Những 'dáng hình nghiêng' thổi hồn vào lụa
Lụa Hà Đông là nói đến làng lụa trứ danh Vạn Phúc, một làng nghề truyền thống ngót ngàn năm tuổi; là cái nôi lụa gấm ở Việt Nam và là điểm đến của nhiều người khi ghé thăm Hà Nội.
Nhắc tới Vạn Phúc, người ta sẽ nhắc tới những sản phẩm về lụa. Có khoảng trên 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh khác nhau như: Băng hoa, Long phượng, Mây bay, Tứ quế, Tra sơn, Lụa vân đặc sắc và tinh tế.
Nói đến lụa vân thì chẳng ở đâu được đẹp bằng Vạn Phúc. Những tấm lụa mỏng có cả hoa nổi, hoa chìm; hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn còn hoa chìm phải soi lên ánh sáng mới thấy được. Các loại vân lụa rất tinh xảo được gọi bằng những tên gọi thanh cao, quý phái như vân tứ quý, vân song hạc, vân hồng điệp. Nét hoa văn mềm mại, phóng khoáng mà dứt khoát, màu sắc biến ảo lung linh theo các góc nhìn khác nhau. Ấy thế nên lụa vân đã đi vào ca dao để ai nhắc tới cũng nhớ ngay Vạn Phúc.
“The La, lĩnh Bưởi, sồi Phùng.
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên.”
Ta không khó bắt gặp những tà áo dài thướt tha, những tấm khăn lụa yểu điệu khi tới Vạn Phúc - những tấm lụa hoàn hảo khi thành phẩm. Và rồi, những mảnh thừa khi cắt áo, cắt khăn của lụa Hà Đông, tưởng chừng như bỏ đi, lại tiếp tục được những đôi tay yếu ớt, những dáng hình nghiêng không trọn vẹn, tận dụng tạo ra những sản phẩm. Đó là những người khuyết tật của Hợp tác xã Vụn Art nằm trong làng Vạn Phúc.
Gọi là những người có dáng hình nghiêng bởi trong số họ, người bị câm điếc bẩm sinh, người thiểu năng trí tuệ, người bại liệt. Ấy vậy mà những bức tranh ghép lụa, những chiếc áo, chiếc túi xinh xinh với những họa tiết ghép lụa – sản phẩm họ làm ra lại hoàn hảo, đẹp tới từng chi tiết.
Nếu không một lần tận mắt, sẽ không ai có thể hình dung được những bức tranh làm từ lụa vụn phỏng tranh dân gian như Đám cưới chuột, Đánh ghen, Chú bé chăn trâu thổi sáo hay những bức tranh phong cảnh phố cổ, hồ Gươm, chùa Một Cột, Khuê Văn Các và đặc biệt là những bức tranh chân dung độc đáo.
Vụn Art, nơi những mảnh vụn trở mình thành nghệ thuật và người khuyết tật nơi đây là những nghệ nhân đích thực. Họ đã thổi hồn vào lụa, biến cái bỏ đi thành những tác phẩm độc đáo. Từ trí sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, những mảnh lụa vụn được tái sinh. Những nghệ nhân đặc biệt nơi đây như những mảnh ghép nhỏ của cuộc sống. Mỗi người là một mảnh ghép khiến bức tranh cuộc sống nơi làng nghề ấy thêm sinh động và đẹp đẽ.
Không ai nghĩ người đứng đầu hợp tác xã cũng là một dáng hình nghiêng do bại liệt từ nhỏ. Có lẽ vì thế mà anh thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của người đồng cảnh? Có lẽ những thiệt thòi trong cuộc sống khiến anh muốn làm gì đó để bù đắp cho những người cảnh ngộ như mình để có một Vụn Art hôm nay? Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật từ những thứ tưởng như bỏ đi, thành thứ có giá trị.
Đền thờ tổ nghề, miếu, chùa, trung tâm bảo tồn lụa Vạn Phúc, hay phố đồ cổ – đồ xưa, nhà lưu niệm Bác Hồ hoặc con đường bích họa đầy màu sắc phía trước sân đình làng Vạn Phúc hấp dẫn du khách bởi những gì xưa cũ được gìn giữ, bảo tồn. Còn Vụn Art lại hấp dẫn du khách bởi những sản phẩm, những trải nghiệm thú vị và những câu chuyện truyền cảm hứng, đầy tính nhân văn bởi những con người vượt lên số phận.
Thật ngạc nhiên khi thấy người thợ đi lại khó khăn nhưng miệng luôn nở nụ cười, khi thấy họ trao đổi công việc với nhau bằng ngôn ngữ kí hiệu, khi thấy đôi tay yếu ớt, hình dạng không như người thường vẫn tỉ mỉ, cần mẫn làm việc. Cơ thể họ không hoàn hảo nhưng sản phẩm của họ lại hoàn hảo.
Những con người bình dị với những sản phẩm độc đáo đưa con người ta về với văn hóa truyền thống, về với lụa, về với những gì tinh túy. Nụ cười rạng rỡ của những dáng hình nghiêng lại khiến cuộc đời tươi đẹp biết bao.
Dẫu mưa hay nắng, dù nóng bức hay giá rét, những dáng hình nghiêng vẫn hàng ngày sáng tạo, lao động hăng say để tồn tại, để thấy mình có ích. Họ cống hiến hết mình cho xã hội, tận dụng thứ lụa vụn, thổi hồn vào nó, nối dài đời sống của lụa.
Trương Mỹ Lan hứa khắc phục hậu quả cho người dân; Ba Vì vận động hai đối tượng truy nã ra đầu thú; 'Cân não' phá án từ những dấu vết mong manh;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.
Trong nỗ lực quảng bá và phát triển làng nghề bền vững, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức hội chợ làng nghề lần thứ 20 năm 2024 trưng bày nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc, tinh xảo.
Du học trở về, Tuệ Lâm quyết định giúp bố phát triển công ty gia đình. Trong vai một nhân viên thử việc, cô đã nhanh chóng nắm bắt được tâm lý và tính cách của một số nhân vật nòng cốt ở công ty. Trong khi đó, sau khi chia tay bạn trai, Nhật Hạ đã tự vùi mình vào công việc để quên đi mối tình đầu.
Dạo quanh khu phố cổ, hẳn ai đi qua khu chợ Đồng Xuân cũng bị thu hút bởi một con ngõ nhỏ mang tên Đồng Xuân - một góc nhỏ giữa lòng Thủ đô đong đầy bao hương vị, bao kỉ niệm. Ngõ chợ Đồng Xuân làm biết bao người nhung nhớ theo một cách rất riêng bởi những món ăn bình dân, đậm đà bản sắc Hà Nội.
Với vai trò và vị thế của mình, việc xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần định hướng để Hà Nội tiên phong trở thành đô thị thông minh. Và để xây dựng một đô thị thông minh cần rất nhiều yếu tố, không chỉ là tạo dựng môi trường sống hiện đại mà Hà Nội còn phải giải quyết nhiều vấn đề đã và đang tồn tại như tình trạng ùn tắc giao thông, khói bụi, ô nhiễm môi trường.
Mở màn Tuần lễ phim Đức tại Hà Nội; Danh thủ Hồng Sơn ra mắt hồi ký sự nghiệp bóng đá đỉnh cao; Hoàng Dũng thông báo ra album sau 2 năm; RHYDER ra mắt mini show đầu tay... là những nội dung sẽ có trong bản tin Thế giới Showbiz hôm nay.
0