Nông dân toàn quốc biểu tình khiến giao thông Đức tê liệt

Nước Đức dự báo sẽ phải đối mặt với một năm 2024 nhiều thách thức, với một khởi đầu đầy hỗn loạn. Trong tuần này, nông dân Đức biểu tình toàn quốc kéo dài nhiều ngày nhằm phản đối kế hoạch cắt giảm trợ cấp đối với ngành nông nghiệp của chính phủ, gây ùn tắc giao thông trên khắp đất nước.

Biểu tình toàn quốc khiến giao thông tê liệt

Từ ngày 8/1, hàng nghìn nông dân cùng hơn 500 máy kéo, xe tải, ô tô và xe kéo bắt đầu đổ về Cổng Brandenburg ở Thủ đô Berlin, chặn đường gây gián đoạn giao thông nghiêm trọng trong giờ cao điểm và khiến trung tâm thủ đô rơi vào tình trạng tắc nghẽn.

Hàng nghìn nông dân biểu tình khiến giao thông tại Đức tắc nghẽn.

Một loạt các thành phố khác trên khắp nước Đức cũng bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình, khi hàng chục nghìn người tập trung tại trung tâm thành phố Munich. Tại thành phố Bremen ở phía Tây Bắc nước Đức, một nhà máy sản xuất ô tô Volkswagen đã phải ngừng hoạt động vì lối vào nhà máy của công nhân bị chặn. Trong khi đó, các Hiệp hội nông dân ở một số bang như Bavaria, Baden-Wurttemberg và Saxony đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình bằng cách chặn các lối vào đường bộ và đường cao tốc. Tình trạng gián đoạn giao thông cũng được ghi nhận ở khu vực biên giới Đức giáp với Pháp, Ba Lan và Cộng hòa Czech.

Ông Hubertus Krupp – Nông dân Đức chia sẻ: “Chúng tôi đang biểu tình ở đây vì những yêu cầu của mình, một cách hòa bình như mọi người vẫn làm. Chúng tôi muốn giữ nguyên việc miễn thuế đối với thiết bị nông nghiệp và giữ nguyên toàn bộ trợ cấp dầu diesel nông nghiệp. Chúng tôi đang đấu tranh để giành được những khoản trợ cấp mà chúng tôi đáng được nhận”.

Hơn 500 máy kéo, xe tải, ô tô và xe kéo tham gia cuộc biểu tình.

Đây là hành động mới nhất nhằm bày tỏ sự tức giận trước quyết định của Chính phủ Đức cắt giảm một số trợ cấp dầu diesel cho nông dân và tài xế xe tải. Việc cắt giảm này là do thiếu hụt ngân sách sau khi Tòa án Hiến pháp Đức tuyên bố Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz không thể phân bổ lại hàng chục tỷ USD Quỹ cứu trợ Covid-19 cho các mục đích khác.

Đa số các cuộc biểu tình diễn ra khá ôn hòa. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh cảnh báo rằng cuộc biểu tình đang ngày càng quyết liệt, có nguy cơ bị các tổ chức chống chính phủ cực đoan xâm nhập. Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck là một trong những mục tiêu của những người biểu tình giận dữ, khi một nhóm người cố gắng trèo lên chiếc phà chở ông cùng vợ và nhiều hành khách khác. Ông Habeck cho rằng một số người có liên quan tới hành động quá khích này đã lan truyền tư tưởng đảo chính, hay các biểu tượng chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang được thể hiện một cách công khai.

Đáp lại, Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Đức (DBV) Joachim Rukwied khẳng định cuộc biểu tình của hiệp hội này không thể bị xâm nhập bởi phe cực hữu. Thay vào đó, ông Rukwied cáo buộc quyết định cắt trợ cấp của chính phủ sẽ cướp đi khả năng tồn tại trong tương lai của ngành nông nghiệp và gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp thực phẩm nội địa chất lượng cao an toàn.

Dự kiến tuần biểu tình sẽ lên đến đỉnh điểm với một sự kiện lớn diễn ra ở Thủ đô Berlin vào ngày 15/1 tới. Theo cảnh sát, có tới 10.000 người đã đăng ký tham gia và họ sẽ sử dụng nhiều phương tiện như ô tô, máy kéo.

Có tới 10.000 người đăng ký tham gia biểu tình và sử dụng nhiều phương tiện như ô tô, máy kéo.

Tình trạng hỗn loạn giao thông ở Đức càng trở nên tồi tệ hơn, khi một cuộc đình công khác của các tài xế xe lửa diễn ra trong ba ngày. Cuộc đình công do Liên đoàn lái tàu Đức (GDL) kêu gọi nhằm yêu cầu mức lương cao hơn, cùng với việc giảm giờ làm từ 38 giờ xuống còn 35 giờ/tuần. Ước tính khoảng 80% dịch vụ xe lửa đường dài sẽ bị hủy, trong khi các tuyến khu vực sẽ bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau, buộc hàng trăm nghìn hành khách phải hủy chuyến đi hoặc tìm cách khác để di chuyển. Những người đi làm ở Đức đang rơi vào tình trạng chậm trễ hoặc không đến được công sở do giao thông gián đoạn.

