Nhớ một thời gác trọ Thủ đô

Hồi mới vào đại học, tôi ở trọ trên một căn phòng tầng 5 trong một khu tập thể cũ kĩ tại phố Trung Liệt. Cũng tại căn gác trọ ấy, lần đầu tiên tôi được biết thế nào là cơm bụi. Một suất cơm hồi đó chỉ 5.000 đồng nhưng cũng ngon và tươm tất lắm rồi. Nhớ và vui nhất lần các bạn cấp 3 ghé chơi, bạn bè mỗi đứa học một trường, cùng cảnh trọ học xa nhà, gặp nhau nơi Thủ đô vui không tả xiết.

Đó là một trong nhiều buổi sáng mùa hè cách đây hơn 12 năm của tôi nơi gác trọ nhỏ ở con hẻm phố Yên Hòa, cầu Cót. Mưa càng lúc càng xối xả nên nước không kịp thoát, tràn vào mấy phòng trọ ở tầng một, ngập tới bắp chân. Căn gác trọ tôi ở tầng hai nên không sợ nước ngập. Chỉ là tiếng mưa cứ thế rầm rập vào lúc cần ngủ nhất mà thôi.

Mà đâu đã hết, căn gác ấy nóng kinh khủng. Nóng tới mức nửa đêm về sáng rồi vẫn chưa tài nào ngủ được, dù cho tôi đã lấy nước giội lên các bức tường hòng làm dịu mát hơn. Căn gác phơi mình cả ngày dưới nắng hè gay gắt. Lại thêm mái tôn hun đúc và hiệu ứng đô thị nên càng muôn phần nóng bức.

Ảnh minh hoạ: Sức khoẻ & đời sống.

Tuy không được mát mẻ dễ chịu gì cho lắm, lại còn chật chội với chưa đầy 8 mét vuông mà có tới ba anh em cùng sinh hoạt trong đó, nhưng vị trí căn gác trọ thì khá lý tưởng. Phía sau nhà trọ là một loạt các sân bóng phủi tự phát từ các lô đất rộng đang trong kế hoạch xây dựng chung cư.

Hồi đó phía Yên Hòa, Cầu Giấy có nhiều khu như vậy lắm, nay thì một khu đất trống như vậy có tìm mỏi mắt cũng chẳng còn. Có dịp ra lại Thủ đô sau đó, vào lại khu này, trước mắt tôi chỉ thấy các khu cao ốc và biệt thự sang trọng. Tốc độ bê tông hóa ở Thủ đô quả thật khủng khiếp, rất nhanh và rất gọn, bê tông hóa gần như toàn bộ các khu đất trống mà mới mấy năm trước thôi um tùm cỏ dại mọc đầy.

Ảnh minh hoạ: Sức khoẻ & đời sống.

Hồi mới vào đại học, tôi trọ ở một phòng trên tầng 5 trong một khu tập thể cũ kĩ phố Trung Liệt. Đêm đêm huyên náo tiếng ti vi lẫn tiếng người xem bóng đá. Nhộn nhạo những người ra người vào. Cũng gác trọ ấy, tôi lần đầu tiên được biết thế nào là cơm bụi. Đó là quán cơm bình dân ngay dưới chân khu tập thể. Một suất cơm 5.000 đồng hồi đó cũng ngon và tươm tất lắm rồi. Nhớ và vui nhất lần các bạn cấp 3 ghé chơi rồi cùng nhau đi thăm các bạn khác. Bạn bè mỗi đứa học một trường, cùng cảnh trọ học xa nhà, gặp nhau nơi Thủ đô vui không tả xiết.

Tôi ở căn gác trọ đó được hai tháng thì chuyển vì nơi đó quá ồn ào. Qua phố Quan Nhân ở nhà người thân. Ở đó mình mình một thế giới trên gác ba.

