Những chiều mưa thương nhớ

Những cơn mưa mùa đông thường khiến người ta da diết nhớ về một thời quá vãng, nơi quê nhà yêu dấu. Hoài niệm về những ngày xưa cũ, hình dáng mẹ liêu xiêu trong mưa làm người ta vừa cảm động, vừa buồn nhớ, vừa thương yêu dâng ngập trong lòng.

Chiều nay, mời bạn nghe những dòng cảm xúc của An Nhân, một thính giả yêu mến chương trình gửi về cho Hường từ Đà Nẵng.

Những chiều mưa ấy, mẹ để tôi say nồng với giấc ngủ trưa còn đang dang dở, người một mình lặng lẽ ra cánh đồng xa. Người chẳng bao giờ cho tôi đi cùng bởi người luôn lo lắng những dòng nước lạnh ngắt thấm vào cơ thể non nớt của đứa con bé bỏng rồi gây ra cơn sốt hằng đêm.

Bao giờ cũng vậy, sau giấc ngủ ngon lành, tôi bật dậy dáo dác tìm bóng mẹ. Căn nhà im ắng. Nhiều hôm, tôi ở nhà, bồn chồn ngóng trông bước chân mẹ đặt về đầu ngõ. Rồi cũng lắm lúc, không chờ được nữa, tôi lao ra khỏi nhà, vội vàng đến nơi mà những ngày nắng ráo, hai mẹ con xới cỏ trồng rau, chăm bẵm từng quả ngon trái ngọt.

Ảnh: Đồng Văn Hùng

Và tôi đã từng bao phen rơi nước mắt khi chứng kiến hình dáng mẹ nhỏ nhoi giữa đồng chiều. Gió ào ạt tít liên hồi, gió thúc trước ngực, gió lùa sau lưng, gió thốc bên sườn, gió xé tan chiếc nón cời lam lũ. Cái lạnh ùa tới bủa vây, như lưỡi dao bén ngọt xuyên qua lớp áo tơi cứa vào da thịt mỏng manh, lạnh lùng và tàn nhẫn. Mưa cứ vô tình, xối xả phủ lên tấm thân gầy guộc. Cánh đồng mênh mông trắng xóa đến nao lòng.

Đôi môi tím tái nhưng mẹ vẫn nở nụ cười như nhiên. Dầm mưa dãi nắng, chuyện thường tình mẹ đã trải qua, bao ngày vẫn thế. Đôi chân trần bấm chặt xuống đáy ruộng trơn trượt, đôi bàn tay chai sần thoăn thoắt cố thu lấy những rau củ ngập dưới lớp bùn nước.

Mẹ rướn mình bước thấp bước cao giữa đồng không mông quạnh. Rồi hai mẹ con chất đồ vào quang gánh, đôi vai mòn rung lên theo tiếng kẽo kịt, mẹ liêu xiêu đi trước, con lẽo đẽo theo sau. Đường về hun hút, trơn trượt, tiếng cười con khúc khích rơi trên đường quê.

Về đến nhà trút bỏ bộ áo quần ướt sũng quện mồ hôi, mẹ khơi bếp hồng trong buổi nhá nhem. Anh em chúng tôi túm tụm vào thổi lửa, khói xộc vào mũi cay xè. Mẹ hơ đôi tay thô tháp trước đống than đỏ rực, xoa xoa thật đều rồi ấp iu vào má tôi nong nóng. Cái cảm giác ấm áp mơn man khắp da thịt khiến tôi mộng mị rằng chẳng có bất cứ loại dầu xoa bóp nào trên thế gian có thể sánh được.

Chái bếp nhỏ bừng sáng, ánh lửa bập bùng, tí tách, nồng nàn những thương yêu. Nồi cơm sôi sùng sục, nồi cá kho vàng nghệ thơm lừng. Quả ngô non chín đều thơm dịu, khoai sắn ủ vùi dưới lớp tro dày tỏa mùi hương no ấm. Người xoa đầu mấy đứa con thơ như gà mẹ xòe rộng đôi cánh ấp đàn con nhỏ. Ngoài kia, trời vẫn mưa tầm tã, cây chuối sau vườn ngả nghiêng tàu lá, nhưng tôi chẳng còn biết đến cái lạnh của mùa đông đang len vào từng ngóc ngách ngôi nhà đơn sơ nữa. Một đời vất vả lo toan, mẹ luôn là người nhóm lửa, giữ lửa cho mái ấm bình dị yêu thương.

Cũng có những chiều mưa, sấm nổ ầm vang, chớp rạch ngang trời, mẹ gác lại công việc đồng áng, ngồi trước hiên nhà thêu thùa, may vá. Tôi thấy mẹ trẻ lại, đáy mắt long lanh. Thời xuân ấy, mẹ đã từng là cô thiếu nữ thị thành được học hành đến nơi đến chốn, nữ công gia chánh vẹn toàn. Một miếng trầu cay, mẹ theo cha tôi về miền quê, rồi thành nông dân từ đó.

Như những bà mẹ quê khác, mẹ luôn có một hộp kim chỉ. Chiếc kim to để vá những tấm bạt phơi thóc, phơi ngô, phơi đậu, phơi vừng… Chiếc kim nhỏ, mẹ khâu tấm áo, mẹ may manh quần. Dẫu thời gian có làm cho mắt mẹ nhòe đi thì đường kim mũi chỉ vẫn đều tăm tắp. Những bộ quần áo mẹ tự tay “thiết kế” và may riêng cho tôi vẫn thường làm tôi hãnh diện và tự hào với bọn trẻ con cùng xóm. Tôi quấn quýt bên chân mẹ, chờ đợi trong sự thích thú để được mẹ nhờ xâu kim. Tuổi thơ vụng dại, tôi nào mảy may nghĩ ngợi, thời gian kéo mẹ già nua. Mẹ bảo tôi lấy sách vở ra, mẹ trở thành cô giáo. Mẹ bày tôi tập toán, mẹ dạy tôi làm văn, mẹ khuyên tôi làm người…

Tôi đã mang vào những năm tháng mưu sinh, tôi mang ra phố thị những bình yên một thuở. Tôi đã mang theo bao nỗi nhớ thương, thương dáng mẹ tảo tần, thương phận người lắm nỗi đa đoan. Qua bao thăng trầm cuộc sống, kí ức về những chiều mưa bên mẹ vẫn mãi canh cánh trong lòng tôi. Tôi đồ rằng, đôi khi, chẳng phải những luân lí giáo dục mà chính hình bóng mẹ đã là một chân giá trị xác tín dạy tôi nên người./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.

Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.

Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.

Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....

Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?