Những vườn hoa di động trên phố
Thành phố 12 mùa hoa
Cách đây lâu lâu, cứ sáng sớm là thấy những cô gái gánh hoa từ ngoại ô vào phố. Họ đi từ sáng sớm, sớm đến nỗi đường phố hầu như chưa có ai thức dậy.
Ngày ấy đi tàu điện từ Bờ Hồ lên Bưởi giá vé chỉ 1 hào, tức là đã ra tới ngoại ô. Ngày ấy làng hoa Ngọc Hà vẫn còn và người làng mang hoa tự trồng vào bán dạo trong phố. Nhưng tôi vẫn thích gọi tất cả những người gánh hoa vào phố bán dạo là “người mạn Bưởi”. Gọi như thế cho thêm phần xa xôi, thêm phần cảm phục những con người cần mẫn mang hoa điểm trang cho phố phường Hà Nội.
“Hà Nội - gánh hàng hoa”, câu nói này đã thành dấu ấn với người dân Thủ đô. Vào buổi sáng, người Hà Nội phố chỉ cần mở cửa bước ra đường là đã có thể gọi một gánh hàng hoa nào đó vừa đi ngang qua để chọn mua.
Hà Nội “mười hai mùa hoa” nên vì thế chẳng ngày nào, chẳng tháng nào thiếu vắng được những gánh hàng hoa trên phố. Những cô bán hoa chậm rãi và cần mẫn, họ đi khắp các con phố, lúc mỏi chân thì dừng lại, đặt quang gánh xuống, rồi dùng ngay đòn gánh làm ghế ngồi, tay phe phẩy nón lá xua đi những giọt mồ hôi trên trán.
Gánh hoa đi bán rong tuy mệt mà vui, vì những bông hoa đẹp nhất đã được mua về, được cắm trong bình. Vào ngày rằm hay mùng 1 thì hoa còn được đặt trên ban thờ.
Người Hà Nội yêu hoa và rất quý hoa. Những bông hoa từ gánh hàng bán rong trở nên rực rỡ, thanh tao, bình yên tỏa hương làm căn nhà vốn chật chội cũng trở nên nền nã và đáng yêu.
Nhưng giờ thì những “người từ mạn Bưởi” ấy đã không còn quẩy gánh hoa đi bộ nữa, thay vào đó là những chiếc xe đạp. Và bây giờ cũng không khó khăn gì khi bắt gặp những chiếc xe đạp “gánh” hoa vào phố. Nếu trước kia chỉ có những gánh hoa đi vào buổi sáng thì nay buổi chiều vẫn thấy.
Người Hà Nội hình như có nhu cầu mua hoa bất cứ giờ giấc nào. Người Hà Nội, nhất là các cô thiếu nữ và cả các chị, các bà, đều thích được mua hoa, được tay cầm bó hoa hay đứng bên gánh hoa để chụp ảnh.
Mốt “check in” cùng hoa với phông nền là đường phố, là những danh thắng hay chỉ là một bức tường cũ kỹ đã trở nên phổ biến. Những buổi chiều, nhất là chiều những ngày nắng đẹp, những ngày nghỉ, những ngày gió mát, thì người “check in” bên hoa càng nhiều. Họ “check in” bất kể giờ nào, miễn là thấy thích, miễn là thấy hoa đẹp.
Những chiếc xe đạp “gánh” trên lưng bó hoa rực rỡ đang độ khoe sắc khiến nhiều người mê mẩn. Vậy là hình ảnh những chiếc xe hàng rong “gánh” trên mình đủ loại hoa đã dần trở nên quen thuộc. Vậy là mùa nào hoa ấy, những chiếc xe đạp chở đầy hoa làm đẹp thêm cho phố phường Hà Nội và mang lại nét đẹp riêng của Hà Nội.
Hương sắc phố phường
Vẫn như ngày xưa, những người bán hoa luôn dậy từ sớm. Họ đạp xe vào phố, tới những địa điểm cụ thể thì dừng lại. Những người mua quen khi đi ngang qua cũng dừng xe để chọn cho mình một bó hoa đầu mùa.
Bây giờ bắt đầu vào mùa sen, những bông sen như búp tay chúm chím nhìn yêu vô cùng. Hoa sen dường như làm con phố vốn ồn ào chợt dịu đi, chợt đâu đây ngan ngát mùi hương mộc mạc mà thanh khiết.
