Những mùa khai trường trong tôi

Tuổi thơ, ai cũng trải qua những ngày tháng cắp sách đến trường. Đó là một hành trình dài với nhiều gian khổ nhưng cũng nhiều niềm vui và hạnh phúc. Hành trình này luôn bắt đầu bằng những mùa khai trường đáng nhớ.

Những năm là học sinh, tôi nhớ nhất là ngày khai trường năm lớp Một. Cũng như mọi đứa trẻ khác, tôi háo hức đợi đến ngày mùng 5 tháng 9 để đi khai giảng.

Tôi nôn nao đến mức đêm ngủ cứ thấp tha thấp thỏm. Sáng ra thì dậy trước cả khi mẹ gọi. Tôi mặc bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất đã được mẹ chuẩn bị sẵn từ hôm qua. Ra đầu làng đã thấy mấy bạn nữa, chúng tôi cùng nhau háo hức đi bộ đến trường.

Từng tốp, từng tốp đi trên con đường đất, hai bên là cánh đồng lúa xanh rờn. Những đợt sóng lúa xanh mướt, mềm mại cuộn theo chiều gió như đang vẫy tay chào chúng tôi.

Sáng mùa thu, bầu trời xanh ngắt, cao vời vợi. Vài đám mây trắng lững lờ trôi. Đúng như nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi từng viết:

"Sáng mùa thu trong xanh

Em mặc quần áo mới

Đi đón ngày khai trường

Vui như là đi hội".

Các cô bác nông dân đi làm gặp chúng tôi ai cũng tươi cười, vui vẻ nhường đường cho chúng tôi rộng bước.

Không có cảnh mẹ dắt tay đi đầy hồi hộp như cậu bé trong truyện "Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh. Bố mẹ đứa nào cũng bận đi làm đồng cả.

Khung cảnh ngôi trường mới thật lạ lẫm. Lần đầu tiên tôi thấy nhiều học sinh như vậy. Các anh chị lớp lớn vui vẻ tụm năm tụm ba lại với nhau, rôm rả bao nhiêu chuyện sau mùa hè dài.

Tôi và các bạn lớp Một thì vừa tò mò vừa rụt rè đi khám khá ngôi trường mới.

Sân trường rộng với hai hàng xà cừ thẳng tắp. Ảnh minh hoạ.

Sân trường rộng với hai hàng xà cừ thẳng tắp. Nhiều cây to tỏa bóng rợp mát. Trường chỉ có một dãy phòng học xây bằng tường gạch, nền đất, bên trong có những chiếc bàn dài, ghế dài.

Tôi chỉ dám đứng bên ngoài thập thò nhìn vào. Dọc phía sau trường là một đường hào khá rộng và sâu. Sau này tôi mới biết đây là nơi tránh trú của học sinh và giáo viên khi đất nước còn chiến tranh.

Cây bàng ở góc sân trường thu hút được sự chú ý của nhiều học sinh nhất. Chúng tôi ngó nghiêng nhìn những trái bàng căng bóng, tròn lẳn mọc thành từng chùm lẫn trong tán lá.

Lấp ló có quả chín vàng nổi bật giữa chùm quả xanh nhìn như thỏi vàng. Có bạn tò mò nhặt mấy trái bàng rụng, chùi chùi vào tà áo rồi đưa lên miệng ăn thử.

Chợt có tiếng loa cất lên, tất cả học sinh đều tập trung lại giữa sân trường. Tôi và các bạn lớp Một lăng xăng vây xung quanh cô giáo chủ nhiệm như đàn gà con.

Có đứa chưa tìm thấy cô, chưa tìm thấy lớp của mình đang bắt đầu mếu máo. Một lúc sau thì hàng lối cũng ổn định. Những gương mặt ngây thơ, non nớt im lặng chờ đợi.

Khi bài Quốc ca trang nghiêm vang lên, tôi hơi giật mình, ngơ ngác. Vì chưa thuộc lời để hát theo. Tôi chỉ đưa tay chào và đứng nghiêm theo hiệu lệnh.

Lúc này, trong tôi bỗng trỗi lên cảm xúc vừa tự hào vừa lo lắng rất khó tả. Vậy là tôi đã vào lớp Một. Tôi đã là học sinh. Hàng ngày được cắp sách đến trường, được ê a học chữ, đếm số, được cầm phấn viết bảng chứ không còn phải cắp cái ghế con đến nhà trẻ nữa.

Tôi được học ở ngôi trường mới, gặp những thầy cô mới, bạn bè mới và học những điều mới ở nơi đây. Thầy cô có nghiêm khắc không? Bài học có khó quá không? Các bạn trong lớp có vui vẻ không? Tôi cứ suy nghĩ vẩn vơ như vậy.

Chẳng thể nhớ hết diễn biến của buổi lễ nhưng tôi rất ấn tượng với cái trống trường. Lần đầu tôi nhìn thấy một cái trống to như vậy. Thân trống được sơn màu đỏ tía, hai mặt trống bọc lớp da bò màu vàng nhạt. Nhìn cái trống thật là bệ vệ, uy nghi. Khi thầy hiệu trưởng cầm dùi đánh lên thì tiếng trống rền vang, náo nức. Tùng… tùng … tùng….tùng ….. Ôi! Âm thanh mới rộn rã làm sao!

