Nỗ lực trong việc bảo tồn lá phổi xanh của Trái Đất

Trong những năm gần đây, nạn phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp, khai thác mỏ và chăn nuôi gia súc bên cạnh xây dựng đập thủy điện đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái khu rừng lớn nhất Nam Mỹ này. Nhưng từ năm ngoái, nạn phá rừng Amazon đã giảm hơn 55% so với cùng kỳ năm 2022, đây là một bước ngoặt lớn trong công tác bảo tồn khu rừng Amazon. Thành công này có được một phần là nhờ có sự góp sức cộng đồng người bản địa đang tích cực bảo vệ rừng cùng sự ứng dụng của khoa học công nghệ tiên tiến.

“Lớp học trên cây” giúp bảo tồn rừng Amazon 

Từ năm 2023, nạn phá rừng Amazon đã giảm hơn 55% so với cùng kỳ năm 2022, đây là một bước ngoặt lớn trong công tác bảo tồn khu rừng Amazon. Thành công này có được một phần là nhờ có sự góp sức của một lớp học đặc biệt nằm bên trong khu rừng.

Nằm ở độ cao 32 mét, lớp học trên cây ở sâu bên trong rừng Amazon, có thể được coi là một trong những lớp học biệt lập nhất trên thế giới. Được làm từ gỗ của những cây đổ tự nhiên bên trong rừng Amazon, lớp học sử dụng năng lượng mặt trời và được trang bị Internet tốc độ cao.

“Lớp học trên cây” giúp bảo tồn rừng Amazon.

Bà Elise Rooney, Đại diện đồng sáng lập dự án chia sẻ: "Ngôi nhà trên cây này chắc chắn là một trong những lớp học xa xôi nhất trên thế giới. Tại đây, học viên không chỉ được học nhiều kỹ năng mà còn được tìm hiểu thêm về môi trường xung quanh, về cộng đồng của mình, về thiên nhiên và về vùng đất mà họ đang nỗ lực bảo tồn này".

Từ lớp học này, các thành viên có thể quan sát được sự đa dạng sinh học của khu rừng. Đây không chỉ là nơi học tập, nghiên cứu mà còn giống như một đài quan sát của các kiểm lâm viên giúp họ bao quát khu rừng rộng lớn và cũng giúp họ phát hiện các đám cháy rừng.

Lớp học này là thành quả sau rất nhiều nỗ lực của người dân bản địa và các nhà nghiên cứu.

Lớp học do tổ chức phi lợi nhuận Junglekeepers hợp tác với Udemy, một công ty giáo dục trực tuyến, thực hiện để cung cấp cho các kiểm lâm viên trẻ tuổi bản địa của Junglekeepers quyền truy cập vào các khóa học và học tại trụ sở trong rừng của họ. Mục tiêu của lớp học là nâng cao nhận thức cho các cộng đồng bản địa về tác hại của nạn khai thác gỗ bất hợp pháp cũng như cách thức bảo vệ rừng hiệu quả, từ đó giúp người dân địa phương cải thiện được cuộc sống của mình.

Theo chính quyền địa phương, lớp học trên cây này cần 30 người thợ làm việc liên tục trong vòng 4 tháng. Ngoài dùng cho mục đích giáo dục, khách du lịch cũng có thể trải nghiệm cảm giác ở tại đây với giá 1.450 USD cho một đêm.

Với lớp học này, nạn phá rừng bất hợp pháp tại rừng Amazon sẽ thuyên giảm.

Với “Lớp học trên cây”, chắc chắn nạn phá rừng bất hợp pháp tại rừng Amazon sẽ thuyên giảm, trình độ của người dân địa phương được cải thiện, giúp họ phát triển.

Ông JJ Durand, Tổ chức Junglekeepers cho biết: “Nếu người dân ở đây có một nền giáo dục tốt hơn, chắc chắn họ sẽ có cơ hội tìm một công việc khác. Khi có công việc khác để làm và có tiền trang trải cuộc sống, họ sẽ không cần phải chặt phá rừng.”

Với tổng diện tích khoảng 7 triệu km2, rừng Amazon là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất thế giới, nằm trên lãnh thổ của 9 quốc gia, trong đó phần lớn tập trung tại Brazil và Peru.

Cộng đồng bản địa góp phần bảo vệ rừng

Các dân tộc bản địa trên khắp Brazil lâu nay được xem là những người bảo vệ đất đai. Một nghiên cứu năm 2023 về những người sống trong rừng Đại Tây Dương đã xác nhận điều đó. Nghiên cứu phát hiện ra rằng, người dân bản địa không chỉ đẩy lùi các hành động phá rừng mà họ còn khởi xướng các dự án khôi phục thiên nhiên, bao gồm cả việc đưa ong bản địa trở lại rừng và trồng lại các thảm thực vật đã từng bị con người xóa sổ. Trên toàn thế giới, vai trò bảo vệ rừng của các cộng đồng bản địa ngày càng được khẳng định. Theo Viện Tài nguyên thế giới, những vùng đất nằm dưới sự kiểm soát của người bản địa ở Amazon ít có hiện tượng bị phá rừng hơn so với những vùng đất còn lại, nên có xu hướng trở thành các bể chứa carbon ròng hơn là nguồn phát thải nguy hại.

