Nhìn về quá khứ, hướng đến tương lai

Thủ đô giải phóng ngày 10/10/1954 thì bốn ngày sau (tức là 14/10/1954), Đài Phát Thanh và Truyền hình Hà Nội ra đời. Bắt đầu là Đài truyền thanh, sau đó là đến phát thanh và tiếp nữa đến ngày 1/1/1979, Đài phát sóng chương trình truyền hình Hà Nội đầu tiên. Nhà báo Trần Gia Thái, nguyên Thành ủy viên, nguyên Chủ tịch Hội nhà báo TP. Hà Nội, nguyên TGĐ - TBT Đài Hà Nội là một trong những người góp sức trong những chương trình truyền hình đầu tiên của Đài, đã có những chia sẻ về những ngày đầu gian khó đó.

Làm truyền hình Hà Nội những ngày đầu

Đối với tôi, những ngày đầu thành lập Đài rất vui, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm mà mình được tham góp cùng với Đài, có mặt trong những chương trình truyền hình đầu tiên của Đài Hà Nội. Lúc ban đầu, chúng tôi có 4, 5 anh em tham gia làm truyền hình Hà Nội, trong tay thì chỉ có 3 chiếc máy quay phim nhựa gồm: máy Bell Howell của Mỹ và máy Paillard Bolex của Thụy Sĩ và quay phim nhựa 16 ly. Và tất cả anh em tự đào tạo, tự học tập về các mặt và sau đó tự sản xuất các chương trình. Từ tin bài bằng phim nhựa truyền hình, tới rồi những tin ảnh…

Những ngày đầu làm truyền hình vô cùng gian khó, và chúng tôi không bao giờ quên được sự giúp đỡ của Truyền hình Việt Nam. Ban đầu, chúng ta một tháng làm một chương trình. Sau thêm chương trình buổi sáng, chương trình buổi chiều. Và cuối cùng thì kết nối phát sóng cả ngày.

Ngày ấy kỹ thuật là vấn đề vô cùng nan giải, đặc biệt là việc quay phim nhựa. Quay phim nhựa 16 ly đòi hỏi anh em quay phim phải chuẩn trong từng khuôn hình. Sau đó là kỹ thuật in tráng. Cho nên khi quay phim xong rồi, khi in tráng xong rồi, ra được chất lượng phim tốt rồi, lúc ấy mới thở vào nhẹ nhõm. Nếu hỏng, không được như ý thì anh em lại phải đi xin lỗi và quay lại. Nhưng cũng may mắn là đội ngũ quay phim của Đài Hà Nội khá vững nghề, trưởng thành tiến bộ nhanh.

Nhà báo Trần Gia Thái, nguyên Thành ủy viên, nguyên Chủ tịch Hội nhà báo TP. Hà Nội, nguyên TGĐ, TBT Đài Hà Nội

Vượt qua một thời gian khó

Những năm thời bao cấp, đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn. Trong khi truyền hình là lĩnh vực đòi hỏi sự đầu tư rất lớn. Để đóng góp được cho truyền hình thì anh em ngoài cố gắng từ bản thân phải luôn luôn trau dồi tinh thần, tư tưởng, ý thức phục vụ, vượt qua những khó khăn, thậm chí là làm thêm nghề. Lứa chúng tôi làm đủ các nghề  kiếm thêm thu nhập. Rồi đi cơ sở quay phim thì kèm theo cả máy ảnh, một bên vai thì cái máy quay phim, một bên vai thì cái máy ảnh, vừa làm tin ảnh, vừa làm tin cho phát thanh, vừa làm tin cho truyền hình. Anh em chúng tôi nói vui, làm cho truyền hình phải biết tất cả. Sau đó chưa kể chuyện là phải lên hình, hiện hình, bình luận,...

Tôi còn nhớ lần đầu tiên truyền hình Hà Nội trực tiếp. Khi đó, chúng tôi chưa có thiết bị gì cả. Và chúng tôi phải nhờ Truyền hình Việt Nam, nhờ xe màu. Có một chi tiết khá ấu trĩ, nhưng rất là vui. Khi bình luận truyền hình trực tiếp diễu binh, diễu hành của thành phố, tôi và chị Kim Tiến ngồi trên nóc xe màu. Trên đó, chúng tôi cứ ngó đến đoàn nào đi đến thì giới thiệu. Các phóng viên nước ngoài thấy lạ giơ máy chụp. Đó là những kỷ niệm đáng nhớ. Hay là khi thành phố giao cho chúng tôi là phải làm một bộ phim tài liệu để tặng Thủ đô Viên Chăn. Lúc đó, khả năng tay nghề của anh em chúng tôi cũng đều khá, anh em cũng rất muốn thể hiện nhưng mà máy thì không có. Chúng tôi đã phải đi xuống tận Quảng Ninh mượn máy U-Mantic của Đài truyền hình Quảng Ninh để thực hiện bộ phim này.

