Những bàn tay thêu cờ Tổ quốc
Nơi lưu giữ màu cờ Tổ quốc
Từ bao đời nay, làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội được mệnh danh là "nơi lưu giữ màu cờ Tổ quốc" thông qua từng đường kim, mũi chỉ khi thêu dệt nên hàng triệu triệu lá cờ đỏ sao vàng.
Theo lời các cụ cao niên trong làng, từ thế kỷ XVI, nơi đây đã nổi tiếng bởi các sản phẩm thêu, dệt truyền thống. Hàng trăm năm trước, nhiều người làng đã lên "Kẻ Chợ" (nội thành Hà Nội ngày nay) mở cửa hàng bán các sản phẩm do chính những đôi tay tài hoa của người làng làm ra.
Tháng 8 năm 1945, các nghệ nhân trong làng Từ Vân đã được Ủy ban kháng chiến giao một "nhiệm vụ đặc biệt" đó là thêu hàng vạn lá cờ Tổ quốc chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám toàn thắng. Trong dòng người náo nức và rừng cờ phấp phới trên quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945 đã có những lá cờ đỏ sao vàng được tạo nên bởi những người thợ làng Từ Vân. Từ đó cho đến nay, người dân vẫn luôn tự hào về nghề thêu may cờ Tổ quốc vinh quang của làng.
Những người thợ “thổi hồn” cho lá cờ Tổ quốc
Người thợ may cờ truyền thống được ví như những nghệ nhân bởi không chỉ cần có sự kiên trì, chăm chỉ mà cần có một đôi bàn tay khéo léo để tạo ra những lá cờ đạt độ hoàn thiện cao nhất. Những người nghệ nhân ở đây đã gửi gắm tất cả lòng yêu nước của mình vào những lá cờ Tổ quốc, vì vậy giá trị kinh tế từ việc sản xuất những lá cờ tại đây không bị đặt nặng mà họ đặt cái cốt lõi, cái hồn cốt của dân tộc lên hàng đầu.
Chị Vương Thị Nhung, 47 tuổi, chủ xưởng thêu may thủ công duy nhất còn lại của làng chia sẻ: “Gia đình tôi hiện nay đã lưu truyền nghề thêu may cờ Tổ quốc được 4 đời. Tôi luôn cảm thấy vinh dự và hãnh diện khi là một trong những người tạo nên những lá cờ Tổ quốc chuyển đi các nơi, hiện diện trong nhiều sự kiện quan trọng. Gia đình những năm qua vẫn duy trì sản xuất, thêu cờ, may in cờ, tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong làng và các làng lân cận. Các dịp lễ tết, Quốc khánh... cũng là thời gian gia đình lại bận rộn ngày đêm để kịp trả hàng cho khách.”
Đã theo nghề gần 40 năm, chị Nhung kể, bố chị là một trong những người đầu tiên đem nghề làm cờ về làng Từ Vân. Trước gia đình có 10 anh chị em, trong đó 3 người làm nghề truyền thống, nhưng giờ chỉ còn duy nhất vợ chồng chị bám trụ lại. Bởi nghề thêu may cờ không cho thu nhập cao, mà lại đòi hỏi người làm cờ phải thực sự khéo léo, tỉ mẩn trong từng đường kim, mũi chỉ, do đó ai phải thực sự đam mê mới gắn bó được với nghề này. Trong làng vẫn còn nhiều gia đình khác may cờ, nhưng tất cả đều là may, in công nghiệp hàng loạt, ít bộc lộ chất thêu nghệ thuật như xưa.
Chị Nhung cho biết, trước kia, một lá cờ làm hoàn toàn thủ công nên mất nhiều thời gian, có khi nửa ngày mới may xong một lá vì hình ngôi sao khó cắt, nếu là cờ thêu thì có khi mất vài ngày. Nay có máy móc hỗ trợ thì nhanh hơn, nhưng làm cờ thì không thể ẩu. Muốn có một lá cờ đẹp phải trải qua nhiều công đoạn như pha vải, đo, cắt, chèn sao, khâu vá..., khâu nào cũng phải cẩn trọng, nâng niu để lá cờ phẳng phiu, đường kim mũi chỉ gọn gàng.” Loại vải để thêu cờ phải là vải mua từ làng La Khê (quận Hà Đông), còn chỉ thêu được mua từ làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì).
