Ô mai 'phố ngọt' Hàng Đường

Hàng Đường, con phố gợi lên vị ngọt ngay từ cái tên là nơi ta có thể tìm thấy một thức quà ngọt ngào, đặc trưng của người Hà Nội.

Phố Hàng Đường, thời Pháp thuộc người Pháp gọi là rue du Sucre, năm 1945 lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Đường, các lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên phố Hàng Đường, nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm.

Vị ngọt đã làm nên tên phố một thời và tới tận bây giờ tên con phố ấy vẫn mang theo vị ngọt trong cảm nhận và ký ức của rất nhiều người. Là cái nôi của ô mai, mứt Tết Hà Nội, con phố Hàng Đường từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người dân Hà Thành mỗi độ Tết đến xuân về.

Không ai biết ô mai Hàng Đường xuất hiện vào thời điểm nào, nhưng theo những người lớn tuổi của phố Hàng Đường kể lại thì trước kia, phố Hàng Đường vốn chuyên bán các loại mứt, bánh, kẹo. Đến những năm 1940, một vài hàng ô mai nho nhỏ xuất hiện và từ đó phát triển ra cả con phố.

Ô mai là đặc sản nổi tiếng của Hà Nội. (Ảnh: Internet)

Qua bao sự biến thiên của thời gian, phố Hàng Đường giờ khác trước nhiều, chỉ còn vài nhà giữ nghề làm ô mai, nhưng trong tiềm thức người dân, tên phố Hàng Đường vẫn gắn liền với món quà đậm đà hương vị, tạo nên một nét riêng cho Hà Nội.

Ô mai Hàng Đường được làm từ nhiều loại trái cây như mơ, chanh, sấu, mận, gừng... và có nhiều màu sắc khác nhau: mơ có màu đen, gừng có màu vàng, đào có màu hồng… Vì thế, các món ô mai nhìn rất hấp dẫn. Có khoảng 60 - 70 loại ô mai và mỗi cửa hàng lại có một cách chế biến khác nhau, không hàng nào giống hàng nào, tạo nên những hương vị phong phú cho ô mai nơi này.

Các cửa hàng ô mai trên phố Hàng Đường luôn đón những người sành ăn. Các loại ô mai tại đây hương vị rất riêng biệt, chia làm ô mai ngọt, ô mai mặn, ô mai chua, ô mai dẻo, ô mai giòn.

Chủ cửa hàng ô mai Gia Thịnh, 13 Hàng Đường, chia sẻ: "Chị cũng chẳng nhớ gia đình đã làm được bao nhiêu lâu nữa, chỉ biết là từ lúc chị lọt lòng đã nhìn thấy những quả ô mai ở trong nhà. Ví dụ như quả mứt quất chẳng hạn, có những loại mứt quất mà nhà chị nấu lên còn nguyên cả cánh lá, như là quả quất tươi. Nói chung là nghề hàng đường mà,g rất vất vả và phải rất yêu nghề mới làm được".

Các công đoạn làm ô mai đều rất cầu kỳ, kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu đến cách làm. Ví như đường chỉ dùng loại đường phên truyền thống, hoa quả tươi ngon đảm bảo chất lượng. Các công đoạn xử lý hoa quả, ngâm ủ đường, trộn các nguyên liệu đều tuân thủ quy trình sản xuất tỉ mỉ và đảm bảo về thời gian.

Những tháng tấp nập và thơm hương ngọt ngào nhất ở phố Hàng Đường là trước Tết và rằm Trung thu. Trong ký ức của những đứa trẻ phố Hàng Đường ngày trước, mỗi bước chân chạy nhảy quanh phố luôn vấn vít làn khói mỏng, thơm ngọt dịu từ những chảo mứt của các nhà bắc bếp ra nấu ngay vỉa hè. Dọc phố cứ thơm lừng ngọt ngào như thế.

Cùng với nhịp sống hiện đại, phố Hàng Đường nay không còn bóng dáng của những bếp nấu mứt bồng bềnh khói thơm cuốn chân bất cứ ai qua phố nữa, mà nhiều công nghệ mới hiện đại đã hỗ trợ cho việc làm mứt. Vị ngọt đã được đóng gói gọn gàng trong những chiếc hộp đẹp đẽ, trong những cửa hàng cửa kính tinh tươm.

Hương ngọt vốn còn ít ỏi, lại thêm phần được cất kỹ, rồi cũng lẩn khuất trong muôn vàn hương sắc phố thị hiện đại khiến người qua phố sẽ phải để tâm tìm thật kỹ. Quả ô mai nhỏ xinh gói trọn hương vị cay nồng của gừng, đằm thắm vị ngọt của cam thảo, khe khẽ mùi chua thanh tao của trái chín và mặn mòi của muối từ biển khơi. Đằng sau tất cả là những bí quyết làm nghề mà không phải ai cũng làm được.

