Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2024
Quy định 6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội
Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2024/NĐ-CP về công tác xã hội (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2024); trong đó, quy định cụ thể 6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội.
Theo đó, công tác xã hội là hoạt động hỗ trợ cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội. Đối tượng công tác xã hội là cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội.
Công tác xã hội có chức năng hỗ trợ phòng ngừa; can thiệp, trị liệu; hỗ trợ phục hồi, phát triển đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng hạnh phúc của người dân; góp phần bảo đảm thực hiện quyền, nhân phẩm, giá trị của con người, công bằng và bình đẳng xã hội theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng quy định rõ 6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội:
- Cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
- Từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
- Lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
- Lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân.
- Thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thỏa thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nghị định quy định cụ thể về dịch vụ công tác xã hội. Đây là dịch vụ do tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp hoạt động công tác xã hội thực hiện nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội của cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng.
Quy định đánh số, gắn biển số nhà tại khu vực đô thị, nông thôn
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 08/2024/TT-BXD quy định đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng; có hiệu lực thi hành kể từ 15/10/2024. Trong đó quy định rõ cách đánh số nhà tại khu vực đô thị, khu vực nông thôn.
Theo đó, Thông tư quy định, đánh số nhà mặt đường, phố được sử dụng dãy số tự nhiên (1, 2, 3..., n) với thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định. Nhà bên trái lấy số lẻ (1, 3, 5, 7...), nhà bên phải lấy số chẵn (2, 4, 6, 8...).
Trường hợp một nhà có cửa mở ra hai đường, phố khác nhau thì nhà đó được đánh số theo đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn; nếu các đường, phố có mặt cắt ngang tương đương thì đánh số nhà theo đường, phố có cửa chính vào nhà hoặc đánh số theo đường, phố đã được đánh số liên tục.
Chiều đánh số nhà mặt đường, phố thực hiện theo quy định sau đây: chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc.
Trường hợp đường, phố đặc thù không thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này thì chiều đánh số nhà do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định (ví dụ: đường, phố dạng hướng tâm thì chiều đánh số nhà được thực hiện từ trung tâm thành phố, tỉnh, quận, huyện, thị xã, thị trấn hướng ra phía ngoài trung tâm).
Các đường, phố đã được đánh số nhà trước khi Thông tư này có hiệu lực thì giữ nguyên chiều đánh số nhà.
Đối với đường, phố chưa có nhà xây liên tục (còn đất trống), UBND cấp huyện căn cứ quy hoạch chi tiết xây dựng trên tuyến đường, phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đánh số nhà và đảm bảo có số nhà dự phòng đối với nhà, công trình cho tuyến đường, phố đó; trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng về tuyến đường, phố thì UBND cấp huyện quyết định tổ chức thực hiện đánh số và gắn biển số nhà để đảm bảo phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực.
Trường hợp phát sinh nhà chưa được đánh số nằm giữa hai nhà đã được đánh số liên tục trên đường, phố thì các nhà mới phát sinh được lựa chọn đánh số theo một trong 02 cách sau:
- Đánh số bằng tên ghép của số nhà nhỏ hơn và chữ cái in hoa tiếng Việt (A, B, C,...), bắt đầu từ chữ A (ví dụ: số nhà phát sinh giữa hai nhà số 20 và số 22 thì đánh số 20A, 20B, 20C, …);
- Đánh số bằng tên ghép của số nhà nhỏ hơn và dấu gạch ngang và số tự nhiên, bắt đầu từ số 1 (ví dụ: số nhà phát sinh giữa hai nhà số 20 và số 22 thì đánh số 20-1, 20-2, 20-3,…, 20-24, 20-25,….,22).
Đối với đoạn đường, phố mới xây dựng kéo dài phía cuối của đường, phố thì thực hiện đánh số nhà tiếp theo số nhà cuối cùng đã đánh của đường, phố đó theo quy định của Thông tư này.
