Những gì có thể đe dọa kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ?
Các mối đe dọa từ nước ngoài
Trong cuộc bầu cử năm 2020, sau khi các cuộc bỏ phiếu kết thúc, người Mỹ đã chứng kiến những hiện tượng chưa từng có về bạo lực bầu cử. Năm nay, những mối đe dọa với công tác bầu cử vẫn hiện hữu. Những ngày qua, điện thoại của một ứng cử viên tổng thống bị tấn công mạng. Một video giả mạo về các lá phiếu bị đốt ở Pennsylvania. Những diễn biến này cho thấy các mối đe dọa can thiệp vào chính trường Mỹ trước cuộc bầu cử đang gia tăng cả về cường độ và mức độ.
Tập đoàn phát triển phần mềm Microsoft mới đây đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ các nhóm tin tặc liên quan tới Iran sẽ tấn công vào các trang web bầu cử của Mỹ. Bản báo cáo được Trung tâm phân tích mối đe dọa của Microsoft (MTAC) công bố hôm 23/10 viết rằng, Iran “bất chấp những căng thẳng gần đây với Israel, vẫn tiếp tục những nỗ lực gây ảnh hưởng tới người dân Mỹ trong khi cuộc bầu cử tổng thống 2024 đang đến rất gần”.
Trang tin Al Arabiya dẫn một đoạn trong thông cáo viết: “Gần đây, Trung tâm phân tích mối đe dọa của Microsoft đã theo dõi các hoạt động của Iran, được ngụy trang với tên gọi ‘Bushnell’s Men’, nhằm kêu gọi người dân Mỹ hãy tẩy chay cuộc bầu cử vì sự ủng hộ của các ứng viên Cộng hòa và Dân chủ dành cho Israel. Việc nhóm này trước đây từng kích động các cuộc biểu tình tại nhiều trường đại học là minh chứng cho việc họ dùng các vấn đề xã hội để gieo rắc xung đột ở Mỹ.”
Đại diện Iran tại Liên hợp quốc sau đó cùng ngày đã gọi những thông tin trên của Microsoft về cơ bản là vô căn cứ và hoàn toàn không thể chấp nhận được. “Iran không có động cơ hay ý định can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ”, người này nói.
Không chỉ Iran, Nga cũng vướng cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. Hãng tin AP dẫn lời các quan chức tình báo và các nhà phân tích an ninh tư nhân cho rằng Nga ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump và đang sử dụng thông tin sai lệch, đôi khi do AI tạo ra để hạ thấp ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris. Theo Điện Kremlin, đây không phải là lần đầu tiên Nga bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ và Nga đã bác bỏ cáo buộc này. Trước đó, hồi tháng 9, Washington đã truy tố hai nhân viên và áp trừng phạt với lãnh đạo đài RT của Nga, cáo buộc họ gây ảnh hưởng đến bầu cử Tổng thống Mỹ.
Về quan điểm chính thức của Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhiều lần kêu gọi Mỹ ngừng lợi dụng Nga trong chính trị nội bộ của mình, nhận xét rằng cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong chính trường Mỹ đều cạnh tranh để tỏ ra cứng rắn hơn với Moskva. Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov cũng hạ thấp tầm quan trọng của cuộc bầu cử ngày 5/11 tại Mỹ, nhấn mạnh rằng chính sách của Mỹ đối với Nga sẽ không thay đổi bất kể ai thắng cử vì “nó được quyết định bởi các thế lực sâu xa trong giới cầm quyền Mỹ”.
Báo The New York Times hôm 27/10 đưa tin tin tặc Trung Quốc đã tấn công điện thoại của ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và người liên danh là Thượng Nghị sĩ J.D. Vance. Những người liên quan chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng bị nhắm đến. Phản ứng trước vụ việc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ khẳng định cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là vấn đề nội bộ của Mỹ và Trung Quốc không có ý định can thiệp bầu cử Mỹ. Bắc Kinh cũng phản đối các hoạt động tấn công và đánh cắp trên mạng dưới mọi hình thức.
