Những lễ hội mùa xuân nổi tiếng ở miền Bắc

Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói rằng mùa xuân là mùa trẩy hội. Lễ hội mùa xuân ở Việt Nam là một trong những nét đẹp văn hóa và tâm linh đậm đà bản sắc dân tộc, thường được tổ chức sau mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Những lễ hội mùa xuân vừa để cầu bình an, may mắn, vừa thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên và khám phá phần nào cuộc sống của người dân miền Bắc.

Lễ hội chùa Hương - Hà Nội

Được xem là một trong những hội Xuân lớn nhất cả nước, lễ hội chùa Hương thường kéo dài trong gần ba tháng (bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch), tổ chức tại địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây cũng là lễ hội thu hút nhiều sự chú ý của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về.

Lễ hội chùa Hương gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Chúa Ba. Theo truyền thuyết dân gian, ở vùng "Linh sơn phúc địa" này trước kia, vào thế kỷ đầu tiên đã có công chúa Diệu Thiện (tục gọi là Chúa Ba ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm) đã tới vùng núi Hương Sơn tu hành 9 năm. Sau đó đắc đạo thành Phật đi cứu độ chúng sinh (ngày đó gọi là ngày Phật đản nhằm ngày 19 tháng 2 âm lịch hàng năm).

Chùa Hương là quần thể văn hóa tâm linh lớn với hệ thống nhiều hang động, có sự kết hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo

Chùa Hương là quần thể văn hóa tâm linh lớn với hệ thống nhiều hang động, có sự kết hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo gồm đồi, núi, suối rừng, chùa, tháp… Do đó, du khách đến tham quan nơi đây không chỉ được thỏa mãn tín ngưỡng tâm linh mà còn được đắm mình vào khoảng trời non nước, và tận hưởng không khí trong lành. Khung cảnh nên thơ của chùa Hương từng đi vào ca dao địa phương như:

"Một vùng non nước bao la

Ràng dây lạc quốc hay là Đào Nguyên

Hương Sơn là chốn non tiên

Bồng lai mà thấy ở miền nhân gian"

Hay:

"Không đi thì nhớ thì thương

Ra đi mến cảnh Chùa Hương không về"

Lễ hội Yên Tử - Quảng Ninh

Lễ hội Yên Tử - Quảng Ninh thường được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Từ xa xưa, trong suốt nhiều triều đại vua chúa, Yên Tử đã luôn được xem là một địa danh vô cùng quan trọng của đất nước

Lễ hội Yên Tử thường được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Trước đây, núi Yên Tử còn có tên gọi là núi Voi bởi dáng hình ngọn núi tựa như một con voi khổng lồ. Từ xa xưa, trong suốt nhiều triều đại vua chúa, Yên Tử đã luôn được xem là một địa danh vô cùng quan trọng của đất nước. Nơi đây còn là nơi bắt nguồn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và cũng là trung tâm Phật giáo Việt Nam. Bởi vậy, Lễ hội này được tổ chức để tôn vinh công đức của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người đã sáng lập Thiền Phái Trúc Lâm.

Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi tín ngưỡng tâm linh của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Ngay sau phần lễ long trọng được tổ chức dưới chân núi Yên Tử chính là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng trên đỉnh núi.

Ca dao có câu:

"Trăm năm tích đức tu hành

Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu"

Tại khai mạc lễ hội, sẽ có các phần lễ quan trọng như lễ cầu quốc thái dân an. Đây chính là thời điểm mà các đại biểu tham gia vào việc đóng dấu thiêng trên ấn Yên Tử, tượng trưng cho sự kết nối giữa con người và tâm linh.

Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi tín ngưỡng tâm linh của rất nhiều du khách trong và ngoài nước

Tại phần hội, du khách sẽ có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động vô cùng thú vị. Đó là tận hưởng các tiết mục văn nghệ đặc sắc, nghe nhạc truyền thống, xem võ thuật cổ truyền hay nghệ thuật múa rồng. Ngoài ra, lễ hội còn tổ chức các trò chơi dân gian sôi động như tung còn, kéo co, chọi trâu, và giải cờ tướng kỳ vương Yên Tử. Những hoạt động này mang đến cho du khách những trải nghiệm đầy màu sắc và vui vẻ trong không gian văn hóa tâm linh độc đáo của lễ hội Yên Tử.

