Những góc nhỏ phố phường

Đâu đó có những góc nhỏ mơ hồ thời gian, lâu lâu lại rộn lên câu chuyện cũ. Có thể là xa xôi với những người vội bước qua không kịp để ý. Nhưng vẫn là đau đáu trong những ai còn nặng lòng trước nhịp đổi thay phố phường.

Một người già dựa lưng góc phố, một trung niên nhấp từng ngụm nhỏ dưới vòm cổ thụ, khung cửa sổ lớn ngôi biệt thự đã chia cho nhiều hộ đóng chặt trên cao, và tiếng còi lướt theo những toa tàu như đang trôi trong vòm lá...

Những hình, những tiếng ấy, vào một lúc bất kỳ có thể vô tình hé mở cho ta một câu chuyện mà đi vào đó, ta sống lại một khoảng khắc vàng son của đền đài, cung các, một phấp phỏng thời chiến với dáng đi vội vã trong vắng vẻ lạnh người, một bồi hồi kham khổ tem phiếu, những ngày ròng rã xếp hàng mua thịt, những tháng mòn mỏi đợi phân phối vải như ngóng chờ bình minh. Có khi là chút u hoài tuổi xế chiều bần thần trước cuộc xoay vần đang vùn vụt qua trước mặt.

Có thể nghe và có thể dành ít phút lặng lẽ ngắm nhìn xung quanh để thấy phố phường quanh mình còn lắm những mối ràng buộc lạ kỳ.

Trong câu chuyện gia đình về những ngày tản cư, xa chốn đèn hoa đang đổ nát, vào những làng quê, rồi trở lại cũng chỉ vì một lẽ mưu sinh. Lần hồi trong phố phường tạm chiếm, người hôm nay tĩnh lại và nghe được những bàn tay, ánh mắt, những mong đợi lẩn khuất. Những giọng nói, những ước ao một thời ấy đã gửi vào nguyện ước chung của cả đô thành về một ngày từng đoàn người cờ hoa rực rỡ đón quân về như trong chiêm bao. Những mong ngóng ấy đã hiện hữu trong tình cảm chân thành của bao con người, bao gia đình trở lại Hà Nội tạm chiếm, sống trong những ám ảnh súng đạn, ám ảnh ly biệt, về sự bất ổn mà chiến tranh đem lại.

Cô tôi, nhà ở 69 Hàng Trống, kể, hồi cô còn chưa đi lấy chồng, nhà mở cửa hiệu ở 20 phố Hàng Mành, ông nội bí mật may cờ đỏ sao vàng cho cách mạng. Cô cũng được ông giao khâu sao vàng lên nền vải đỏ rồi làm viền. Âm thầm làm ở trong nhà, gấp lại thành từng xấp, giấu sẵn đợi người lấy. Ông dặn cô ngồi ngoài cửa hàng trông chừng, thấy có người của Việt Minh bí mật tìm đến thì mời người ta vào.

Hình như đã có nhiều gia đình may cờ, chuẩn bị cờ như thế, để đến ngày trọng đại Hà Nội được đại quân ta và chính quyền cách mạng tiếp quản, cờ đỏ sao vàng tung bay đỏ rực vỉa hè, rợp trên ban công những đường phố.

Một góc phố cổ Hà Nội. Ảnh: Marcus Lacey.

Năm lại năm, những ngày tri ân lớp người đã hiến sinh mạng hay một phần thân thể vào sự tươi xanh của hòa bình, độc lập, đền thờ liệt sĩ của mỗi phường Hà Nội hay những bia thờ liệt sĩ trong nhiều ngôi chùa, lại nghi ngút hương khói tỏa trên từng cụm hoa thơm.

