Những bài ca bất tử vang mãi nẻo biên cương
Ca khúc "Chiến đấu vì độc lập tự do"
Ca khúc "Chiến đấu vì độc lập, tự do" của nhạc sĩ Phạm Tuyên mở đầu cho hàng loạt các bài ca xúc động viết về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tổ quốc năm 1979 là một bài hát có sức mạnh to lớn khi thúc giục, hiệu triệu, động viên, khích lệ lớp lớp thế hệ người dân hừng hực khí thế mặc áo lính, cầm súng lên đường ra trận, quyết chiến để bảo vệ biên cương.
Theo lời kể của nhạc sĩ, ngày hôm đó, ông đã lặng người đi đau nỗi đau của Tổ quốc khi nghe tin quân xâm lược tràn qua biên giới. Khi ấy, ông đang phụ trách âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Chỉ vài giờ sau cuộc chiến nổ ra, ông đặt bút viết rất nhanh ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” với câu mở đầu “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới...”.
Ngay ngày 20/2/1979 bài hát đã lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Với những ca từ hào sảng mà có sức lay động lòng người bài hát đã ngay lập tức được hàng triệu người dân Việt đón nhận và hát vang trong những ngày xuân năm ấy.
"Trước mỗi lần thử thách của lịch sử, cả dân tộc Việt Nam đều lớn mạnh lên, phát huy cao độ lòng dũng cảm, trí thông minh và tài năng sáng tạo trong sản xuất và chiến đấu: tăng cường lực lượng vật chất và tinh thần để chiến thắng quân thù. Mỗi bản làng, xí nghiệp, hợp tác xã, thị xã, quận, huyện là một pháo đài kiên cường chống giặc. Mỗi tỉnh, thành là một chiến trường, cả nước là một chiến trường. Bất cứ nơi nào trên đất nước ta đều là những Chi Lăng, Đống Đa: sông biển ta đều là những Bạch Đằng, Hàm Tử..."
Giữa sự khốc liệt của chiến tranh, cùng với "Chiến đấu vì độc lập tự do" của nhạc sỹ Phạm Tuyên còn có hàng loạt bản hùng ca khác đã kịp thời ra đời động viên, cổ vũ tinh thần quân và dân ta chắc tay súng nơi tiền tuyến, trong đó nổi bật phải kể đến "Lời tạm biệt lúc lên đường” của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, "Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận" của nhạc sĩ Hồng Đăng…
Ca khúc "Chiều biên giới"
Nhiều ca khúc ra đời trong suốt hơn 10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc vẫn còn sức lan tỏa đến tận bây giờ và được xem như những bản tình ca bất hủ. Nổi bật trong số đó không thể không kể đến “Chiều biên giới” của nhạc sĩ Trần Chung phổ thơ Lò Ngân Sủn. Mặc dù viết về chiến tranh, về những mất mát đau thương nhưng bài hát lại mang màu sắc âm nhạc hoàn toàn khác khi thể hiện nét lãng mạn trong không khí chiến trận căng thẳng ở biên giới phía Bắc. Đến nay ca khúc này được coi là bản tình ca về chiến tranh biên giới lãng mạn nhất. “Chiều biên giới em ơi! Có nơi nào xanh hơn. Như chồi xanh cỏ biếc. Như rừng cây của lá. Như tình yêu đôi ta”.
Ca khúc "Thư về với mẹ"
Thế hệ của nhạc sĩ Trương Quý Hải thuộc nằm lòng những câu hát hào hùng như “Chiến đấu vì độc lập tự do”, lẫn những bài hát mang âm hưởng lãng mạn đan xen giữa tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương đất nước như "Chiều biên giới"
“Với chúng tôi, những âm thanh tươi sáng ấy như đôi cánh để chúng ta bay lên, không còn thấy vất vả hay khổ cực mà chỉ thấy yêu đời” – Trương Quý Hải chia sẻ.
Trương Quý Hải là lính tuyên văn nhưng vào chiến dịch anh được phân công nhiệm vụ vác đạn pháo, chăm sóc thương binh và làm công tác tử sỹ, đặc biệt là sau trận đánh cao điểm 772 ngày 12/7/1984.
“Thư về với mẹ” được Trương Quý Hải sáng tác sau một lần chôn cất đồng đội và tình cờ phát hiện một lá thư thấm đẫm máu chưa kịp viết, chỉ vỏn vẹn 3 chữ “mẹ kính yêu”.
“Lúc ấy, tôi sực nhớ tới mẹ của mình và nghĩ về mẹ của đồng đội, rằng ít nhất mẹ mình còn có thể gặp lại mình nhưng mẹ của đồng đội thì vĩnh viễn không bao giờ gặp lại con nữa” – Trương Quý Hải xúc động nhớ lại.
