Nội bộ Israel bất đồng, tương lai lệnh ngừng bắn mờ mịt
Tại sao Bộ trưởng Quốc phòng Israel bị sa thải?
Ông Gallant và ông Netanyahu, cả hai đều thuộc Đảng Likud cánh hữu, đã bất đồng trong nhiều tháng qua về các mục tiêu của cuộc chiến ở Gaza kéo dài 13 tháng của Israel chống lại lực lượng Hamas tại Palestine.
Bất đồng nảy sinh khi ông Gallant cho rằng cuộc chiến tại Gaza thiếu định hướng rõ ràng. Từ lâu ông Gallant đã ủng hộ việc đạt được thỏa thuận chấm dứt giao tranh và đưa các con tin bị Hamas bắt giữ trở về nhà.
Vào tháng 5, ông Gallant đã công khai lên án kế hoạch của Thủ tướng Netanyahu và nói rằng ông sẽ "không đồng ý thiết lập chế độ cai trị quân sự của Israel tại Gaza". Ông Netanyahu đã bác bỏ những phát biểu của ông Gallant và tuyên bố rằng Israel sẽ đạt được "chiến thắng hoàn toàn" trước Hamas ở Gaza và kiểm soát hoàn toàn quân sự đối với Gaza và Bờ Tây.
Giải thích về động thái sa thải Bộ trưởng Quốc phòng, Thủ tướng Netanyahu cho biết ông Gallant đã đưa ra những tuyên bố "trái ngược với những quyết định của Chính phủ Israel và các quyết định của nội các nước này", và rằng những bất đồng giữa hai người là không thể thu hẹp. Theo ông Netanyahu, thời chiến đòi hỏi sự tin tưởng hoàn toàn giữa người đứng đầu Chính phủ và Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng lòng tin đó đã bị xói mòn giữa ông và ông Gallant trong những tháng gần đây.
Cuộc khủng hoảng lòng tin ngày càng lan rộng giữa tôi và Bộ trưởng Quốc phòng đã trở nên công khai, và cuộc khủng hoảng này không cho phép tiếp tục quản lý chiến dịch một cách hợp lý. Không chỉ có tôi mà hầu hết các thành viên của Chính phủ và nội các, hầu như tất cả mọi người đều cảm thấy rằng mọi việc không thể tiếp tục theo cách này.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Sau khi bị sa thải, ông Gallant đã có bài phát biểu trên X cho biết: "An ninh của Nhà nước Israel sẽ luôn là sứ mệnh của cuộc đời tôi".
Đây là lần thứ hai Thủ tướng Netanyahu sa thải ông Gallant. Lần đầu tiên là vào tháng 3/2023, khi Bộ trưởng Quốc phòng công khai chỉ trích các cải cách tư pháp của Chính phủ, mà ông cho rằng, đã chia rẽ xã hội Israel và đe dọa quân đội. Sau các cuộc biểu tình trên đường phố lan rộng, Thủ tướng Netanyahu đã đảo ngược quyết định của mình vào đầu tháng 4.
Theo truyền thông Israel, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Katz, người từng đứng đầu Bộ Tài chính và tình báo, đã được mời làm Bộ trưởng Quốc phòng, trong khi ông Gideon Saar - thành viên trong Nội các an ninh, được chọn để thay thế ông Katz làm Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Netanyahu ca ngợi người thay thế ông Gallant là "một người có sức mạnh thầm lặng và quyết tâm có trách nhiệm".
Các cuộc biểu tình nổ ra ở Tel Aviv và các khu vực khác của Israel sau vụ sa thải ông Gallant. Gia đình những người Israel bị bắt làm con tin cho rằng việc sa thải ông Gallant là bằng chứng nữa cho thấy Thủ tướng Netanyahu đang phá hoại thỏa thuận ngừng bắn.
Theo Axios, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết trên X rằng Nhà Trắng "rất ngạc nhiên" trước việc sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Gallant. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gọi điện cho ông Gallant và nói rằng ông là "một đối tác và người bạn đáng tin cậy", đồng thời cho biết Washington sẽ hợp tác với người thay thế ông.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phe đối lập Israel đã chỉ trích việc sa thải một Bộ trưởng Quốc phòng giữa lúc chiến tranh là một 'hành động điên rồ', cho rằng động thái này được thực hiện vì lý do chính trị và thời điểm của nó đã gây tổn hại đến an ninh của Israel.
Việc sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Gallant là hành động điên rồ của một thủ tướng không đủ năng lực. Giữa lúc chiến tranh, trong khi Israel đang chiến đấu trên bảy mặt trận, Netanyahu đã làm suy yếu và gây tổn hại cho IDF và các lực lượng chiến đấu, chỉ để thông qua dự thảo luật trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Ông Yair Lapid - Lãnh đạo Yesh Atid, Israel.
Israel tiến thoái lưỡng nan tại các mặt trận
Hiện nay Israel vẫn tiếp tục các hoạt động quân sự nhằm vào các mục tiêu Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Liban. Các nhà phân tích quân sự cho rằng Israel đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn khi các hoạt động quân sự ở Gaza và Liban đạt đến giới hạn. Đồng thời, căng thẳng giữa Israel và Iran đang lên cao. Sau cuộc tấn công trả đũa gần đây của Israel vào Iran, Tehran đã đe dọa sẽ trả đũa ngay lập tức, làm gia tăng nguy cơ chiến tranh toàn diện giữa Israel và Iran.
Cuộc chiến ở Gaza đã bước sang năm thứ hai. Mặc dù Israel đã giảm bớt sự hiện diện của lực lượng bộ binh, nhưng họ vẫn tiến hành các cuộc không kích và tấn công trên bộ hàng ngày vào các mục tiêu của Hamas. Quân đội Israel cũng kiểm soát hai lối đi quan trọng đối với Hamas—một lối đi chia đôi Gaza và một lối đi khác ở biên giới Ai Cập, nơi một mạng lưới đường hầm xuyên biên giới được cho là đã củng cố năng lực quân sự của Hamas. Về lâu dài, không có giải pháp nào cho Gaza.
Việc Israel sát hại thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar gần đây được coi là cơ hội để Israel xoay chuyển tình thế ở Gaza, tuy nhiên, chúng vẫn chưa mang lại kết quả. Truyền thông Israel đưa tin rằng Hamas đã từ chối đề xuất trung gian mới nhất, bao gồm lệnh ngừng bắn ngắn hạn và thả một số ít con tin.
Cho đến nay, Chính phủ cứng rắn của Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn phản đối các nhượng bộ về việc thả con tin và từ chối giải quyết vấn đề ai sẽ quản lý Gaza nếu Hamas bị lật đổ, một mục tiêu vẫn chưa đạt được sau hơn một năm giao tranh dữ dội.
Về mặt trận Liban, một tháng trước, sau một loạt các cuộc tấn công vào Hezbollah, bao gồm cả vụ ám sát thủ lĩnh Hassan Nasrallah, quân đội Israel đã khởi xướng một chiến dịch trên bộ vào lãnh thổ Liban, nhằm sớm đưa dân thường trở về nhà ở khu vực biên giới Israel vốn phải đi sơ tán trong thời gian qua.
Các hoạt động ngoại giao của Mỹ giữa Tel Aviv và Beirut không đem lại kết quả khi các quan chức Israel và Liban vẫn bất đồng quan điểm. Trong khi Liban và Hezbollah yêu cầu Israel rút quân hoàn toàn khỏi Liban, Israel lại yêu cầu được tự do hoạt động ở Liban. Khi các cuộc giao tranh trả đũa lẫn nhau giữa hai bên vẫn tiếp diễn, Hezbollah cho biết sẽ không nhượng bộ Israel.
Chúng tôi không kỳ vọng chấm dứt cuộc xâm lược thông qua hành động chính trị. Và chúng tôi sẽ không cầu xin chấm dứt. Chúng tôi sẽ khiến kẻ thù phải là người cầu xin chấm dứt cuộc xâm lược.
Ông Naim Qassem - Lãnh đạo Hezbollah.
Trong tuần đầu tháng 11, một số quan chức quân sự cấp cao của Israel cho biết chiến dịch tại Liban sắp kết thúc.
Ở mặt trận Iran, cuối tháng 10, Israel đã phát động một cuộc tấn công vào Iran, làm leo thang cuộc giao tranh ngày càng dữ dội giữa hai đối thủ truyền kiếp. Iran được cho là đang cân nhắc trả đũa và các quan chức Israel đã tuyên bố sẽ có phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ.
Israel và Iran đã bị mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh ngầm kéo dài hàng thập kỷ. Giới lãnh đạo Israel đã cam kết ngăn chặn Iran đạt được năng lực hạt nhân, trong khi Iran tuyên bố sẽ phá hủy Israel. Giai đoạn đối đầu trực tiếp hiện tại này có thể mở rộng, với khả năng Israel nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Lianne Pollak-David, cố vấn chiến lược và thành viên Diễn đàn Dvora, cho rằng: “Israel và Iran có thể sẽ bước vào giai đoạn kéo dài vài năm mà các bên sẽ tiếp tục trả đũa lẫn nhau. Đây là một ván cờ phức tạp không liên quan đến diễn biến ở Gaza và Liban, đây mới là cuộc chiến thực sự.”
Các kịch bản chiến sự Trung Đông dưới thời ông Trump
Trong hơn một năm qua, các quan chức ngoại giao Mỹ đã thực hiện các nỗ lực ngoại giao con thoi với Israel để thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza nhằm giải cứu con tin, và gần đây là nỗ lực ngoại giao với Beirut, tuy nhiên vẫn chưa đem lại hiệu quả. Mới đây, sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump tại cuộc bầu cử Mỹ, giới chuyên gia nhận định, chiến thắng của ông Donald Trump sẽ mở ra lộ trình mới cho tiến trình ngoại giao của Mỹ tại khu vực này.
