Những tập tục ăn tết thú vị của người Việt

Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của nhiều quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Mông Cổ, Triều Tiên, Bhutan, Nepal, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Myanmar…Người Việt Nam với 54 dân tộc anh em có nhiều phong tục, tập quán, trong đó có những cách đón Tết vô cùng độc lạ, hiếm có trên thế giới.

Tết Nguyên đán là nét văn hóa đặc trưng mà không phải bất kì quốc gia nào trên thế giới cũng có, là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của nhiều quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Mông Cổ, Triều Tiên, Bhutan, Nepal, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Myanmar…Người Việt Nam với 54 dân tộc anh em với nhiều phong tục, tập quán vô cùng độc đáo đã có những cách đón Tết vô cùng độc lạ, hiếm có trên thế giới.

Tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, đồng bào người Thái coi tiếng sấm đầu năm là điều vô cùng linh thiêng. Những người dân đều tin rằng, việc xác định năm, năm mới phải dựa vào các hiện tượng tự nhiên. Sau khi hoàn tất thu hoạch mùa màng, trời có dấu hiệu chuyển mùa cũng chính là lúc năm mới đang đến. Khoảnh khắc tiếng sấm đầu tiên vang lên được coi là giao thừa, được xem là cơ sở để già làng dự báo tình hình năm sắp tới. Họ coi đó là lời phán của ông trời - “Phà hoọng Pi mớ”.

Nếu sấm rền vào ban đêm, sau khi nghe thấy tiếng sấm giao thừa chủ nhà phải đánh thức các thành viên trong gia đình và chạm vào các vật dụng trong nhà để đánh thức chúng. Đây cũng là thời điểm đồng bào bắt tay vào chuẩn bị cho Tết, chuẩn bị chào đón một năm mới bội thu. Sau đó, mọi thành viên trong gia đình đều được phát một quả trứng gà và lúc này mọi người chưa được phép chải tóc, quét nhà... tới khi thầy Mo trong Bản gióng lên hồi Cồng thứ nhất báo hiệu cho mọi người tiến hành nghi lễ tại gia của mình.

Nhận được hiệu Cồng đó, mọi người ai nấy vui vẻ rửa mặt, rửa trứng gà và cùng nhau đọc bài nguyện cầu cổ truyền bằng tiếng Thái. Tạm dịch nghĩa:... Ông Trời đã mở cửa cho một ngày đẹp của năm mới. Cầu cho mặt mình được trắng trẻo như trứng gà bóc, được trơn tru như quả dưa, má đỏ hồng như hoa vông tháng chín. Từ trên chín tầng mây, ông trời nhìn xuống cũng thấy đẹp… Tại một số gia đình khác, người nông dân còn mang lúa xuống khắc luống để “cầu gọi mùa”.

Cứ năm nào đầu năm có mưa, sấm ra là năm đó báo hiệu mùa màng tươi tốt, no đủ. Tiếng sấm đầu năm đã ăn sâu vào tâm thức của đồng bào, trở thành nét văn hoá tâm linh trong cộng đồng dân tộc Thái nơi đây. Tiếng sấm đầu tiên của năm cũng được ví như hiệu lệnh của đất trời, là khởi hiệu một năm lao động, sản xuất thật năng suất, trong gia đình ai cũng khỏe mạnh, siêng năng, hiếu thảo.

Dù rằng không thể tiên đoán hay được dự báo được chính xác thời điểm xuất hiện tiếng sấm đầu năm, nhưng những ai lên miền Tây xứ Nghệ đúng vào dịp lễ hội đặc biệt này đều sẽ có cơ hội đón một năm mới thật may mắn, nhận được đầy ắp những điều tốt lành.

Người Pu Péo là một trong những cư dân lâu đời nhất và chủ yếu sống ở vùng cao cực Bắc Hà Giang như ở huyện Đồng Văn, Yên Minh hay một số ít ở huyện Bắc Mê...

