Ông Donald Trump thẳng tiến trên cuộc đua vào Nhà Trắng

Tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa ở Milwaukee, cựu Tổng thống Donald Trump đã chính thức chấp nhận đề cử của Đảng Cộng hòa để tranh chức tổng thống lần thứ ba.

Trong ngày thứ tư và cũng là ngày cuối cùng của Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa vào ngày 18/7 (giờ địa phương) tại Milwaukee, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu nhận đề cử của Đảng. Đây cũng là lần phát biểu trước công chúng đầu tiên của ông Trump kể từ khi sống sót sau một vụ ám sát hụt vào tuần trước, khi ông đang tham gia cuộc vận động tranh cử tại bang Pennsylvania.

Ông Trump kêu gọi sự đoàn kết đất nước

Liên tục trong những ngày diễn ra đại hội của Đảng Cộng hòa, ông Trump nhận được những tràng pháo tay ủng hộ. “Tối nay, với niềm tin và tinh thần cống hiến, tôi tự hào chấp nhận đề cử để tranh chức Tổng thống Mỹ”, ông Trump nói khi chấp nhận đề cử của Đảng Cộng hòa.

Ông Donald Trump xuất hiện tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa.

Ông Trump đã vượt qua nhiều đối thủ chính của Đảng Cộng hòa để giành được đề cử của đảng này, bất chấp việc ông là cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án trọng tội hồi tháng 5.

Trong bài phát biểu, ông Trump đã nhấn mạnh đến thông điệp đoàn kết đất nước.

Ông nói: "Tôi đứng trước các bạn tối nay với thông điệp về sự tự tin, sức mạnh và hy vọng. Bốn tháng nữa, chúng ta sẽ có một chiến thắng đáng kinh ngạc và chúng ta sẽ bắt đầu bốn năm vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước. Cùng nhau, chúng ta sẽ khởi động một kỷ nguyên mới an toàn, thịnh vượng và tự do cho công dân thuộc mọi chủng tộc, tôn giáo, màu da và tín ngưỡng".

"Chúng ta phải hàn gắn sự bất hòa và chia rẽ trong xã hội. Là người Mỹ, chúng ta gắn kết với nhau bởi một số phận duy nhất, số phận chung. Chúng ta phải cùng nhau vươn lên, nếu không chúng ta sẽ tan vỡ. Tôi tranh cử để trở thành tổng thống cho tất cả nước Mỹ, chứ không phải một nửa nước Mỹ, bởi vì không có chiến thắng nào cho một nửa nước Mỹ", ông Trump tuyên bố.

Trong bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa ra những lời hứa cho nhiệm kỳ thứ hai nếu ông đắc cử, bao gồm giảm chi phí hàng hóa và khí đốt, mang lại nhiều việc làm và đảm bảo an ninh biên giới.

Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Trump đã thuật lại vụ ám sát bất thành hôm 13/7 (theo giờ địa phương).

Ông Donald Trump hôn lên mũ đồng phục của lính cứu hỏa Corey Comperatore.

Giữa bài phát biểu, ông Trump bước xuống bục, tiến lại gần và hôn lên mũ đồng phục của lính cứu hỏa Corey Comperatore được đặt sẵn ở đó cùng với trang phục cứu hỏa. Ông Comperatore, 50 tuổi, là người trên khán đài trong buổi vận động tranh cử hôm 13/7 của ông Trump và đã thiệt mạng do trúng đạn.

Ông Trump thông báo rằng trong vài ngày qua, họ đã quyên góp được 6,3 triệu USD cho gia đình các nạn nhân vụ nổ súng.

Ông Trump ngày càng nhận được sự ủng hộ

Theo các chuyên gia, vụ ám sát hụt có thể sẽ tiếp tục khiến cán cân ủng hộ nghiêng sâu hơn về phía ông Trump, đặc biệt vào thời điểm ông đang có nhiều lợi thế sau đêm tranh luận với người kế nhiệm Joe Biden hồi tháng trước, theo kết quả của nhiều cuộc thăm dò dư luận. Trước đó, năm 1981, Tổng thống Ronald Reagan - vốn có xuất thân từ Đảng Cộng hòa, đã may mắn thoát chết trong một vụ nổ súng tương tự.

Tỷ lệ ủng hộ ông Reagan đã tăng thêm 22 điểm phần trăm trong các cuộc thăm dò dư luận sau vụ ám sát hụt. Ông Trump cũng hoàn toàn có thể thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm nay. Chính điều này làm giảm bớt sự bấp bênh liên quan đến bầu cử Tổng thống Mỹ.

Giám đốc đầu tư Nick Ferres của công ty Vantage Point Asset Management nhận định.

Tại Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa ngày 16/7, bà Nikki Haley và ông Ron DeSantis - từng là đối thủ hàng đầu của ông Trump trong thời gian tranh cử - đã thể hiện sự ủng hộ đối với cựu tổng thống.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikkey Haley phát biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa

Bà Nikki Haley là cựu Thống đốc bang South Carolina và là cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc. Hồi tháng 5 vừa qua, sau khi bà dừng chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, bà Haley tuyên bố sẽ ủng hộ và bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Tại đại hội trên, bà Haley đã kêu gọi những người ủng hộ bà bỏ phiếu cho ông Trump cho dù trước đó trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, bà từng lên tiếng công kích ông Trump.

