Phải đi bao xa ta mới chạm tới hạnh phúc?

Cùng trải qua chìm nổi trong đời có người an nhiên, có người ai thán. Thước đo hạnh phúc chẳng là của chung khiến ta cứ đau đáu một câu hỏi, phải đi bao xa ta mới chạm tới hạnh phúc? Chiều nay, Hường mời bạn nghe những dòng cảm xúc của Thùy Linh.

Thế gian rộng lớn vô vàn người trần mắt thịt luôn chiếm phần hơn, vậy nên mới có tham - sân - si. Đó cũng là nguồn cơn khiến đa số chúng ta định nghĩa và đo lường hạnh phúc bằng những giá trị vật chất như thu nhập phải cao, tiền bạc phải nhiều, nhà cửa phải sang, áo quần phải xịn… Để khi không đạt được những tiêu chuẩn vật chất ấy, ta than thân trách phận và cho rằng mình bất hạnh, hạnh phúc cách mình quá xa.

Hồi du học ở nước ngoài, tôi chơi thân với một cô bạn tên Ngọc. Kỳ thực tính tình và sở thích của hai đứa khác nhau vạn dặm nhưng vì cùng một kiểu người nên thành ra thân thiết. Chúng tôi đã luôn nhìn đời qua lăng kính màu xám, thấy chưa đủ dù không chắc liệu mình có cần nhiều hơn và sẽ ủ rũ âu lo khi ly nước chỉ còn một nửa. So với một số du học sinh khác, chúng tôi may mắn hơn rất nhiều khi có người nhà hậu thuẫn, chu cấp từ học phí đến tiền tiêu vặt. Nhưng lúc nào ngồi lại với nhau, chúng tôi cũng thở than sao mình bất hạnh quá.

Ảnh minh họa

Ngược lại với tôi và Ngọc, Tuyền là du học sinh hơn tôi một khóa. Chị xuất thân từ một gia đình làm nông ở miền Tây nghèo khó. Cả họ chắt chiu từng đồng để lo cho chị sang nước ngoài hòng đổi đời nhưng cũng chỉ lo được học phí năm đầu. Để có thể tiếp tục theo đuổi tri thức, chị Tuyền buộc phải chi tiêu dè sẻn và tất bật với các công việc làm thêm. Thậm chí chị phải làm chui, làm lén với đồng lương ít ỏi do chưa đủ tuổi lao động hợp pháp theo luật nước ngoài.

So với gia cảnh và chất lượng sinh hoạt, điểm khác biệt lớn nhất giữa chúng tôi và chị Tuyền là ở thái độ dành cho cuộc sống. Chị Tuyền lúc nào cũng cười. Chị gặp chuyện vui hay học hành vất vả, có khi một lúc cáng đáng hai, ba công việc làm thêm chị vẫn cười. Trong đáy mắt chị dường như luôn lấp lánh một thứ ánh sáng mãnh liệt mang tên hy vọng. Đường đời nhiều gian nan, chị Tuyền luôn có cách tìm ra những đóa hoa tích cực, lạc quan ven đường để vững chân bước tiếp. Chị nói chị biết ơn tất cả những điều dù tốt hay xấu đã tạo nên chị của ngày hôm nay. Và chị thấy hạnh phúc.

Có những người như vậy, họ dường như chẳng cần mải miết đeo đuổi hay tìm kiếm đâu xa mà hạnh phúc vẫn luôn nằm gọn trong tầm tay.

Có lẽ việc đau đáu tính xem phải đi bao xa mới chạm tới hạnh phúc ngay từ ban đầu đã là sai. Hạnh phúc không phải thứ mà ta cần trèo lên những vị trí quyền lực, những khu nhà cao cấp hơn là có thể đạt được. Hạnh phúc chỉ đơn giản là ly cocktail được pha trộn từ hỗn hợp cảm xúc mang tên tích cực, lạc quan và biết đủ. Mà những nguyên liệu này, ta có thể dễ dàng ươm trồng và dung dưỡng trong tâm hồn khi thay đổi cách nghĩ, cách nhìn nhận mọi việc.

Hạnh phúc chỉ đơn giản là ly cocktail được pha trộn từ hỗn hợp cảm xúc mang tên tích cực, lạc quan và biết đủ. Ảnh minh họa

Hóa ra chúng ta quyền năng hơn chúng ta tưởng, đủ để quyết định cuộc đời mình hạnh phúc hay bất hạnh. Điều đáng tiếc là có những người chưa đủ thông suốt để nhận ra quyền năng của mình, hay chưa đủ mạnh mẽ để nắm lấy quyền năng ấy. Nhưng chỉ cần chúng ta biết chính mình mới có khả năng tạo ra sự thay đổi thì dẫu có muộn màng hay khó khăn, ta luôn có thể sở hữu một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Giờ thì câu trả lời cho câu hỏi phải đi mất bao xa ta mới tới được hạnh phúc đã sáng rõ hơn bao giờ hết. Chúng ta chỉ cách hạnh phúc có một suy nghĩ mà thôi./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong ký ức của một người xa Thủ đô, Hà Nội là những hàng cây xanh mát hai bên đường, những sạp báo, những bác xích lô ngồi đợi khách. Và nỗi nhớ Hà Nội đọng lại trong một ly trà ấm nóng, phảng phất khói bay trong một chiều hoàng hôn.

Có một loại lá, khi được chế biến thành món ăn, lúc ban đầu, ta cảm nhận vị đắng nhẹ, nhưng càng nhai kĩ càng thấy vị ngọt bùi của lá. Không biết đó có phải là một sự hồi đáp thử thách lòng người của một loài cây, hay lá muốn gửi gắm một thông điệp: Có đắng cay mới thấy ngọt bùi?

Sáng hè thành phố, người đầy mồ hôi và bẹp dí xuống giường. Có người cố ngủ nướng cũng chẳng xong. Cái nóng hầm hập xuyên qua lớp tường dày, len lỏi vào từng tế bào trên cơ thể.

Có một cô gái đến Hà Nội hai lần nhưng lần nào cũng vội. Vội đến nỗi chưa kịp đi cho hết chiều dài niềm thương thì đã phải chia tay. Nhưng chính trong sự vội vã đó cô nhận ra những chân tình, lại như khơi lên trong cô một nỗi mong ước...

Mưa đã tạnh từ lâu, ngọn nến thơm trên bàn chuyển động khẽ khàng theo từng luồng khí mơn man trong căn phòng mở toang ô cửa.

Có một cô gái từng mua một cuốn sách với tựa đề “Mình phải sống như biển rộng sông dài”. Nội dung trong sách đã nằm lại đâu đó trong góc khuất của ký ức, chỉ có tiêu đề cứ khiến cô phải suy nghĩ mãi bởi lẽ, người với người, quả thực tồn tại như những dòng chảy giao nhau.