Nước Anh - một đồng minh thân cận của Mỹ cũng bất ngờ bị “gọi tên” liên quan tới cuộc bầu cử năm nay. Hôm 26/10, chiến dịch tranh cử ông Trump cáo buộc Công đảng cầm quyền của Thủ tướng Anh Keir Starmer “can thiệp trắng trợn từ nước ngoài” vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Trong một bức thư gửi Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ (FEC), luật sư của chiến dịch Trump, Gary Lawkowski, cáo buộc Công đảng Anh đã gửi các cố vấn và quan chức cấp cao đến các bang chiến trường ở Mỹ để hỗ trợ đối thủ đảng Dân chủ - bà Kamala Harris. Thủ tướng Anh Keir Starmer đã bác bỏ những cáo buộc này. Các nhà phân tích cho rằng sự việc có thể làm căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và đồng minh thân cận nhất của mình trong trường hợp ông Trump thắng cử trong cuộc bầu cử sít sao này.
Cuộc bầu cử năm nay còn tiếp tục nóng lên khi chỉ vài ngày trước ngày bầu cử, hàng trăm lá phiếu đã bị hủy hoại. Hai thùng phiếu, một ở Oregon và một ở Washington, đã bị phóng hỏa trong các vụ việc mà cơ quan chức năng Mỹ nghi ngờ có liên quan đến nhau. Vụ việc được giới chức Mỹ mô tả là một “sự việc đáng buồn”, “một sự tấn công vào nước Mỹ”. Theo truyền thông Mỹ, các thiết bị gây cháy đã được gắn vào bên ngoài các thùng phiếu và FBI đã được điều động đến để hỗ trợ điều tra vụ án.
Các quan chức thực thi pháp luật lo ngại thủ phạm đằng sau các vụ tấn công đốt phá có thể sẽ tiếp tục hành vi phạm tội. Để ngăn chặn các cuộc tấn công, giới chức Mỹ đã tăng cường an ninh tại các điểm bỏ phiếu sớm. Các lá phiếu sẽ được thu thập 2 lần/ngày thay vì 1 lần/ngày như trước đây.
Những nỗ lực tăng cường an ninh xung quanh các hòm phiếu diễn ra khi Mỹ đang chứng kiến hàng loạt thách thức an ninh trước ngày bầu cử, khi nhiều phe phái hoặc phần tử cực đoan đe dọa phá hoại tiến trình bầu cử. Ba nỗ lực ám sát bất thành nhắm vào cựu Tổng thống Trump, vô số âm mưu bị phá vỡ cùng số lượng kỷ lục các mối đe dọa đối với các quan chức, nhân viên thực thi pháp luật. Theo các chuyên gia, những kẻ cực đoan thánh chiến đang tìm cách lợi dụng thời điểm nhạy cảm này bằng cách truyền cảm hứng hoặc phát động các hành động bạo lực, từ đó làm sâu sắc những chia rẽ trong lòng nước Mỹ.
Thông tin giả có làm thay đổi kết quả bầu cử Mỹ?
Thời điểm trước, trong và sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ (5/11) luôn là giai đoạn nhạy cảm, dễ xuất hiện các tin tức sai lệch. Một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học chính trị người Mỹ cho thấy hàng triệu người Mỹ dễ dàng tin vào những tuyên bố sai lệch. Giới quan sát từng dự đoán thông tin sai lệch có thể gây ra mối đe dọa với nền dân chủ Mỹ vào năm 2024. Việc lan truyền những tin tức không đúng sự thật có thể tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt là khi cuộc bầu cử tổng thống đã đến sát nút.
Báo New York Times cho rằng hiện tin giả và thông tin sai lệch đã “tăng mạnh chưa từng thấy”. Những hình ảnh và video giả lan truyền trên các mạng xã hội X, Facebook và Tiktok đã tạo ra nhiều “phiên bản ảo” về các ứng cử viên, khiến cử tri bối rối giữa thật và giả. Đặc biệt, nhờ vào sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI), các nội dung này có thể nhanh chóng lan truyền tới hàng triệu người chỉ với vài thao tác đơn giản, tạo nên bức tranh nhiễu loạn về các ứng cử viên.
