Những câu chuyện nhỏ về một nhân cách lớn

Có dịp tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc sống cũng như trong nghề nghiệp, tôi không quên được những câu chuyện, cách ứng xử của ông, giản dị nhưng luôn toát ra tinh thần của một nhân cách lớn.

Câu hỏi của phóng viên quốc tế

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, diễn ra từ ngày 12 đến ngày 19 tháng 1/2011, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng được bầu vào vị trí Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Ngay sau Đại hội thành công, tân Tổng Bí thư chủ trì cuộc họp báo. Có một phóng viên của một hãng tin nước ngoài hỏi Tổng Bí thư rằng, sau đại hội ông dự định sẽ thăm nước nào đầu tiên?

Một câu hỏi có ý thăm dò đường lối quan hệ đối ngoại sau Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Không chút lúng túng, ông cười tươi và điềm tĩnh trả lời, đại ý: Tôi vừa được đại hội tín nhiệm bầu vào vị trí Tổng Bí thư. Việc đi thăm nước nào sẽ do tập thể Bộ Chính trị quyết định trên cơ sở đường lối đối ngoại đại hội vừa thông qua. Sau đại hội, chúng tôi sẽ họp bàn; khi đó, tôi sẽ thực hiện, và sẽ thông tin đến các bạn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng được bầu vào vị trí Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Ngay khi biết tin ông được bầu vào vị trí cao nhất của Đảng, nhiều người tỏ ý muốn đến chúc mừng, tặng hoa. Trong cuộc họp báo hôm đó, ông rành rõ: Được Đảng tin tưởng giao phó chức vụ Tổng Bí thư của Đảng là vinh dự to lớn, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề. Xin cảm ơn đồng chí đồng bào, và xin phép được chối từ.

Ông cũng cho biết vợ và các con ông những ngày này về quê; không tiếp khách đến chúc mừng, tặng hoa.

Cuộc gặp ngoài dự kiến ở phòng họp Đài quốc gia

Đại hội Đảng lần thứ XI kết thúc thành công ngay trước Tết Nguyên đán Tân Mão 2011.

Ra Tết, vào sáng thứ Bảy, ngày mùng 5 âm lịch, cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam, từ cấp Ban trở lên bất ngờ được triệu tập đến cơ quan. Đến nơi, chúng tôi được thông báo Tổng Bí thư sẽ đến thăm và làm việc với cán bộ, phóng viên Đài.

Gần 8 giờ sáng, Tổng Bí thư xuất hiện ở cửa phòng họp cùng Tổng Giám đốc Đài. Ông mặc bộ đồ bình thường, không com-lê, cà-vạt, chiếc áo khoác blouson màu nâu nhạt trông rất mới. Mọi người có mặt trong phòng họp đứng lên vỗ tay nồng nhiệt chào đón Tổng Bí thư.

Thoáng chút bối rối khi ông nhìn mọi người trong phòng họp, rồi nhìn lên tấm phông có dòng chữ: "Nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư đến thăm và làm việc…". Ông tỏ vẻ ngạc nhiên: Hôm nay, tôi đến đây không phải để thăm và làm việc với Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi đến dự cuộc gặp với bạn học cùng lớp thời đại học. Hôm qua, tôi ra chợ sắm cái áo khoác này để sáng nay đến gặp bạn bè - ông chỉ vào chiếc áo khoác blouson màu nâu nhạt đang mang.

Ngừng một chút, ông tiếp: Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức gặp mặt. Năm nay các bạn trong lớp mượn hội trường của Đài Tiếng nói Việt Nam. Cho tôi thay mặt bạn bè đồng khóa đồng môn cảm ơn lãnh đạo Đài đã giúp chúng tôi có được không gian gặp mặt đầu Xuân rất lý tưởng này…

Như có ý gỡ bối rối cho vị lãnh đạo Đài vốn là cán bộ của ông thời Tạp chí Cộng sản, ông nói: Lần này tôi không có chương trình đến thăm Đài. Nhưng hôm nay, có đông đủ cán bộ chủ chốt của Đài, nhân đầu Xuân mới, tôi xin chúc…

Rồi ông xin phép đến hội trường, nơi bạn bè thời sinh viên đang chờ ông.