“Cờ in máu mang hồn nước” nên mỗi khi đứng trước cờ Tổ quốc, chắc hẳn mỗi người dân đều cảm nhận được sự thiêng liêng của hồn thiêng sông núi. Ý thức được lá cờ là hình ảnh của quốc gia, thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, mỗi người thợ làm nghề tại làng Từ Vân luôn cẩn trọng, tỉ mỉ, miệt mài trong những đường kim, mũi chỉ, thêu tận tâm những lá cờ đỏ sao vàng.
Là một người gắn bó với nghề làm cờ Tổ quốc gần nửa đời người, bà Nguyễn Thị Thiết (72 tuổi) đến nay vẫn miệt mài bên tấm vải đỏ, cần mẫn làm nên những lá cờ mang hồn Tổ quốc. Bà Thiết cho biết: “Để hoàn thiện một lá cờ Tổ quốc đạt tiêu chuẩn của thị trường, bắt buộc phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Mặc dù công việc này không đòi hỏi phải có kỹ thuật cao nhưng mỗi công đoạn đều đòi hỏi người thợ phải thật cẩn thận, tỉ mỉ. Bởi, chỉ cần một cần một thao tác sai, lá cờ Tổ quốc đó sẽ không được sử dụng.
Một điều đáng quý ở làng Từ Vân đó là lá cờ Tổ Quốc với mỗi người đã trở thành một hình ảnh quen thuộc ngay từ khi lọt lòng. Từ khi sinh ra, những lá cờ đỏ sao vàng đã in sâu trong tâm trí họ. Với mong muốn truyền nghề lại cho thế hệ đi sau, nhiều gia đình đã dạy con làm quen với nghề từ khi còn nhỏ.
Lá cờ Tổ quốc mãi tung bay
78 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng về ngày lịch sử vẫn chảy mãi trong huyết quản của dân làng. Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm, cho đến nay nghề thêu may cờ Tổ quốc ở làng Từ Vân vẫn được duy trì dù hiện không nhiều gia đình đảm nhận. Khó khăn, vất vả là vậy song những lá cờ được làm ra từ bàn tay tài hoa, cần mẫn của những người thợ Từ Vân vẫn bền bỉ, óng đẹp theo thời gian, tung bay trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Những lá cờ đi khắp mọi miền đất nước, bay phấp phới nơi địa đầu Tổ quốc đến tung bay trong gió biển nơi đảo xa; từ trên đường phố lớn đến treo nơi trang trọng nhất trong mỗi ngôi nhà… Nền cờ đỏ tượng trưng cho nhiệt huyết cách mạng, cho máu và nước mắt đã rơi xuống vì nền độc lập của nước nhà.
Với mỗi người dân, dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh luôn là đại diện cho niềm tự hào Việt Nam, khơi dậy hai tiếng quê hương trong mỗi người con đất Việt.
Tổng hợp
Cùng với áo dài và nón lá, guốc mộc từ thời xa xưa đã tạo nên một vẻ đẹp rất Việt. Theo thời gian, guốc mốc dần bị lãng quên. Thế nhưng nhà thiết kế Hoàng Huệ đã đưa guốc mộc từ ký ức trở về cuộc sống ngày nay, với những họa tiết hiện đại, có tính ứng dụng cao.
Sự quyến rũ của Hồ Gươm trong từng khoảnh khắc đã trở thành cảm hứng cho biết bao nghệ sĩ. Trong số đó có nhà báo Hà Hồng, nguyên Trưởng ban Khoa Giáo của Báo Nhân dân, đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Báo Nhân dân, một người con Hà Tĩnh nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội.
"Xuống phố 4" - triển lãm tiếp theo trong seri "Xuống phố" đã chính thức khai mạc, đánh dấu sự trở lại của họa sĩ Phạm Bình Chương.
Nhiều vị khách phương xa mới đến Hà Nội đôi ba lần có lẽ sẽ khó để nhận ra giữa không gian ồn ào, tấp nập của Hà Nội hiện đại ngày nay vẫn còn tồn tại những thú vui tao nhã của người Hà Thành. Một trong số đó là nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống của người Hà Nội.
Thủ đô ngàn năm văn hiến luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của người dân Việt Nam, nhất là người dân Hà Nội. Mỗi người chọn cho mình một cách thể hiện khác nhau. Có những người họa sĩ đã dành cả đời mình để lan tỏa tình yêu Hà Nội.
Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.
0