Tôi nghĩ vấn đề lớn hơn cả là những kẻ phá hoại từ bên trong. Chúng ta có một số người cực đoan, những kẻ điên cuồng cánh tả cấp tiến. Tôi cho là nếu cần thiết, lực lượng vệ binh quốc gia hoặc quân đội sẽ xử lý các đối tượng này, ngăn chặn kịch bản xấu xảy ra.
Ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ.
Tờ Washington Post đưa ra trường hợp cụ thể về một video giả cho thấy phiếu bầu cho ông Trump bị tiêu hủy tại bang Pennsylvania. Video này đã thu hút hàng triệu người xem. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác nhận đây là sản phẩm ngụy tạo và cảnh báo các nội dung như vậy có thể gây hiểu lầm, phá hoại lòng tin của cử tri vào tính minh bạch của cuộc bầu cử. Tin giả hay thông tin sai lệch này không chỉ tạo ra sự hoài nghi mà còn đẩy cử tri dễ bị cuốn vào các "hộp cộng hưởng" - nơi họ chỉ tiếp cận thông tin họ muốn tin, càng làm sâu sắc hơn sự chia rẽ và bất mãn tại Mỹ.
Những người tung tin sai sự thật có những chiến thuật và cách tiếp cận khác nhau để gây ảnh hưởng đến các hoạt động, nhưng mục tiêu của họ là như nhau. Rất đơn giản, họ đang tìm cách làm suy yếu lòng tin của người Mỹ vào thể chế của chúng ta và cuộc bầu cử nói riêng, gieo rắc sự bất hòa giữa các đảng phái.
Bà Jen Easterly, Giám đốc Cơ quan an ninh mạng và cơ sở hạ tầng Mỹ.
Bà Easterly và nhiều quan chức khác cảnh báo những thông tin như vậy sẽ tiếp tục được lan truyền ngay cả sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Nhiều quan chức và chuyên gia cho rằng những nỗ lực nhằm làm mất uy tín của cuộc bầu cử năm nay có thể gây ra tác hại thậm chí lớn hơn những gì đã xảy ra trong cuộc bầu cử năm 2020.
Trong khi đó, một số chuyên gia nghiên cứu về sự lan truyền và tác động của thông tin sai lệch lại trấn an rằng chưa có bằng chứng nào trong các tài liệu học thuật hay nghiên cứu sau bầu cử tại Mỹ và trên thế giới cho thấy tin giả, bao gồm do cả con người và trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, thật sự ảnh hưởng sâu rộng đến kết quả bầu cử và niềm tin chính trị như một số người vẫn lầm tưởng.
Nước Mỹ siết chặt an ninh cho ngày bầu cử
Tính tới thời điểm này, công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử (5/11) đã hoàn tất, trong đó, đáng chú ý là việc ứng phó với rối ren hậu bầu cử gồm thông tin sai lệch, thuyết âm mưu, đe dọa và thậm chí là cả nguy cơ xảy ra bạo lực tại những bang “chiến trường” cạnh tranh nhất. Nước Mỹ đang thực hiện các biện pháp đặc biệt để tăng cường an ninh cho cử tri, nhân viên bầu cử và cơ sở hạ tầng bầu cử. Mục tiêu cao nhất là hàng triệu người Mỹ đi bỏ phiếu mà không được xảy ra sự cố nào.
Tại Philadelphia, Detroit và Atlanta, ba trong số những khu vực được cho là nơi cựu Tổng thống Donald Trump hay khiếu nại về gian lận bầu cử, giới chức trách Mỹ đã có những biện pháp tránh tái diễn sự hỗn loạn của năm 2020. Kho kiểm phiếu của Philadelphia hiện được bao quanh bởi hàng rào có dây thép gai. Tại Detroit và Atlanta, một số văn phòng bầu cử được bảo vệ bằng kính chống đạn.
