Phải xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng | Hà Nội tin mỗi chiều

Chuyển khoản trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học; Phát triển văn hóa đọc qua mô hình thư viện lưu động... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Chuyển khoản trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học

Theo nhận định của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA), Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ lừa đảo qua mạng cao, đã ghi nhận 87.000 vụ lừa đảo. Tính riêng trong năm 2021, các nạn nhân thiệt hại 374 triệu USD, tương đương 4.200 USD mỗi vụ lừa đảo. Loại lừa đảo phổ biến nhất là gian lận thanh toán không được phép của chủ tài khoản (nghĩa là chủ tài khoản bị lấy cắp thông tin). Kiểu lừa đảo này xảy ra khi tội phạm lấy được thông tin đăng nhập của khách hàng hoặc đã lén lấy thông tin xác thực khách hàng trước đó. Từ đó, tội phạm giành được quyền truy cập tài khoản khách hàng và thực hiện giao dịch mà chủ tài khoản không hay biết.

Để ngăn chặn tình trạng này, từ ngày 1/7/2024, người nào muốn chuyển tiền trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng thì phải xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay. Ngân hàng Nhà nước đặt ra yêu cầu này trong Quyết định số 2345 về áp dụng giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán qua thẻ ngân hàng.

Ảnh minh họa

Công nghệ sinh trắc học (Biometric) là cách thức nhận diện và xác minh cá nhân thông qua các đặc điểm sinh học như dấu vân tay, mẫu mống mắt, giọng nói, hình ảnh khuôn mặt... Dấu hiệu sinh trắc học có thể được xác định bằng dữ liệu sinh trắc học lưu trong chip của căn cước công dân, tài khoản Vn-eID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng.

Đánh giá về đề xuất này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc chuyển khoản tiền bằng xác thực sinh trắc học an toàn và hiệu quả. Bởi lẽ, việc sử dụng mật khẩu để xác thực đã lỗi thời, nhiều người tiêu dùng thậm chí còn quên mật khẩu của mình trong khi xác thực sinh trắc học trong thanh toán có nhiều ưu điểm mới và an toàn hơn.

Tuy nhiên, việc chỉ quy định giao dịch bắt buộc xác thực sinh trắc học từ 10 triệu đồng là chưa hợp lý. Bởi nếu cho rằng cần phải xác thực với những giao dịch có số tiền lớn thì 10 triệu đồng chưa phải là số tiền quá lớn; còn nếu coi tiền là một giá trị thì mọi con số đều có giá trị. Hơn nữa, việc xác thực sinh trắc học rất an toàn, tiện lợi và dễ sử dụng, vì vậy khi đã triển khai thì  nên quy định với mọi giao dịch, không kể số tiền là bao nhiêu.

Với việc xác thực sinh trắc học thì người mở tài khoản và người thực hiện giao dịch phải là một. Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho một số tổ chức tín dụng, nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng và xã hội, bảo vệ an toàn tiền gửi của người dân thì việc này bắt buộc phải làm. Với các giá trị giao dịch lớn, kẻ gian sẽ mất thời gian để chuyển tiền khỏi tài khoản của khách hàng và “chỉ có thể vào mà không thể ra” do phần lớn các tài khoản nhận tiền là không chính chủ. Như vậy, ngân hàng vẫn có cơ hội giữ lại tài sản mà kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt để có cơ hội hoàn trả cho người dùng bị kẻ gian lợi dụng.

Hiện nay, công nghệ sinh trắc học đã được áp dụng tại nhiều ngân hàng. Công nghệ này giúp hàng triệu khách hàng rút ngắn thời gian mở tài khoản với những thao tác đơn giản để đăng ký thông tin cá nhân và nhận diện khuôn mặt.

Tuy nhiên, đầu tư vào sinh trắc học cần có lộ trình cụ thể. Bởi, triển khai sinh trắc học đồng nghĩa với việc ngân hàng phải có trách nhiệm bảo mật thông tin cho khách hàng, việc giữ an toàn cho hệ thống của ngân hàng sẽ phải nâng lên

Phát triển văn hóa đọc qua mô hình thư viện lưu động

Nhằm liên tục đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động phục vụ, đưa tri thức đến cộng đồng với hình thức thú vị, hấp dẫn hơn, Hà Nội đang triển khai thí điểm mô hình mới là tổ chức thư viện lưu động tại không gian công viên, vườn hoa. Thư viện Hà Nội chủ trì tổ chức mô hình thí điểm thư viện lưu động tại không gian công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố, theo Kế hoạch số 695 ngày 17/10/2023 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc tổ chức hoạt động Thư viện lưu động năm 2023.