Cùng với ô mai Gia Thịnh, nhiều cửa hàng ô mai trên phố Hàng Đường vẫn giữ nguyên nếp nhà và cách bài trí theo kiểu cổ xưa mộc mạc. Trong tủ kính xếp hàng chục lọ ô mai và những món quà thuần Việt như chè, bánh khảo, bột sắn, bánh cốm. Cửa hàng ô mai Tiến Thịnh và 2 cửa hàng Tứ Xuyên, Gia Lợi là những gia đình tiên phong làm nghề sản xuất ô mai trên phố Hàng Đường. Mỗi nhà đều giữ cho mình một bí quyết riêng ở cách thức tẩm ướp, độ phơi khô của hoa quả, tạo nên sự độc đáo mang dấu ấn của mỗi cửa hiệu.

Ô mai Tiến Thịnh là một trong những gia đình tiên phong làm nghề sản xuất ô mai trên phố Hàng Đường. (Ảnh: Internet)

Hương vị của ô mai Hàng Đường rất đặc trưng, dù chua, cay, mặn hay ngọt thì đều đậm đà, lắng đọng ở đầu lưỡi và ngọt dịu ở cuống họng, khó có thể lẫn với ô mai ở những nơi khác. Người miền Nam thường thích các loại ô mai sấu như sấu bao tử, sấu dầm... còn người miền Bắc lại ưa những loại ô mai như cam thảo, gừng, chanh, mơ... để ngậm trong những ngày trời se lạnh.

Hà Nội có 12 mùa hoa và 4 mùa quả, đủ món ngon lành để tiếp đãi những vị khách phương xa, nhưng có lẽ ô mai là thứ đầu tiên mà nhiều người nghĩ tới khi muốn chọn làm quà. Ô mai không đắt đỏ nhưng lại được lòng từ người già đến trẻ nhỏ, dễ mua, dễ thưởng thức, dễ mang đi xa.

Ô mai là thức quà giúp cho người Hà Nội xa quê gợi nhớ về hương vị đậm đà của quê hương, giúp những du khách đến Hà Nội dù chỉ một lần cũng bồi hồi lưu luyến. Chắc hẳn không ai khi đến với Hà Nội mà lại không đem về vài hộp ô mai làm quà cho người thân, bè bạn. Không chỉ khách hàng trong nước biết đến ô mai Hàng Đường mà khách du lịch nước ngoài cũng thường đến đây để thưởng thức ô mai hoặc mua về làm quà. Thậm chí, ô mai Hàng Đường còn xuất khẩu sang một số nước khác.

Ô mai Hàng Đường là kỷ niệm đẹp về một vùng đất đã từng đặt chân đến. Dù có phô trương sau tủ kính của cửa hàng lớn, hay rong ruổi phố phường trên những mẹt hàng rong bình dị, cái mùi vị thơm thảo ấy khiến người ta khắc khoải. Để rồi cứ vào mỗi mùa quả chín, lòng lại thầm nhớ nhung thứ quà đơn sơ nơi đất Bắc.

"Phố ngọt" còn bởi vị ngọt đến từ tình yêu của những con người dành cho nghề truyền thống này. "Phố ngọt" còn bởi cái tình của những con người trên phố dành cho nhau. Cuộc sống hiện đại, tuy không còn nhiều vị ngọt của thức quà truyền thống xưa nữa nhưng chúng ta vẫn có thể tìm thấy sự hiện diện của "ngọt ngào" trong ký ức, trong những câu chuyện của nhiều người trên phố Hàng Đường và về phố Hàng Đường hôm nay.

Giờ đây trăn trở của những thế hệ nối nghiệp ô mai Hàng Đường là giữ lửa nghề, mong muốn con cháu giữ gìn nghề truyền thống.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nếu Hà Nội của ban ngày là một thành phố năng động với sự hối hả, vội vã và xô bồ thì khi màn đêm buông xuống, các con phố lại gần như được trở về với những gì vốn có, tĩnh lặng, trầm mặc và cổ kính.

Việc tạo tác cho những chiếc đồng hồ tinh xảo không chỉ là công việc, mà còn là sự kết hợp giữa nghệ thuật và sự đam mê và mỗi chiếc đồng hồ đều mang theo dấu ấn cá nhân và tâm huyết của người thợ chạm khắc.

Thời đại kinh tế phát triển, máy móc đã thay thế phần lớn sức người, nhưng vẫn có những gánh hàng rong kẽo kẹt giữa phố xá hiện đại. Có người nói vui rằng chừng nào Hà Nội còn "ngõ nhỏ, phố nhỏ" thì gánh hàng rong vẫn còn.

Trong cái nắng chiều thu, Hồ Gươm khoác lên mình lớp áo lấp lánh và diệu kì.

'Hà Nội có lẽ đẹp nhất về đêm', đây không chỉ là cảm xúc của riêng của chàng thanh niên trong ca khúc "Thu cuối", mà còn là cảm nhận của những người yêu thành phố này.

Nghệ nhân Lê Bá Chung (Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội) là một trong những người vực dậy làng nghề quỳ vàng duy nhất của cả nước, khôi phục nghề sơn son dát vàng sau hơn 50 năm bị mai một.