Tham quan ngôi chùa bằng đồng ấn tượng nằm trên đỉnh núi, du khách có thể tới dâng hương, cầu bình an, may mắn cho bản thân, gia đình. Lễ hội còn là dịp kết nối đa dạng văn hóa khắp mọi vùng miền trong không gian vô cùng linh thiêng. Du xuân vãn cảnh, thưởng ngoạn tiết trời xuân, tận hưởng không khí nơi đền chùa thiêng liêng luôn là niềm yêu thích của du khách tứ phương mỗi dịp tết đến, xuân về.

Khai ấn đền Trần - Nam Định

Khai ấn đền Trần - Nam Định thường được tổ chức tại TP. Nam Định, tỉnh Nam Định.

Lễ hội Khai ấn đền Trần thường diễn ra trong ba ngày từ 13-15 tháng Giêng hàng năm, trong đó chính hội khai ấn diễn ra vào đêm ngày 14. Đây là lễ hội mùa xuân nổi tiếng Việt Nam để tri ân công đức của các vị vua Trần. Lễ khai ấn được diễn ra với ba nghi thức: Dâng hương, rước kiệu ấn và khai ấn tại Tiên Miếu nhà Trần.

Lễ hội Khai ấn đền Trần thường diễn ra trong ba ngày từ 13-15 tháng Giêng hàng năm

Hội sẽ được bắt đầu với lễ khai ấn, diễn ra vào giờ Tý. Quy mô của lễ hội được tổ chức tại cả ba đền: Thiên Trường, Trùng Hoa, Cố Trạch. Sau khi hoàn thành nghi lễ khai ấn, từ 23h55, cửa đền mới mở để người dân và khách thập phương vào lễ đầu năm. Từ 5h ngày 15 tháng Giêng bắt đầu phát ấn cho nhân dân và du khách.

Tất cả các nghi lễ tại di tích đền Trần từ lâu đã lưu giữ được các phong tục cổ truyền của dân tộc

Lễ hội mùa xuân tại đền Trần những năm gần đây thu hút rất nhiều du khách thập phương đến thắp hương đầu năm, cầu mong một năm mới phát tài, thành đạt. Ngoài ra, lễ hội còn diễn ra rất nhiều hoạt động truyền thống rất sôi nổi như múa rồng, múa lân, hát chèo.

Tất cả các nghi lễ tại di tích đền Trần từ lâu đã lưu giữ được các phong tục cổ truyền của dân tộc phần nào tái hiện được một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, nội dung lịch sử được thể hiện sống động và sâu sắc, nuôi dưỡng bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất chống ngoại xâm, tâm thức uống nước nhớ nguồn của mỗi người Việt Nam.

Hội Lim - Bắc Ninh

Hội Lim - Bắc Ninh thường được tổ chức trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Hội Lim - kết tinh văn hóa truyền thống của đất Kinh Bắc được tổ chức thường niên vào hai ngày 12 và 13 tháng Giêng hằng năm. Trong đó, ngày hội chính là ngày 13, với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân và lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân.

Hội Lim - kết tinh văn hóa truyền thống của đất Kinh Bắc được tổ chức thường niên vào hai ngày 12 và 13 tháng Giêng hằng năm

Lễ hội Lim được tổ chức nhằm tôn vinh tài sản văn hóa phi vật thể của xứ Bắc với những làn điệu quan họ ngọt ngào. Ngày xưa, hội Lim còn có tên gọi là hội Quan họ bởi bên cạnh việc tổ chức các trò chơi dân gian thì sinh hoạt văn hóa Quan họ nơi đây cũng vô cùng hấp dẫn. Hội Lim còn là không gian giao duyên góp phần giúp Quan họ Bắc Ninh được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Lễ hội Lim được tổ chức nhằm tôn vinh tài sản văn hóa phi vật thể của xứ Bắc với những làn điệu quan họ ngọt ngào

