Ông Trump giải quyết xung đột Nga - Ukraine như thế nào?
Quan điểm của ông Trump về xung đột Nga - Ukraine
Cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra từ tháng 2/2022 đã dẫn tới những thay đổi chưa từng có, tác động tiêu cực đến môi trường địa chính trị, an ninh và kinh tế toàn cầu. Trong gần ba năm xung đột, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine và luôn khẳng định rằng sẽ sát cánh cùng Kiev cho đến chừng nào có thể. Tuy nhiên, sự ủng hộ đó nhiều khả năng sẽ thay đổi sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Ông Trump là người vốn có quan điểm hoài nghi, nếu không muốn nói là phản đối việc Mỹ tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Theo giới quan sát, nhiệm kỳ tổng thống tới đây của ông Trump với chính sách “Nước Mỹ trên hết” sẽ có tác động quyết định đến cuộc chiến tiêu hao và nguy hiểm nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào thời điểm bấp bênh đối với Ukraine. Thời gian gần đây, Nga liên tục đạt được những bước tiến ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine, nơi Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn kiểm soát hoàn toàn. Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi mới đây trong một tuyên bố trên Telegram thừa nhận tình hình ở tiền tuyến “vẫn còn khó khăn”.
Trong khi đó, Mỹ - quốc gia ủng hộ quân sự lớn nhất cho Ukraine sắp tới sẽ được lãnh đạo bởi một người đã nhiều lần đe dọa sẽ rút lại sự ủng hộ, từng gọi ông Zelensky là “người bán hàng vĩ đại nhất” khi mỗi lần nhà lãnh đạo Ukraine đến Mỹ, ông ấy lại mang về hàng tỷ USD viện trợ từ Washington.
Ông Trump từng nhiều lần tuyên bố rằng xung đột Ukraine - Nga sẽ không bắt đầu nếu ông là tổng thống. Ông cũng thề sẽ chấm dứt cuộc chiến, thậm chí trước khi nhậm chức. Vào tháng 7, ông cho biết ông có thể giải quyết xung đột “chỉ trong 24 giờ”.
Tổng thống đắc cử Mỹ đã nhiều lần ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin trong khi không ít lần chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Mối quan hệ giữa ông Zelensky và ông Donald Trump vốn không tốt đẹp, đặc biệt sau cuộc điện đàm gây tranh cãi khiến ông Trump bị điều tra luận tội lần đầu tiên vào năm 2019.
Ngay sau khi biết ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Tổng thống Ukraine Zelensky đã gọi điện chúc mừng và cho biết ông đánh giá cao cam kết của ông Trump đối với “hòa bình thông qua sức mạnh”.
Đối với chúng tôi, việc lắng nghe những lời của Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ nói về “hòa bình thông qua sức mạnh” là vô cùng quan trọng. Và khi điều này trở thành nguyên tắc chính sách của vị Tổng thống thứ 47, nước Mỹ và toàn thế giới chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ điều đó.
Ông Volodymyr Zelensky - Tổng thống Ukraine.
Trong cuộc tranh luận tổng thống vào tháng 9 với Phó Tổng thống Kamala Harris, ông Donald Trump đã từ chối nói rằng ông cam kết Ukraine sẽ đánh bại Nga. Cuối tháng đó, ông gợi ý rằng Ukraine nên “nhượng bộ một chút” với Moscow, và phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử rằng “bất kỳ thỏa thuận nào, ngay cả thỏa thuận tồi tệ nhất, cũng sẽ tốt hơn những gì chúng ta đang có hiện nay”.
Chỉ vài ngày sau những bình luận đó, khi gặp ông Zelensky tại thành phố New York, ông Trump nhấn mạnh rằng ông sẽ nỗ lực để có được một thỏa thuận tốt cho “cả hai bên”.
Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt, và tôi cũng có mối quan hệ rất tốt, như bạn biết đấy, với Tổng thống Putin. Và tôi nghĩ nếu chúng tôi thắng, chúng tôi sẽ giải quyết được vấn đề rất nhanh chóng.
Ông Donald Trump – Tổng thống Mỹ đắc cử.
Thắng lợi của ông Trump khiến giới quan sát bày tỏ hoài nghi về sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine trong tương lai, cũng như khả năng chiến thắng của Kiev trong xung đột với Moscow.
“Kế hoạch hoà bình” tiềm năng của ông Donald Trump
Sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 năm 2025. Và cuộc xung đột ở Ukraine là một trong những vấn đề chính mà ông Trump có thể sẽ giải quyết ngay từ đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình, như lời ông từng tuyên bố. Theo giới quan sát, một kế hoạch hoà bình tiềm năng của ông Trump rất có thể sẽ thúc đẩy Kiev và Moscow đồng ý ngừng bắn dọc theo chiến tuyến hiện tại và sau đó bắt đầu đàm phán về một giải pháp lâu dài.
Các nguồn tin cho biết ông Trump đến nay vẫn chưa phê duyệt một kế hoạch cụ thể nào, bao gồm cả cách ông sẽ thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, các cố vấn của ông đã đưa ra một số ý tưởng.