Đánh số nhà trong ngõ được thực hiện theo quy định sau đây: Trường hợp ngõ chưa có tên riêng: tên ngõ được đặt tên theo số nhà mặt đường, phố nằm kề ngay trước đầu ngõ (có số nhà nhỏ hơn).
Chiều đánh số nhà trong ngõ: trường hợp ngõ nối thông giữa hai đường, phố và đã đặt tên thì lấy chiều từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố mà ngõ mang tên đến cuối ngõ.
Trường hợp ngõ nối thông giữa hai đường, phố và chưa được đặt tên thì chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn đến cuối ngõ.
Trường hợp ngõ chỉ có một đầu thông ra đường, phố thì chiều đánh số nhà được thực hiện từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố đến nhà cuối ngõ.
Đánh số nhà trong ngách được thực hiện theo quy định sau đây: Trường hợp ngách chưa có tên riêng: tên ngách được đặt tên theo số nhà mặt ngõ nằm kề ngay trước đầu ngách (có số nhà nhỏ hơn);
Chiều đánh số nhà trong ngách: trường hợp ngách nối thông giữa hai ngõ và đã đặt tên thì lấy chiều từ nhà đầu ngách sát với ngõ mà ngách mang tên đến cuối ngách; trường hợp ngách nối thông giữa hai đường và chưa được đặt tên thì chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngách sát với đường có mặt cắt ngang lớn hơn đến cuối ngách. Trường hợp ngách chỉ có một đầu thông ra ngõ thì chiều đánh số nhà được thực hiện từ nhà đầu ngách sát với ngõ đến nhà cuối ngách.
Trường hợp nhà trong ngõ, ngách có tính chất đặc thù thì Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc đánh số.
Sửa đổi quy định mua sắm tài sản công
Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10/2024).
Trong đó, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 3 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP về mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước.
Theo quy định mới, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định trên được thực hiện như sau:
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương) quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Nghị định số 114/2024/NĐ-CP quy định căn cứ phạm vi dự toán ngân sách được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng, cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện mua sắm tài sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Việc tổ chức thực hiện mua sắm tài sản theo phương thức tập trung được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định tại Chương VI Nghị định này.
Việc mua sắm tài sản quy định trên không bao gồm mua sắm dịch vụ phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước. Việc mua sắm dịch vụ phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Nghị định số 114/2024/NĐ-CP cũng bổ sung thêm Điều 3a quy định mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công là vật tiêu hao phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước. Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi Điều 4 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP về thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước.
Các Điều 96, 97, 98 và 99 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.
Quy định việc quản lý, sử dụng nhà, đất là tài sản công không sử dụng để ở
Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2024).
Theo đó, Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở (sau đây gọi là nhà, đất) giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác với mục đích: Cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất); Tạm quản lý trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật.
Nghị định yêu cầu việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải bảo đảm hiệu quả, giải quyết nhu cầu về nhà, đất phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Việc giao nhà, đất cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác được thực hiện theo hình thức ghi tăng tài sản và giá trị tài sản không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà; tổ chức, cá nhân thuê nhà; cơ quan, tổ chức, đơn vị được bố trí nhà, đất sử dụng tạm thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định.
Việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo quy định của pháp luật; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Việc cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất) của tổ chức quản lý, kinh doanh nhà được thực hiện theo phương thức đấu giá, trừ các trường hợp thực hiện theo phương thức niêm yết giá.
Người có chức vụ thuộc 15 lĩnh vực TT&TT không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức
Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Thông tư 09/2024/TT-BTTTT quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi giữ chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ TT&TT. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/10/2024.
Thông tư này quy định danh mục các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ TT&TT và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó sau khi thôi giữ chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã (doanh nghiệp, hợp tác xã) trong lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý.