Tư duy lớn từ căn phòng đầy sách

Thời ông còn ở nhà công vụ trên phố Nguyễn Cảnh Chân. Hôm đó, tôi đưa người thân bằng xe máy sang nhà ông. Khi chúng tôi đến, ông đang ở trên gác.

Tôi lên định chào ông. Ông đang đi đi lại lại trong căn phòng làm việc có cái giá sách chật cứng những sách.

Tôi đứng ngoài cửa phòng. Giọng ông chậm rãi, như đang nói với ai đó: Tập trung dân chủ. Dân chủ tập trung…Tập trung thì không thể dân chủ… Dân chủ thì chẳng thể tập trung…Tập trung dân chủ…

Tôi cảm nhận có lẽ vấn đề tập trung dân chủ đã được ông tư duy rất lâu, nghiền ngẫm trong một thời gian rất dài để rồi đúc kết thành một quan điểm xuyên suốt, nhất quán về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, một trong những nguyên tắc lớn được ông và trung ương đề cao.

Cho đến những ngày cuối cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn vừa điều trị vừa nghiên cứu lý luận.

Bài bình luận "từ tư duy nhiệm kỳ đến dấu ấn vượt thời gian"

Năm 2013, dịp kỷ niệm 68 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tôi viết bài bình luận phát trong chương trình Thời sự 6h sáng ngày 1/9 của Đài Tiếng nói Việt Nam, có tên Từ tư duy nhiệm kỳ đến dấu ấn vượt thời gian.

Bài bình luận có những đoạn:

“68 năm, so với lịch sử ngàn năm là ngắn, nhưng so với nhịp đi thời đại, lại là khoảng thời gian vật chất đáng kể, đủ cho một quốc gia, một dân tộc tạo nên những dấu ấn đột khởi, làm nên những đổi thay thần kỳ.

Nhìn sang các quốc gia trong khu vực, nhìn rộng ra các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia cùng điểm xuất phát, từng trải qua các cuộc thiên tai, địch họa nghiêm trọng, tàn khốc, chúng ta không khó để nhận ra rằng, họ đã tiến xa hơn chúng ta nhiều lần.”

“Bây giờ là lúc chúng ta phải biết mình đang ở đâu giữa thế giới bao la và năng động này! Chính là lúc, mỗi người, từ dân thường đến vị công bộc ở vị trí lãnh đạo quốc gia, hãy ngày ngày tự vấn, biết tự hào và biết xấu hổ. Đã đến lúc chấm dứt điệp khúc ăn mày dĩ vãng, bòn mót quá khứ để khỏa lấp sự yếu kém của mình trong hiện tại. Không thể cứ mãi đổ lỗi cho sự nghèo đói, tụt hậu bằng nguyên nhân chiến tranh, thiên tai, bão lụt.”

“Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhiều triều đại với nhiều bậc lương đống hiền tài để lại dấu ấn sáng chói trong sự nghiệp bảo vệ bờ cõi, chống ngoại xâm và canh tân đất nước, được lịch sử khắc ghi, được nhân dân tôn thờ. Cũng không ít triều đại như cái bóng mờ trong lịch sử, công đức mỏng manh, muôn đời bị nhân dân khinh rẻ”.

“Từ tư duy nhiệm kỳ hẹp hòi chăm chăm vì mục tiêu yên vị, giữ ghế và thu lợi, hãy tự vấn và chuyển hóa thành hành động tạo nên mốc son, dấu ấn tích cực, tạo động lực phát triển lâu bền cho đất nước”.

Bài viết được nghệ sĩ ưu tú Hà Phương thể hiện. Có lẽ do có sự đồng cảm với người viết, lại có nguồn cảm hứng từ không khí những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm ấy, mà nghệ sĩ Hà Phương thể hiện bài viết cực kỳ hào sảng. Thính giả nghe và khen. Bạn bè nhắn tin, gọi, khen. Nhiều người nhận xét bài bình luận có tính hiệu triệu.