Một trong số những ý tưởng đó, được ba người thân cận với Tổng thống đắc cử Mỹ nêu chi tiết, là Kiev cam kết sẽ không gia nhập NATO trong ít nhất 20 năm. Đổi lại, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để ngăn chặn một cuộc tấn công từ Nga trong tương lai.
Kế hoạch cũng sẽ đóng băng tiền tuyến và cả hai bên sẽ đồng ý về một khu phi quân sự. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không điều lực lượng quân sự để duy trì hòa bình ở khu vực này, thay vào đó sẽ tìm cách giao cho các đồng minh châu Âu.
Phản ứng về thông tin trên, phát biểu khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Budapest, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, đến nay, ông chưa nghe nói bất cứ chi tiết nào về kế hoạch của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhằm nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng tỏ ra gay gắt hơn khi phản đối ý tưởng ngừng bắn trong cuộc chiến mà Ukraine không nhận được các đảm bảo an ninh - điều mà Kiev cho rằng họ cần để ngăn Moscow tiến hành một cuộc tấn công thậm chí còn lớn hơn nhằm vào Ukraine trong tương lai.
Xung đột Ukraine có thể kết thúc trong điều kiện nào?
Đến nay, vẫn chưa có thông tin chi tiết nào về cách ông Donald Trump sẽ thực hiện kế hoạch chấm dứt xung đột. Và vẫn chưa rõ liệu nó có thể thành công như thế nào trong tương lai gần. Hơn hết, ông Trump cũng sẽ chưa thể sớm thực hiện lời hứa của mình trước khi chính thức nắm giữ quyền lực vào tháng 1 năm tới. Mặt khác, để một thỏa thuận có hiệu quả - ngay cả trong ngắn hạn, ông Trump cũng cần có được “cái gật đầu” của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga vẫn đang liên tiếp đạt được tiến triển ở Donbass và đẩy lùi cuộc tấn công của Ukraine ở tỉnh biên giới Kursk, ông Putin hiện không chịu bất kỳ áp lực nào để chấp nhận một thỏa thuận không có lợi cho Nga.
Phản ứng về đề xuất đóng băng xung đột, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ chính phủ Nga không coi trọng những đồn đoán của giới truyền thông về việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dự định chấm dứt xung đột ở Ukraine như thế nào, cho rằng đó dường như là kế hoạch của tờ Thời báo Phố Wall mà thôi.
Giới chức Nga khẳng định rằng sẽ không chấp nhận bất kỳ kịch bản đóng băng xung đột ở Ukraine nào thay vì giải quyết các nguyên nhân cốt lõi. Một trong các vấn đề cốt lõi, theo Moscow là Ukraine phải cam kết không gia nhập NATO, duy trì vị thế trung lập.
Ngày 7/11, tức một ngày sau khi ông Donald Trump tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, Tổng thống Vladimir Putin đã gửi thông điệp chúc mừng ông Trump, trong đó nhà lãnh đạo Nga khẳng định sẵn sàng đối thoại với Tổng thống đắc cử Mỹ.
Nếu bất kỳ ai trong số các nhà lãnh đạo phương Tây muốn nối lại liên lạc, tôi luôn nói rằng chúng tôi không phản đối điều đó. Như bạn muốn, chúng ta hãy nối lại liên lạc và tổ chức các cuộc thảo luận. Chúng tôi đã sẵn sàng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Putin cho hay ông sẵn sàng nhận một cuộc điện thoại từ Tổng thống đắc cử Trump, song nhấn mạnh “sẽ không chủ động gọi trước”.
Trong khi đó, tờ Bưu điện Washington ngày 10/11 dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, ngay trong ngày 7/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và đề nghị nhà lãnh đạo Nga “không leo thang” xung đột, nhắc nhở ông về sự hiện diện quân sự đáng kể của Mỹ ở châu Âu. Ngoài ra, ông Trump và ông Putin còn nói về “mục tiêu hòa bình trên lục địa châu Âu”, trong đó Tổng thống đắc cử Mỹ bày tỏ sự quan tâm đến các cuộc trò chuyện tiếp theo để “sớm giải quyết cuộc chiến ở Ukraine”.
Theo giới quan sát, về mặt giả thuyết, chấm dứt xung đột là điều có thể. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là trong điều kiện nào và ai sẽ được tuyên bố là người chiến thắng.
Ở giai đoạn hiện nay, tập thể phương Tây, trong đó có cả ông Trump, sẽ hoàn toàn không thoải mái khi kết thúc các cuộc chiến theo các điều khoản của Nga, bởi điều đó đồng nghĩa với việc chấp nhận một thất bại chính trị cho Mỹ và các đồng minh của họ trong cuộc xung đột. Nói cách khác, mọi thứ mà Washington và Brussels đã làm bao lâu nay đều là vô ích và không có tác động quân sự - chính trị nào. Do đó, không có lý do gì để tin rằng chính quyền mới ở Mỹ sẽ đi theo con đường này. Sau cuộc rút quân hỗn loạn ở Afghanistan, điều này có thể một lần nữa gây tổn hại đến uy tín chính sách đối ngoại của Washington.