Các cuộc đình công và biểu tình của nhân viên đường sắt và nông dân đã gây thêm áp lực lên Chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz, vốn đang phải đối mặt với các vấn đề kinh tế ngày càng gia tăng, bao gồm dữ liệu kinh tế vĩ mô yếu kém, lãi suất cao và tình trạng lộn xộn về ngân sách.

Bỏ trợ cấp nông nghiệp – nên hay không?

Đây không phải là lần đầu tiên nông dân Đức biểu tình phản đối chính phủ liên quan tới trợ cấp nông nghiệp. Ban đầu, Chính phủ Đức đề xuất loại bỏ việc giảm thuế đối với việc mua thiết bị nông nghiệp và lâm nghiệp, cũng như trợ cấp nhiên liệu diesel nông nghiệp. Nhưng làn sóng biểu tình vào tháng 12 năm ngoái đã khiến các nhà lập pháp phải tạm thời lùi bước. Theo quyết định cuối cùng được đưa ra vào ngày 4/1, việc giảm thuế sẽ vẫn được duy trì, và trợ cấp nhiên liệu sẽ được kéo dài cho đến năm 2026. Tuy nhiên, nông dân vẫn không nhất trí với tuyên bố này của chính phủ, từ đó dẫn đến cuộc biểu tình quy mô lớn hiện nay.

Cuộc đình công của các tài xế xe lửa buộc hàng trăm nghìn hành khách phải hủy chuyến đi.

Hiện tại, nhờ trợ cấp của chính phủ, nông dân Đức chỉ phải trả khoảng một nửa giá dầu diesel so với các ngành nghề khác. Chính phủ cho rằng việc giảm các khoản trợ cấp gây tác hại đối với khí hậu sẽ giúp cải thiện môi trường. Kế hoạch này cũng dự kiến giúp chính phủ liên bang tiết kiệm khoảng 900 triệu euro (980 triệu USD) ngân sách mỗi năm. Tuy nhiên, giới nông dân cho biết họ không có lựa chọn nhiên liệu thay thế và việc rút trợ cấp có nguy cơ khiến họ phải phá sản.

Anh Harant Thomas – Nông dân đức chia sẻ: “Thực tế nghiệt ngã là chi phí đã tăng đến mức khiến nhiều trang trại khó tồn tại. Đối với kế hoạch này của liên minh cầm quyền, những người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả thảm khốc sẽ là các trang trại quy mô nhỏ do hộ gia đình quản lý”.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng việc nông dân bất bình và không muốn từ bỏ trợ cấp là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng không phải chính phủ gây khó khăn cho nông dân, mà chính cơ cấu ngành nông nghiệp đang thay đổi. Sự xuất hiện của các chuỗi siêu thị giảm giá lớn, các lò mổ và nhà sản xuất sữa khổng lồ, đã khiến các trang trại nhỏ lẻ không còn chỗ đứng trên thị trường.

Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck phát biểu: “Vì áp lực chi phí, chính phủ chúng tôi đã thể hiện thiện chí với người nông dân. Chúng tôi sẽ duy trì một phần thiết yếu của các khoản trợ cấp hiện nay, gồm miễn thuế cho thiết bị nông nghiệp và từng bước cắt giảm trợ cấp cho dầu diesel nông nghiệp. Như vậy sẽ công bằng hơn. Tuy nhiên, áp lực phải tiết kiệm ngân sách vẫn tồn tại. Chúng tôi buộc phải tiết kiệm hàng tỷ euro”.

Ngay trong nội bộ giới chức Đức cũng có những luồng ý kiến khác nhau về việc cắt giảm trợ cấp. Bộ trưởng Lương thực và Nông nghiệp Cem Özdemir cho rằng kế hoạch này sẽ gây ra những gánh nặng đối với nông dân Đức. Theo ông Özdemir, phần lớn sản phẩm do nông dân Đức làm ra được xuất khẩu sang các thị trường khác, và việc bãi bỏ quy định giảm thuế khiến điều kiện cạnh tranh của nông dân Đức trở nên tồi tệ hơn vì không có loại động cơ thay thế nào khác cho nông dân, những cỗ máy hạng nặng của họ không thể chạy bằng động cơ điện. Ông Özdemir nhấn mạnh tiết kiệm là cần thiết, song việc bãi bỏ quy định giảm thuế đối với dầu diesel nông nghiệp là chưa phù hợp và cần phải điều chỉnh lại.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng vấn đề ngân sách là một gánh nặng chính trị. Các chính trị gia Đức đang cố gắng phân bổ lại ngân sách quốc gia, nhưng điều này lại đặt gánh nặng lên vai những người nông dân.

Thách thức với Đức trên trường quốc tế trong năm 2024

Những cuộc đình công và biểu tình đã cho thấy khởi đầu năm 2024 không mấy suôn sẻ với nước Đức. Vào tháng 12 năm ngoái, Hiệp hội Ngôn ngữ Đức đã chọn thuật ngữ Krisenmodus có nghĩa là “tình trạng khủng hoảng”, làm từ khóa của năm. Tình trạng này dường như có thể tiếp diễn trong năm nay, khi nhiều cuộc khủng hoảng vẫn đang diễn ra trên toàn cầu, đặt ra nhiều thách thức đối với chính sách đối ngoại của nền kinh tế đầu tàu châu Âu.