Chương trình học trực tuyến mang tên “Gieo rừng trên đất bản địa”.

Cơ quan nghiên cứu nông nghiệp Embrapa của Brazil đã mở một chương trình học trực tuyến mang tên “Gieo rừng trên đất bản địa” để giúp cộng đồng các dân tộc bản địa Amazon trồng lại đất bị suy thoái trong rừng nhiệt đới và hơn thế nữa. Sáng kiến này được Chính phủ Pháp ủng hộ, và là đề xuất của Tộc trưởng người Kayapo, ông Raoni Metuktire, một nhà vận động môi trường luôn hoạt động không mệt mỏi cho Amazon và Tộc trưởng Almir của người Surui. Tộc trưởng của cộng đồng Kayapo được biết đến vì đã tổ chức nhiều chiến dịch bảo vệ môi trường trong những năm 1980.

Những vùng đất nằm dưới sự kiểm soát của người bản địa ở Amazon ít có hiện tượng bị phá rừng hơn.

Khóa học của Embrapa sẽ tập trung vào cách thu thập, nhân giống và lưu trữ hạt giống cây, cũng như cung cấp các bài học hướng dẫn cách xây dựng nhà kính để trồng cây con của các loài cây địa phương và cách trồng cây. Mục đích là để phục hồi các khu vực đất rừng bị suy thoái và tàn phá bởi nạn khai thác gỗ và khai thác vàng trái phép, nạn phá rừng lấy đất chăn nuôi và do các vụ cháy rừng. Chương trình cũng hướng tới khuyến khích các cộng đồng bản địa trồng một triệu cây xanh mỗi năm.

Người đứng đầu tộc người Surui, ông Almir cho biết chương trình sẽ bắt đầu với 10 vùng lãnh thổ bản địa, bao gồm Vườn quốc gia Xingu, khu bảo tồn đầu tiên của Brazil đang dần dần bị những đồn điền trồng đậu nành chiếm lấy và khu bảo tồn Yanomami giáp với Venezuela, nơi có vùng đất bị suy thoái nhất do hoạt động khai thác mỏ.

Khu bảo tồn đầu tiên của Brazil đang dần dần bị những đồn điền trồng đậu nành chiếm lấy.

Theo Tộc trưởng người Kayapo, kể từ khi Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva nhậm chức vào tháng 1 năm 2023, ông đã công bố kế hoạch ‘‘chống khai thác rừng bất hợp pháp’’, cam kết bảo vệ rừng Amazon vốn được coi là một lá phổi của hành tinh. Tuy nhiên, đối với người bản địa, điều khiến họ lo lắng hiện nay là Quốc hội Brazil, vì những cuộc vận động hành lang nông nghiệp đang gây nguy cơ chấm dứt việc công nhận tính sở hữu pháp lý của người dân bản địa đối với vùng đất của tổ tiên họ.

Thiết bị bay không người lái hỗ trợ trồng rừng

Thành phố ven biển Rio de Janeiro của Brazil sẽ sử dụng thiết bị bay không người lái để gieo thả hạt giống trồng rừng. Đây là một phần nỗ lực của chính quyền thành phố trong ứng dụng công nghệ hiện đại để đẩy nhanh tốc độ trồng và khôi phục diện tích rừng vốn đang ngày càng sụt giảm.

Hoạt động trên thuộc sáng kiến xanh, trong đó tập trung vào việc sử dụng thiết bị hiện đại để gieo thả hạt giống từ trên cao xuống những khu vực đất rừng khó tiếp cận và khó có thể gieo hạt giống bằng những phương pháp truyền thống.

Thiết bị bay không người lái hỗ trợ trồng rừng.

Chính quyền thành phố Rio de Janeiro đã phối hợp với Công ty khởi nghiệp Morfo khởi động. Việc lựa chọn và xác định những khu vực có thể áp dụng phương pháp mới này cần trải qua công đoạn phân tích đặc điểm đất đai, thổ nhưỡng và những giống cây bản địa phù hợp.

Sau đó, hệ thống máy tính được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ xác định những vùng đất cụ thể và số lượng hạt giống sẽ được thả xuống.

Mỗi thiết bị bay không người lái có thể mang theo và gieo thả 180 viên nén ươm hạt trong vòng một phút, tức nhanh gấp 100 lần so với phương pháp trồng rừng thông thường là dùng tay gieo hạt giống.

Trong nỗ lực khôi phục những phần rừng đã mất, từng có nhiều phương án khác nhau được tiến hành trên phạm vi toàn cầu, và giải pháp trồng rừng bằng thiết bị bay không người lái là một trong số những lựa chọn tạo được hiệu quả vượt trội ở nhiều phương diện. Phương pháp này giúp tăng đến 50% khả năng nảy mầm của các hạt giống quý, tăng 20 lần năng suất của kiểm lâm; đặc biệt là tăng cường thêm khả năng đưa hạt giống đến nhiều khu vực hiểm trở bên trong rừng sâu, khó tiếp cận theo cách truyền thống.