Về phần mình, ông Ron DeSantis - Thống đốc bang Florida - cũng đã thể hiện sự ủng hộ đối với cựu Tổng thống Trump, trong khi đề cập đến vấn đề tuổi tác của ông Biden. Hồi tháng 1, ông Ron DeSantis đã tuyên bố từ bỏ cuộc đua trở thành ứng cử viên của Đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Mới đây, tỷ phú Elon Musk - người sáng lập công ty xe điện Tesla - cũng lên tiếng ủng hộ việc ông Trump tranh cử Tổng thống Mỹ. Tạp chí Wall Street Journal ngày 15/7 dẫn một số nguồn thạo tin cho biết tỷ phú Elon Musk cam kết đóng góp khoảng 45 triệu USD/tháng cho American PAC - một Uỷ ban hành động chính trị ủng hộ chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump.

Theo kết quả thăm dò ý kiến của 992 cử tri được đăng ký, tiến hành từ ngày 15 - 16/7, ông Trump giành được 43% tỷ lệ ủng hộ, trong khi tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Biden là 41%.

Ông Biden ngày càng bị đánh mất niềm tin

Vận may của hai ứng cử viên dường như đang đi theo quỹ đạo trái ngược nhau trước cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 5/11 tới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, 81 tuổi, đang phải ngừng chiến dịch vận động tranh cử và điều trị tại nhà ở Delaware sau khi mắc Covid-19. Bác sĩ cho biết, Tổng thống Biden đang gặp các triệu chứng nhẹ. Ông Biden nhiễm Covid-19 trong bối cảnh phải đối mặt với sự quay lưng ngày càng tăng từ các đảng viên Đảng Dân chủ. Họ thúc giục ông từ bỏ cuộc tranh cử để tránh một thất bại nặng nề. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tổng thống Biden phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các nhân vật quan trọng trong đảng về việc phải nhường lại vị trí sau màn tranh luận gây thất vọng với ông Trump ngày 27/6.

Một nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi là một trong những người đã nói với ông Biden rằng ông không thể giành chiến thắng vào tháng 11. Ngoài ra, lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer, hay lãnh đạo thiểu số Dân chủ ở Hạ viện Hakeem Jeffries đều đã bày tỏ lo ngại về khả năng đắc cử của ông Biden.

Báo Washington Post dẫn nguồn tin cho biết cựu Tổng thống Barack Obama nói với những người khác rằng ông Biden nên suy nghĩ lại về việc ứng cử của mình.

Ông Jeffries và Schumer đã trực tiếp trao đổi với ông Biden trong các cuộc họp riêng diễn ra gần đây, nhấn mạnh việc ông Biden tiếp tục tranh cử sẽ ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát lưỡng viện Quốc hội của Đảng Dân chủ trong năm tới. Trong những ngày gần đây, ông Obama trao đổi với các đồng minh rằng ông Biden cần nghiêm túc xem xét lại khả năng ứng cử.

Dan Mallison, giáo sư về chính sách công tại Đại học Pennsylvania cho biết mối lo ngại từ các lãnh đạo Đảng Dân chủ không chỉ là việc ông Biden có thể thua ông Trump mà còn là các thành viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội. Thậm chí cả các ứng cử viên cấp bang và địa phương sẽ thua nếu cử tri Đảng Dân chủ không đi bỏ phiếu vì họ không nhiệt tình với việc ông Biden tiếp tục tranh cử.

Tôi nghĩ cuộc thăm dò gần đây cho thấy 3/4 số người thuộc Đảng Dân chủ được hỏi muốn thấy ông Biden từ chức. Một lo ngại là những cử tri này sẽ ở ở nhà không đi bỏ phiếu hay họ định đi bỏ phiếu cho cựu Tổng thống Trump? Điều này sẽ cản trở tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ.

Dan Mallison, giáo sư về chính sách công tại Đại học Pennsylvania.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) quyết định ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant ngày 21/11 với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, hàng loạt các quan chức Mỹ đã có những phản ứng trái chiều trước vấn đề này.

Tân Hoa xã hôm 21/11 đưa tin, Cục địa chất tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc xác nhận một mỏ vàng khổng lồ với trữ lượng ước tính hơn 1.000 tấn đã được phát hiện ở miền nam Trung Quốc.

Đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD) của Đức xác nhận sẽ đề cử ông Olaf Scholz làm ứng cử viên thủ tướng vào ngày 25/11 tới.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chỉ định bà Pam Bondi, cựu Tổng chưởng lý bang Florida làm lãnh đạo Bộ Tư pháp thay thế ứng cử viên Matt Gaetz vừa rút lui.

Trái với phản ứng gay gắt của chính giới Israel cùng nhiều quốc gia đồng minh, nhiều quốc gia khu vực đã yêu cầu các bên nghiêm túc tuân thủ lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu do Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành.

Ngay sau khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ban bố lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người ở dải Gaza, giới chức Israel đã lập tức lên tiếng phản đối và chỉ trích gay gắt động thái của ICC.