Những cuộc tình thương

Hẳn ai cũng mong muốn có được một tình yêu nồng cháy, khắc cốt ghi tâm. Tình yêu đó sẽ tràn đầy những lãng mạn của buổi đầu gặp gỡ, đong đầy những dấu yêu qua từng tháng năm. Trong tình yêu đó ta yêu người, người yêu ta. Và người tri kỷ ấy sẽ bên ta mãi mãi không rời.

Nhưng thực tế cuộc sống lại đang có rất nhiều cuộc hôn nhân xuất phát từ tình yêu bị tan vỡ. Những người yêu đó ban đầu thì nồng nhiệt, nhưng lại nhanh chóng chia tay vì lý do không hợp và trăm nghìn lý do khác nữa. Có người hỏi Hường, mãi mãi là bao lâu?

Trước khi trả lời câu hỏi đó, Hường kể bạn nghe hai câu chuyện tình yêu thời “ông bà anh” của bạn Nguyễn Trúc.

"Ông bà ngoại của tôi sinh ra ở mảnh đất miền Trung. Từ lúc cất tiếng khóc chào đời đến khi chảy giọt nước mắt xuôi tay đều gắn liền với từng khóm cây, ngọn cỏ nơi đây.

Ảnh minh họa: afamily

Sau đám cưới vội vì chạy giặc, ngoại tiễn ông lên đường tòng quân. Giữa cái nắm tay ngắn ngủi lúc đoàn binh trập trùng tiến bước, ngoại chỉ nhắn vỏn vẹn hai chữ “chờ em”, mà không phải chờ anh.

Lúc mẹ tôi tròn 5 tuổi, ngoại gửi con cho cố rồi đăng kí tham gia vào đoàn du kích. Đêm trùng phùng giữa Bình Khê cũng là lần gặp cuối cùng cho quãng đời đằng đẵng sau này.

Ngày nhận tin ông bị giặc giết rồi treo ngoài cổng chợ, ngoại bảo tim bà lúc ấy đã chết một nửa. Tôi tò mò hỏi tại sao chỉ là một nửa? Ngoại nói, nửa còn lại phải sống để trả thù cho ông.

Mùng một tết năm nào nhà tôi cũng chuẩn bị hoa quả đến viếng ông trong nghĩa trang liệt sĩ. Những khi ấy ngoại đặc biệt trầm ngâm, lúi cúi rút bớt chân nhang cắm trên mộ. Bà sợ ông đau kể cả khi đã nằm xuống ba tấc đất.

Lần nào đến đây ngoại cũng kể duy nhất một câu chuyện về quãng thời gian chiến đấu, về những đêm giặc càn, về những lán trại dựng tạm trong núi thẳm… Nhiều người nghĩ bà lẫn, nhưng tôi hiểu đó là chấp niệm duy nhất mà bà gìn giữ để cố sống nốt trong những ngày dài vắng ông.

Có lẽ, lúc đầu đến với nhau chỉ vì cảm mến, trải qua những gian khổ cận kề cái chết, tình cảm đó đã biến thành một loại nghĩa nặng tình sâu. Đối với ngoại, hẳn là không có nơi nào day dứt nỗi thương đau bằng mảnh đất này, đến nỗi cả đời bà, cứ quẩn quanh mãi ở đây mà chẳng chịu đi đâu khác.

Và cuộc tình của ba mẹ tôi.

Ba mẹ gặp nhau trong một lần thu mua mía tại nhà máy đường. Sau này mỗi lần hai người cãi nhau, ba lại chở tôi đi dạo lòng vòng quanh khu nhà máy rồi thủ thỉ kể về khoảnh khắc lần đầu gặp gỡ. Ba bảo giây phút thấy cái má hây đỏ vì nắng của cô gái trẻ đang cong lưng đẩy chiếc xe đạp đầy mía lên dốc, dường như tim ba hẫng đi nửa nhịp đập. Ba thú nhận, kể từ lúc ấy ông đã bị mảnh đất này trói buộc cả cuộc đời.

Ảnh minh họa: afamily

Vào năm tháng bữa đói bữa no được đo bằng tem phiếu, khi sự rung động thuở ban đầu dần thay bằng những lo toan vụn vặt, trong nhà tôi không bao giờ thiếu những lời to tiếng nhỏ của ba mẹ. Dù thế, sau bao lần viết đơn ly hôn rồi tự mình xé nát, ba mẹ vẫn ở bên nhau cho tới khi âm dương cách biệt. Tôi từng hỏi ba tại sao lúc ấy lại không kí? Ba chỉ bảo cái gì hư thì sửa, chứ không phải vứt đi. Những chiều cùng ba loanh quanh ở nhà máy sau mỗi lần cãi vã với mẹ đã dạy tôi một bài học lớn cho những mối quan hệ sau này.

Ngày tôi tốt nghiệp thì ba mất đột ngột trong một chuyến ra khơi đánh cá. Trong một đêm, mẹ như già đi mười tuổi. Ngày cúng xả tang ba năm, mẹ lắc đầu bảo rằng sẽ để tang ba đến trọn đời. Nhiều người từng hỏi mãi mãi là bao lâu? Tôi bần thần nghĩ, chắc là cả đời như mẹ.

Những mảnh tình thời “ông bà anh” của ngoại, của ba mẹ tôi không có sự nồng nhiệt khởi đầu, nhưng lại có một dấu chấm lửng đầy tiếc nuối. Không có oanh oanh liệt liệt truy đuổi, nhưng đầy nỗi đau triệt nội tâm khi sinh ly, tử biệt.

Tôi nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Lúc còn trẻ chúng ta từ bỏ, cho rằng đó chỉ là một cuộc tình, nhưng cuối cùng mới biết đó thực ra là cả cuộc đời”. Đúng là cả cuộc đời, bởi từ tình yêu đã dần trở thành tình thân, tình thương, chẳng cách nào chia tách"./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.

Phố bắt đầu ngày mới bằng những sắc hoa thuỳ mị trong chợ hoa Quảng Bá. Đường Âu Cơ tươi xinh màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ chưa vương mùi bụi khói. Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này.

Thấm thoắt, ngoại tôi đã về miền mây trắng đoàn tụ với ông bà tổ tiên được mười sáu năm rồi. Từ ngày ngoại mất, số lần tôi theo mẹ về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi năm tới ngày giỗ ngoại, tuy không nói ra nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn nghẹn lại trong lồng ngực mẹ nếu năm đó mẹ không thể sắp xếp về quê thắp cho ngoại nén hương.

Thuở bé, mỗi lần được nằm gối đầu lên đùi mẹ, lắng tai nghe những giai điệu trong trẻo mà sâu lắng từ những câu hát ầu ơ quen thuộc, lòng tôi mỗi lúc ấy đều cảm thấy dễ chịu và ấm áp lạ thường. Sau này, khi năm tháng trôi đi, bôn ba trên khắp các nẻo đường xuôi ngược, hễ vô tình được nghe thấy thứ âm thanh giản dị và thân thương ấy, thì những ký ức tuổi thơ trong tôi lại nối tiếp theo tiếng hát tìm về.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Trên những mảnh đất bom đạn ngày xưa, cỏ đã tô xanh màu máu đỏ. Màu xanh của hòa bình. Cỏ đã đắp da thịt lên vết thương chiến tranh, cỏ đã sống xanh hộ phần người. Nếu có một lần đến thăm nơi đó, xin đừng giẫm chân lên cỏ bởi mỗi một ngọn cỏ là một mặt trời, dưới mỗi ngọn cỏ là một trái tim đỏ thắm.