Sau những sự kiện đã mang lại thành công đó, thành phố thấy cần phải đầu tư và lại tiếp tục đầu tư cho Đài Hà Nội. Cho đến bây giờ, hạ tầng kỹ thuật và thiết bị của Đài được đầu tư hiện đại, tạo ta những cơ hội phát triển rất tốt.

Tự hào truyền thống, hướng đến tương lai

Những năm qua, bằng tinh thần yêu nghề, trách nhiệm của người làm báo và nỗ lực của từng cá nhân, của tập thể cũng như của lãnh đạo Đài, Đài Hà Nội đã từng bước phát triển và luôn luôn đứng ở trong Top 3 truyền hình cả nước. Và nhất là từ khi được chủ động thực hiện cơ chế tự chủ tài chính từ năm 2003, Đài đã có những nỗ lực, có những phát triển và đã để lại những dấu ấn tốt.

Tôi nghĩ, làm truyền hình ví như vận động viên chạy tiếp sức. Thành công là thành công cả tập thể và mỗi người được giao cái gậy thì trong cái giai đoạn của mình, trong đường đua của mình phải cố gắng hoàn thành. Tốc độ thế nào, tinh thần thế nào, mọi thứ đều phải quyết liệt nhất. Và rồi sau đó lại bàn giao lại cho thế hệ sau, cho những người sau tiếp tục. Và cuối cùng thắng lợi nó là thắng lợi của tập thể. Ở giai đoạn chúng tôi, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới cũng có những khó khăn nhưng cũng có những thuận lợi. Chúng tôi cũng đã cố gắng vượt qua và đã có những dấu ấn nhất định để khẳng định tên tuổi của Đài Hà Nội.

Đến những giai đoạn mới và đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, rất nhiều thách thức mới, anh chị em lại có những khó khăn mới phát sinh, nhưng tôi tin các đồng chí lãnh đạo tiếp theo sẽ kế thừa được truyền thống của Đài, sẽ vượt qua những khó khăn và vẫn sẽ giữ được vai trò, vị trí trong Top đầu truyền hình các địa phương. Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập là dịp để Đài Hà Nội khơi dậy niềm tự hào truyền thống - vững bước tương lai.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Lễ thượng cờ thiêng liêng tại Quảng trường Ba Đình lần đầu tiên được các kỹ thuật viên âm thanh ghi âm lại và chuyển tải một cách sinh động, chân thực trong đĩa than mang tên " Thanh âm Hà Nội". Đây là sản phẩm đặc biệt do Đài Hà Nội thực hiện và phát hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô và cũng là dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đài.

Chúc mừng Đài Hà Nội khi ra mắt ứng dụng HanoiOn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhận định khi có tình yêu Hà Nội thì bất kỳ việc gì, bất cứ khó khăn nào, bất cứ thử thách nào, khi cùng nhau đoàn kết, đều vượt qua được.

Những chiếc xe điện len lỏi trong khu phố cổ Hà Nội, chở khách đi tham quan những điểm du lịch nổi tiếng như hồ Hoàn Kiếm, chợ Đồng Xuân...

Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, thủ đô nước Việt có lịch sử cả nghìn năm, từng nhiều lần bị đội quân xâm lược ngoại bang chiếm đóng. Nhưng với lòng yêu nước nồng nàn được nuôi dưỡng và bồi đắp từ ngàn đời của quân và dân ta, như một tất yếu của lịch sử, mọi kẻ thù xâm lược đều bị đánh cho thảm bại.Thủ đô lại ca khúc khải hoàn.

Đài Hà Nội tròn 70 năm xây dựng và phát triển, có không ít nhà báo Thủ đô đã trưởng thành từ nơi này và khi về hưu vẫn mang trong mình niềm tự hào, niềm tin sâu sắc về vị thế của Đài trong thời gian tới. Nhà báo Kiều Thanh Hùng - Nguyên Phó Tổng Giám đốc, Phó Tổng biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội chia sẻ về những cảm xúc của ông nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này.

Với lực lượng hùng mạnh và trải qua suốt chặng đường phát triển 70 năm qua, Đài PT-TH Hà Nội đã tạo được dấu ấn rất quan trọng, không chỉ được lòng khán, thính giả Thủ đô mà còn tạo được dấu ấn của người dân những khu vực xung quanh. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đài, Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, TBT Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã có những đánh giá về những nỗ lực của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động của Đài Hà Nội trong thời gian vừa qua.