Tiếng trống mở ra năm học mới đã chính thức bắt đầu. Từ hôm nay, ở ngôi trường làng này, với buổi lễ khai giảng đơn sơ, giản dị, tôi đã khởi đầu một chặng đường mới, đã có rất nhiều kỷ niệm với thầy cô, bạn bè, đã lớn lên và trưởng thành.

Có đứa chưa tìm thấy cô, chưa tìm thấy lớp của mình đang bắt đầu mếu máo.
Ảnh minh hoạ: KTĐT

Sau mười sáu năm miệt mài trên ghế nhà trường, tôi trở thành giáo viên ở một trường cấp III. Buổi lễ khai giảng đầu tiên ở vai trò mới thật xúc động, khó quên.

Nhìn sân trường, ghế đá, hàng cây, cảm giác thân quen như gắn bó tự bao giờ. Nhìn học sinh, tôi thấy lại hình ảnh của mình lúc còn đi học và thấy cả những tự hào, tin yêu, trăn trở của phụ huynh.

Những học sinh này sẽ là khóa học sinh đầu tiên của tôi khi bước vào nghề. Tôi sẽ được đồng hành cùng các em đi xây ước mơ, hy vọng và dệt nên những kí ức tươi đẹp của tuổi học trò.

Tôi sẽ bước vào hành trình gieo chữ với rất nhiều điều cần học hỏi và rèn luyện thêm. Một niềm hạnh phúc trào dâng, tràn ngập trong lòng. Lúc này tôi cảm nhận sâu sắc rằng mình đã chọn đúng nghề. Tự nhiên, nước mắt đã trào ở khóe mi tự bao giờ.

Một mùa thu nữa lại về, một mùa khai trường nữa sắp đến. Phụ huynh và học sinh trên cả nước đang tất bật, rộn ràng chuẩn bị sách tập, quần áo cho năm học mới. Còn tôi đang chuẩn bị chào đón một khóa học sinh mới với bao cảm xúc.

Chúc cho tôi, chúc cho tất cả thầy cô trên cả nước luôn hăng say, hạnh phúc với nghề. Chúc cho các em học sinh luôn chăm ngoan, ham học hỏi, năng động, tự tin để vững bước vào đời.

Chúng ta hãy cùng nhau cố gắng để mỗi ngày khai trường mở ra là một hành trình hạnh phúc bắt đầu. Hãy cùng nhau cố gắng để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui!

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Giữa bao món chè hiện đại, những món chè truyền thống như chè đậu đen, đậu đỏ, chè sắn nóng, bánh trôi tàu... vẫn có sức hấp dẫn riêng với nhiều người Hà Nội mỗi khi đông về.

Với 4 vòng thi bổ ích và sôi động, 'Chân trời kiến thức' là gameshow truyền hình thú vị, điểm hẹn hấp dẫn dành riêng cho học sinh THPT trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Chương trình hôm nay là những phần thi nhiều bất ngờ giữa ba đội trường Ngô Quyền, Hoàng Văn Thụ, Phan Huy Chú.

Bà Nga là người khó tính và hay soi mói. Biết mình không được lòng mọi người, bà thường xuyên gây khó dễ với cặp vợ chồng Bích và Quân sống kế bên. Tuy nhiên, trong một lần hoạn nạn, khi bà gặp khó khăn, chính Bích và Quân là người đã ra tay cứu giúp. Hành động này khiến bà Nga vô cùng xấu hổ và nhận ra sự sai lầm trong cách cư xử của mình

Giáng sinh đã về đến phố phường Hà Nội; Chuyển biến cảnh quan đô thị ở quận Long Biên; Nhiều đoạn đường ven sông Tô Lịch nhếch nhác... là những nội dung chính trong bản tin hôm nay.

Chương trình nghệ thuật Dòng thời gian số 10 với chủ đề “Bản tình ca người lính” do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức như một lời tri ân gửi tới những người lính Bộ đội Cụ Hồ nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong 90 phút của chương trình Dòng thời gian - Bài ca đi cùng năm tháng, Bản tình ca người lính sẽ đưa khán giả đến với nhiều tác phẩm âm nhạc, cùng những câu chuyện rất hay được thể hiện xuyên suốt qua 15 tác phẩm được chọn lọc kỹ lưỡng như: Bài ca không quên, Sông Lô chiều cuối năm, Chút thư tình người lính biển, Ngày mai anh lên đường,...Khán giả sẽ được các nghệ sĩ Ngô Đức, Dương Đức, Nam Tước, Bích Ngọc... dẫn dắt qua nhiều cung bậc cảm xúc, với những giai điệu nhẹ nhàng, đằm thắm và đậm chất trữ tình.

Đầu máy kéo - đẩy, niềm tự hào của đường sắt Việt Nam; Tàu lớn nhất thế giới đẩy bằng năng lượng gió; Những mẫu xe hybrid nổi bật ra mắt Việt Nam năm 2024... là những nội dung đáng chú ý trong bản tin hôm nay.