Những vòng quay của mẹ

Cậu em gửi cho tôi hình mẹ già đang xay bột, khiến cả một trời thương nhớ ùa về. Tôi nhớ mẹ. Mẹ tôi làm bánh mùng ba tháng ba.

Chiều nay, mời bạn cùng Hường và Dương Châu Giang trở về với những kỷ niệm thời niên thiếu bên mẹ cùng những ký ức của ngày Tết bánh trôi bánh chay xưa…

Nhà tôi không có cối xay. Mỗi dịp Tết bánh trôi bánh chay, mẹ lại đôn đáo lo xay bột nhờ. Làng trên xóm dưới, mẹ không nhờ được nhà này, lại nháo nhào chạy tới nhà kia. Bởi xay bột thì lâu mà cả xóm ríu ran sắp hàng chờ tới lượt. Thương nhất là một lần mẹ xay về thì đã tối muộn, ba giờ sáng trở dậy bột vẫn ướt nước, mẹ phải vùi vào thùng tro để hút nước thật nhanh. Năm đó, đĩa bánh ngả màu đùng đục chứ không được trắng ngà trắng ngọc như mọi lần. Mẹ nâng đĩa bánh lên thắp hương mà cứ bùi ngùi như thể mắc lỗi gì.

Ngày bé, tôi thích đi theo mẹ xăm xắn cầm giùm mẹ chiếc bát sắt con, chiếc chậu nhôm hứng bột. Cái cảm giác mình cũng “có công”, hạnh phúc chừng nào. Đến nhà bà lão đầu xóm, mẹ nhanh tay rửa sạch từng kẽ cối. Xong đâu đó, mẹ cầm chiếc tay quay bằng gỗ lim nâu óng bắt đầu khởi động. Chiếc cối đá to, nặng trịch vậy mà mẹ đưa tay kéo khẽ vào lòng, rồi lựa lái thật nhẹ, thật êm khiến chiếc cối ngoan ngoãn quay tròn đầy điệu nghệ. Mẹ múc bát gạo đổ vào. Cứ thế đều đặn, bát gạo, bát nước xen nhau. Từng đụn gạo trắng ngần từ từ tụt xuống. Mẹ quay liền tay, không phút nào ngưng nghỉ. Tôi nhìn theo tay mẹ, theo vòng cối quay tròn mà thán phục sao mẹ có thể kiên trì và khéo léo như thế được.

Cối đá xay bột ngày xưa. Ảnh: Internet

Lớn lên một chút, thấy mẹ đổi tay liên tục, tôi đòi mẹ cho mình quay thử. Nhưng mấy lần bánh cối cứ trật ra, thành thử tôi chỉ biết đỡ mẹ xúc gạo rồi đủn gạo xuống sao cho thật nhịp nhàng.

Tôi nhớ lắm những buổi trưa yên ắng chỉ có hai mẹ con bên chiếc cối đá quay chầm chậm, trên hiên nhà xanh rêu, loang vài bông hoa nắng dịu hiền. Những lần ấy, nghe tiếng dạ dày sôi lên ục ục, tiếng thở nằng nặng hơn từ mẹ, tôi hối thúc mình làm nhanh thêm một chút để mẹ được ăn cơm. Nhìn những đụn gạo cứ vơi dần, vơi dần mà lòng tôi hạnh phúc. Còn mẹ thì cười nhìn tôi, nét cười hiền hậu, dịu dàng khôn tả. Tôi lại lén quan sát khuôn má thắm hồng của mẹ. Đôi má tròn đầy, lấm chấm vài hạt nám li ti càng lúc càng ửng lên dưới màu nắng mới. Cạnh đó, những sợi tóc mai rìn rịn mồ hôi, bắt đầu kết lại đen bóng.