Không biết từ đâu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biết chuyện. Ông yêu cầu chuyển cho ông bài viết. Khoảng một tuần sau, Nguyễn Vũ Duy, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam chuyên trách tháp tùng Tổng Bí thư gặp tôi, anh thông báo: Tổng Bí thư đã đọc bài. Ông có nhận xét và góp ý rất nhẹ nhàng, rằng bài viết không có ý gì sai, nhưng với Đài quốc gia thì nên mức độ…

Đời thường ấm áp, nghĩa tình

Suốt thời gian, từ khi ông giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, đến những năm tháng ở cương vị Tổng Bí thư của Đảng, cho đến những ngày tháng cuối đời, trong cán bộ nhân dân lan truyền nhiều câu chuyện liên quan đến đức tính liêm chính và ý chí cống hiến trọn đời cho lý tưởng vì nước vì dân của ông.

Có chuyện thực mà ngỡ như hư. Một người bạn vốn thân thiết với gia đình ông, thấy cái tủ lạnh nhà ông đã quá cũ, lặng lẽ mua cái tủ mới mang đến. Hôm sau, ông cho người mang trả.

Ngày lễ, ngày Tết, người ta đến thăm, mang theo túi quà biếu. Ông vui vẻ nhận, rồi khẽ khàng mở túi quà. Nếu là hộp bánh hay hoa quả, ông nhận một chút, còn lại, để khách mang về, cho cô và các cháu ở nhà. Nếu có chai rượu, ông mở ra, rót ra li chủ khách mỗi người uống một chút, như thể là mình đã nhận, rồi ông nói khách mang về, mình không biết uống rượu. Nếu trong túi quà có phong bì, ông nhẹ nhàng mà dứt khoát trả lại cho khách. Đôi khi, để khách không buồn, ông nói, mình nhận rồi, nhưng xin biếu lại cô chú.

Có những chuyện tôi chỉ nghe mà không được chứng kiến, nhưng tôi tin đó không phải giai thoại, đó thực sự là cách ứng xử của một người lãnh đạo lớn.

Trong quan hệ cuộc sống đời thường, ông là người nghĩa tình ấm áp, có trước có sau. Tết nào ông cũng thu xếp thời gian đến thăm, chúc Tết gia đình những người bạn của mình, phần nhiều họ ít tuổi hơn ông, ở vị trí thấp hơn ông. Ngay cả ngày giỗ chạp thân mẫu thân phụ hàng năm của mỗi người bạn, ông cũng không quên.

Tôi có chút may mắn, được biết ông từ khi ông là cán bộ Tạp chí Cộng sản. Sau này, ông ở vị trí lãnh đạo cấp cao của Quốc hội, Đảng, Nhà nước còn được gặp ông đôi ba lần, thường là kính nhi viễn chi, không nghĩ là ông nhớ đến tôi. Nhưng có lần, trong bữa giỗ ở gia đình người thân, có người chỉ vào tôi và hỏi ông: Anh có nhớ cậu này không, thì ông cười, nhớ chứ, rồi ông gọi tên tôi với cái họ hơi bị hiếm!

Tác giả: Uông Ngọc Dậu

Nguyên Giám đốc Hệ Thời sự Chính trị Tổng hợp, Đài Tiếng nói Việt Nam

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có bài viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tiêu đề "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.

Tối ngày 27/7, tại nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phố Thiền Quang, Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng phái đoàn Mỹ do Tổng thống Biden cử đã đến thắp hương viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn với Phu nhân Ngô Thị Mận cùng gia quyến của Tổng Bí thư.

Không chỉ là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng, nhà lãnh đạo kiệt xuất của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là một tấm gương lớn về tinh thần tôn sư trọng đạo. Dù bận trăm công nghìn việc, Tổng Bí thư vẫn tự viết thư tay thăm hỏi, chúc mừng cô giáo cũ mỗi dịp lễ Tết hay dành thời gian về thăm trường cũ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa nhưng những tác phẩm, công trình, bài viết, bài phát biểu mà đồng chí để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cho cộng đồng khoa học Việt Nam và kho tàng tri thức của nhân loại sẽ mãi là tài sản vô cùng giá trị, đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước và trường tồn cùng dân tộc.

Nhiều hãng tin, hãng thông tấn lớn trên thế giới có bài viết về Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh tình cảm thiêng liêng của người dân và bạn bè quốc tế, cùng với những đánh giá về dấu ấn nổi bật của Tổng Bí thư trong ba nhiệm kỳ lãnh đạo Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên ở một làng quê, với những buổi trưa hè bơi sông vớt củi, những buổi tối bên ánh đèn dầu, ông và nhóm bạn cùng trang lứa đã tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ.