Phạt tới 500 triệu nếu để lộ thông tin cá nhân | Hà Nội tin mỗi chiều
Bộ Công an đề xuất phạt tới 500 triệu đồng nếu để lộ thông tin cá nhân
Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân đang rất phổ biến, công khai trên mạng. Việc mua bán dữ liệu cá nhân không chỉ diễn ra đơn lẻ giữa các cá nhân mà có sự tham gia có tổ chức của các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng và cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân của khách hàng. Bên cạnh đó, việc buôn bán thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân được tổ chức có hệ thống, thậm chí có bảo hành và khả năng cập nhật dữ liệu.
Nguyên nhân là vì nhận thức về bảo vệ thông tin cá nhân rất kém; chủ thể thông tin bất cẩn, cung cấp tùy tiện kể cả trên mạng xã hội. Thêm nữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thu thập nhiều nhưng không bảo vệ an toàn thông tin. Chưa kể còn chia sẻ trái phép thông tin cho bên thứ ba. Nguyên nhân nữa là hành vi lừa đảo trực tuyến gia tăng, các đối tượng xấu tìm mọi thủ đoạn thu thập bất hợp pháp thông tin cá nhân. Các hệ thống thông tin thu thập, xử lý, lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng không bảo đảm an toàn dễ bị tấn công, khai thác.
Lộ thông tin cá nhân nhất là số điện thoại di động, tên tài khoản trên các mạng xã hội Facebook, Instagram… khiến người sử dụng gặp rắc rối vì tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo. Kẻ xấu sẽ sử dụng ảnh thật của người dùng tạo nên những tài khoản giả mạo để đi lừa chính bạn bè, người thân của họ. Những thông tin trên ảnh như tên của con, tên cơ sở giáo dục, khu nội trú, thẻ xe đưa đón con… cũng có thể trở thành thông tin hữu ích đối với tội phạm. Tội phạm mạng có thể sử dụng những thông tin do chính chủ tự nguyện cung cấp hoặc bằng cách nào đó thu thập được để đe dọa tống tiền, bắt cóc hoặc lừa người sử dụng chuyển tiền vào tài khoản của tội phạm.
Bộ Công an đề xuất mức phạt đến 500 triệu đồng đối với hành vi để lộ thông tin cá nhân của từ 1 đến 5 triệu người. Nếu lộ thông tin cá nhân của 5 triệu công dân Việt Nam trở lên thì phạt theo phần trăm doanh thu của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Phú Lương - Phó trưởng phòng Giám sát an toàn thông tin, Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin - Truyền thông việc bảo vệ dữ liệu người dùng là mấu chốt để giải quyết vấn đề an toàn thông tin, lừa đảo trực tuyến và ngăn chặn tại nguồn các cuộc tấn công mạng. Bởi không có thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng, đối tượng lừa đảo sẽ không có cơ hội tiếp cận để trao đổi, gửi thông tin lừa đảo đến người dùng một cách khá chính xác như hiện nay.
Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại tới 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP
Đây là số liệu vừa được Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đưa ra tại hội thảo phòng chống lừa đảo trên không gian mạng ngày 13/5. Chỉ trong năm 2023, trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến.
Phương thức, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi. Chúng sử dụng công nghệ deepface giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng gọi điện; kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán.
Đối tượng mà tội phạm lừa đảo qua mạng hướng tới chủ yếu là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp, thậm chí cả trẻ em. Hoạt động của các đối tượng phạm tội rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể. Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, trú chân tại địa bàn các nước láng giềng, lừa đảo, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ đưa người Việt Nam ra nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, công tác phòng chống lừa đảo trên không gian mạng còn nhiều khó khăn như: hành lang pháp lý chưa điều chỉnh theo kịp với các vấn đề mới phát sinh, chưa có quy định cụ thể về nhận diện người dùng Internet, dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em. Trong khi 1/3 người dùng Internet tại Việt Nam là chưa thành niên, phần lớn không có kỹ năng sử dụng mạng an toàn. Quy trình xử lý các vụ việc lừa đảo còn tồn tại một số khó khăn nhất là phối họp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để truy vết dòng tiền lừa đảo mất nhiều thời gian, hiệu quả thu hồi kém; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng mất nhiều thời gian và hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực an ninh mạng thiếu hụt; vấn đề sim rác, mua bán tài khoản ngân hàng tuy đã được tập trung xử lý, song vẫn còn tràn lan khiến hoạt động điều tra tội phạm gặp nhiều khó khăn.
Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công An, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết, lừa đảo trên không gian mạng thời gian qua diễn biến phức tạp gây thiệt hại nghiêm trọng cho tổ chức, cá nhân. Và tác động tiêu cực đến sự phát triển, đòi hỏi cần sớm có đánh giá toàn diện, thấu đáo để có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hữu hiệu.
Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chia sẻ, trước phương thức thủ đoạn tinh vi của các đối tượng chiếm đoạt tài sản qua mạng, A05 đề xuất ba giải pháp. Một là tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, với thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng. Hai là triển khai đa dạng các hình thức, nội dung tuyên truyền, kêu gọi sự tham gia sâu rộng của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Ba là tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, xóa bỏ các nguyên nhân, điều kiện tội phạm lừa đảo.
Cùng quan điểm, ông Trần Quang Hưng Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số Bộ thông tin truyền thông cho rằng các tổ chức, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ người dân, khách hàng thông qua việc định danh người dùng, tăng cường quản lý, rà soát thông tin trên không gian mạng. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai nhiều giải pháp tổng thể, trong đó có việc hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo đảm an toàn thông tin mạng, an toàn giao dịch điện tử. Đáng chú ý, sắp tới người dân sẽ được cấp miễn phí phần mềm phòng, chống lừa đảo.
Xuất khẩu nông sản đã mang về cho ngành Nông nghiệp Thủ đô hơn 1,35 tỷ USD
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, Hà Nội đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả và có 4 cơ sở đóng gói với công suất mỗi cơ sở từ 30 đến 50 tấn/ngày để phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, Hà Nội còn nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu như hơn 7.000ha lúa Japonica; hơn 5.000ha rau an toàn; 3.200ha chuối tiêu hồng; 50ha rau hữu cơ và nhiều sản phẩm chế biến có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, nông sản Hà Nội khá phong phú, có thể đáp ứng được yêu cầu để xuất khẩu. Song bài toán hiện nay là quy hoạch và công nghệ.
Theo PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả thì nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa hẳn là nông nghiệp thông minh. Nhưng nông nghiệp thông minh phải dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao. Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi và rất phù hợp để ứng dụng nông nghiệp thông minh nhưng hiện vẫn loay hoay với những cơ chế, chính sách và những khoản đầu tư chưa tới.
Công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn những hạn chế. Cụ thể là số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này còn ít, quy mô vừa và nhỏ. Thiết bị máy móc của các cơ sở chế biến chủ yếu là bán tự động; công nghệ dây chuyền tự động mới chiếm khoảng 15%. Trong khi đó, hệ thống bảo quản các sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản của Hà Nội còn khiêm tốn. Toàn thành phố hiện có 113 kho lạnh nhưng mới có 7 kho lớn.
Nông sản Hà Nội kỳ vọng sẽ tháo được nút thắt này khi Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô được dự kiến thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới đây. Theo đó, quy hoạch nông nghiệp sẽ thiết lập không gian phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị; nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Đây là vùng sản xuất với quy mô vừa, phù hợp quỹ đất của Hà Nội, song đi liền là ứng dụng công nghệ trong quá trình canh tác, sơ chế, chế biến để xuất khẩu. Đây được đánh giá là chìa khóa để tháo gỡ nút thắt hiện nay cho xuất khẩu nông sản Hà Nội nói riêng, tạo giá trị gia tăng cho ngành và nông dân nói chung.
Với quy hoạch về nông nghiệp và những chính sách cởi mở riêng, Hà Nội phải xoay chuyển thành trung tâm trung chuyển, chế biến nông sản. Nông nghiệp Hà Nội phải liên kết với các tỉnh, thành phố theo chuẩn mực quốc tế để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu./.
- Tỷ lệ chọi lớp 10 công lập ở Hà Nội cao nhất 1/3,1 | Hà Nội tin mỗi chiều
- Bãi giữa sông Hồng sẽ thành công viên văn hóa | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội mở rộng gấp đôi đường Láng, giải bài toán ùn tắc Ngã Tư Sở | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội mở rộng thí điểm vé điện tử cho xe buýt | Hà Nội tin mỗi chiều
- Di chuyển từ Hà Nội đến Điện Biên chỉ mất 1 giờ | Hà Nội tin mỗi chiều
Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.
Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.
Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.
Khoảng 40 nghìn khách tham quan trong một ngày - gần bằng những ngày đông khách nhất tại Bảo tàng Louvre của Pháp năm 2019, với 45.000 lượt người. Đó là con số ấn tượng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cũng là lượng khách cao kỷ lục mà một bảo tàng có thể thu hút được.
Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.
0