Phát triển 23 cụm công nghiệp làng nghề trong năm 2024 | Hà Nội tin mỗi chiều

Phát triển 23 cụm công nghiệp làng nghề trong năm 2024; Từ ngày 1/3, chặn máy điện thoại di động 2G không hợp chuẩn... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Phát triển 23 cụm công nghiệp làng nghề trong năm 2024

Ngày 1/3, UBND huyện Chương Mỹ phối hợp Tập đoàn Phú Mỹ khởi công dự án Cụm công nghiệp Đông Phú Yên tại xã Trường Yên. Cụm công nghiệp Đông Phú Yên nằm trên địa bàn 3 xã Trường Yên, Đông Phương Yên, Phú Nghĩa của huyện Chương Mỹ với diện tích 41,2ha. Cụm công nghiệp được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân các xã Phú Nghĩa, Đông Phương Yên, Trường Yên và khu vực lân cận. Cùng với dự án Cụm công nghiệp Đông Phú Yên tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ vừa được khởi công, cuối tháng 12/2023 vừa qua, Ủy ban nhân dân huyện Ðan Phượng cũng đã khởi công xây dựng Cụm công nghiệp Song Phượng, với quy mô gần 6,7 ha, kinh phí hơn 237 tỷ đồng.

Cụm công nghiệp nằm ở vị trí thuận lợi giao thương hàng hóa, kết nối và phát triển kinh tế với trung tâm Hà Nội, các quận, huyện.

Trước đó, đầu tháng 9/2023, bốn cụm công nghiệp, với tổng số vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng đã được xây dựng mới tại huyện Ðông Anh, gồm Cụm công nghiệp Thiết Bình (xã Vân Hà), Cụm công nghiệp Liên Hà 2 (xã Liên Hà), Cụm công nghiệp Dục Tú (xã Dục Tú) và Cụm công nghiệp Thụy Lâm (xã Thụy Lâm), nhằm thu hút các doanh nghiệp sản xuất, nhất là doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thế mạnh của địa phương, như chế biến gỗ, mộc dân dụng, chạm khắc mỹ nghệ, sơn mài... vào hoạt động. Bốn cụm công nghiệp đều được xây dựng theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến.

Hiếm có một địa phương nào ở nước ta có số lượng làng nghề truyền thống nhiều như Hà Nội, với 1.350 làng nghề, trong đó có 321 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Những làng nghề đã tạo nhiều việc làm và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở sản xuất tại các làng nghề vẫn tập trung trong khu dân cư đông đúc, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nhiều cơ sở sản xuất có nhu cầu mở rộng mặt bằng, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhưng thiếu quỹ đất.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2024. Thành phố sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, thu hút các chủ đầu tư hoàn thiện kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động và khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 23 cụm công nghiệp. Thành phố yêu cầu các cụm công nghiệp xây dựng mới và cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động phải có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.

Từ ngày 1/3, chặn máy điện thoại di động 2G không hợp chuẩn

Ngày 23/2, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra thông báo yêu cầu kể từ ngày 1/3/2024, doanh nghiệp di động không cho phép nhập mạng mới các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (2G Only) không thuộc danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố. Hiện tại, danh sách này bao gồm hơn 4.000 thiết bị di động 2G. Trong đó, phần lớn các mẫu máy đều là thiết bị đời cũ, được sản xuất từ lâu. Trên thực tế, các mẫu điện thoại 2G only đã bị cấm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam từ tháng 7/2021. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm truyền thông rộng rãi việc triển khai giải pháp kiểm soát, ngăn chặn kết nối vào mạng viễn thông di động này tới khách hàng của mình; công bố các thông tin đầu mối giải quyết khiếu nại của khách hàng.

Thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu rõ, người dân có thắc mắc và khiếu nại về máy điện thoại 2G không được kết nối mạng cần gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để được hỗ trợ, hướng dẫn. Đây được coi là động thái mới nhất hiện thực hóa các chủ trương, định hướng dừng công nghệ di động 2G, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số đã được ban hành trong thời gian qua.

2G là tên viết tắt của công nghệ mạng di động viễn thông thế hệ thứ hai.