Có nhiều gia đình cùng mang hương, hoa đến thắp trước tên người thân năm ấy đã từ phố phường Hà Nội lên đường. Có người hy sinh ngay giữa lòng đô thành thân thuộc đang rung chuyển, ôm bom ba càng chặn bước tiến quân thù trong khoảnh khắc tuổi thanh xuân rực sáng. Có người gửi thân vì đạn thù, vì đau ốm trên những nẻo đường Việt Bắc, Tây Bắc. Người đi B và nằm lại phương Nam. Người hòa mình trong gió sương biên giới…

Những phảng phất tháng năm của đời và của người ấy, trong một ngày nhớ thương của toàn thể mọi người, một ngày giỗ chung mà hương hoa lòng thành từ triệu trái tim, đều dâng lên trên ban thờ Tổ quốc, có lúc nào đó như đã duyệt binh về, hiển hiện trên mây trời Hà Nội.

Nghe một lần bà cụ trông nom đền liệt sĩ phường Hàng Quạt, cũng là vợ liệt sĩ thời đánh Mỹ 1968 chưa tìm được hài cốt chồng, kể lại, lần nọ nhóm thợ xây ngôi nhà đối diện đền liệt sĩ đã quá ngạc nhiên khi giữa đêm bỗng thấy bộ đội về trước đền đông. Nghe lao xao tiếng cười nói, tiếng hát. Lạ nữa là kiểu trang phục của mấy nhóm lại không giống nhau. Ngày hôm sau mới biết đúng vào 27/7.

Đi trong phố, nắng lọc qua những tán cây rợp thành từng vệt nhỏ lung linh trên hè. Gió rung lá làm những vùng ánh sáng rung lên như sắp kể. Lời phố, lời người, lời rêu xanh xám từng vệt quanh những gờ tường cũ.

Cửa đình thờ tổ nghề thêu ám khói ép lại trong những nhà cao ngõ nhỏ Yên Thái. Quán rượu ngõ Tạm Thương từng người ngồi cúi đầu im lặng bên bàn nhỏ. Những viên gạch hoàng thành Thăng Long phá bỏ được đưa về xây tường Văn Miếu. Bức tranh Bùi Xuân Phái xao động nhẹ quán cà phê nhỏ của người con danh họa trên phố Cửa Đông. Thi nhân đã rời đi, nhưng hòm thư Hoàng Cầm vẫn còn ngoài ngõ 43 Lý Quốc Sư xám bạc như không còn ai trông thấy. Nhà hàng chả cá chật ních, cầu thang gỗ hẹp người lên người xuống chờ nhau. Quán bia hơi vỉa hè dọn ra từ dưới gầm đường tàu Phùng Hưng. Một góc đường nhìn lướt qua khung cửa chỉ thấy những quạt cũ treo kín trần...

Mỗi nơi ấy đều có thể vào một lúc nào ta dừng chân, sẵn sàng cất lên một câu chuyện còn lẫn trong ồn ã đô thị, một câu chuyện về thời tụ lại, thời tan đi, người sum họp, người vắng mặt, về những tuổi còn nhớ, những tuổi quên dần. Và ước mong trở về cứ gửi theo những mùa lá rơi ngập phố.

Thu Hường

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hoa ngâu - loài hoa đặc biệt bởi chẳng có cánh mà hoa cứ tròn như hạt, như nụ. Bởi vậy mà các cụ cao niên thường gọi là nụ ngâu, chứ không gọi là hoa ngâu. Những bông hoa nhỏ xíu và chúm chím như nụ cười duyên của nàng thôn nữ.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, làng Gạ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đã được phù sa của sông Hồng bồi đắp, bởi vậy, lúa nếp làng Gạ rất thơm, nấu xôi đặc biệt ngon. Nhắc đến xôi Phú Thượng là nhắc đến một chất xôi ngon, dẻo, hòa quyện với đỗ lạc và đến nay, làng nghề này vẫn giữ được nghề làm xôi truyền thống.

Nhiều vị khách phương xa mới đến Hà Nội đôi ba lần có lẽ sẽ khó để nhận ra giữa không gian ồn ào, tấp nập của Hà Nội hiện đại ngày nay vẫn còn tồn tại những thú vui tao nhã của người Hà Thành. Một trong số đó là nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống của người Hà Nội.

Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.

Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.

Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.