Bên cạnh phục vụ bạn đọc tại hai cơ sở cố định (số 47 phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm và số 2B phố Quang Trung, quận Hà Đông), Thư viện Hà Nội đã tích cực tổ chức chương trình thư viện lưu động đến các trường học, thôn, tổ dân phố, phòng đọc cơ sở, khu công nghiệp, trại giam… Gần đây, là mô hình thư viện lưu động mới phục vụ bạn đọc tại công viên, vườn hoa. So với thư viện truyền thống, mô hình thư viện lưu động có cách thức phục vụ linh hoạt. Người dân, đặc biệt là các em thiếu nhi được đọc sách tại một không gian mở, sẽ có một trải nghiệm thú vị sau những giờ học trên lớp.

Thư viện lưu động phục vụ độc giả vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Mỗi chuyến phục vụ, Thư viện Hà Nội chuẩn bị từ 700 đến 1.000 bản sách, trong đó ưu tiên sách về kỹ năng sống, bách khoa thư, sách tham khảo, văn học, sức khỏe, nấu ăn… hướng tới độc giả là học sinh và người lớn tuổi. Bên cạnh phục vụ đọc sách, các cán bộ thư viện còn hướng dẫn độc giả kỹ năng đọc, lựa chọn sách phù hợp. Hàng nghìn tựa sách bổ ích được người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hào hứng đón nhận, tìm hiểu để mở mang kiến thức, thêm yêu thích đọc sách.

Thư viện lưu động được tổ chức tại Vườn hoa Lý Tự Trọng (quận Tây Hồ) thu hút đông đảo bạn đọc. Ảnh: Hanoimoi

Khi những hoạt động trải nghiệm mang tính cộng đồng tại các địa phương vẫn yếu và thiếu, mô hình thư viện lưu động được kỳ vọng sẽ là không gian văn hóa thú vị với nhiều người. Nếu phối hợp thực hiện tốt, đây có thể thành một chương trình mang tính dài hơi, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, trở thành một điểm hẹn sinh hoạt cuối tuần - một điểm đến tri thức cho người dân.

Những hoạt động này cũng sẽ giúp các đơn vị xuất bản đến gần hơn với công chúng, bởi những hội sách được tổ chức trong vài ngày chưa tiếp cận được hết các đối tượng độc giả do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.

Việc tổ chức thư viện phục vụ miễn phí tại các địa điểm công cộng sẽ giúp đưa sách tiếp cận nhiều đối tượng độc giả hơn, từ đó họ có thể tìm hiểu và đến thư viện đọc thêm sách. Hiệu quả của việc đọc sách trong không gian vườn hoa, công viên chưa chắc cao so với thư viện hay phòng đọc sách, nhưng hình ảnh này chắc chắn có tác động đến nhiều người, như là một cách quảng bá, cổ vũ cho việc đọc sách.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Người Hà Nội yêu hoa bằng lăng hơn vàng; Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền số; Sau trận mưa lớn kéo dài ngày 12/5, nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu và gây sạt lở đất ở Ba Vì… là những nội dung số trong chương trình hôm nay.

Tỷ lệ chọi lớp 10 công lập ở Hà Nội cao nhất 1/3,1; Hà Nội thí điểm quản lý thuế kinh doanh thương mại điện tử tại quận Hoàn Kiếm; Việt Nam được đề cử ở nhiều hạng mục của World Travel Awards 2024… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Bãi giữa sông Hồng sẽ thành công viên văn hóa; Bộ phận một cửa các cấp ở Hà Nội triển khai không dùng tiền mặt từ 1/6; Điểm mới trong công tác đăng ký và quản lý phương tiện xe ở Hà Nội… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Kinh doanh qua mạng hết thời trốn thuế; Con người là trung tâm để phát triển đồng bằng sông Hồng; Người điều khiển xe máy chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất trong tai nạn giao thông... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội dự kiến dành hơn 17 nghìn tỷ đồng để mở rộng gấp đôi đường Láng, giải bài toán ùn tắc Ngã Tư Sở; Hà Nội sẽ có bản đồ số về ngập lụt để cảnh báo cho người dân; Hơn 2.000 viên thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ giảm cân bị làm giả một cách tinh vi vừa bị lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội phát hiện thu giữ… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Lần đầu tiên Việt Nam ghép tạng thành công cho bệnh nhân suy gan tối cấp, sự sống tính bằng giờ; Mỗi năm Việt Nam cần hàng nghìn tỷ đồng để điều trị cho tất cả các bệnh nhân Thalassemia; Giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt 15 tỷ đồng của người phụ nữ Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.