Nhớ mùa Trung thu xưa

Thêm một mùa Trung thu nữa lại về. Nhưng trong lòng của ai đó, Trung thu này đã khác Trung thu xưa…

Ngày đó, Hà Nội hay mất điện. Tối muộn, lũ trẻ chúng tôi cứ thơ thẩn ngoài vỉa hè, mắt ríu lại vì buồn ngủ. Những tiếng í ới của cha mẹ gọi về, nhưng đứa nào đứa ấy chần chừ vì sợ về nhà nóng!

Ấy vậy mà, Rằm Trung thu, chúng tôi chỉ mong mất điện càng lâu càng tốt. Mất điện, trăng như sáng hơn. Mới chập tối, trăng đã trèo lên mái nhà phía đằng Đông, lấp ló nhòm vào từng mâm cơm như thúc giục chúng tôi mau mau ra ngã tư đầu ô Cầu Dền để rước đèn Trung thu.

Mất điện, trăng như sáng hơn. Ảnh minh hoạ.

Thằng Thịnh cởi trần trùng trục, mùi da thịt vẫn còn khét lẹt vì cháy nắng. Cả ngày hôm ấy, nó cứ rong ruổi ngoài đường, bận bịu để tự tay làm nên chiếc đèn ông sao cỡ lớn. Đèn của nó lạ lắm, năm cánh dán toàn bằng báo cũ. Nó ao ước có một tờ giấy bóng kính thật to màu đỏ trong suốt nên cứ đi khắp các cửa hàng bách hóa tổng hợp để tìm mua, nhưng không có!

Chẳng sao, nến thắp lên, đèn của mày cũng lung linh, huyền ảo lắm. Cái Hoa ở gần nhà nó cũng biết nói những lời có cánh để động viên bạn.

Chỉ một loáng, đám trẻ con trong xóm tôi đã tề tựu đông đủ. Thằng Tiến được bố mua cho chiếc đầu sư tử còn mới, lớp sơn đỏ chóe. Thằng Tý có cái mặt nạ hình Trư Bát Giới. Nó còn lấy quả bóng cao su tạo thành cái bụng phệ y hệt lão Trư, nó đi bành cái chân ra, cũng giống phết. Cái Hoa mang tới một chiếc đèn cù. Chiếc đèn này mẹ nó mua cho từ năm ngoái, chơi xong mùa Trung thu năm trước, nó cẩn thận bọc lại, treo lên mái hiên sau nhà nên vẫn còn mới lắm. Tiếng trống thì thùng, đứa nào không có trống thì mang theo hai cái nắp vung bằng nhôm loảng xoảng thật vui tai. Thằng Hải được bố lấy trên gác bếp đưa cho một chuỗi hạt bưởi dài, đã bóc vỏ, phơi khô, xâu cẩn thận vào dây thép. Nó nghịch ngợm cuộn tròn lại, đeo lên cổ như chuỗi tràng hạt.

Trăng trèo lên ngọn cây cau cao vút. Trăng tròn xoe, sáng rực, nhảy nhót theo nhịp nhô lên, thụp xuống của chiếc đầu sư tử do thằng Tiến chủ trò. Trăng vẽ chiếc đèn ông sao của thằng Thịnh soi xuống nền đường uốn éo như nhại theo từng bước đi thình thịch của nó...

Cứ thế, đoàn rước do thằng Thịnh dẫn đầu đi vào từng con ngõ nhỏ. Chuỗi hạt bưởi của thằng Hải được đốt lên, lửa kêu tí tách như pháo hoa, mùi tinh dầu thơm nhẹ. Đi tới đâu, trăng soi đường tới đó. Tiếng trống, tiếng vung nồi gõ vào nhau tạo lên những âm thanh hỗn độn. Ồn ào là thế, nhưng người lớn hôm nay dễ tính lạ thường. Mọi ngày nghịch ngợm làm náo loạn xóm phố, thể nào cũng bị người lớn quát mắng, nhưng hôm nay thì không...

Cứ thế, đoàn rước do thằng Thịnh dẫn đầu đi vào từng con ngõ nhỏ. Ảnh minh hoạ.

