Nồng nàn hoa sữa
Vào mùa hoa nở, dẫu là người vô tình đến mấy cũng phải xốn xang bởi mùi hương nồng nàn làm thức tỉnh mọi giác quan. Hoa sữa nở vào những ngày lặng gió và thiên về đêm, khiến những con phố dài Hà Nội như thêm phần lãng mạn, thi vị. Trên từng con đường, hoa sữa vẫn âm thầm tỏa hương, lặng lẽ bên những cột đèn vàng, da diết và ám ảnh, làm lay động bao tâm hồn, làm cho mùa thu trở nên trọn vẹn.
Không kiêu sa, đài các và rực rỡ sắc màu như các loài hoa khác, hoa sữa có vẻ đẹp dung dị, mộc mạc và thanh tao như tâm hồn người Hà Nội. Nở rộ vào độ cuối thu đầu đông, những nụ hoa nhỏ xíu như được dệt bằng mây trắng phớt xanh đua nhau tỏa hương trong gió. Giữa trời thu bát ngát xanh, lòng nôn nao nhớ về những điều xưa cũ. Hoa sữa đem đến cho mỗi người những cảm giác ấm áp khó gọi thành tên, tưởng gần mà kỳ thực đã xa lắm rồi.
Hoa sữa tự bao giờ đã trở thành một phần của Hà Nội. Vội vã trên dòng đời xuôi ngược, người ta có thể quên ngày, quên tháng, nhưng một mùi hương ngọt ngào thoảng hoặc bất ngờ thoáng qua cũng đủ để nhắc ta rằng mùa thu đã về. Có lẽ không ở đâu khác, người ta lại đối đãi với hoa sữa tình như thế.
Một Hà Nội không chỉ bình yên mà còn ngọt ngào làm thức dậy những xúc cảm lắng đọng trong tâm hồn mỗi người. Nó cứ bắt người ta phải hoài niệm thổn thức vì những gì rất xa. Nó bắt người ta phải xuyến xao thương nhớ đến vô cùng. Nó khiến những người cô đơn muốn được dựa vào nhau trong cái lạnh heo may sương phủ. Không cách điệu, không tô vẽ, mùi hương ấy giống như một mảnh hồn của Hà Nội mà thiếu đi nó sẽ khó lòng gọi tên mùa thu.
Có một điều rất lạ là càng về khuya, khi màn đêm buông xuống, cuộc sống dần về với tĩnh lặng thì con người càng cảm nhận được sâu sắc hơn mùi nồng nàn của hoa sữa. Nét đượm buồn của mùa thay lá càng làm cho hoa sữa thấm sâu hơn vào lòng người, gợi nhớ những kỉ niệm đã qua.
Hoa sữa trong cái se lạnh của tiết trời thu càng khiến lòng người trở nên xao xuyến hơn. Mùi hương nồng nàn của hoa sữa như xuyên vào tận trái tim những người có một tâm hồn lãng mạn biết yêu, biết sống và cảm nhận hương vị của cuộc sống xung quanh.
Hương thơm nồng nàn ấy như đưa người ta về trong khoảng trời ký ức của những mùa thu trước - mùa thu của thời mơ mộng và lãng mạn. Để rồi nhớ da diết những đêm mùa thu trong hương hoa sữa nồng nàn, có một bàn tay ấm áp nắm chặt một bàn tay cùng đi dưới những rặng đèn vàng dài tít tắp trong nồng nàn hoa sữa. Có một lời yêu đầu ngập ngừng chẳng thể thốt ra, đành gửi tình vào trong hương hoa, dệt vần thơ trao người thương nhớ.
Hoa sữa là loài hoa làm người ta dễ nhớ nhưng khó quên không chỉ bởi mùi hương hay bởi nó gắn liền với mùa thu Hà Nội mà còn là vì nó cũng thường gắn với những kỷ niệm. Chính vì thế mà hoa sữa thường để lại những cảm xúc sâu sắc trong lòng của mỗi người.
Kỷ niệm là những điều không bao giờ mất đi mà luôn nằm sâu trong tâm hồn của mỗi người và hoa sữa của mùa thu Hà Nội thường là chứng nhân cho những kỷ niệm đó. Trong bộn bề cuộc sống và công việc, đôi lúc bạn có thể tạm quên nhưng có quên được không khi mùa thu Hà Nội đã thành thói quen, mùi hoa sữa đặc quánh, nồng nàn và ngọt ngào lại trở về gợi nhớ?
Và cũng hương thơm nồng nàn ấy từ lâu đã đi vào kỷ niệm của nhiều du khách cũng như của chính những người dân đang hằng ngày sống giữa lòng mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Và hoa sữa - biểu tượng của mùa thu Hà Nội đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ sáng tác nên những áng thơ, áng văn và những ca khúc sống mãi cùng thời gian.
Bốn mùa Hà Nội đều có sức quyến rũ riêng, nhưng chẳng ai bảo ai, người ta vẫn tìm về mảnh đất nghìn năm văn hiến này mỗi lúc thu về và hoa sữa thoảng hương.
Từ những bó hoa tươi có mặt vào những dịp lễ đặc biệt, những khoảnh khắc đáng nhớ, qua bàn tay khéo léo đã trở thành sản phẩm hộp hoa khô, khung ảnh hay đèn hoa... để kỷ niệm được lưu giữ.
Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.
Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.
Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.
Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.
0