Phố Quan Nhân đi qua cầu cống Mọc, rồi vòng vèo mãi mới tới được khu nhà. Đó đích thị là những ngõ, hẻm, thường chỉ vừa cho hai xe máy lách qua nhau. Nhà cửa san sát, có chỗ như chen chúc. Được cái khu đó không phải xóm trọ mà là khu dân cư nên khá yên tĩnh, thuận lợi cho việc học.

Ảnh minh hoạ: Sức khoẻ & đời sống.

Hết năm thứ nhất, tôi lại chuyển nhà trọ một lần nữa, bởi có thêm em trai ra học cùng, chỗ nhà người quen không còn tiện nữa. Sau bao ngày sục sạo các khu trọ quanh Ngã Tư Sở, với sự nhiệt tình chỉ bảo của một ông anh cùng quê, cuối cùng, tôi vẫn không tìm được chỗ nào hết cả. Rồi vì lí do gì đó, ông anh cùng quê phải chuyển chỗ trọ, thế là để ngay chính căn phòng đang thuê đó lại cho tôi. Đó là căn gác trọ đánh dấu thời điểm chính thức an cư lạc nghiệp nhất của tôi. Tôi ở đó cho tới tận khi ra trường.

Trong căn gác trọ Thủ đô ngày ấy, tôi nhớ nhất là trận mưa lịch sử năm 2008 và cơn rét đậm mùa đông trước đó, 2007.

Buổi sáng hôm có trận mưa lớn dẫn đến lụt năm 2008, tôi vẫn tới trường như mọi ngày dù trời đã bắt đầu mưa. Mưa nặng hạt và lớn dần. Rồi mưa tầm tã. Trưa, nhà trường cho nghỉ sớm, tôi tìm đường về nhà. Mọi ngả đường đều bị chặn đứng bởi nước dâng cao. Xe đạp, xe máy đều không thể di chuyển được, còn mỗi xe bus là rẽ sóng lướt đi. Nhưng xe bus không thể đi theo lộ trình trước đó vì có nhiều chỗ ngập sâu. Vậy nên ròng rã cả buổi chiều, vừa đói vừa ướt như chuột lột, tôi ngồi hết chuyến bus này tới chuyến bus khác, qua bao khu phố, ngắm nhìn Thủ đô mịt mù mưa gió qua cửa kính.

Trận lụt lịch sử năm 2008. Ảnh: Dân Việt.

Tới chiều muộn xe về được gần khu trường Đại học Y. Tôi xuống xe, lội nước hơn một cây số để về nhà trọ. Đó là trận mưa lụt lịch sử trong hơn 100 năm ở Hà Nội. Thiệt hại vô cùng lớn. Tôi ngồi co ro trên gác ba ăn bát mì tôm. Rau muống khi đó là món ăn xa xỉ. Cũng trong lúc ấy, bạn tôi ở khu Giáp Bát thì lại ăn nên làm ra khi làm bè chở xe máy cho người lỡ kẹt xe ở đó. Đầu óc nhanh nhạy, biết kinh doanh nên giờ bạn đã là ông chủ lớn rồi.

Trận mưa lũ kinh hoàng ấy vốn đã được báo trước từ trận rét lịch sử kéo dài hơn 38 ngày năm 2007 - 2008. Hôm đó tôi vẫn lên giảng đường tự học như mọi khi, nhưng tới gần trưa thì cảm thấy rất lạnh dù đã mặc áo ấm. Tay chân co cóng không thể viết được, tôi đành đạp xe về nhà. Gác trọ trên tầng ba nên cái lạnh như dữ dội thêm. Bao nhiêu chăn dày áo ấm tôi lôi ra quấn lên người mà vẫn lạnh. Nhiều đêm lạnh quá, tôi thậm chí không thể ngủ được.

Cái lạnh, cái rét, cái nóng và mưa lũ đó có lẽ tôi chẳng bao giờ quên được. Nó khó quên, vì nó cứa vào da thịt mình, nó táp vào mặt mình, tê tái. Nó cũng chính là những mốc thời gian trong cuộc đời để người ta nhớ về. Nhớ về một thời gác trọ ở Thủ đô.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.

Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.

Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.

Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....

Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?