung đột với quốc gia láng giềng Đông Âu này.
Đáp lại quan điểm của Nga, trong bài phát biểu trực tuyến diễn ra cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ca ngợi các lữ đoàn tham gia chiến dịch đột kích vào tỉnh Kursk của Nga và những binh lính thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga. Ông cũng tiết lộ Mỹ đang tăng cường chuyển giao viện trợ quân sự cho nước này. Theo Tổng thống Ukraine, đây là những bàn đạp để đưa Ukraine đến gần hơn với khả năng đạt được một nền hòa bình. “Điều rất quan trọng là Mỹ đang tăng cường các đợt chuyển giao. Điều này là cần thiết để ổn định tình hình. Tôi biết ơn các đối tác của chúng tôi. Chúng ta cần sức mạnh vũ khí lớn hơn và cả các vị thế mạnh mẽ cho ngoại giao. Mọi đơn vị, mọi lữ đoàn đóng góp vào điều này, đưa chúng ta đến gần hơn với khả năng đạt được một nền hòa bình”, ông Volodymyr Zelensky nói.
Những tuyên bố của cả Nga và Ukraine về cách thức chấm dứt xung đột cho thấy, cả hai bên đều để ngỏ cơ hội cho đàm phán song sẽ ưu tiên giành phần thắng trên chiến trường để làm bàn đạp cho đàm phán trong tương lai. Điều này dự báo con đường đi đến hòa bình ở Ukraine sẽ còn cả một chặng đường dài với nhiều gián đoạn và thách thức.
Khả năng Nga và Ukraine chấp thuận ngồi vào bàn đám phán phụ thuộc đáng kể vào sự thay đổi trong các điều kiện và lập trường của cả hai bên, cũng như vai trò trung gian của các bên thứ ba như Trung Quốc hoặc Mỹ. Dù triển vọng đàm phán vẫn rất mờ mịt, nhưng có vẻ cả Nga và Ukraine đều nhận thấy đã đến lúc cần phải tìm cách để đạt được một thỏa thuận. Theo dự báo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc vào cuối năm 2025 hoặc giữa năm 2026.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chủ trì phiên họp toàn thể đảng Lao động Triều Tiên, đề ra những chính sách đối nội và đối ngoại. Hội nghị đã bầu bổ sung và bổ nhiệm nhiều quan chức cấp cao, trong đó ông Pak Thae-song được bổ nhiệm làm thủ tướng, thay thế người tiền nhiệm Kim Tok-hun.
Hãng thông tấn TASS của Nga ngày 28/12 đưa tin các chuyến bay thường lệ giữa thủ đô Ashgabat của Turkmenistan và thủ đô Moscow của Nga sẽ bị đình chỉ trong vòng một tháng, kể từ ngày 30/12/2024.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã từ chối lệnh triệu tập lần thứ ba, một phần trong cuộc điều tra về lệnh thiết quân luật bất thành của ông hôm 3/12, làm dấy lên khả năng cơ quan điều tra sẽ đệ đơn xin lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo này.
Tám mươi lính cứu hỏa và 32 xe cứu hỏa đã được điều đến hiện trường vụ tai nạn tại sân bay ở thành phố Muan, phía nam của Hàn Quốc, người phát ngôn của cơ quan cứu hỏa cho biết.
Hãng tin Yonhap cho biết chỉ có hai người may mắn sống sót, còn lại 179 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay tại Muan.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Kazakhstan Kasym-Jomart Tokayev, để thảo luận về cuộc điều tra vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Azerbaijan Airlines gần thành phố Aktau của Kazakhstan.
0