Có một số rủi ro liên quan đến ông Trump. Đầu tiên là ông Trump sẽ khởi xướng các cuộc đàm phán về việc chấm dứt chiến tranh. Ông ấy muốn có kết quả nhanh chóng, và có nguy cơ là một số nhượng bộ có thể được đưa ra cho Nga. Nhưng tôi không nghĩ rằng Trump sẽ chỉ đồng ý hòa bình theo các điều khoản của Nga, vì điều này sẽ giống như một thất bại đối với Mỹ, và các cố vấn của ông ấy, thậm chí cả chính ông ấy, đều hiểu điều này.
Ông Volodymyr Fesenko - Nhà phân tích chính trị Ukraine.
Trong bối cảnh ấy, theo giới quan sát, nếu thực sự muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine, thì ông Trump sẽ phải định hình cuộc xung đột theo cách để Nga không thắng, bất chấp thực tế là Moscow đã giành được lãnh thổ - còn Ukraine cũng không thua - tức là họ vẫn bảo vệ được nền độc lập và chủ quyền của mình.
Và trong vấn đề này, điều quan trọng đối với phương Tây là Kiev phải là người đầu tiên tuyên bố mong muốn chấm dứt xung đột vũ trang theo những điều khoản như vậy, để đó không phải là sáng kiến hoàn toàn của phương Tây.
Tương lai gần sẽ cho thấy liệu ông Trump có thể giải quyết những mâu thuẫn hiện tại này theo cách hiệu quả như vậy hay không, để khiến cho phương Tây có vẻ như không thua, Nga không thắng và Ukraine không bị đánh bại. Tất nhiên, điều đó sẽ không xảy ra trong vòng 24 giờ, ngay cả với trí tưởng tượng tuyệt vời nhất.
Điều mà vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ chắc chắn có trong kho vũ khí của mình là đòn bẩy kinh tế và quân sự đối với cả hai bên tham chiến. Trong khi ông Trump có thể đe dọa cắt mọi sự ủng hộ cho Kiev để đưa Tổng thống Ukraine Zelensky ngồi vào bàn đàm phán, thì ông cũng có thể gây áp lực lên Moscow bằng cách áp thêm các lệnh trừng phạt, đồng thời cân nhắc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine và xóa bỏ mọi hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí của Mỹ và đồng minh, bao gồm cả các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.
Điều này khiến Nga khó có thể giành được một chiến thắng trong tương lai gần, đồng thời có thể đảo ngược một số thành quả gần đây mà Moscow đã đạt được ở miền Đông Ukraine. Nói cách khác, Nhà Trắng rõ ràng có các lựa chọn để gây áp lực cho các bên trong cuộc xung đột.
Trong bối cảnh hiện nay, câu hỏi được đặt ra là liệu Moscow có đồng ý với các đề xuất của ông Trump hay không? Và liệu trong thời gian còn lại trước ngày 20 tháng 1, Điện Kremlin có tuân thủ chính sách “việc đã rồi”, theo đó quyết tâm giành chiến thắng trực tiếp trên chiến trường, để định hướng tình hình theo hướng có lợi hơn cho mình hay không?
Chưa rõ ông Donald Trump sẽ có cách tiếp cận như thế nào và đưa ra quyết định gì để giải quyết xung đột, nhưng theo giới quan sát, kỳ vọng về việc ông thúc đẩy chấm dứt chiến tranh có thể sẽ dẫn đến việc leo thang xung đột, khi cả Moscow và Kiev đều muốn có được vị thế mặc cả tốt hơn trước bất kỳ cuộc đàm phán nào. Và dù cho nỗ lực của cả hai bên có đạt được kết quả ra sao, thì đó cũng không phải là điềm lành cho cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đang âm ỉ ở Ukraine.
Hạ viện Nga mới đây đã thông qua mức tăng chi tiêu quốc phòng cao kỷ lục cho năm 2025, tương đương hơn 6% GDP.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp tục xây dựng đội ngũ nhân sự trong chính quyền mới với việc thông báo hàng loạt đề cử ở nhiều vị trí. Đáng chú ý trong lần đề cử này, ông Trump chọn tỷ phú Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới vào Ukraine chính là thông điệp gửi tới phương Tây trước những hành động gây hấn vừa qua.
Trong bối cảnh đàm phán ngừng bắn chưa có thêm tiến triển mới, hôm 22/11, quân đội Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công ác liệt nhằm vào nhau.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kêu gọi hiện đại hóa trang thiết bị quân sự và phát triển vũ khí tối tân, trong khuôn khổ triển lãm vũ khí "Phát triển Quốc phòng 2024" được khai mạc tại Thủ đô Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng khí hậu Brazil Marina Silva cho biết, các cuộc đàm phán tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) vẫn kéo dài hơn dự kiến và sẽ tiếp tục cho tới khi các bên đạt được thoả thuận tại Baku, Azerbaijan.
0