Nỗ lực khôi phục những phần rừng đã mất.

Nạn phá rừng chủ yếu bắt nguồn từ việc chăn nuôi gia súc, tình trạng chiếm dụng đất đai và tội phạm có tổ chức vươn sang các hoạt động buôn lậu ma túy, vũ khí, gỗ và vàng. Tại Brazil, nơi 60% diện tích rừng Amazon nằm trên lãnh thổ nước này và là quốc gia xuất khẩu thịt bò hàng đầu thế giới, nạn chặt phá đã thổi bay khoảng 1/5 diện tích rừng. Các tổ chức bảo vệ môi trường đang thúc giục các nước làm theo cam kết của Brazil là xóa sổ nạn phá rừng trái phép vào năm 2030. Trong khi đó, Tổng thống Colombia Gustavo Petro vận động các nước khác theo đuổi cam kết của ông là cấm hoàn toàn hoạt động thăm dò dầu mỏ mới.

Peru - Quốc gia đa dạng về các loài chim

Peru vừa thông báo phát hiện thêm 19 loài chim mới, đưa tổng số loài chim sinh sống tại nước này lên 1.879 loài. Nếu được công nhận, Peru sẽ vượt qua các nước láng giềng Colombia và Brazil, dẫn đầu danh sách các quốc gia có sự đa dạng về số lượng loài chim.

Trong một năm qua, Peru đã xác định được 19 loài chim mới ở vùng Amazon, giáp biên giới với Brazil và Bolivia. Trước đó, trong danh sách mới nhất về các loài chim được công bố vào tháng 11/2023, Peru có 1.860 loài chim, xếp sau Colombia với 1.869 loài nhưng vượt qua Brazil với 1.859 loài.

Peru - Quốc gia đa dạng về các loài chim.

Ông Fernando Angulo, Chủ tịch Hiệp hội các nhà điểu học Peru cho biết: “14 loài mới đã được hiệp hội phát hiện và 5 loài mới khác đã được Ủy ban hồ sơ điểu Peru công bố. Vì vậy, Peru đã có là 1.879 loài chim và Colombia là 1.869 loài. Khoảng cách giữa hai nước là rất sít sao.”

Peru là nơi sinh sống của 20% tổng số loài chim trên thế giới, trong đó có những loại đặc hữu. Vì vậy, nhiều du khách thường đến Peru ngắm vẻ đẹp của các loài chim. Vào năm 2013, số lượng kỷ lục du khách - 20.000 người - đến Peru tận hưởng thú vui này. Năm 2021, Peru là nhà vô địch trong giải đấu “ngắm chim toàn cầu” do Đại học Cornell (Mỹ) tổ chức.

Hiện nay, hồ sơ của 19 loài chim mới được phát hiện tại Peru đã được gửi lên Ủy ban các loài chim Nam Mỹ (SACC) để xem xét và phê duyệt. Nếu được công nhận, Peru sẽ trở thành quốc gia có sự đa dạng về số lượng loài chim nhất thế giới.

Peru là nơi sinh sống của 20% tổng số loài chim trên thế giới, trong đó có những loại đặc hữu.

Đây được xem là tin vui của ngành du lịch Peru khi các dịch vụ ngắm chim thu hút du khách quốc tế đến với nước này.

Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Canada là những quốc gia cung cấp nguồn du khách chính tới Peru để du lịch ngắm chim.

Các công viên quốc gia của Peru chiếm khoảng 15% diện tích đất nước, nhưng chúng chỉ có thể được bảo vệ nếu du lịch sinh thái là một lựa chọn kinh tế cho cộng đồng địa phương.

Ông Jose Carlos Nieto, người đứng đầu Công viên Quốc gia Peru chia sẻ: “Du lịch là một hoạt động thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Việc ngày càng nhiều du khách đến với chúng tôi sẽ góp phần giúp chúng tôi có nguồn lực để bảo tồn sự đa dạng sinh học của địa phương.”

Ở Peru, có 117 loài chim đặc hữu, bao gồm chim ruồi đuôi thìa, cú ria mép, vẹt mặt vàng, chim ưng Junin cùng nhiều loài khác. Quốc gia Nam Mỹ này có chính sách bảo vệ di sản thiên nhiên, nơi có nhiều loài đặc hữu và di cư sinh sống. Trên khắp lãnh thổ Peru, chúng ta có thể tìm thấy các Khu bảo tồn thiên nhiên, chẳng hạn như Khu bảo tồn quốc gia Tambopata ở khu vực Madre de Dios, Khu bảo tồn lịch sử Bosque de Pomac ở Lambayeque, Khu bảo tồn quốc gia Rừng ngập mặn Tumbes ở khu vực cùng tên.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.