Thông tư này áp dụng đối với người có chức vụ, quyền hạn sau khi thôi chức vụ thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ TT&TT và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo Thông tư quy định, các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ TT&TT mà người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó sau khi thôi giữ chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý bao gồm:
1. Báo chí; 2. Xuất bản, in và phát hành; 3. Phát thanh, truyền hình; 4. Thông tin điện tử; 5. Thông tin đối ngoại; 6. Thông tin cơ sở; 7. Bưu chính; 8. Viễn thông; 9. Tần số vô tuyến điện; 10. Công nghiệp công nghệ thông tin; 11. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; 12. An toàn thông tin mạng; 13. Giao dịch điện tử; 14. Quản lý doanh nghiệp nhà nước do Bộ TT&TT làm đại diện chủ sở hữu; 15. Chương trình, đề án, dự án thuộc các lĩnh vực, nhiệm vụ được quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9,10, 11, 12, 13, 14 nêu trên do người thôi giữ chức vụ, quyền hạn khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt.
Thời hạn không được thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trước đây có trách nhiệm quản lý
Đối với người không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, thời hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực thuộc danh mục quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 nêu trên là đủ 12 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, thời hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực thuộc danh mục quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 nêu trên là đủ 24 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đối với lĩnh vực quy định tại khoản 15 nêu trên là thời hạn thực hiện xong chương trình, dự án, đề án.
Cao tốc phải có tối thiểu 4 làn xe
Theo Thông tư 06/2024 về Quy chuẩn kỹ thuật đường bộ cao tốc, hiệu lực từ 1/10, Bộ Giao thông Vận tải quy định cao tốc phải có tối thiểu 4 làn xe chạy (hai làn xe mỗi chiều); phải có làn dừng khẩn cấp được bố trí liên tục, trừ vị trí qua cầu có khẩu độ nhịp từ 150 m trở lên hoặc cầu có trụ cao từ 50 m trở lên, qua hầm.
Cao tốc có 3 cấp thiết kế theo tốc độ tối đa, gồm 120, 100 và 80. Các khu vực địa hình khó khăn, liên quan yếu tố quốc phòng an ninh có thể áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/h. Làn xe rộng tối thiểu 3,75 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 3,5 m đối với đường cấp 80. Làn dừng khẩn cấp rộng tối thiểu 3 m với cấp 120 và 100; cấp 80 là 2,5 m.
Trước đó, cao tốc được xây dựng theo tiêu chuẩn TCVN 5729:2012, khuyến cáo số làn xe được xác định trên cơ sở tính toán năng lực thông hành. Trường hợp phương án phân kỳ đầu tư, cao tốc phải làm thiết kế tổng thể hoàn chỉnh cho tương lai để tạo thuận lợi cho việc xây dựng ở giai đoạn sau.
Nhiều tuyến cao tốc tại Việt Nam, như Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới, Tuyên Quang - Hà Giang và Đồng Đăng - Trà Lĩnh, ban đầu được đầu tư với quy mô hai làn xe. Điều này đã gây ra nhiều hạn chế về lưu lượng và an toàn giao thông. Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nhanh chóng rà soát và nâng cấp các tuyến đường này lên 4 làn xe.
Sáng nay, 22/11, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả” tại địa chỉ số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Sáng 22/11, Công an thành phố Hà Nội thông tin, khoảng 22 giờ 15 phút ngày 21/11, Tổng đài 114 - Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an thành phố nhận được tin báo xảy ra cháy nhà dân tại tổ 12 phường Thạch Bàn (quận Long Biên).
Chiều 21/11, tại Trụ sở Nghị viện Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia Dato’ Awang Bemee Awang Ali Basah.
Đội Cảnh sát hình sự - Công an huyện Thanh Trì phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố cùng công an các quận giáp ranh Hoàng Mai, Hà Đông đã triệu tập, tạm giữ hàng chục thanh thiếu niên có hành vi gây rối trật tự.
Chiều 21/11, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng khai trương Dự án chính quyền số thành phố Hải Phòng và khai mạc triển lãm thành tựu và giải pháp công nghệ năm 2024.
Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22/12, tuyến tàu điện này sẽ bắt đầu chạy thương mại.
0