Những thách thức phủ bóng lễ kỷ niệm 75 năm của NATO

Cách đây đúng 75 năm, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được thành lập bởi Mỹ, Canada và một số quốc gia Tây Âu, với mục đích chính là ngăn chặn và đối đầu với Liên Xô, đồng minh cũ của họ trong Thế chiến thứ hai. Trong 75 năm qua, mối quan hệ giữa NATO và Liên Xô trước đây - nước Nga ngày nay từng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm để rồi lại quay trở lại điểm xuất phát ban đầu khi NATO lại coi Nga là đối thủ.

Xung đột Nga – Ukraine: Một trong những thách thức lớn nhất

Được thành lập vào năm 1949 với 12 thành viên, sau 75 năm, NATO đã mở rộng và có thêm 20 thành viên. Phần Lan và Thụy Điển vừa gia nhập liên minh vào năm ngoái. Ukraine và Georgia cũng được hứa hẹn trở thành thành viên vào một ngày nào đó trong tương lai.

Lãnh đạo 12 quốc gia sáng lập ký hiệp ước NATO tại Washington năm 1949

NATO bắt đầu mở rộng về phía đông từ cách đây 25 năm với các cựu thành viên của khối Hiệp ước Vác-sa-va. Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary gia nhập NATO vào năm 1999. Tiếp đó là các quốc gia vùng Baltic, Slovakia, Slovenia, Bulgaria và Romania tham gia vào năm 2004, Albania và Croatia vào năm 2009. Trong năm 2017 và 2020, NATO đã chào đón thêm nhiều khu vực thuộc Nam Tư cũ khi tiếp nhận Montenegro và sau đó là Bắc Macedonia.

Trong 75 năm qua, NATO và Liên Xô trước đây - nước Nga ngày nay từng trải qua thời kỳ chiến tranh lạnh nhưng cũng đã từng có được thời kỳ hợp tác khá tốt đẹp.

Tuy nhiên, sự mở rộng về phía đông của NATO luôn là mối lo ngại lớn nhất của Nga và là vấn đề gai góc hàng đầu trong mối quan hệ giữa khối này và Moscow. Các nhà chức trách Nga, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin tin rằng, NATO đã cam kết một cách không chính thức với Nga về việc liên minh này sẽ không mở rộng về sườn phía đông trong những năm 1990. Theo ông Putin, Moscow đã bị NATO lừa dối một cách trắng trợn.

Căng thẳng Nga - NATO leo thang sau khi Moscow mở chiến dịch ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022. Tổng thống Putin cho biết một trong các nguyên nhân khiến ông phát động chiến dịch là do lo ngại về đà mở rộng của NATO về phía đông.

Kể từ khi xung đột nổ ra, NATO với tư cách một liên minh quân sự mới chỉ tập trung gửi viện trợ phi sát thương cho Ukraine vì lo ngại rằng việc giữ một vai trò trực tiếp hơn có thể làm leo thang căng thẳng với Nga. Tuy nhiên, các thành viên của tổ chức này đã viện trợ số vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Kiev trên cơ sở song phương. Ngoài vũ khí, các nước NATO cũng giúp Kiev đào tạo lực lượng và cung cấp thông tin tình báo.

Tại hội nghị ngoại trưởng NATO diễn ra nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh, 32 quốc gia thành viên của liên minh quân sự này đang tiếp tục cân nhắc kế hoạch cung cấp hỗ trợ quân sự lâu dài hơn cho Ukraine, trong bối cảnh Kiev đang do thiếu cả vũ khí, đạn dược, nhân lực và rơi vào thế yếu trên chiến trường.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh trong thời điểm khó khăn

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói: “Chúng ta cần thay đổi động lực hỗ trợ của mình. Chúng ta phải đảm bảo sự hỗ trợ an ninh đáng tin cậy và có thể dự đoán được cho Ukraine trong thời gian dài... cần bớt đi những lời đề nghị ngắn hạn và tăng thêm những cam kết có thời hạn nhiều năm.”

Tuy nhiên, đề xuất của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về việc thành lập một quỹ trị giá 100 tỷ euro (107 tỷ USD) trong thời hạn 5 năm để hỗ trợ Ukraine đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố nước này sẽ không ủng hộ bất kỳ đề xuất nào của NATO có thể kéo liên minh đến gần chiến tranh hơn hoặc chuyển liên minh này từ phòng thủ sang tấn công”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cho biết ông và những người đồng cấp khác tại cuộc họp đã cảnh báo về sự trùng lặp giữa viện trợ song phương, của Liên minh châu Âu và NATO cho Ukraine.

Còn Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani thì cho rằng sẽ không dễ để xây dựng một kế hoạch chi tiết. Ông nói: “Chúng ta cần xem nó sẽ hoạt động như thế nào đối với từng quốc gia, bao nhiêu phần trăm”.

“Chúng tôi cần cơ sở pháp lý, đó là một đề xuất chắc chắn hấp dẫn và thú vị, nhưng ngay cả trước khi hứa hẹn với Ukraine một con số chính xác, tốt nhất là nên đánh giá, nghiên cứu và hiểu cách thức, thời điểm và những gì có thể làm, ai phải làm gì.”

Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào tháng 7 tới. Các quyết định của NATO đòi hỏi sự đồng thuận giữa 32 thành viên.

Trong khi đó, Nga nói rằng việc NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine trên thực tế đã khiến liên minh này trở thành một bên trong cuộc xung đột. Hồi tháng 2, Tổng thống Putin nhận định một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO sẽ đồng nghĩa với việc thế giới chỉ còn một bước nữa là tiến đến Thế chiến thứ 3.