Mặc dù dân số của dân tộc Pu Péo không nhiều nhưng họ vẫn luôn lưu giữ được những phong tục kỳ lạ và nhiều nghi lễ dân gian phong phú, trong đó có tục “cướp giọng gà”.

Đến thời khắc giao thừa hằng năm, người Pu Péo phải canh chừng mấy chú gà trống, khi nào gà vỗ cánh, chuẩn bị gáy, họ đốt ngay một quả pháo, ném vào chuồng gà. Khi lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy. Ngay lập tức, mọi người hò nhau hát vang trời để át tiếng gà gáy.

“Cướp giọng gà” được xem là nét văn hóa vô cùng đặc biệt được lưu truyền từ bao đời nay của người Pu Péo. Họ quan niệm tiếng gà gáy vừa hay, vừa thiêng liêng, đánh thức cả ông mặt trời dậy. Vì thế, nếu ai át được tiếng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.

Trong ngày Tết, bên cạnh những phong tục truyền thống như gói bánh chưng, thờ cúng tổ tiên, người Mường còn có những điều khác biệt, mang đậm bản sắc riêng như tục “gọi trâu về ăn Tết” hay còn gọi là tục hát “sac bua”.

Từ mấy ngày trước Tết, người Mường ở Hòa Bình chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu. Họ tin rằng, đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia chủ cấy cày. Gia đình sẽ làm mâm cơm, bánh cúng vía trâu (ông rằn bà rỏi) và thưởng cho những đứa trẻ thường ngày hay đi chăn. Mùng hai chủ gia đình sẽ làm vía bằng “chí bương chí quốp” (một loại dụng cụ làm từ thân cây dùng để đồ xôi) cầu sức khỏe, may mắn cho cả nhà.

Ngoài ra, người Mường ở đây cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời “những người bạn đồng hành” này về ăn Tết với gia đình về hưởng lộc vì đã có công giúp gia chủ trong công việc đồng áng, làm ra lúa gạo trong suốt một năm qua. Họ quan niệm, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng.

Dán giấy đỏ trang trí bàn thờ tổ tiên là truyền thống lâu đời, mang ý nghĩa tốt đẹp của người Nùng còn được lưu giữ và phát huy đến ngày nay.

Với mục đích chính là xua đuổi tà ma, trang trí bàn thờ tổ tiên bằng giấy đỏ còn mang ý nghĩa giáo dục con cái trong gia đình luôn biết quý trọng, phát huy đức tính tốt đẹp của các thế hệ đi trước. Trên giấy đỏ thường viết câu đối hoặc chữ có ý nghĩa giáo dục. Cứ mỗi độ xuân về, những ngôi nhà ở bản làng người Nùng lại rực lên trong sắc đỏ.

Theo quan niệm của người Nùng, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành và tượng trưng cho khí dương, ánh nắng mặt trời. Theo thường lệ vào ngày 30 Tết, chủ nhà cắt giấy thành những nét hoa văn và có hình con chim đang bay lượn, hình con cá đang bơi... để dán vào bàn thờ, cửa, dụng cụ sản xuất thể hiện sự khéo léo và mong muốn những điều may mắn nhất sẽ đến trong năm mới.

Sinh sống lâu đời trên vùng đất huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), đồng bào Dao hình thành, lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống đa dạng và phong phú. Trong đó, Tết Nhảy là một nghi lễ lâu đời phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Tết Nhảy là một lễ hội tu bổ ban thờ định kỳ, nghi lễ tạ ơn tổ tiên và các vị thần, được tổ chức vào khoảng thời gian từ mồng 1 đến 25 tháng Chạp và được cúng vào buổi sáng, thời gian diễn ra khoảng 3 ngày, 3 đêm. Tục này được thực hiện theo chu kỳ ba năm: Càng nhỏ vào năm thứ nhất, thứ hai, càng lớn vào năm thứ ba.