Trong khi đó, tại Wisconsin, các nhân viên bầu cử đã được đào tạo về các kỹ thuật kiềm chế bạo lực và các trạm bỏ phiếu được sắp xếp lại để nhân viên có đường thoát hiểm trong trường hợp bị người biểu tình đe dọa. Tại Arizona, một tâm chấn trong cuộc cử năm 2020 về các khiếu nại gian lận do đảng Cộng hòa cáo buộc, giới chức địa phương đã được tập huấn ứng phó với thông tin sai lệch, bao gồm cả hình ảnh và chiêu trò giả mạo.
Giới chức Mỹ cũng đã triển khai một loạt biện pháp nhằm đảm bảo tính an toàn và minh bạch của cuộc bầu cử. Các hệ thống kiểm phiếu điện tử hiện đại và bảo mật mạng đang được thử nghiệm và cập nhật liên tục.
Các cơ quan chức năng như Bộ An ninh Nội địa (DHS), Cục Điều tra liên bang (FBI) và các bang đã cùng phối hợp để phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra. Chính quyền Mỹ cũng thực hiện giám sát chặt chẽ trên các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter và TikTok. Mục đích là nhanh chóng phát hiện và gỡ bỏ các nội dung tin giả, thông tin sai lệch nhằm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Cùng với đó, các cơ quan thực thi pháp luật tại thủ đô Washington DC đã bắt đầu tăng cường an ninh, dựng hàng rào xung quanh tòa nhà Quốc hội Mỹ như một phần trong công tác chuẩn bị cho ngày nhậm chức. Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa cũng kêu gọi Vệ binh Quốc gia Mỹ sẵn sàng dập tắt mọi bất ổn dân sự khi tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức, tránh lặp lại vụ bạo loạn lịch sử ngày 6/1/2021.
Không chỉ dừng lại ở các biện pháp an ninh trong nước, Mỹ cũng tăng cường hợp tác quốc tế để ngăn ngừa các mối đe dọa từ bên ngoài. Các quốc gia phương Tây như Anh, Pháp và Đức, cũng như các tổ chức quốc tế như NATO, đã tích cực tham gia vào các sáng kiến chung nhằm bảo vệ an ninh bầu cử.
Những lo ngại về thông tin sai lệch và can thiệp bầu cử đã tồn tại ở Mỹ từ lâu, đặc biệt là vào thời điểm các kỳ bầu cử tổng thống. Trong một động thái trấn an cử tri, các quan chức Mỹ nhấn mạnh hệ thống bầu cử của nước này an toàn đến mức không một thế lực hay tác nhân nào có thể thay đổi kết quả. Tuy nhiên, trước thềm bầu cử, báo chí Mỹ khuyến nghị cử tri bình tĩnh, thông thái, kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ, bởi chỉ một thông tin lan truyền sai lệch cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định của hàng triệu cử tri.
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.
Ngày 21/11, một nhóm vũ trang đã nã súng vào một số xe chở khách tại phía Tây Bắc Pakistan, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và 29 người bị thương.
Lễ hội Du lịch Quốc tế Sahara lần thứ sáu đã được tổ chức tại vùng sa mạc của Algeria, với hơn 400 đơn vị tham gia. Sự kiện kéo dài 4 ngày bao gồm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa dân gian và là một trong những sáng kiến nhằm quảng bá du lịch ở Algeria.
Động thái của Tòa án Hình sự quốc tế ICC khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có nguy cơ bị giam giữ nếu ông đi đến một số quốc gia khác.
Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan miền Nam nước này nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng một tên lửa có tầm bắn xa và mạnh như vậy trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Một chàng trai người Ai Cập đã trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội, thu hút hơn 750.000 người theo dõi trên Instagram khi anh thực hiện hành trình đường bộ dài hơn chu vi trái đất từ Ai Cập tới Nhật Bản trong vòng 274 ngày.
0