Nỗi đau mang tên trầm cảm

Trầm cảm đã không còn xa lạ trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Việc tự thân vượt qua trầm cảm thật không dễ dàng, chính vì thế, người bị trầm cảm luôn cần một người ở bên cạnh, luôn sẵn sàng khi họ cần người tâm sự nhưng cũng tin tưởng để dành cho họ không gian riêng khi cần.

Ngày hôm qua, có một thính giả kể cho Hường nghe câu chuyện về người thân của cô ấy.

Vào một buổi chiều, những tia nắng ấm áp và dịu dàng chiếu vào hiên nhà bà nội. Cô của tôi đang ngồi đó. Gương mặt cô gầy nhô cả hai gò má, đôi bàn tay xanh xao nhăn nheo đặt trên đôi chân đã chỉ còn lại da bọc xương. Hôm ấy cô mới đi khám ở viện về. Tôi ngồi xuống cạnh cô và hỏi thăm tình hình. Cô nói với tôi, bác sĩ bảo bên trong cô có một “con quái vật màu đen”. Tôi ngơ ngác hỏi về hình dạng và diện mạo của nó, nhưng cô của tôi cũng không thể biết được chính xác. Cô chỉ kể cho tôi nghe về những lần nó xuất hiện làm phiền cô. Cô kể rằng nó là một thứ đáng sợ, đến rất nhẹ nhàng và từ từ khiến cô không nhận ra sự tồn tại của nó, cho đến khi nó trở thành một “con quái vật”. Nó luôn ở bên trong cô như một loài ký sinh, nhưng không phải lúc nào cũng hoạt động. Nó sẽ xuất hiện bất chợt khi cô đang đi làm, khi cô trò chuyện với mọi người, khi cô đang vui hay không vui và thậm chí nó còn làm phiền đến cả giấc ngủ của cô.

Ảnh minh họa

Bằng cách nào đó, “con quái vật” khiến cô trở nên xa cách mọi người; nó tìm cách nhấn chìm cô trong mớ suy nghĩ tiêu cực. Cô kể có những khi cô đã cố vực lại tinh thần, cô đã gần chạm tới ánh sáng, thì “con quái vật” đó sẽ lại chồm lên và dữ dội kéo cô lại, hút kiệt sức khỏe khiến cô mệt mỏi. Nó sợ ánh sáng, sợ nơi đông người nên luôn kéo cô xa cách mọi người, bằng cách rút cạn năng lượng tích cực, để cô một mình chìm trong bóng tối của căn phòng. Nó cứ quanh quẩn bên trong cô, tàn phá tâm hồn, khiến cô dằn vặt và tự trách bản thân mình thật nhiều, nhưng ở bên ngoài thì sẽ chẳng ai có thể biết được. Có đôi khi nó hiện diện bằng cách khiến cô của tôi trở nên cáu gắt, hay mắng mỏ và có những hành động nặng nề như đập phá hoặc tự hại. Không chỉ đem đến cho cô nỗi đau về tinh thần, “con quái vật” đã bắt đầu tàn phá đến cả thể xác, những cơn đau đầu khủng khiếp đến mức quằn quại gần đây đã bắt đầu kéo đến làm cô ngày một khổ sở hơn.

Nghe cô kể, tôi nghĩ về những thay đổi của cô trong khoảng thời gian gần đây. Cô cứ nói về những cơn đau đầu, mọi người ai cũng nghĩ chỉ vì cô thiếu ngủ, do thời tiết chuyển mùa. Nhưng nào có ai biết những cơn đau đó đã làm cho cô khổ sở, vật vã đến nhường nào. Thi thoảng cô hay mắng đám trẻ con chúng tôi chỉ vì những điều nhỏ nhặt. Cô thường xuyên vắng mặt trong các buổi tụ tập của đại gia đình như lễ tết, cúng giỗ; chỉ khi mọi người đã tàn tiệc thì cô mới về nhà bà nội để thắp hương, thăm nom. Vậy mà trước đó, cô của tôi là một người hoạt bát, nhanh nhẹn, quảng giao và cô luôn giành phần đi chợ, mua sắm mọi thứ. Không phải vì cô không còn yêu thương đám trẻ chúng tôi nữa, cũng không phải cô đã trở thành một người xấu tính, không có trách nhiệm mà chỉ vì bên trong cô còn tồn tại một vật thể khác, nó cứ bám víu lấy và kéo cô xuống ngày một sâu thẳm vào hố đen nào đó đầy đớn đau, mặc cô của tôi vẫy vùng trong vô vọng.

Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy mình gần cô đến thế. Tôi chỉ biết lắng nghe và chẳng thể làm gì khác, chỉ nói với cô rằng “Cô ơi, từ giờ cô sẽ không phải chiến đấu với nó một mình đâu, đã có các em, có cháu và mọi người trong gia đình sẽ luôn ở bên cô, cô nhé!” Cô nhìn tôi mỉm cười rồi im lặng. Cả tôi và cô cùng nhìn về phía có ánh nắng. Bất chợt cô nắm chặt lấy tay tôi. Khi tôi quay lại nhìn, tôi thấy sắc mặt cô trở nên tối sầm, khuôn mặt nhăn nhó biến dạng như đang chịu đựng cơn đau nào đó, một cơn đau mà chính cô cũng không thể gọi tên. Khi ấy, tôi biết “con quái vật màu đen” kia đã đến. Đó là lần đầu tiên tôi biết và cảm nhận được sự tồn tại của nó. Tôi lo lắng nhưng cũng không biết làm gì khác, cô biết tôi đang lúng túng nên cô ôm tôi vào lòng, cái ôm đó có lẽ chính là câu trả lời, là liều thuốc, là tất cả những gì mà cô cần tôi làm. Cái ôm đến nghẹt thở khiến tôi chợt tỉnh cơn mê. Tôi thấy nắng từ cửa sổ chiếu vào ngập căn phòng, tràn cả vào đôi mắt đang đẫm nước của tôi. Ánh nắng ấy thật đẹp như trong giấc mơ ban nãy. Hy vọng cô của tôi, ở nơi xa xôi nào đó cũng sẽ được tia nắng đó sưởi ấm. Hay có thể cô đang là tia nắng ấy đủ dịu dàng, ấm áp để chữa lành cho chính mình và cho cả những người ở lại; cũng đủ rực cháy và mãnh liệt để thiêu đốt “con quái vật màu đen” đáng sợ đó - con quái vật mang tên “trầm cảm”.

Trầm cảm đã không còn xa lạ trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Việc tự thân vượt qua trầm cảm đã khó, việc giúp đỡ người bị trầm cảm cũng không hề dễ dàng. Tôi cũng đã từng gặp một người bị bệnh trầm cảm. Họ thường có tâm trạng u uất trong thời gian dài. Đôi khi điều này khiến cho người thân cảm thấy chán nản khi mất rất nhiều thời gian để hỗ trợ mà người bệnh không có sự biến chuyển.

Có một chuyên gia tâm lý nói với tôi, trầm cảm mất rất nhiều thời gian điều trị. Bản thân người bị trầm cảm cũng rất muốn thoát ra khỏi những điều mà họ đang trải qua, nhưng rất khó khăn và cần nhiều thời gian. Chính vì thế, họ cần một người ở bên cạnh, luôn sẵn sàng khi họ cần người tâm sự nhưng cũng tin tưởng để dành cho họ không gian riêng khi cần. Chúng ta không phải là chuyên gia tâm lý, chỉ mong rằng, nếu cần, ta sẽ có đủ tình yêu thương, sự tôn trọng và lòng kiên trì để cùng người thân của mình vượt qua trầm cảm, và cũng đừng quên chăm sóc chính bản thân mình./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đất nước ta đã sản sinh ra những thế hệ thanh niên đại diện cho mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Như thế hệ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; thế hệ một thời hoa đỏ 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'; thế hệ 'sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử' trong chiến tranh bảo vệ biên giới...

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.

Sự hiện hữu của thời gian trở nên rõ rệt là khi trên khuôn mặt xuất hiện thêm những nếp gấp, một vài vết tàn nhang cùng màu tóc dần ngả bạc. Thời gian vô tình khiến những hoạt động mà mình vốn yêu thích bỗng trở nên khó thực hiện, mặc dù lòng nhiệt huyết vẫn còn nhưng tuổi tác và khuôn mặt đã không còn phù hợp nữa rồi.

Phố bắt đầu ngày mới bằng những sắc hoa thuỳ mị trong chợ hoa Quảng Bá. Đường Âu Cơ tươi xinh màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ chưa vương mùi bụi khói. Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này.

Thấm thoắt, ngoại tôi đã về miền mây trắng đoàn tụ với ông bà tổ tiên được mười sáu năm rồi. Từ ngày ngoại mất, số lần tôi theo mẹ về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mỗi năm tới ngày giỗ ngoại, tuy không nói ra nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn nghẹn lại trong lồng ngực mẹ nếu năm đó mẹ không thể sắp xếp về quê thắp cho ngoại nén hương.

Thuở bé, mỗi lần được nằm gối đầu lên đùi mẹ, lắng tai nghe những giai điệu trong trẻo mà sâu lắng từ những câu hát ầu ơ quen thuộc, lòng tôi mỗi lúc ấy đều cảm thấy dễ chịu và ấm áp lạ thường. Sau này, khi năm tháng trôi đi, bôn ba trên khắp các nẻo đường xuôi ngược, hễ vô tình được nghe thấy thứ âm thanh giản dị và thân thương ấy, thì những ký ức tuổi thơ trong tôi lại nối tiếp theo tiếng hát tìm về.