Tết Nhảy của người Dao là một hoạt động văn hóa có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống cộng đồng của đồng bào vào dịp năm mới. Theo tục lệ từ xa xưa, Tết nhảy chỉ tổ chức tại không gian "nhà cái" (nhà có ban thờ tổ) và cũng được coi như Tết chung của cả vùng thể hiện lòng thành kính, biết ơn, tri ân công đức của tổ tiên. Những người tham gia Tết Nhảy sẽ tham gia hết mình không kể ngày đêm, ai kiệt sức thì nghỉ ngơi để hồi lại và tiếp tục cuộc vui. Mỗi dịp Tết Nhảy mọi người sẽ múa, nhảy lần lượt hàng trăm điệu khác nhau trên nền tiếng chuông, trống rộn rã. Người Dao tổ chức nhảy múa trong tiếng trống, để tỏ lòng biết ơn trời đất, tổ tiên và cầu mong một năm mới mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy sân, trâu, lợn đầy đàn.

Người Hà Nhìn ăn Tết cổ truyền khá đặc biệt với nhiều nhiều phong tục cầu kỳ nhưng mang đậm bản sắc dân tộc, cùng với các món ẩm thực riêng khá đặc biệt. Trong đó, không thể không kể đến tục “xem bói gan lợn".

Trong ngày Tết của người Hà Nhì thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc các gia đình phải có. Dù giàu hay nghèo, vào ngày Tết, tất cả mọi gia đình đều mổ lợn đón năm mới. Qua gan lợn, người Hà Nhì có thể biết sang năm mới hậu vận gia đình sẽ ra sao. Trong quá trình mổ lợn, người Hà Nhì chú ý giữ gìn phần gan của con lợn một cách cẩn thận, vì phần gan này có ý nghĩa trong đời sống tâm linh của người Hà Nhì.

Khi mổ lợn ăn Tết, lá gan là thứ đặc biệt quan trọng của người Hà Nhì, giống như người Kinh vẫn hay xem chân gà vào dịp Tết. Theo các cụ cao niên thì khi xem gan lợn nếu phát hiện lá gan lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn phải căng đầy…, thì năm đó chăn nuôi phát triển, nhà cửa êm ấm, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa.

Người Cao Lan ở Bắc Giang thường sinh sống ở các bồn địa, thung lũng, chân đồi. Về tín ngưỡng thờ cúng, người Cao Lan mang đậm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Tết Nguyên Đán của dân tộc Cao Lan thường được bắt đầu từ 25 tháng Chạp đến hết Rằm tháng Giêng. Ngày 30 Tết là quan trọng và đặc biệt nhất trong năm khi vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đến đêm Giao thừa, chủ nhà thường pha một ấm trà, rót ra chén, để ở các ban thờ mời tổ tiên (thường gọi là tục lệ cúng nước mới). Nước pha trà có một điều đặc biệt rằng, đúng giờ sang canh năm mới, chủ nhà phải lấy nước ở giếng sâu hoặc trong khe đá. Nước đó phải thật mới, trong veo, sạch sẽ như thể hiện được tấm lòng của chủ nhà.

Khi đi lấy nước thì người lấy phải thật thành tâm sau đó đốt giấy hoặc để vài đồng tiền rồi mới được phép mang nước về nấu để mời tổ tiên. Những việc làm này thể hiện tấm lòng tôn kính của chủ nhà với tổ tiên để cầu may mắn và sức khỏe cho gia đình.

Trên mỗi bàn thời của người Pà Thẻn tại Hà Giang đều có một bát nước lã dùng để thờ cúng quanh năm. Bát nước này phải luôn được đậy kín vào không bao giờ để cạn hết nước. Phải chờ đến tháng 6, chủ nhà mới được mở chiếc bát ra để cho thêm nước vào.