Sự không chắc chắn về vai trò lãnh đạo của Mỹ trong tương lai

Mỹ đóng góp bao nhiêu cho ngân sách quốc phòng NATO trong 75 năm qua? - 1 Các binh sĩ tham gia cuộc tập trận của NATO ở Na Uy (Ảnh: AFP).

Nếu như cuộc xung đột Nga – Ukraine đã tái tập trung sự chú ý của NATO vào đối thủ cũ ở phía đông, thì cũng có một mối đe dọa khác từ phía tây đang khiến các đồng minh NATO phải lo lắng.

NATO hiện đang rơi vào tình huống tương tự như khi được thành lập cách đây 75 năm, vào ngày 4 tháng 4 năm 1949, tại Washington D.C., với việc phương Tây chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ phương Đông bằng sự hỗ trợ quân sự lẫn nhau - bên dưới sự bảo vệ của lá chắn vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Ông Matthias Dembinski từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Frankfurt (PRIF) cho biết: “Xét về tình hình mối đe dọa và phản ứng của NATO, mọi thứ dường như vẫn như cũ. Phòng thủ tập thể một lần nữa là nhiệm vụ cốt lõi. Không còn nghi ngờ gì nữa về điều đó”.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng, so với năm 1949, điểm khác biệt quan trọng là có sự ngờ vực mạnh mẽ đối với Mỹ - quốc gia dẫn đầu NATO. Nếu ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, công thức hỗ trợ lẫn nhau vốn được áp dụng cho đến nay có thể trở nên lỗi thời.

“Trong trường hợp giả định xấu nhất, nhiệm vụ mà châu Âu sẽ phải gánh vác sẽ tăng gấp đôi”, ông Dembinski nói. “Cụ thể là để bù đắp cho cả vai trò lãnh đạo chính trị của Mỹ và những đóng góp quân sự mà Washington đã thực hiện cho NATO cho đến nay. Đó là một nhiệm vụ nặng nề.”

Thống kê cho thấy đóng góp quốc phòng cho NATO của Mỹ áp đảo các thành viên còn lại kể từ khi liên minh quân sự này thành lập 75 năm trước. Theo báo cáo Chi tiêu Quốc phòng hàng năm của các nước NATO, trong 75 năm qua, Mỹ đã đóng góp 21,9 nghìn tỷ USD cho ngân sách quốc phòng của NATO, nhiều hơn đáng kể so với 31 nước thành viên còn lại.

Lý do chủ yếu là vì Mỹ có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao hơn các quốc gia khác, vì đây vốn là cơ sở để các thành viên đóng góp vào ngân sách quốc phòng của NATO. Năm ngoái, Mỹ đóng góp 68% tổng ngân sách quốc phòng NATO.

Trong và sau nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần chỉ trích NATO. Ông từng gây tranh cãi khi tuyên bố vào năm 2017 rằng NATO đã “lỗi thời”. Sau đó, ông liên tục chỉ trích Đức và các đồng minh khác của Mỹ vì không chi tiêu đủ cho ngân sách quốc phòng và đẩy gánh nặng lên Mỹ.

Hồi tháng 2, New York Times dẫn nguồn thạo tin cho biết, các cuộc thảo luận không chính thức được cho là đã diễn ra ở Đức và một số quốc gia châu Âu khác về nguy cơ tan rã của NATO nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.

Trong bài phát biểu ngày 10/2 tại sự kiện vận động tranh cử ở South Carolina, ông Trump đã kể lại một cuộc họp với các lãnh đạo NATO. Theo ông Trump, khi một lãnh đạo nước lớn hỏi rằng: “Nếu chúng tôi không đóng góp ngân sách quốc phòng đầy đủ và Nga tấn công chúng tôi, Mỹ có bảo vệ chúng tôi không?”

Ông Trump trả lời: “Các bạn không đóng góp đủ? Các bạn làm không đúng nghĩa vụ. Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ không bảo vệ các bạn. Trên thực tế, tôi sẽ khuyến khích họ làm bất cứ điều gì họ muốn. Bạn phải đóng góp.”

Phát biểu này đã hứng hàng loạt chỉ trích từ các đồng minh của Mỹ trong NATO.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể sẽ được quyết định bởi cử tri ở một số bang, thường được gọi là bang chiến trường hay bang dao động.

Thủ tướng Anh Keir Starmer thông báo sẽ tăng gấp đôi ngân sách dành cho Bộ Tư lệnh An ninh biên giới và coi các băng nhóm buôn người như tội phạm khủng bố, nhằm ngăn chặn nạn nhập cư trái phép qua eo biển Manche bằng thuyền nhỏ.

Ngày bầu cử tổng thống Mỹ (5/11) sắp đến và hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định.

Trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, người nhập cư tại Mỹ và những người di cư đang muốn vào Mỹ đều có những lo lắng riêng về kịch bản có thể xảy ra nếu ông Trump hay bà Harris đắc cử.

Iran tuyên bố sẽ huy động quân đội chính quy và sử dụng nhiều loại vũ khí, không chỉ giới hạn ở tên lửa và thiết bị bay không người lái, để tấn công trả đũa Israel. Trong khi đó, Mỹ đã gửi lời cảnh báo tới Iran, đồng thời tăng cường triển khai quân sự tại Trung Đông.

Ngày 4/11, Bộ Ngoại giao Israel cho biết nước này đã chính thức thông báo với Liên hợp quốc (LHQ) về việc chấm dứt quan hệ với Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA).