Nơi chắt chiu từng cơ hội để hồi sinh những mầm sống

Áp dụng kỹ thuật đỉnh cao sản khoa, sửa chữa những tổn thương cho thai nhi còn trong bụng mẹ, mạnh dạn đi ngược tạo hóa, gạn từng cơ hội nhỏ nhoi để cho hàng trăm sinh linh bé bỏng được chào đời, đó là hành trình của TS.BS Nguyễn Thị Sim và những người đồng nghiệp tại Trung tâm Can thiệp bào thai - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Sự sống trỗi dậy từ những bào thai mang lại niềm hạnh phúc không kể xiết cho người bác sĩ theo đuổi con đường y học can thiệp bào thai.

Hơn 15 năm công tác trong ngành sản khoa, lại là một người mẹ đã từng trải qua những biến cố, gian truân của thai kỳ, hơn ai hết TS.BS Nguyễn Thị Sim hiểu được nỗi lòng của các sản phụ mất con. Vì thế chị luôn ấp ủ có thể can thiệp sớm trong bào thai, để có thể cứu những sinh linh bé bỏng.

TS.BS Nguyễn Thị Sim đang khám cho thai phụ.

Tháng 5/2017, Bác sĩ Sim đến Pháp mang theo tinh thần học tập nghiêm túc, cầu thị cùng trái tim của một người mẹ khao khát mang lại sự sống cho những bào thai. Sau ba tháng học tập nỗ lực, thực hành dưới sự cầm tay chỉ việc của đội ngũ chuyên gia can thiệp bào thai hàng đầu thế giới, TS. BS Nguyễn Thị Sim đã tự tin áp dụng kỹ thuật, càng tìm hiểu chị càng say mê lĩnh vực này hơn. Ngay khi trở về nước chị đã bắt tay ngay vào công tác triển khai ứng dụng kỹ thuật can thiệp bào thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Trong suốt hành trình triển khai kỹ thuật can thiệp bào thai, Bác sĩ Sim luôn cảm thấy may mắn và hạnh phúc vì nhận được sự đồng hành PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (hiện là Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư). Chính sự quyết đoán, bản lĩnh của người thuyền trưởng trong những ngày đầu đã giúp BS Sim vững tin vào sự lựa chọn và con đường của mình.

“Có những sản phụ đã mất con liên tiếp 10 lần, có những người lặn lội từ vùng biên giới hải đảo, có người vượt chặng đường hàng chục nghìn km đến đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tìm tôi với mong mỏi để giữ con bên mình. Đó là điều khiến tôi không cho phép mình bỏ cuộc dù chỉ còn vài % cơ hội”. Bác sĩ Sim đã không nén được nước mắt khi kể về những câu chuyện như thế.

Bác sĩ Sim luôn ấp ủ có thể can thiệp sớm trong bào thai, để có thể cứu những sinh linh bé bỏng.

Năm 2023, một sản phụ người Việt hiện đang sinh sống tại Ireland mang song thai có hội chứng truyền máu, không những thế sản phụ có một bánh rau nhưng có hai kiểu gen khác nhau. Nơi sản phụ sinh sống hiện chưa thực hiện can thiệp bào thai và được tư vấn chuyển sang Thụy Điển, thế nhưng sản phụ đã tìm về Trung tâm can thiệp bào thai và trao trọn niềm tin vào Bác sĩ Sim. Lúc này, cả ekip đã phải hội chẩn với các chuyên gia về nhi khoa, giải phẫu bệnh và lên hướng điều trị chi tiết để xin ý kiến Ban Giám đốc. Thật may mắn, sau 60 phút cân não trong phòng mổ mọi chuyện diễn ra theo kế hoạch. Người mẹ hoàn toàn khỏe mạnh, một em bé vẫn tiếp tục phát triển tim thai bình thường không có cơn co, không có chảy máu, không có nhiễm trùng. Sau một tuần, sản phụ an tâm và quay trở về Irenland. Đến tuần 38, một em bé khỏe mạnh trào đời. Trong khoảnh khắc vui mừng đó, gia đình sản phụ đã không quên chúng tôi. Họ chụp lại những bức ảnh gửi ngay lập tức cho chúng tôi. Họ cảm thấy rằng quyết định về Việt Nam và đến Trung tâm can thiệp bào thai là hoàn toàn đúng đắn. Sản phụ còn nhắn tin nói vui rằng “ Em bé của Bác sĩ Sim đây ạ!”.

Những hình ảnh thai nhi bị hết ối đang bị bó chặt nằm bất động như trong túi hút chân không bỗng cử động được, tung tăng co duỗi như cá gặp nước khi được truyền ối. Nhiều bào thai tưởng chừng suy tim không thể qua khỏi vì hội chứng truyền máu song thai bất ngờ trái tim được hồi sinh, đập trở lại rộn ràng luôn hiển hiện trong người nữ bác sĩ, khiến chị yêu và gắn bó với công việc của mình. “Hiệu quả đạt được của chúng tôi ngang tầm thế giới với khoảng 90% em bé được cứu sống. Mỗi sản phụ sau can thiệp được theo dõi rất sát tới khi sinh con”, bác sĩ Sim hạnh phúc nói.

Bác sĩ thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân.