Những cuộc đình công và biểu tình đã cho thấy khởi đầu năm 2024 không mấy suôn sẻ với nước Đức.

Cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas có thể lan rộng và gây ra những hậu quả tàn khốc. Thủ tướng Đức Olaf Scholz thường nhắc đi nhắc lại rằng an ninh của Israel là lợi ích tồn tại của Đức. Tuy nhiên, hoạt động quân sự của Israel ngày càng gây nhiều thương vong cho dân thường ở Gaza, làm dấy lên sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock.

Xung đột Nga-Ukraine được coi là một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhà ngoại giao Đức và châu Âu trong những thập kỷ gần đây. Đức, cùng với các nước phương Tây khác, đã cung cấp hỗ trợ quân sự rộng rãi cho Ukraine, nhưng gần hai năm sau, Kiev vẫn đạt được rất ít tiến bộ trên chiến trường. Cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine hiện đang bị xói mòn. Nhà khoa học chính trị Johannes Varwick từ Đại học Halle nhận định, khi phương Tây ngày càng mệt mỏi, các chính trị gia hiện đang chịu áp lực phải nghĩ đến việc kết thúc xung đột trên bàn đàm phán.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã cho Chính phủ Đức một bài học đắt giá. Trong quá trình tìm kiếm các đồng minh quốc tế sẵn sàng ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, nhiều nước đang phát triển và mới nổi đã quay lưng lại với Đức và phương Tây, thay vào đó tiếp tục giao thương với Moscow. Theo chuyên gia Henning Hoff của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, các quốc gia thường liên kết với phương Tây, chẳng hạn như Ấn Độ và Brazil, đang tìm kiếm những cơ hội mới trong trật tự thế giới đang thay đổi này bằng cách thực hiện quyền tự do không đứng về bên nào. Do đó Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz cần cố gắng hợp tác với họ trên cơ sở bình đẳng.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã cho Chính phủ Đức một bài học đắt giá.

Đức, nền kinh tế mạnh nhất châu Âu và lớn thứ tư thế giới, được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò tích cực trên trường quốc tế. Nhưng theo hãng tin Deutsche Welle, ngày càng nhiều người dân Đức cảm thấy mệt mỏi với việc can thiệp quá sâu vào các vấn đề toàn cầu. Kết quả khảo sát do tổ chức Körber Foundation thực hiện vào tháng 9 năm ngoái cho thấy 54% số người được hỏi cho rằng Đức nên kiềm chế hơn khi gặp khủng hoảng quốc tế. Chỉ 38% muốn thấy Đức tham dự nhiều hơn - con số thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 2017. Ngoài ra, có tới 71% số người được hỏi phản đối việc Đức đảm nhận vai trò quân sự hàng đầu ở châu Âu. Có vẻ như người Đức chỉ muốn thoát khỏi sự hỗn loạn của chính trị thế giới.

Trong thông điệp năm mới, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thừa nhận bối cảnh toàn cầu khó khăn, nhưng bày tỏ sự tin tưởng rằng nước Đức sẽ vượt qua mọi thử thách. Nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng mỗi người dân Đức đều đóng một vai trò quan trọng, và với sự tôn trọng lẫn nhau, sát cánh cùng nhau, nước Đức sẽ không lo sợ về tương lai.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã có cuộc trao đổi với Đài Hà Nội về ý nghĩa của thắng lợi vĩ đại này. Một thắng lợi mà ông cho rằng có thể xem như hình mẫu của chiến tranh nhân dân, hình mẫu của việc huy động sức mạnh toàn dân tộc.

Trong cuộc họp đầu tháng 5, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện nay ở mức từ 5,25 đến 5,5% để kiềm chế lạm phát. Việc FED duy trì mức lãi suất cao khiến đồng USD tăng giá và gây ra nhiều tác động đến nền kinh tế của Mỹ cũng như toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, nhưng năm 2024 được đánh giá là năm hứa hẹn mở ra một loạt tiến bộ đột phá trong phát minh robot AI thế hệ mới.

Châu Á đã trở thành điểm nóng cho các nhà đầu tư quốc tế nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và thị trường tiêu dùng khổng lồ. Trong đó, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và Singapore được coi là những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

Các cuộc biểu tình diễn ra tại hàng chục trường đại học từ bờ Đông đến bờ Tây của nước Mỹ. Làn sóng biểu tình của sinh viên trên khắp nước Mỹ đã làm nổ ra các cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận, chủ nghĩa bài Do Thái và xung đột Israel - Palestine.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine mới đây cho biết, binh sĩ dưới quyền của ông đang trong tình thế cam go khi Nga đẩy mạnh tiến công để tận dụng lợi thế. Trong khi đó gói viện trợ quân sự mới của Mỹ vẫn chưa tới tay Ukraine vì vậy phòng tuyến của Ukraine đã bị Nga xuyên thủng.