Một động thái của ông Trump đã đem lại hy vọng về việc ngừng bắn ở Gaza. Từ trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 5/11 và sau khi giành chiến thắng, ông Trump đã hứa sẽ đem đến hòa bình cho Trung Đông. Ông Trump nhấn mạnh rằng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, nước Mỹ hầu như không tham gia bất kỳ cuộc xung đột vũ trang lớn nào. Và lần này cũng sẽ như vậy.
Nếu tôi là tổng thống, cuộc chiến đó sẽ không bao giờ bắt đầu. Sẽ không có tất cả những người thiệt mạng đó, không có những thành phố và khu vực bị phá hủy, sẽ không có ngày 7 tháng 10.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Những cam kết mới nhất của ông Trump mở ra câu hỏi liệu chiến thắng của ông có phải là tin tốt cho Israel trong thời điểm này hay không?
Một số chuyên gia nhận định việc ông Trump gây tác động địa chính trị tới cuộc chiến đa mặt trận của Israel sẽ chấm dứt cuộc chiến này.
Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump cũng sẽ hạ nhiệt căng thẳng với Israel về các vấn đề quan trọng - liên quan các vấn đề nhân đạo ở Gaza và các kế hoạch cải cách tư pháp của ông Netanyahu. Ông Trump cũng sẽ thúc đẩy các cơ quan lập pháp gia tăng các biện pháp ủng hộ Israel.
Tuy nhiên, giáo sư Fawaz Gerges về quan hệ quốc tế tại Đại học Kinh tế London lo ngại rằng, việc ông Trump hỗ trợ Thủ tướng Netanyahu sẽ khiến căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục leo thang.
Ông Trump có thể sẽ đáp ứng mọi đề xuất về việc hỗ trợ quân sự của ông Netanyahu và không chỉ cho phép Israel tiếp tục cuộc chiến ở Gaza và Liban mà còn có thể làm gia tăng khả năng đối đầu với Iran.
Giáo sư Fawaz Gerges - Đại học Kinh tế London, Anh.
Theo giới chuyên gia, ông Trump sẽ ủng hộ hành động quân sự của Israel chống lại Iran bao gồm cả việc ném bom các cơ sở hạt nhân của nước này. Ngoài ra cũng có lo ngại rằng cuộc trả đũa thứ ba của Iran vào Israel có thể đẩy Mỹ từ lập trường quân sự phòng thủ sang tấn công. Thủ tướng Netanyahu và ông Trump cũng có nhiều khả năng sẽ thống nhất về các vấn đề liên quan đến thời kỳ hậu chiến tranh với Hamas ở Dải Gaza.
Lộ trình mới này có thể sẽ tạo ra sự hỗn loạn trong một cuộc chiến mà nước Mỹ đang dẫn đầu về mặt ngoại giao. Trong hơn một năm qua, các quan chức ngoại giao của chính phủ Tổng thổng Biden đã có dẫn đầu nhiều nỗ lực ngoại giao với các nước như Qatar, Ai Cập nhằm tìm kiếm lệnh ngừng bắn cho Dải Gaza. Nếu ông Trump đi ngược lại điều đó, sẽ khiến những nỗ lực này trở nên vô nghĩa, và hy vọng về lệnh ngừng bắn sẽ càng trở nên mờ nhạt.
Với những toan tính riêng, Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu vẫn chưa đạt được giải pháp hòa bình với các lực lượng đối địch trong khu vực trong bối cảnh chia rẽ nội bộ vẫn chưa thể hàn gắn. Trong khi đó, sự trở lại của ông Trump trên chính trường Mỹ có thể khiến cục diện tại khu vực Trung Đông thêm hỗn loạn, khiến cho tương lai của lệnh ngừng bắn vẫn chưa biết khi nào mới có thể đạt được.
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.
Ngày 21/11, một nhóm vũ trang đã nã súng vào một số xe chở khách tại phía Tây Bắc Pakistan, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và 29 người bị thương.
Lễ hội Du lịch Quốc tế Sahara lần thứ sáu đã được tổ chức tại vùng sa mạc của Algeria, với hơn 400 đơn vị tham gia. Sự kiện kéo dài 4 ngày bao gồm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa dân gian và là một trong những sáng kiến nhằm quảng bá du lịch ở Algeria.
Động thái của Tòa án Hình sự quốc tế ICC khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có nguy cơ bị giam giữ nếu ông đi đến một số quốc gia khác.
Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan miền Nam nước này nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng một tên lửa có tầm bắn xa và mạnh như vậy trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Một chàng trai người Ai Cập đã trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội, thu hút hơn 750.000 người theo dõi trên Instagram khi anh thực hiện hành trình đường bộ dài hơn chu vi trái đất từ Ai Cập tới Nhật Bản trong vòng 274 ngày.
0