Mẹ vẫn quay đều. Vừa quay, mẹ vừa dạy tôi phải quay thế nào cho thật nhẹ nhàng, thật khéo để bột không bắn ra ngoài, không dồn hết lực mà bánh cối vẫn xiết vừa khin khít để từng hạt bột được tan ra nhỏ mịn. Tôi cứ mê mải nhìn dòng sữa trắng như mây mềm mại vòng ôm dưới thân cối đá, mà ngỡ, có chiếc voan mây vừa rớt xuống ở lưng trời. Chầm chậm, chiếc voan mây ấy chảy xuống chiếc chậu nhôm một dòng thương nhớ.

Xay xong lần một, mẹ lại tiếp tục quay thêm lần hai, lần ba. Mẹ bảo phải xay nhiều lần như vậy thì bột mới mịn mềm, bánh mới óng đẹp và quện dẻo thật đều.

Món bánh trôi và bánh chay thường không thể thiếu trong Tết Hàn thực (mùng 3/3 âm lịch).  Ảnh: Thu Huong Vu

Rồi mẹ rì rầm kể bao nhiêu chuyện. Mẹ rỉ rả kể rằng quê ngoại ăn Tết này to lắm. Nhà mẹ làm bánh trôi chay, bánh rán, bánh rợm, để dâng cúng tổ tiên, để biếu các cụ hai bên nội ngoại… Mẹ không nói hết, ánh mắt đã ngân ngấn buồn. Tôi nhận ra điều ấy vì hôm nay là ngày giỗ cậu tôi. Cậu liền kề ngay sau mẹ là liệt sỹ trên chiến trường miền Nam. Cậu mất đúng ngày mùng hai tháng ba. Nhưng mẹ lấy cha tôi xa biền biệt. Tôi biết chưa khi nào mẹ được về thăm nhà vào dịp Tết bánh trôi bánh chay.

Mùng ba tháng ba lại tới. Chiếc cối năm xưa đã nằm im ở một nơi nào, tôi không rõ. Duy chỉ chiếc cối thời gian vẫn lừng lững quay rất đỗi vô tình. Bần thần ngắm những khối bột xanh đỏ tím vàng bán đầy khắp phố, sau vài phút rèo rèo của chiếc máy xay, tôi chợt giật mình. Có phải tôi là hạt gạo nếp năm xưa bị xiết giữa đôi bờ quên - nhớ? Mà ngậm ngùi thương mẹ, rưng rức hỏi lòng: “Những vòng quay của mẹ về đâu?”

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.

Phố bắt đầu ngày mới bằng những sắc hoa thuỳ mị trong chợ hoa Quảng Bá. Đường Âu Cơ tươi xinh màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ chưa vương mùi bụi khói. Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này.

Thấm thoắt, ngoại tôi đã về miền mây trắng đoàn tụ với ông bà tổ tiên được mười sáu năm rồi. Từ ngày ngoại mất, số lần tôi theo mẹ về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi năm tới ngày giỗ ngoại, tuy không nói ra nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn nghẹn lại trong lồng ngực mẹ nếu năm đó mẹ không thể sắp xếp về quê thắp cho ngoại nén hương.

Thuở bé, mỗi lần được nằm gối đầu lên đùi mẹ, lắng tai nghe những giai điệu trong trẻo mà sâu lắng từ những câu hát ầu ơ quen thuộc, lòng tôi mỗi lúc ấy đều cảm thấy dễ chịu và ấm áp lạ thường. Sau này, khi năm tháng trôi đi, bôn ba trên khắp các nẻo đường xuôi ngược, hễ vô tình được nghe thấy thứ âm thanh giản dị và thân thương ấy, thì những ký ức tuổi thơ trong tôi lại nối tiếp theo tiếng hát tìm về.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Trên những mảnh đất bom đạn ngày xưa, cỏ đã tô xanh màu máu đỏ. Màu xanh của hòa bình. Cỏ đã đắp da thịt lên vết thương chiến tranh, cỏ đã sống xanh hộ phần người. Nếu có một lần đến thăm nơi đó, xin đừng giẫm chân lên cỏ bởi mỗi một ngọn cỏ là một mặt trời, dưới mỗi ngọn cỏ là một trái tim đỏ thắm.