Mạng 2G được triển khai vào năm 1991. Tại Việt Nam, mạng 2G chính thức được triển khai từ năm 1993, tại thời điểm mà 95 - 97% mạng viễn thông thế giới vẫn là analog và các hãng vẫn tiếp tục sản xuất các thiết bị này. Việc đi tắt đón đầu đã tạo ra không ít khó khăn đối với ngành bưu chính viễn thông Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cũng chính nhờ lựa chọn này, cùng với quyết tâm khắc phục, vượt qua khó khăn của Chính phủ và các doanh nghiệp đã tạo ra những bước nhảy vọt đối với sự phát triển của ngành viễn thông Việt, từng bước đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân dùng mạng di động lớn nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, cùng với những yêu cầu của thời đại, quá trình hội nhập kinh tế thế giới, việc sử dụng những thiết bị 2G đời cũ đã không còn có thể đáp ứng được yêu cầu mỗi người dân trở thành những "công dân số" trong thời đại số hóa toàn cầu hiện nay. Theo nhiều nghiên cứu từ các công ty, nhà mạng trên thế giới, mạng 2G có thủ tục đăng nhập và kết nối đơn giản nên đã được xem là lỗi thời và chứa nhiều lỗ hổng, vì vậy tội phạm mạng có thể lợi dụng để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn giả mạo. Bên cạnh đó, về mặt phát triển công nghệ mạng, việc duy trì sóng 2G đang chiếm chỗ băng tần vốn có thể được sử dụng cho việc phát triển sóng mạng 5G, 6G… Vì vậy, yêu cầu tắt sóng mạng 2G ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết để đảm bảo quyền lợi cho cả người dân lẫn doanh nghiệp, tối ưu hạ tầng mạng lưới và tối ưu chi phí cũng được đặt ra, đáp ứng với yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia, đưa người dân bước lên môi trường số.

Theo kế hoạch, đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên cả nước, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Điều này khiến khoảng 15 triệu người đang dùng điện thoại đời cũ sẽ phải chuyển sang dùng điện thoại thông minh. Các cơ quan chức năng cùng nhà mạng đã chuẩn bị lộ trình tắt sóng với các phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu. Các nhà mạng ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch tắt sóng 2G theo chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như chuẩn bị sẵn các kịch bản cụ thể để hỗ trợ cho các khách hàng đang còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ mới như người cao tuổi, cư dân khu vực nông thôn, hải đảo./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bãi giữa sông Hồng sẽ thành công viên văn hóa; Bộ phận một cửa các cấp ở Hà Nội triển khai không dùng tiền mặt từ 1/6; Điểm mới trong công tác đăng ký và quản lý phương tiện xe ở Hà Nội… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Kinh doanh qua mạng hết thời trốn thuế; Con người là trung tâm để phát triển đồng bằng sông Hồng; Người điều khiển xe máy chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất trong tai nạn giao thông... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội dự kiến dành hơn 17 nghìn tỷ đồng để mở rộng gấp đôi đường Láng, giải bài toán ùn tắc Ngã Tư Sở; Hà Nội sẽ có bản đồ số về ngập lụt để cảnh báo cho người dân; Hơn 2.000 viên thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ giảm cân bị làm giả một cách tinh vi vừa bị lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội phát hiện thu giữ… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Lần đầu tiên Việt Nam ghép tạng thành công cho bệnh nhân suy gan tối cấp, sự sống tính bằng giờ; Mỗi năm Việt Nam cần hàng nghìn tỷ đồng để điều trị cho tất cả các bệnh nhân Thalassemia; Giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt 15 tỷ đồng của người phụ nữ Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội có 38 tuyến xe buýt đã thí điểm hệ thống vé điện tử; Lo ngại thiếu nước, Hà Nội tăng khai thác nước ngầm; Học sinh vi phạm ATGT sẽ bị gửi thông báo về nhà trường... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Điện Biên Phủ - trung tâm du lịch mới của vùng Tây Bắc đang thu hút lượng lớn du khách; Cục Hàng không lập đoàn kiểm tra đột xuất việc kê khai, niêm yết giá vé máy bay; Liên tiếp bắt giữ các vụ thực phẩm bẩn tại Hà Nội... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.