Những “người từ mạn Bưởi” vào tới phố thì xuống xe dắt bộ, đó là cách để người mua hoa có đủ thời gian bước từ nhà ra gọi mua hoa. Cũng có khi cô bán hoa thong thả đạp xe đi. Cô đi kiểu nhẩn nha, có ai gọi mua thì dừng lại đon đả mời chào, rồi cẩn thận bó hoa gọn gàng bằng giấy báo.
Với tôi, những chiếc xe đạp chở hoa trên phố như một vườn hoa di động. Đường phố đẹp thêm, đường phố tỏa hương. Tôi muốn nhắm mắt để hít hà hương hoa mà chiếc xe đạp chở hoa vừa đi ngang qua, cảm tưởng như bị hút vào sự trang trí tinh tế do người bán hoa đã khéo sắp xếp. Sự sắp xếp đó cũng rất thuận tiện cho việc khách chọn lựa, thuận tiện cho người bán lấy hoa trao cho khách.
Có những chiếc xe đạp còn được chủ nhân của nó sơn thêm màu sắc tươi sáng, khi được phối với những bông hoa thì càng trở nên bắt mắt. Sự sắp xếp khéo léo và tỉ mỉ ấy khiến chiếc xe trở thành một điểm nhấn nổi bật trên phố, thu hút sự chú ý của người đi đường.
Giới trẻ hiện nay rất yêu thích những chiếc xe bán hoa rong vì nó tạo ra sự gần gũi và thu hút. Họ có thể dễ dàng tìm thấy một chiếc xe hoa trên đường, việc mua hoa trở nên tiện lợi hơn. Dẫu nhiều đổi thay thì Hà Nội vẫn là mảnh đất của những hồn hoa, của thú chơi hoa. Với riêng tôi thì đó là sự kết hợp mang đến không chỉ một hình ảnh tươi mới trên đường phố mà còn tạo ra không gian màu sắc, tràn đầy niềm vui và sự lãng mạn.
Nhà văn Nguyễn Trọng Văn
Theo dòng hồi ức về một thời xưa cũ, tìm về vùng ánh sáng của những chiếc đèn dầu một thuở đã gắn liền cùng nếp sống sinh hoạt và văn hóa của bà con. Điện xưa rất yếu, ban ngày gần như không có điện, ngoài đường rất tối, không sáng như ngày nay, trong nhà lúc nào cũng phải có chiếc đèn dầu.
Với khán giả của Hà Nội thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, Tuyết Nhung là cái tên không hề xa lạ. Trong ký ức của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực, căn bếp của gia đình khi bà con nhỏ ngoài một bóng đèn dây tóc leo lét chỉ đủ soi sáng để gia đình dọn mâm bát, còn lại không có bất cứ đồ dùng nào chạy bằng điện.
Nếu bạn đã thấy hơi lạnh tràn về trên phố mỗi sớm mai, đã thấy cuốn lịch trên tường mỏng dần đi theo ngày tháng... thì cho dù có bận rộn để hoàn thành kế hoạch của năm, cho dù có đang mải miết chinh chiến vì áo vì cơm, cũng có đôi lần lòng chùng xuống. Vì ngoài kia, tháng 12 đã về, đã lấp ló đâu đó, trên vệt nắng vàng nhạt đầu ngày, trong cơn gió se se mỗi sáng, trong những đêm lành lạnh một mình.
Đầu đông, những cây phượng bắt đầu trút lá. Trên vòm cây lá vẫn xanh đó mà dưới gốc cây xác lá đã trải vàng một đoạn đường. Một cơn gió nhẹ lay. Lòng người cũng say say với những chiếc lá phượng bay bay trong gió, vương vào mái tóc, vương trên vai áo. Vậy là cũng sắp hết một năm!
Chớm đông, ấy là khi những ngày cuối cùng của tháng 10 dần đi qua và tháng 11 bắt đầu kéo về. Ta chẳng còn mấy khi có dịp được ngắm bầu trời trong vắt với ánh nắng vàng ruộm trải dài mênh mang mỗi buổi chiều tà mà thay vào đó là một màu trời xám xịt với những cơn mưa phùn lê thê ướt rượt.
Thời bao cấp đi đã qua hơn 40 năm nhưng với nhiều người, những hình ảnh về dòng người chen chúc xếp hàng chờ mua thực phẩm với tờ tem phiếu trên tay thật khó quên. Trong những năm tháng ấy, cơm độn - một món ăn giản dị nhưng chứa đựng biết bao cảm xúc và kỷ niệm của người Hà Nội xưa - luôn khiến ta bồi hồi nhớ về những năm tháng khó khăn nhưng cũng đầy tình thương yêu.
0