Vào đêm 30 Tết, tất cả bản Pà Thẻn, gia đình nào cũng cửa đóng, then cài. Tất cả các cửa trong ngôi nhà đều được bà con bịt kín. Sau khi đóng kín mọi ô cửa, chủ nhà mới lấy bát nước trên bàn thờ xuống lau chùi, cọ rửa và thay nước mới. Lúc đó, nghi thức cúng giao thừa mới được bắt đầu.

Những hành động trên đều phải giữ bí mật trong nhà. Người Pà Thẻn quan niệm, nếu những việc trên bị lộ ra ngoài hoặc ai khác nhìn thấy thì cả gia đình đó năm sau sẽ gặp xui xẻo, làm ăn vất vả, đau ốm liên miên.

Cũng trong đêm Giao thừa cửa đóng then cài, trong nhà thường bí mật nấu một nồi cháo gà để cả gia đình cùng ăn. Ăn cháo xong, gia chủ mới làm lễ xin nước mới vào bát nước thờ. Sáng sớm mùng 1 Tết, người trong nhà xách súng kíp ở lách cửa phụ, cửa hậu ra sân bắn ba phát. Dứt tiếng nổ, mọi người trong nhà mở toang các cửa để cùng vui đón năm mới. Đồng thời, gia chủ làm lễ xin nước ở nguồn nước để mong ma nguồn nước cho nước sạch, đều quanh năm cho bản và cho gia đình.

Người dân tộc Lô Lô ở Hà Giang quan niệm rằng thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì cho năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, ăn nên làm ra. Tập tục này theo tiếng dân tộc gọi là “khù mi” tức là "ăn cắp chơi" hay "ăn cắp lấy may". Do đó, họ đi lấy trộm cầu may nhưng không lấy nhiều hay lấy những vật có giá trị. Mặc dù là ăn trộm, song chẳng pháp luật nào can thiệp đến và nó đã trở thành một phong tục đón Tết không thể thiếu của người Lô Lô. Đây là một phong tục lâu đời và khá kỳ lạ tồn tại trong cộng đồng người Lô Lô ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai...

Với người Lô Lô sống ở huyện Đồng Văn, họ thường sẽ lấy trộm mỗi thứ 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Còn với người Lô Lô ở Mèo Vạc thì số may mắn là số 3, có thể lấy trộm 3 củ tỏi, 3 lá rau. Điều thú vị là khi đi lấy trộm vào đêm giao thừa, họ sẽ không rủ nhau mà lặng lẽ không để chủ nhà bắt được.

Người người, nhà nhà mong Tết Nguyên đán cũng bởi đây không chỉ là dịp Đoàn viên, đây còn là dịp chứa đựng nhiều cảm xúc và mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Trải qua hàng nghìn năm với nhiều biến động lịch sử, nhiều dân tộc trên khắp đất nước Việt Nam vẫn còn duy trì được nhiều phong tục, tập quán độc đáo mỗi độ xuân về.

Bài viết: Anh Thư
Đồ họa: Kim Chi - Hải Phương

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Dấu ấn Di sản công nghiệp là chuyên đề đang gây sự chú ý cho du khách khi đến thăm Bảo tàng Hà Nội những ngày này.

Trong chuyến thăm tới các địa điểm được xem là biểu tượng cho quan hệ Việt - Pháp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Olivier Brochet đã tới thăm Cầu Long Biên và Đại học Dược Hà Nội. Đây là hai trong số nhiều công trình kiến trúc Pháp cổ được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20.

Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 5 điểm dịp Tết Dương lịch năm 2025 và 30 điểm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 .

Sáng 20/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khai mạc Triển lãm "Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ".

Cung Thanh niên Hà Nội vừa phối hợp nền tảng số mở YooLife tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Tự hào Việt Nam” với chủ đề “Hát mãi khúc quân hành” và ra mắt dự án mô phỏng hành trình chiến đấu và trưởng thành của QĐND Việt Nam bằng công nghệ thực tế ảo.

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức triển lãm nghệ thuật với chủ đề “Những trang sử bằng hình sắc” tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm - Số 2 Lê Thái Tổ.