Với BS Sim, mỗi ca can thiệp bào thai đều mang lại một cảm xúc rất khác nhau. Bởi mỗi sản phụ là cả một câu chuyện, là biết bao nỗi niềm trăn trở của cả gia đình thậm chí cả dòng họ. Bác sĩ Sim kể, cách đây không lâu có cả một đại gia đình 24 người ở tỉnh Hải Dương đã lặn lội đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để chào đón thiên thần nhỏ chào đời sau hơn 10 năm trông ngóng. Nhìn nụ cười và cả những giọt mắt hạnh phúc của họ khiến bác sĩ Sim và cả ekip cảm thấy công việc của mình ý nghĩa vô cùng. Từng ngày, chị chắt chiu từng cơ hội dù là nhỏ nhoi nhất, chị đọc sách, nghiên cứu tài tiệu, tham vấn ý kiến… Tất cả những gì có thể làm được cho bệnh nhân bác sĩ Sim đều quyết không từ bỏ.

Sau 4 lần liên tiếp không giữ được con không rõ nguyên nhân, sản phụ Nguyễn Thị Sự (33 tuổi, Hà Nội) đã tìm đến bác sĩ Sim. Cảm xúc của người phụ nữ như vỡ òa như nghe được nhịp tim của con mình. “Vừa khám Bác sĩ Sim vừa động viên em. Bác còn kiêm luôn ‘vai’ bác sĩ dinh dưỡng để tư vấn cho về thực đơn dinh dưỡng, tư vấn lúc em thấy có điều gì đó bất ổn về sức khỏe. Nhất là đợt Hà Nội lạnh 8-9 độ C vừa rồi, em đau họng, rát cổ cũng hỏi đến Bác. Bác sĩ lúc cũng ân cần giải thích, tư vấn”, chị Sự giãi bày.

Lần đón bé thứ 3 chào đời vợ chồng anh Nguyễn Việt Hưng (43 tuổi, Hà Nội) có quá nhiều cảm xúc với vô vàn thử thách. Anh Hưng kể, do vợ anh tuổi đã gần 40, lại bị tăng huyết áp, thiểu ối nên khi vào bệnh viện rất bất an. “Vợ chồng tôi quá may mắn khi được các y bác sĩ tại Trung tâm Can thiệp bào thai hỗ trợ tận tình. Mọi người ở đây đều thuộc tên nhớ mặt vợ chồng tôi, lúc nào cũng quan tâm hỏi han như người trong gia đình. Đặc biệt là bác sĩ Sim - người luôn để bệnh nhân là ưu tiên số một”.

Thế nhưng, trái tim người bác sĩ tài năng tâm huyết ấy cũng đã có không ít lần nghẹn lại khi chứng kiến những sản phụ đến viện quá muộn và không thể cứu được con. Vì thế bác sĩ Sim luôn mong mỏi các bác sĩ sản khoa tại các tuyến có những kiến thức chẩn đoán ban đầu về những bệnh lý này để tư vấn cho sản phụ kịp thời.

Mỗi em bé đến với thế giới chính là món quà vô giá và đó chính là động lực khiến cho người bác sĩ tài năng ấy không cho phép mình bỏ cuộc dù chỉ còn vài % cơ hội.

Theo bác sĩ Sim, thế giới đã đi trước chúng ta 15 năm và họ làm được nhiều kỹ thuật mà Việt Nam còn cần phải học thêm nữa. Vì thế, chị mong muốn tiếp tục chinh phục các kỹ thuật đỉnh cao mới như “sửa chữa” các bệnh về não, tim, thận, tủy sống cho bào thai nhằm giúp thai nhi không may mắc các bệnh lý vẫn có thể phát triển tốt trong tử cung của người mẹ và chờ đến ngày chào đời. Và sẽ càng tuyệt vời hơn khi can thiệp bào thai là danh mục kỹ thuật, được đưa vào thanh toán bảo hiểm y tế, các sản phụ sẽ không phải mất nhiều chi phí cho một ca can thiệp, nhiều bệnh viện trên toàn quốc có thể thực hiện được sẽ tăng cơ hội cứu sống nhiều thai nhi hơn. Bác sĩ Sim cũng kỳ vọng tới đây, bất kỳ bào thai nào có vấn đề cần can thiệp được cứu sống sẽ chào đời khỏe mạnh, loại bỏ nguy cơ tật nguyền để Việt Nam có được chất lượng dân số tốt hơn.

Với bác sĩ Sim, mỗi em bé đến với thế giới chính là món quà vô giá. Nhiều em bé đã gọi chị là “Mẹ Sim” một cách thân thương. Bác sĩ Sim kể, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, hay Ngày Thầy thuốc Việt Nam căn phòng nhỏ tại Trung tâm Can thiệp bào thai lại rộn vang tiếng nói cười của những em bé và gia đình các em. Niềm hạnh phúc ngập tràn được lan tỏa nhờ đôi bàn tay vàng và trái tim yêu thương con trẻ của những người thầy thuốc./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong bối cảnh ngành y tế còn nhiều khó khăn như thiếu nhân lực, chưa đồng bộ ở các tuyến điều trị, việc ứng dụng công nghệ cao giúp rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, tăng độ chính xác và nâng cao hiệu quả điều trị, tiết kiệm chi phí, giúp nhiều người bệnh có cơ hội được khám chữa bệnh ở giai đoạn sớm.

Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh như: các bệnh ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản. Sử dụng thuốc lá là một trong nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm.

100% trạm y tế ở 10 tỉnh vùng cao, miền núi, khó khăn sẽ được triển khai khám, chữa bệnh từ xa thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Chiều 21/11, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược, trong đó nghiêm cấm hành vi bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử với thuốc kê đơn.

Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) vừa tiếp nhận 7 nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm do ăn thịt của chó bị bệnh.

Sở Y tế Hà Nội và Cơ quan Quản lý các bệnh viện công Paris đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2024 - 2029.