Nhớ quê
Quê hương là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn cô thôn nữ, trắng trong và thanh tịnh. Cô quen với việc trốn nắng hè đổ lửa dưới bờ cây xanh, uống ngụm nước chè tươi đựng trong bát sứ của bà cụ đầu làng, chân trần thư thả nơi bờ cỏ, đầu trần với nắng với gió…
Cô lên phố. Cánh cửa đại học mở ra, khép lại ký ức về làng quê. Mái tóc dài óng ả lưng ong ngắn lại cho giống chúng giống bạn. Cô xỏ hài đi học, xỏ giày cao gót khi đi chơi. Nhưng bạn bè cô vẫn nhận xét cô vẫn có cái chân chất của thôn quê. Cô mỉm cười, tự hiểu, cái chân chất ấy tỏa ra từ tâm hồn mình. Cô tìm kiếm và lắng nghe những âm thanh đâu đó cất lên rồi bay lên trên những ồn ào của phố phường. Cô thích ngồi ghế đá bờ hồ công viên, nghe tiếng sáo bầu, sáo trúc dặt dìu sánh đôi trên khuông nhạc dân ca. Có mấy anh chàng thư sinh hay thổi sáo ở góc hồ. Tiếng sáo quyện vào gió, thoảng đưa trên mặt hồ nhịp nhàng đắm say như cái nắm tay của đôi tình nhân trẻ đang ngất ngây trong chương đầu của câu chuyện tình yêu.
Nhớ những đêm ở quê mất điện, ông nội hay thổi sáo cho đàn cháu nghe. Ông thổi “Tình ca Tây Bắc” hay tuyệt, lời ca nốt nhạc đẹp tựa mối tình của ông và bà như lời bà hay kể. Cũng có khi, buổi sáng, các bạn cùng phòng trọ còn say giấc thì cô đã giật mình nghe tiếng gà gáy sáng. Chừng bốn rưỡi, năm giờ, cô rón rén dậy, mủi lòng thương tiếng gà góc phố đơn côi, cất tiếng gáy không lời hồi đáp. Ở quê, một chú gà trong xóm gáy là cả chục con gà khác cất dàn đồng ca chào buổi sáng, giục giã mọi người thức dậy. Bố mẹ lục đục cời than bếp thổi phù phù làm cơm ra đồng. Cô cùng các em thì vào bàn học ôn bài, thi thoảng ngó chú gà gân cổ gáy trên đống rơm ngoài cửa sổ cười khúc khích.
Có những cảnh nơi phố xá, khi đi chậm, lắng lòng, nhìn ngắm bằng trái tim, cô lại nao nao cảm giác nhớ quê! Ấy là con đường đối diện cổng phụ trường cô. Ngày ngày cô qua đó, thấy cây đổi sắc bốn mùa như bao cây ở quê. Nhưng quê cô nhiều cây hơn, cây không xa lạ với người như trên Hà Nội. Tuổi thơ cô nếu có thể đặt tên thì đó sẽ là “Tuổi thơ – bạn cây”. Cái thủa mắc võng ngủ dưới cây xoài đầu nhà như mới hôm qua. Mùa vải chín, trẩy vải cho mẹ nơm nớp lo gặp lũ bọ xít. Nhón chân đi hái rau cải, chỉ sợ làm rụng cánh hoa vàng mong manh. Cắt rau khoai đầu suối về nấu cám lợn lại tranh thủ bắt được mấy chú cua càng về nấu riêu.
Hè sang, nhà trọ nóng nực, cô ra con phố gần nhà mỗi tối. Con phố ngập tràn ánh vàng của đèn đường, của hàng quán. Ngửa cổ nhìn trời đêm, thấy bầu trời rộng vẫn màu đen tuyền, vẫn những ngôi sao đơn lẻ hay từng chùm hấp háy mắt nhìn người trần thế như khi cô đứng ở giữa đường làng mà ngửa cổ nhìn đếm. Nhưng dường như, nhìn ngắm kĩ thấy bầu trời rộng bị cắt xẻ thành từng vùng nhỏ hơn bởi dây điện chằng chịt. Và những ngôi sao bé nhỏ kia không bất định như ở quê, chúng bị đính trên những nóc tòa nhà tầng cao hun hút, sức quá yếu ớt không thể dứt ra khỏi lực hút của tòa nhà đồ sộ mà bay theo gió trời tự do.
Nghe âm thanh, nhìn ngắm cảnh vật nào đó nơi ồn ã phố phường cũng khiến cô miên man nỗi nhớ quê. Nhưng có lẽ, tìm về với hồn quê nhất ở cái nơi đất chật người đông này, chính là trò chuyện với tất cả mọi người để tìm người đồng điệu nỗi nhớ. Cô trò chuyện với bác xe ôm cổng công viên. Bác vui vẻ kể về quả đồi trồng cây lâm nghiệp ở Ba Vì của bác sắp khai thác gỗ, lúc ấy chắc sẽ phải dừng xe ôm vài tháng. Cô bán rau đầu ngõ nói không ngừng về cái ao rau muống ở quê đang trổ hoa sắp già. Bà chủ xóm trọ nâng niu mấy chậu hoa trên ban công, níu giữ màu xanh chắc chỉ còn trong kí ức của bãi cỏ xanh chen hoa vàng tuổi thơ nô đùa. Cô bạn cùng lớp sinh ra trên phố nhưng háo hức về quê ngoại chăn trâu thả diều với đàn em vào mỗi dịp hè.
Hóa ra, chữ “quê” thật rộng, nó trải dọc thời gian, từ mái đầu xanh tới mái đầu bạc trắng. Nó bao trùm không gian từ âm thanh, cảnh vật tới con người. Và đâu phải ở phố xá hối hả này, chỉ riêng cô là hay say sưa nỗi niềm nhung nhớ quê hương. Ai cũng có quê, đó là nơi nỗi nhớ trở về. Nhớ quê, ai cũng trở nên hồn nhiên, chân chất, thánh thiện./.
Xuân Chinh
Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.
Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.
Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.
Trong tiết trời thu Hà Nội, một bát xôi chè là món quà tuyệt vời mà phố cổ Hà Nộidành tặng cho những tâm hồn lữ khách. Xôi chè không chỉ là món ăn, mà còn là một phần ký ức, là sợi dây kết nối giữa thực tại và quá khứ.
Giữa cuộc sống hiện đại, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, người học trò xuất sắc của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, miệt mài gìn giữ nghệ thuật hát xẩm và đưa xẩm Hà Thành tới gần hơn với người Hà Nội.
Tháng Mười về, mùa đông rồi cũng sẽ về, sự thay đổi tưởng như chỉ là quy luật ấy lại cho ta những khoảnh khắc xao lòng và lưu luyến với thu, khi mà đâu đó hương hoa sữa dịu dàng miên man trong gió, khi mà ngoài kia những con phố nhỏ thoáng bóng dáng ai đang nâng niu hít hà hương cốm hoặc trầm tư bên ly cà phê trong sương mai.
0