Đoàn rước ngày một đông, không chỉ có trẻ con, mà người lớn cũng đi theo. Những em bé tí xíu miệng cười nắc nẻ, được kiệu lên cổ ông bà, đi vòng vòng quanh xóm. Trăng soi rõ niềm vui lấp lánh trên từng khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của những đứa trẻ xóm tôi. Trăng đâu rồi nhỉ? Chị Hằng đâu rồi? Chúng tôi đổ dồn con mắt lên bầu trời sáng trong đầy những vì sao lấp lánh. Ừ nhỉ, trăng có chân chúng mày ạ, trăng chạy đâu mất tiêu rồi. Tiếng cười như một tràng pháo nổ ran trước câu pha trò của thằng Thịnh.

Thì ra, trăng đã chạy từ đằng Đông sang đằng Tây. Trăng về đêm sáng quá! Một đứa nhìn trăng nói: Chị Hằng xuống chơi với lũ trẻ trần gian rồi? Còn chú Cuội trốn ở đâu không rõ... Chú Cuội kia kìa... kìa kìa...Lại những tranh cãi ồn ào từ lũ trẻ.

Đến giờ phá cỗ rồi các con ơi!

Mẹ thằng Thịnh mang ra đôi chiếu hoa trải trước bãi đất rộng đầu xóm, rồi bày biện bánh trái, hoa quả cho lũ trẻ về phá cỗ. Thấy vậy, các bà các mẹ trong ngõ, mỗi người mang ra một thức góp vui tạo thành một mâm cỗ thật to.

Những chiếc bánh trung thu mướt mát, đầy đặn, những quả thị sáp vàng thơm nức mũi, những quả bưởi đỏ hồng mọng nước,... Ảnh minh hoạ.

Những chiếc bánh trung thu mướt mát, đầy đặn, những quả thị sáp vàng thơm nức mũi, những quả bưởi đỏ hồng mọng nước, những trái chuối vàng trứng cuốc ngọt lịm bên những hạt cốm thơm mùi lúa nếp non, những quả hồng ngâm vàng ươm, những quả na mở mắt ngơ ngác nhìn trăng... Chúng tôi sà vào mâm cỗ,  ăn một cách ngon lành!

Tôi đang hồi tưởng về những mùa Trung thu cũ. Chợt bừng tỉnh trước tiếng gọi to của bà tổ trưởng: Có ai ở nhà không?! Tối mai, các gia đình đưa con em ra sân trường tiểu học dự lễ đón Trung thu nhé.

Tôi chợt quay ra nhìn lũ trẻ nhà mình. Chúng đều đang dán mắt vào chiếc điện thoại thông minh. Ngoài kia, trăng mười bốn đã sáng rực một màu dịu mát. Tôi tự hỏi: Chẳng biết bây giờ lũ trẻ có còn tha thiết với trăng?

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

"Từ Liêm tứ quý, nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh Cót" là tứ đại danh hương của vùng Hà Đông xưa. Xếp hàng đầu là làng Thiên Mỗ vì có gia đình danh nhân Nguyễn Quý Đức cả ba đời nối tiếp đều giữ các chức vụ trọng yếu trong triều đình.

Một làng quê cổ kính thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đã gìn giữ và phát triển một loại hình nghệ thuật rối rất đặc biệt: đó chính là rối cạn. Đây chính là nơi có phường rối cạn duy nhất của Hà Nội. Xin mời quý vị khán giả cùng Hanoi Review tìm hiểu về rối cạn Tế Tiêu nhé!

Với những lợi ích mà AI mang lại, nhiều quốc gia đang đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, với mục tiêu trở thành trung tâm kiểm soát công nghệ này. Cùng với việc thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo AI, việc sử dụng AI an toàn, có trách nhiệm cũng là điều đang được thế giới chú trọng để AI có thể đem đến những lợi ích bền vững cho con người.

Triển khai mô hình "xe máy chữa cháy lưu động"; Thu hồi gần 4.000 tỷ đồng qua hình thức tạm hoãn xuất cảnh; Truy nã quốc tế đối tượng Lê Khắc Ngọ... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Hạnh Sino không ngại khi bị so sánh với Huyền Baby... là những nội dung trong Bản tin Thế giới Showbiz hôm nay.

Ông Hòa gặp lại mối tình đầu là Nhã sau nhiều năm xa cách. Khi bà Hoa, vợ ông, phát hiện một chiếc hộp cũ chứa kỷ vật liên quan đến Nhã, bà lập tức nghi ngờ chồng mình vẫn còn tình cảm với người cũ. Nhưng sau một loạt hiểu lầm hài hước và rắc rối, sự thật được hé lộ.