Đến với hội Lim những ngày đầu Xuân, du khách sẽ được thưởng thức những điệu hò giao duyên rất tình và độc đáo, được hòa nhập vào không khí nhộn nhịp ở lễ hội thông qua các trò chơi cổ truyền như đấu võ, đu quay, nấu cơm…

Lễ hội Đền Hùng - Phú Thọ

Lễ hội Đền Hùng - Phú Thọ thường được tổ chức tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Mỗi năm, Lễ hội Đền Hùng được diễn ra từ ngày 01 đến hết ngày 10 tháng 3 Âm lịch

Đền Hùng nằm ở trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương (Tp Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), là nơi hàng năm diễn ra lễ hội mang tính chất quốc gia để suy tôn các vua Hùng là người đã có công dựng nước, cứu nước. Nhắc đến Lễ hội Đền Hùng là người người, nhà nhà không ai không biết đến câu ca dao quen thuộc:

"Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba"

Mỗi năm, Lễ hội Đền Hùng được diễn ra từ ngày 01 đến hết ngày 10 tháng 3 Âm lịch. Các thủ tục tế lễ được tổ chức vô cùng trang trọng vào ngày chính hội (10/3). Trong đó, bắt đầu bằng lễ dâng hương có đại diện của Nhà nước, tại đền Thượng là nơi xưa kia vua Hùng tế trời đất. Ðồ tế lễ ngoài mâm ngũ quả còn có bánh chưng, bánh dày để nhắc lại sự tích Lang Liêu, cũng là nhắc nhở công đức các vua Hùng đã dạy dân trồng lúa.

Tại phần rước, có các cuộc rước thần, rước voi, rước kiệu... của các làng Tiên Cương, Hy Cương, Phượng Giao, Cổ Tích…

Tại phần rước, có các cuộc rước thần, rước voi, rước kiệu... của các làng Tiên Cương, Hy Cương, Phượng Giao, Cổ Tích… Sau phần tế lễ còn có múa hát xoan (ở đền Thượng), hát ca trù (ở đền Hạ) và nhiều trò chơi độc đáo khác.

Hội đền Hùng không chỉ thu hút khách thập phương đến dự lễ bởi những nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc mà còn ở tính thiêng liêng của một cuộc hành hương trở về cội nguồn dân tộc của các thế hệ người Việt Nam. Ðến hội, mỗi người đều biểu hiện một tình thương yêu, lòng ngưỡng mộ về quê cha đất tổ. Ðây là một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức mỗi con người Việt Nam, cho dù họ ở bất cứ nơi đâu.

Lễ hội gò Đống Đa - Hà Nội

Lễ hội gò Đống Đa - Hà Nội thường được tổ chức tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là một trong những lễ hội lớn được diễn ra vào ngày mùng 5 Tết, nhằm tái hiện lại chiến thắng gò Đống Đa vang danh lịch sử và tưởng nhớ chiến công lẫy  lừng của vua Quang Trung và chiến thắng lẫy lừng của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

Lễ hội gò Đống Đa là một trong những lễ hội lớn diễn ra tại trung tâm thành phố Hà Nội, được diễn ra vào ngày mùng 5 Tết

Du khách đặc biệt bị cuốn hút bởi không khí hào hùng khi những tốp người mặc võ phục vây quanh chú rồng được bện từ nùi rơm, giấy bồi, mo nang đánh quyền, múa côn như đang tái hiện lại bối cảnh những cuộc chiến vang danh sử vàng. Bên cạnh đó là phần hội với những trò chơi dân gian thú vị như đấu vật, cờ người, chọi gà… Đây là "gia vị" không thể thiếu của văn hoá truyền thống Việt Nam. Từ sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ.

Lễ hội gồm phần lễ và phần hội. Trong đó, lễ gồm ba phần: Lễ tế và rước kiệu vua Quang Trung, hoàng hậu Ngọc Hân; Lễ dâng hương, đọc diễn văn và Lễ cầu siêu.

