Những phóng viên làm chương trình truyền hình Hà Nội đầu tiên

Ngày 1/1/1979 đã trở thành một ngày không thể quên đối với những người làm phát thanh - truyền hình Hà Nội khi lần đầu tiên chương trình truyền hình Hà Nội được phát trên sóng Đài truyền hình Việt Nam, với một hình hiệu mới và nhạc hiệu “Người Hà Nội”.

Nhà báo Đỗ Gia Bính, khi đó là Trưởng Ban biên tập Kinh tế của Đài kiêm tổ trưởng tổ biên tập truyền hình, cùng với biên tập viên Khiếu Quang Bảo kiêm phụ trách mỹ thuật.

“Hồi đó các tít phim, bảng chữ đều phải kẻ bằng tay. Chúng tôi cùng hai phóng viên quay phim La Vuông và Hoàng Hòe một tuần liền đi tới nhiều nơi ở nội ngoại thành Hà Nội trong giá rét cuối năm để làm một phim phóng sự tài liệu “Hà Nội vào xuân 79”. Thời sự lúc đó quay bằng phim nhựa 16 ly đen trắng, muốn làm âm thanh phải dựng đúp băng” - nhà báo Đỗ Gia Bính nhớ lại.

Nhà báo Trần Gia Thái với chiếc máy quay phim nhựa 16 ly đầu tiên của Truyền hình Hà Nội.

“Vì là chương trình Truyền hình Hà Nội đầu tiên, ai cũng cố gắng hết mình để làm một chương trình thật hay, thật đẹp. Cho tới đêm trước ngày phát sóng, tôi cùng chị Mai Lộc (kỹ thuật dựng phim) và chị Quỳnh Dung (kỹ thuật âm thanh) sửa chữa lần cuối cho chương trình và khớp lại tiếng” - ông Khiếu Quang Bảo kể.

Vào 14 giờ ngày 1/1/1979, trên sóng Truyền hình Việt Nam, phát thanh viên Kim Tiến hiện hình trang trọng “Chương trình truyền hình Hà Nội xin kính chào các bạn!”.

Chương trình truyền hình Hà Nội đầu tiên dài 45 phút, gồm có phóng sự tài liệu “Hà Nội vào Xuân 79” và chương trình ca khúc Việt Nam do các giọng hát không chuyên của Thủ đô trình diễn, mang đậm bản sắc của Hà Nội. Chương trình đã mang lại sự vui tươi và niềm tin mở đầu cho sự phát triển truyền hình Hà Nội từ đây.

Bàn dựng Umatic kết hợp VHS thời kỳ đầu sản xuất chương trình truyền hình Hà Nội (1987).

“Cũng trong năm 1979, sau khi chương trình truyền hình Hà Nội được phát sóng, tổ truyền hình của Đài được bổ sung thêm các phóng viên, biên tập viên là Trần Gia Thái, Lê Định, Lê Lực và nữ phóng viên trẻ nhất tổ Nguyễn Thị Thu Hồng” - ông Khiếu Quang Bảo nhớ lại.

Với sự nhiệt huyết, những phóng viên, biên tập viên làm truyền hình đầu tiên của Đài Hà Nội đã vượt qua rất nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn để cống hiến hết mình cho những tác phẩm truyền hình của Thủ đô. Và chính họ là những người đã đặt nền móng cho sự ra đời của Truyền hình Hà Nội.

Những phóng viên, biên tập viên đầu tiên trong tổ làm Chương trình truyền hình Hà Nội từ năm 1979.

Từ năm 1987, Đài Hà Nội bắt đầu thực hiện sản xuất chương trình tại trụ sở 47 Hàng Dầu, hoàn chỉnh băng đưa sang Đài Truyền hình Việt Nam để phát sóng. Cho đến tháng 6/1989, Đài Hà Nội bắt đầu phát sóng chương trình hàng ngày.

Có lẽ chính tình yêu Hà Nội, yêu Đài Hà Nội sâu nặng mà những phóng viên, biên tập viên làm truyền hình Hà Nội đầu tiên đều trưởng thành, gắn bó với Đài Hà Nội cho đến lúc nghỉ hưu.

Đài Hà Nội tri ân  thế hệ làm Chương trình truyền hình Hà Nội đầu tiên.

Đối với nhà báo Trần Gia Thái, sau này là Thành ủy viên, giữ cương vị Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập của Đài, ông vẫn không bao giờ quên những ngày đầu tiên làm truyền hình Hà Nội. Những bức ảnh thời thanh niên tràn đầy nhiệt huyết và hoài bão bên chiếc máy quay phim nhựa đã trở thành kỷ vật vô giá trong cuộc đời làm báo.

Tôi rất vui, rất tự hào khi mỗi năm đến ngày kỷ niệm thành lập Đài Hà Nội, chúng tôi vẫn được các thế hệ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên của Đài nhắc đến, được tri ân. Tình yêu đối với Đài Hà Nội đã và sẽ theo chúng tôi suốt cuộc đời.

Ông Khiếu Quang Bảo xúc động chia sẻ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Không cần phải đợi đến Tết, món bánh chưng rán mâm mang hương vị tuổi thơ của nhiều người giờ đây có thể được thưởng thức mọi lúc, nhưng ngon nhất là trong thời tiết se lạnh của Hà Nội dịp này.

Khác biệt với những môn thể thao phải vận động mạnh, yoga nhìn nhẹ nhàng nhưng lại giúp cho người tập rèn luyện cả về "tâm-thân-trí". Điều này cũng đòi hỏi những huấn luyện viên yoga phải có kinh nghiệm nhất định.

Bãi sông Hồng dưới chân cầu Long Biên gần đây đã đổi thay. Rác thải ô nhiễm tồn đọng lâu ngày được thu dọn để cải tạo, trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách.

Với mạng lưới phủ rộng khắp thành phố, xe buýt giờ đây là một phương tiện giao thông công cộng tiện lợi và an toàn, đặc biệt với những người lớn tuổi ở Hà Nội.

Hơn 40ha trồng đào ở Nhật Tân, làng đào nổi tiếng của Hà Nội, gần như bị cơn bão số 3 (Yagi) phá hủy hoàn toàn.

Nối huyện Đông Anh với quận Long Biên, cầu Đông Trù không chỉ nổi bật bởi vai trò giao thông quan trọng mà còn gây ấn tượng mạnh với thiết kế độc đáo.