Nhớ loài côn trùng vừa bay vừa tỏa sáng

Tối nay khu phố tôi mất điện. Ngôi nhà chìm trong ánh sáng tù mù của cây đèn sạc. Tôi chợt nhớ những ngày mất điện ở quê nhà. Nhớ ngọn đèn đom đóm tỏa ra ánh sáng mỏng manh huyền ảo trong đêm thanh vắng.

Quê tôi bấy giờ rất nghèo, đi khắp làng chỉ lác đác vài nhà tường gạch, đa phần là nhà lá. Nhà nhà có vườn bao quanh, cây trái sum suê mát rượi. Mỗi tối mất điện, cả xóm không buồn mà lại thấy vui. Người lớn gác lại công việc, trẻ con chẳng phải học hành, người vác ghế, kẻ mắc võng trước sân hóng mát. Đàn bà con gái rôm rả chuyện trò. Đàn ông con trai khề khà ly rượu đế. Trẻ con chạy nhảy nô đùa inh ỏi.

Cứ vào mùa hạ, bọn trẻ chúng tôi trông mưa như ngóng mẹ đi chợ về. Mưa xuất hiện mang theo bầy đom đóm bay lượn như các nàng tiên trong truyện cổ tích. Ban ngày đom đóm trốn đâu mất. Đêm đến, khi mặt trời giấu mình vào đất, hội đom đóm mới thông báo sự xuất hiện của mình. Các cô nàng không có cánh, bám vào thân cây phát sáng. Các anh chàng khoe mẽ tung đôi cánh màu nâu cứng cáp, nhảy múa khắp nơi trình diễn vũ điệu của mình. Trời càng tối, đom đóm càng sáng, thứ ánh sáng đỏ cam hay vàng xanh chớp nháy dưới cái bụng căng tròn. Chỉ khi cúp điện, đêm tối trở về thời nguyên thuỷ, đom đóm mới có cơ hội phô diễn. Chúng là đà quanh vườn, có mặt khắp nơi như những vì sao sa xuống mặt đất.

Đom đóm phát sáng vào buổi tối tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Ảnh minh họa

Vài chàng không hiểu do lỡ bước hay tò mò mà bay vào nhà, chấp chới vẽ vòng ánh sáng lung linh lên bức tranh đen thẫm. Lũ trẻ chúng tôi hí hửng đuổi theo, tiếng cười giòn giã đánh thức màn đêm yên tĩnh. Tôi thích nhất là bắt đom đóm cho vào chai nhựa hoặc vỏ trứng gà, giống ngọn đèn trong đêm tối. Đom đóm không dễ bắt. Mỗi khi tóm được một con, tôi hãnh diện như vừa lập công to. Úp vội hai bàn tay sợ nó bay mất, lại háo hức he hé ngắm nhìn sinh vật bé tí phát ra ánh sáng diệu kỳ.

Đom đóm tụ họp nhiều ở nghĩa địa. Vào đêm tối trời, hai anh em tôi cùng mấy đứa trong xóm rủ nhau ra nghĩa địa đầu làng bắt đom đóm. Tôi vốn sợ ma chân tay run lập cập, thấy anh trai đi thì không nỡ ở nhà. Cứ ngỡ đi theo bọn con trai thì yên tâm. Ngờ đâu từ xa thấy những đốm sáng màu xanh lập lòe trên các ngôi mộ như hồn ma giữa đêm đen, một đứa la oai oái ma trơi. Cả đám không ai bảo ai ù té chạy. Tôi nhỏ nhất sợ bị bỏ rơi, co giò chạy nhanh về nhà, trùm kín chăn, tìm hơi ấm của mẹ cho bớt sợ. Mẹ tôi cười bảo sợ ma còn bày đặt.

Đêm sau mẹ dẫn tôi ra vườn chỉ con đom đóm bé xíu. Mẹ nói mỗi con đom đóm là một thiên thần được phái xuống trần, con không được bắt. Đom đóm mất một năm ẩn mình dưới đất, gian khổ biến từ trứng thành ấu trùng hóa nhộng, đến khi trưởng thành chỉ sống vỏn vẹn hai tuần để tỏa sáng. Con hãy cho nó tự do bay lượn, thoả sức cháy hết mình. Nghe mẹ nói tôi thấy thương loài côn trùng bé nhỏ kia. Tôi rủ rỉ với anh trai và bọn trẻ trong xóm về cuộc đời ngắn ngủi của chúng. Từ đó chúng tôi từ bỏ niềm vui bắt đom đóm làm đèn phát sáng cho mình.

Đèn đom đóm - ký ức tuổi thơ một thời của biết bao người. Ảnh minh họa

Tôi lớn lên cùng cơn lốc đô thị hoá vào làng quê. Nhà lá thay bằng nhà tường khang trang. Đường sá trải bê tông sạch sẽ. Đêm đêm hai hàng đèn sáng rực. Xe máy, ô tô dọc ngang từng con đường lớn nhỏ. Nhịp sống hiện đại khiến tôi quên mất những con đom đóm đã lâu không xuất hiện. Đến bây giờ, nói về sinh vật này chỉ đọng lại ký ức về một thời thơ bé. Chợt thấy thương thế hệ con cháu mai sau biết có còn được ngắm loài côn trùng vừa bay vừa tỏa sáng.

Ngọc Thanh

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.

Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.

Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.

Trong tiết trời thu Hà Nội, một bát xôi chè là món quà tuyệt vời mà phố cổ Hà Nộidành tặng cho những tâm hồn lữ khách. Xôi chè không chỉ là món ăn, mà còn là một phần ký ức, là sợi dây kết nối giữa thực tại và quá khứ.

Giữa cuộc sống hiện đại, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, người học trò xuất sắc của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, miệt mài gìn giữ nghệ thuật hát xẩm và đưa xẩm Hà Thành tới gần hơn với người Hà Nội.

Tháng Mười về, mùa đông rồi cũng sẽ về, sự thay đổi tưởng như chỉ là quy luật ấy lại cho ta những khoảnh khắc xao lòng và lưu luyến với thu, khi mà đâu đó hương hoa sữa dịu dàng miên man trong gió, khi mà ngoài kia những con phố nhỏ thoáng bóng dáng ai đang nâng niu hít hà hương cốm hoặc trầm tư bên ly cà phê trong sương mai.