Đêm đó, Trương Quý Hải nghĩ về việc viết tiếp bức thư đó, viết cho mình và cho những đồng đội hy sinh.
“Tôi viết bằng những câu hát, nghĩ được câu nào hát câu đó cho đồng đội nghe, chẳng có bút chép, cũng chẳng có đàn” – nhạc sỹ nhớ lại. Sau này, Trương Quý Hải mới có điều kiện chép lại và hát cho những đồng đội khác nghe. Bài hát ban đầu có tên “Thư gửi mẹ” nhưng chính các đồng đội đã góp ý để anh sửa thành “Thư về với mẹ”, với hàm ý rằng thư về nhưng các anh có thể không về.
Ca khúc "Những đôi mắt mang hình viên đạn"
"Những đôi mắt mang hình viên đạn" được nhạc sĩ Trần Tiến viết đúng mùa xuân 1979. Qua ca khúc, toàn bộ cuộc chiến, sự chết chóc, ly tán, đau thương và hậu quả của chiến tranh đã được khắc họa xuyên suốt bằng hình ảnh đôi mắt: “Đoàn quân lặng im, ngược dòng người đi, một đôi mắt bao lần tiễn biệt, một đôi mắt bao lần ước hẹn, một đôi mắt sáng lên, cháy lên muôn vàn ánh lửa. Kìa đôi mắt quê hương trông theo đoàn quân”.
Ca khúc “Những đôi mắt mang hình viên đạn"
(Nguồn: Kênh Youtube Trần Hiếu)
Nghe và hiểu thêm về những bài ca ra đời trong cuộc chiến 45 năm trước không phải khơi gợi lại chiến tranh hay bi thương, mà là cách để chúng ta cùng thấm hơn những bài học về bảo vệ đất nước, bảo vệ sự độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, thấm hơn những hy sinh mất mát và công lao của bao người đã ngã xuống để chúng ta có được biên giới hòa bình như hôm nay. Như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng ghi tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên: "Đảng, Tổ quốc, nhân dân đời đời ghi nhớ công lao của các Anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu anh dũng, bảo vệ biên cương của Tổ quốc trong giai đoạn tháng 2/1979 ở tuyến biên giới phía Bắc và kéo dài 10 năm ròng rã, đầy hy sinh nhưng cũng đầy khí phách Việt Nam…!”.
Trên những rặng núi, những cánh rừng biên giới hôm nay, mùa hoa đào đã nở thắm, phủ sắc hồng lên những mảnh đồi đỏ màu đạn pháo gần nửa thế kỷ trước. Mùa sở ra cây xanh ngút ngàn nhưng trên những triền đồi cũng man mác đượm một màu hoa sim tím, như khép lại một nốt trầm trong dặm trường lịch sử. Những giai điệu hòa bình tha thiết, những bản tình ca đang thay thế cho những khúc quân hành năm xưa.
(Theo FM96 Thời sự tổng hợp - Tin tức và Âm nhạc Hà Nội)
Tiếp nối thành công của triển lãm "Showcasing Vietnam Art" tại Kuwait, nơi Ngô Đức Hoàng giới thiệu vẻ đẹp của Việt Nam ra bạn bè quốc tế, "Hồn dó" tiếp tục khai thác chất liệu giấy dó truyền thống để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Nhân kỷ niệm 20 năm phố cổ Hà Nội được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia, 19 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024)) và 20 năm hoạt động của không gian đi bộ trên địa bàn quận (2004 - 2024), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức 20 hoạt động trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật để tôn vinh những giá trị di sản.
Phụ nữ xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội, đã biến những bức tường rêu mốc thành tranh sinh động, kể lại những câu chuyện đầy ý nghĩa về văn hóa và lịch sử truyền thống địa phương.
Là cây ưa khô ráo, nắng hạn, cách đây hơn 2 tháng, hàng nghìn cây hoa giấy ở Phù Đổng có nguy cơ bị thối rễ do ngập nước. Người dân làng Phù Đổng đã kiên trì hồi sinh cho những cây hoa giấy, để giờ đây, các nhà vườn lại rực rỡ sắc màu.
Ông Hoàng Thanh Khiết, đại diện Hội đồng xác lập Kỷ lục Việt Nam, đã trao chứng nhận xác nhận kỉ lục cho Bảo tàng Hoa Cương của Nhà giáo Nguyễn Quang Cương, đồng thời đánh giá Bảo tàng Hoa Cương sở hữu một bộ sưu tập hiện vật vô cùng phong phú, đa dạng về chủ đề và chất liệu.
Với mong muốn bảo tồn di sản và phát huy, ứng dụng các giá trị văn hóa Việt vào đời sống hiện đại, cuộc Triển lãm với tên gọi “Tôn cựu, nghênh tân” đang diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cũ, 46 Hàng Bài.
0