Du khách đặc biệt bị cuốn hút bởi không khí hào hùng khi những tốp người mặc võ phục vây quanh chú rồng được bện từ nùi rơm, giấy bồi, mo nang đánh quyền, múa côn

Phần hội được tổ chức tại công viên văn hoá Đống Đa với màn trống khai hội vang rền, đi cùng là tiết mục múa rồng do các nghệ sĩ biểu diễn trong khung cảnh đầy náo nhiệt. Đáng chú ý, phần hội cũng sẽ trình diễn lại quá trình dựng nước, giữ nước của vua Quang Trung. Đây là phần trình diễn mang đậm những nét văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc. Tôn vinh tinh thần thượng võ và tạo không khí hào hứng phấn khởi cho một năm mới.

Là một trong những ngày lễ đầu năm quan trọng nhất của người dân Hà Thành, nên đây cũng là điểm đến của rất nhiều du khách trên khắp mọi miền tổ quốc mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Lễ hội chùa Bái Đính - Ninh Bình

Lễ hội chùa Bái Đính thường được tổ chức tại Chùa Bái Đính toạ lạc trên núi Bái Đính thuộc địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu khai mạc vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch

Chùa Bái Đính cũng là quần thể chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam, được biết đến với nhiều kỷ lục được xác lập tại Việt Nam và Châu Á như: Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, Tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, Khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam,…

Chùa Bái Đính cũng là quần thể chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam

Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu khai mạc vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc những ngày đầu xuân, buổi lễ mở đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư. Lễ hội Bái Đính hàng năm luôn thu hút đông đảo khách du lịch đến tham gia. Du khách đến đây không chỉ chiêm bái, dâng hương lễ Phật mà còn du xuân, vãn cảnh, chiêm ngưỡng cảnh sắc kỳ vĩ, hòa mình cùng không gian thiêng rộng lớn, thanh tịnh nơi cõi Phật. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng đã có công với quê hương, đất nước. Đây cũng là dịp để du khách thập phương du xuân, vãn cảnh chùa, dâng hương lễ Phật, cầu cho quốc thái dân an, gia đình an khang thịnh vượng.

Trong quần thể chùa rộng, lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội vô cùng lớn, thu hút đông du khách tham gia

Phần lễ gồm bốn nghi thức chính bao gồm: thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Lễ hội chùa Bái Đính sẽ được bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu. Các tu sĩ trong chùa sẽ mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiếp tục đến với phần hội.

Trong quần thể chùa rộng, lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội vô cùng lớn, thu hút đông du khách tham gia. Do có nhiều điển tích gắn với các vị vua Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Lê Thánh Tông và tín ngưỡng thờ thánh Nguyễn, thần Cao Sơn, Bà chúa thượng ngàn nên lễ hội chùa Bái Đính vừa có sự sùng bái tự nhiên, vừa thể hiện tín ngưỡng đạo Phật, đạo Mẫu lại có cả Nho giáo.

Lễ hội Bà Chúa Kho - Bắc Ninh

Lễ hội Bà Chúa Kho - Bắc Ninh thường được tổ chức ở Khu phố Cổ Mễ Phường Vũ Ninh, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Dù ngày chính hằng năm là ngày 14 tháng Giêng Âm lịch, nhưng từ những ngày đầu tiên của năm mới, dòng người đã nườm nượp đổ về ngôi đền Bà Chúa Kho ở làng Cổ Mễ. Làng Cổ Mễ có cụm công trình tín ngưỡng tôn giáo cổ là đình, chùa Cổ Mễ và đền Bà Chúa Kho đều được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây cũng là một làng Quan họ gốc.

Dù ngày chính hằng năm là ngày 14 tháng Giêng Âm lịch, nhưng từ những ngày đầu tiên của năm mới, dòng người đã nườm nượp đổ về ngôi đền Bà Chúa Kho

Vùng đất Bắc Ninh vốn dĩ nổi tiếng với nhiều ngôi đền thờ mẫu linh thiêng. Một trong những ngôi đền nổi tiếng nhất là Đền Bà Chúa Kho được xây dựng theo lối kiến trúc cổ từ thế kỷ XIX, thờ Bà Chúa Kho là người quê vùng Quả Cảm nhan sắc tuyệt trần, tài năng đức độ giúp nhân dân trong vùng sản xuất, khai khẩn ruộng đồng. Bà cũng là người đã giúp vua gìn giữ kho lương ở vùng núi Kho, sau đó đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược

Vùng đất Bắc Ninh vốn dĩ nổi tiếng với nhiều ngôi đền thờ mẫu linh thiêng, một trong những ngôi đền nổi tiếng nhất là Đền Bà Chúa Kho được xây dựng theo lối kiến trúc cổ từ thế kỷ XIX

Du khách tứ phương lựa chọn đến với chính hội Đình Bà Chúa Kho (10/8) để có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh rước kiệu vô cùng bắt mắt từ sông Cầu về đình làm nước cúng Thánh cả năm. Đội rước là các nam thanh, nữ tú được cả làng cử chọn khiêng kiệu đựng chóe nước ra bờ sông. Sau đó 4 thanh niên (2 nam, 2 nữ) khiêng chóe xuống thuyền, chèo ra giữa sông Cầu, lấy nước vào chóe, rồi rước về đình tổ chức rất trọng thể.

Lễ hội Bà Chúa Kho có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà như cầu mong một năm tài lộc đầy mình. Từ lâu, phong tục đầu năm xin lộc và cuối năm trả lễ Bà Chúa Kho đã trở thành thói quen thường niên không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Theo phong tục này, du khách phải dâng sớ xin lộc (để sau này tới trả lễ), mong cho một năm mới vốn liếng dồi dào, làm ăn phát đạt.

Mùa xuân là mùa trẩy hội, cũng là mùa nhà nhà, người người đi lễ đầu năm tới nhiều vùng đất linh thiêng. Với mong muốn gìn giữ, phát huy, tưởng nhớ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những lễ hội xuân miền Bắc được xem là nét đẹp văn hoá được lưu giữ hàng đời nay không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày Tết, ai cũng muốn ở nhà. Thế nhưng, nhiều chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy vẫn ứng trực tại đơn vị, sẵn sàng làm nhiệm vụ bất cứ khi nào để đảm bảo bình an cho nhân dân.

Bắt đầu từ sáng mồng hai Tết Giáp Thìn, Trung tâm Di sản - Hoàng Thành Thăng Long bắt đầu mở rộng cửa đón khách tham quan với nhiều hoạt động hấp dẫn, tái hiện các không gian di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, lần đầu tiên, du khách sẽ được xem bộ phim 3D tái hiện nghi lễ Chính đán thời Lê, với lễ thiết triều đầu tiên của năm mới, thể hiện mong muốn một năm mới quốc thái, dân cường.

Tết đến, cùng với việc du xuân, thăm người thân, bạn bè, không ít người lựa chọn cho mình thú chơi độc đáo, nhiều ý nghĩa. Những thú chơi này đã được các thế hệ người Việt duy trì, tiếp nối, phát triển và trở thành những nét văn hóa truyền thống, độc đáo, giàu bản sắc, mang đậm không khí mùa xuân. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn này những thú chơi tao nhã ấy lại được nhiều người lựa chọn, hưởng ứng.

Từ nhiều năm nay, mỗi khi Tết đến, khu vực vườn hoa Lạc Long Quân, khu vực hai con rồng Hồ Tây lại trở thành chợ đào quất lớn nhất của Hà Nội.

Trong đêm giao thừa và ngày đầu năm mới, sẽ có nhiều mặt hàng được bán như mía lộc, cành lộc hay những túi muối nhỏ. “Đầu năm mua muối” là một tập tục của người Việt ta. Theo người xưa, mua muối lộc là để đón nhận may mắn và cầu mong một năm mới ấm no, đủ đầy, mang đến sự mặn mà, gắn kết cho các thành viên trong gia đình, tăng thêm sự thuận hòa, no ấm.

Nơi tất bật, náo nhiệt nhất trong sáng 30 Tết là các chợ truyền thống. Mặc dù giờ đây chợ họp quanh năm, thậm chí mùng 2 Tết đã lại có chợ nhưng đi chợ vào sớm 30 vẫn là thói quen của phần đông các bà nội trợ.